Sunday 14 May 2023

SÀI GÒN và TÍNH CÁCH NGƯỜI VIỆT (Minh Anh / Người Đô Thị)

 



Sài Gòn và tính cách người Việt   

Minh Anh / Người Đô Thị

21:35 | Thứ năm, 11/05/2023

https://nguoidothi.net.vn/sai-gon-va-tinh-cach-nguoi-viet-39455.html

 

Thông qua tác phẩm biên khảo lịch sử "Lược sử Sài Gòn", nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã mang đến những kiến giải thú vị, mới mẻ về vùng đất này...

 

Liệu cư dân trên địa bàn Sài Gòn – Gia Định trước khi người Việt đến khẩn hoang lập ấp gồm có những ai? Họ đã hợp tác thế nào với các thổ dân, và bằng cách nào mà sống cho có trật tự đương lúc chính quyền Chúa Nguyễn vẫn chưa quan tâm? Thông qua tác phẩm biên khảo lịch sử Lược sử Sài Gòn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu mang đến những kiến giải thú vị, mới mẻ về vùng đất này.

 

Phân chia tác phẩm làm ba giai đoạn, cuốn sách điểm qua ba dấu mốc chính: Sài Gòn trước năm 1698, Sài Gòn trong thời Chúa Nguyễn tranh chấp với quân Tây Sơn (1698 – 1801) và cuối cùng là Sài Gòn dưới thời triều Nguyễn trước khi quân Pháp tiến hành xâm lược (từ 1801 – 1859). Bằng những thông tin dựa trên tư liệu khảo cổ học, sử học và dân tộc học mới được bổ túc hoặc đánh giá lại; cũng như những phát hiện mới về văn bản cổ sử, bia ký và các khảo cổ di chỉ… thì nhiều phát kiến mới đã được lộ ra.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/2c0d0995-75ef-4666-b8fd-843e6489caa2.jpg

Nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử Nguyễn Đình Đầu. Ảnh: KKD/Người Đô Thị

 

 

                                Sài Gòn trước năm 1698

 

Nói về giai đoạn thuở ban đầu này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu dùng từ “xứ Sài Gòn” kèm theo dụng ý nhằm chỉ địa bàn không hề cố định, mà luôn "vận động", liên tục thay đổi, khi rộng khi hẹp theo nhiều yếu tố. Ông khẳng định rằng giai đoạn sơ sử của “xứ Sài Gòn” có lẽ nên tính từ thế kỷ I, khi hình thành nước Phù Nam, đến thế kỷ XVII, lúc lưu dân Việt tới khẩn hoang lập ấp.

 

Ở giai đoạn này, người Xtiêng cũng như người Mạ có nhiều bằng chứng đã được khẳng định là cư dân chính của Sài Gòn xưa. Trong khi người Xtiêng ở phía Tây (Tây Ninh – Bình Dương), thì người Mạ chủ yếu là ở phía Đông (Bình Phước – Đồng Nai). Họ đều có dân số ít, kỹ thuật sản xuất thô sơ, trình độ tổ chức xã hội còn chưa hoàn chỉnh… nhưng đã tồn tại một cách lâu dài.

 

Có được điều này là vì có nhiều hạn chế trong kết cấu xã hội, nên họ vẫn luôn tồn tại một cách cân bằng, không bị tan vỡ cũng như không tiến lên thêm trong dòng vận động. Bên trong thì vẫn giữ được vị thế quân bình, trong khi bên ngoài vương quốc Cao Miên còn bận khai khẩn vùng đất màu mỡ xung quanh Biển Hồ, nên chưa có ý định gì với vùng đất này. Vì vậy từ những ngày đầu đó, vào cuối thế kỷ thứ XVII hoặc thậm chí là thế kỷ XVI, thì người Việt bắt đầu đến đây lập ấp, khai hoang.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/c6b79ba1-3d77-4f78-9e69-224010811e03.jpg

Nhà cửa ven sông Sài Gòn giáp rạch Bến Nghé, trích tranh vẽ trên báo Pháp Le Monde Illustration 4.1859 (ảnh Phúc Tiến sưu tầm).

 

Lúc này Sài Gòn toàn là rừng rậm đến mấy nghìn dặm, các dân tộc riêng vẫn sống tự trị. Ở thủa ban đầu do chưa phân biệt được các nhóm sắc tộc nên người Việt lưu dân vẫn gọi các dân tộc xưa là người Man (hay gọi nôm là “mọi”). Với việc thạo trồng lúa nước từ buổi nghìn xưa, gặp được nhiều ruộng ngập nước còn bị bỏ hoang chưa ai canh tác, nên đây chính là điều kiện lý tưởng để họ sinh sống, từ đó nhanh chóng giao lưu vận tải lương thực với các nước Chân Lạp, Xiêm La.

 

Và từ những cánh rừng hoang, với sự phát triển của ngành nông nghiệp lúa nước, Sài Gòn nhanh chóng trở thành trung tâm quần cư sầm uất với nhiều bến sông, phố chợ… từ đó vươn lên thành một trung tâm hành chính cho toàn miền Nam. Thấy được điều đó, Chúa Nguyễn đã cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, cũng như đặt thêm phó vương để tỏ uy quyền đối với Xiêm La. Dấu mốc này sẽ mở ra một chương đoạn mới cho lịch sử Sài Gòn.

 

 

                              Sài Gòn kể từ thế kỷ 18

 

Trong thời chúa Nguyễn và Tây Sơn, Sài Gòn đã vươn mình dậy trở thành trung tâm hành chính quan trọng, mà có thể nói là “ai chiếm được Sài Gòn thì sẽ làm chủ hết cả miền Nam”. Có sự điều động đến từ Chúa Nguyễn, khi Nguyễn Hữu Cảnh vào vùng đất này, thì ông đã quy định lại khai khẩn ruộng đất, khép vào luật pháp, có sổ bộ, đóng thuế, đất đai có ranh giới rõ ràng… chứ không thả nổi như là trước đây.

 

Điều này cũng đã phản bác lại các ý kiến của nhiều sử gia khi cho rằng lưu dân người Việt chỉ mới có mặt khi Nguyễn Hữu Cảnh đem 4 vạn hộ theo cùng với mình vào Nam tiến hành khai hoang và rồi ở lại, thế nhưng thực chất là trước đó Sài Gòn đã có số dân đông đúc, chính nhờ vào việc trở thành thị trường lúa gạo quốc tế, khá sớm, khá lớn và rất tấp nập.

 

Từ ngành lúa gạo mà nó cũng đã kéo theo rất nhiều biến chuyển về mặt kinh tế cũng như xã hội quan trọng khác. Khi Nguyễn Cửu Đàm xây dựng Lũy Bán Bích khép kín Sài Gòn với ba mặt sông, thu hết phố, chợ và cả chính quyền vào một khu vực… thì nơi chốn ấy đã là một thể chế thống nhất về địa lý, kinh tế, xã hội và quốc phòng, cũng như lần đầu xuất hiện khái niệm nội đô – ngoại đô, thành thị - nông thôn…

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/dbb0e8ec-d5e6-4f91-a717-e1e87b520170.jpg

Bán Bích cổ lũy trên bản đồ Gia Định 1815 do Trần Văn Học vẽ (dưới Tổng Dương Hòa Thượng). Ảnh tư liệu/Vnexpress

 

Tuy vậy đưa vào phân tranh Trịnh – Nguyễn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cũng cho rằng “phong trào nông dân nổi dậy” thường được áp cho khởi nghĩa Tây Sơn là “không đúng lắm” với lưu dân Sài Gòn – Gia Định. Bởi lẽ dù cho đứng ở phe nào thì Nguyễn Lữ trong giai đoạn này cũng không thi hành cải cách nào cả, nên lưu dân Sài Gòn và cả miền Nam khi ấy cũng chưa có điều kiện để coi Tây Sơn như một lực lượng đến giải thoát mình. “Bàn cân” Nguyễn Lữ - Nguyễn Ánh nói theo cách khác cũng khá phức tạp, thậm chí còn nghiêng về phe Nguyễn Ánh khi ông là dòng họ Nguyễn cựu Chúa, ít nhiều có ân “mưa móc” với vùng đất này.

 

Như vậy đến cuối thế kỷ 18, Sài Gòn đã là một đại đô hội nhộn nhịp với tàu ghe, đường biển thuận lợi. Nó cũng là một trung tâm thương mại không đâu sánh bằng cả trước và sau chiến tranh, với những hàng hóa cực kỳ quan trọng như gạo, đường cát, thổ sản, trầu cau… Ngoài những “trái ngọt” từ văn minh lúa nước, nó cũng là một trung tâm công nghiệp quan trọng khi biết tiếp thu kỹ thuật phương Tây và tự thực hành. Cạnh đó nó cũng là một trung tâm văn hóa quan trọng, với nhiều trường tư thục và các cá nhân hiếu học, sáng tạo.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/16338f20-7e99-4498-a60a-8da0ace730f9.jpg

Dãy phố Tàu Khậu ở Chợ Lớn, khoảng 1866. Ảnh của Emille Gsell

 

Đến khi bước vào giai đoạn triều Nguyễn trước khi bị thực dân Pháp đô hộ (1801 – 1859),  tuy không còn địa vị kinh đô như Hà Nội “ngàn năm văn vật”, thế nhưng Sài Gòn vẫn là “thủ phủ” của cả một miền với vị trí địa lý - kinh tế đặc biệt và có chức năng trọng yếu chi phối toàn cõi rộng lớn, dù sẽ gặp phải nhiều sự hạn chế trong chính sách “trọng nông ức thương” lỗi thời, thiếu cởi mở, cũng như không còn sức đẩy từ “đòn bẩy chiến tranh”.

 

Dù vậy, như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu khẳng định, có thể thấy rằng sự phát triển nhanh chóng và liên tục của Sài Gòn như một thành phố tự nó có sức sống mãnh liệt, một phần bắt nguồn chính từ nhân tố con người năng nổ, cần cù, vượt qua được sự tàn phá của nội chiến kéo dài, trên nền địa lý thiên nhiên thuận lợi.

 

 

Tính cách người Việt

 

Như một nhận định trong tác phẩm này, “văn hóa Sài Gòn chính là văn hóa Việt Nam cộng với một số đặc thù sản sinh từ những điều kiện sử địa cụ thể của địa phương trong thời gian lịch sử nhất định”, do đó điều khiến Sài Gòn tự mình phát triển cũng chính là những phẩm chất của người Việt Nam tồn tại nghìn đời.

 

Theo đó nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho rằng, dường như là từ buổi đầu lúc mới gặp nhau, thì lưu dân Việt cùng người Xtiêng, người Mạ… đã có những sự phân công sao cho hòa hợp. Trong khi người Việt làm các ruộng sâu nhiều cỏ (thảo điền), thì người dân tộc lại chủ yếu làm ruộng cao trên gò hay giồng (sơn điền). Và việc người Xtiêng dần dần tiến về phía Bắc, nơi những đồng tộc cư trú từ lâu, cũng là kết quả của sự không thể theo kịp được nhịp sản xuất, chứ không có sự tác động của việc chiếm hữu hoặc là tranh đấu.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/ad023322-93b6-4c47-8154-b6bbb6674abb.jpg

Bìa sách Lược sử Sài Gòn. Ảnh: NXB Trẻ

 

Lưu dân Việt Nam cũng đã xuất hiện ở Đồng bằng sông Đồng Nai và sông Cửu Long từ cuối thời Mạc (thế kỷ XVI-XVII). Tuy là lập làng ở vùng Nam Vang và Ayuthia – kinh đô Xiêm La lúc đó, thế nhưng lưu dân tha phương dù cho ở đâu thì cũng vẫn giữ tình cảm máu mủ đồng bào, quần tụ tương trợ lẫn nhau, đồng thời cư xử hòa hợp với dân chúng địa phương; từ đó được lòng chính quyền tại chỗ. Theo sử sách ghi lại, họ còn có lúc trở thành hải quân theo vua Xiêm ra trận, thậm chí là ở Chân Lạp thì các chiến thuyền đều do thợ thủ công Việt Nam đóng.

 

Họ cũng cư xử hòa hiệp với các nhóm ngoại kiều khác, như với nhóm người Pháp ở Ayuthia hay nhóm Minh Hương tị nạn sau này (giai đoạn 1623-1698). Theo đó các nhóm Quảng Đông – Quảng Tây vì không cam lòng làm “tôi” nhà Thanh nên được chúa Nguyễn cho phép làm ăn cũng như sinh sống ở quanh Sài Gòn. Từ đó họ đã hòa mình, cùng nhau khai hoang, lập ra các phố mang tính thương mại, buôn bán, vì đó chính là thế mạnh của họ.

 

Vì vậy ý kiến về việc “người Hoa có công khai hoang miền Nam trước rồi người Việt đến lập phủ huyện sau” là hoàn toàn không đúng sự thật. Người Việt đã có từ trước, sau này người Hoa đứng dưới chính sách đồng hóa hợp lý, cũng đã có nhiều thế hệ hoàn toàn thuần Việt. Tuy vậy sau này chính sách “chia để trị” của thực dân Pháp đảo lộn tất cả, khiến người Hoa nhập cư sau 1860 đã có một vị thế khác so với ban đầu.

 

Vào thời bùng nổ của đô thị Sài Gòn, thì những lưu dân cũng là những người quả cảm, tiên phong, dám nghĩ dám làm. Họ luôn tìm tòi học hỏi, cũng như không thành kiến với cái mới lạ, từ đó tiếp thu kỹ thuật phương tây và có chỉnh sửa sao cho phù hợp... Kết hợp với những cá nhân thật sự xuất chúng như Nguyễn Cửu Đàm, Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản… Thì đây cũng là nguyên nhân chính để tự Sài Gòn có sức sống riêng, luôn luôn vận động sau bao dâu bể.

 

Từ đó có thể thấy rằng Lược sử Sài Gòn từ thế kỷ XVII đến khi Pháp xâm chiếm (1859) là một cuốn sách đầy ắp thông tin, với những tổng hợp, phân tích và những phát kiến vô cùng mới lạ, cũng như đã được lý giải một cách chặt chẽ. Cùng với những tác phẩm khác viết về sử - địa nước nhà, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã họa lại một lịch sử vô cùng sống động của đất Sài Gòn – Gia Định từ những buổi đầu cho đến khi bị xâm chiếm, từ đó mang đến những góc nhìn mới trong dòng lịch sử.

 

Minh Anh






No comments:

Post a Comment

View My Stats