Friday 21 April 2023

PHƯƠNG TÂY CẦN PHỐI HỢP VỚI "NAM BÁN CẦU" XÂY DỰNG "TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI" (Trọng Thành / RFI)

 



Phương Tây cần phối hợp với “Nam Bán Cầu” xây dựng ‘‘trật tự thế giới mới’’

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 21/04/2023 - 16:46

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230421-phuong-tay-can-phoi-hop-voi-nam-ban-cau

 

Phương Tây dường như đang ở thế phòng ngự trong bối cảnh Nga không từ bỏ cuộc xâm lăng Ukraina bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế, và Trung Quốc đứng về phía Nga, cổ vũ cho một ‘‘trật tự thế giới mới’’, chống lại trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo. Đông đảo các nước đang phát triển, tuy lên án xâm lăng, nhưng không tham gia vào các nỗ lực chống Nga xâm lược.

 

https://s.rfi.fr/media/display/811ed08a-e04e-11ed-b25b-005056a90321/w:980/p:16x9/Global_North_and_Global_South.svg.webp

Một quan niệm về hai khối nước ''Nam Bán Cầu'' (màu đỏ) và ''Bắc Bán Cầu'' (màu xanh). Theo một quan điểm khác, khối Nam Bán Cầu không bao gồm Trung Quốc. © wikipedia

 

Thế giới có đang đi đến ‘‘một trật tự mới’’ hay không ? ‘‘Trật tự thế giới mới’’ sẽ là trật tự như thế nào ? Phương Tây có vai trò gì trong một trật tự thế giới mới như vậy ? Tuần báo L’Express trung tuần tháng 3 vừa qua có bài phỏng vấn đáng chú ý với cựu đại sứ Pháp, chuyên gia về chính trị quốc tế Michel Duclos, về chủ đề này (*). RFI lược thuật.

 

                                                             ***

 

Khối ‘‘Dân chủ tự do’’: Từ ‘‘toàn thắng’’ đến suy yếu

 

Trật tự thế giới hiện hành do phương Tây ‘‘thống trị’’ kể từ thập niên 1990, sau khi khối Liên Xô bị giải thể. Vào thời điểm đó, học giả Mỹ Francis Fukuyama đã dự báo nền ‘‘dân chủ tự do’’ phương Tây sẽ toàn thắng, với quan điểm được tóm gọn trong diễn đạt nổi tiếng của ông ‘‘Lịch sử đã kết thúc’’. Quan điểm được đưa ra năm 1989, năm sụp đổ của ‘‘bức tường’’ Berlin, biểu tượng cho sự chia cắt Đông/Tây, chia cắt châu Âu. Biểu tượng của sự tự giải thể của khối cộng sản do Liên Xô chỉ huy.

 

Nhà ngoại giao, chuyên gia chính trị quốc tế Michel Duclos kể lại giai đoạn đầu khi ông đảm nhiệm ghế phó đại diện thường trực của Pháp tại Liên Hiệp Quốc, ở New York, từ 2002 đến 2006. Theo ông, vào thời điểm đó, ‘‘các ý tưởng của phương Tây đã từng là chất men kết nối tự nhiên rất nhiều quốc gia trên thế giới – không phải nhờ vào các thủ đoạn lôi kéo - như một số người cáo buộc, mà đơn giản là bởi vì phương Tây đã chứng minh được tính ưu việt, khi chiến thắng Liên Xô’’.

 

‘‘Ba bước ngoặt’’ khiến phương Tây suy yếu

 

Tuy nhiên, giai đoạn thắng thế tuyệt đối này, ưu thế gần như tuyệt đối của khối các nước phương Tây đối với khối ‘‘các nước đang phát triển’’, mà nhiều người gọi là ‘‘các nước Nam Bán Cầu’’ (Global South), đã kéo dài không lâu. Theo Michel Duclos, nói về nguồn cơn của sự rạn nứt dưới phương Tây và ‘‘các nước Nam Bán Cầu’’, cần chú ý đến ‘‘ba bước ngoặt’’ diễn ra vào thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Bước ngoặt thứ nhất là cuộc tấn công Irak của Mỹ năm 2003, sự cất cánh của nền kinh tế Trung Quốc, và cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính năm 2008, xuất phát từ Hoa Kỳ. Nhà chính trị học Michel Duclos nhấn mạnh : đây chính là ‘‘ba hiện tượng làm đảo ngược lại xu thế (phương Tây thắng thế) của thập niên cuối cùng của thế kỷ 20’’.

 

Theo tác giả, cuộc xâm lăng Irak của Mỹ là bước ngoặt quan trọng đầu tiên, chấm dứt xu thế thượng phong của phương Tây, ‘‘kích hoạt’’ trở lại tâm lý chống Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới. Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2008 làm suy giảm uy tín của phương Tây. Sự cất cánh của nền kinh tế Trung Quốc đã đập tan tín điều về ‘‘Lịch sử đã kết thúc’’ với sự toàn thắng của phương Tây, mà học giả Mỹ Francis Fukuyama là người đại diện.

 

Khối BRICS : Nỗ lực chống phương Tây của Nga

 

Bên cạnh ba hiện tượng mang ‘‘tính bước ngoặt’’ nói trên, chuyên gia Michel Duclos cũng nhấn mạnh đến các nỗ lực đối đầu với phương Tây của chế độ Putin, khởi động ngay từ giữa thập niên đầu của thế kỷ 21. Một xu thế, mà theo Michel Duclos, đã bị phương Tây ‘‘đánh giá thấp’’. Tổng thống Nga đã chọn đối đầu có hệ thống với phương Tây để hướng đến một thế giới ‘‘tái phân cực’’.

 

Ngay từ năm 2006, Nga đã tổ chức cuộc họp cấp ngoại trưởng đầu tiên của BRICS, bao gồm 5 quốc gia trỗi dậy (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi). Và kể từ năm 2008, các nước BRICS họp thường niên ở cấp thượng đỉnh. Theo Michel Duclos, điện Kremlin ‘‘đã thành công trong việc biến BRICS thành một công cụ ‘đánh bóng hình ảnh’ của nước Nga’’.

 

Thượng đỉnh BRICS năm 2014 là thượng đỉnh quốc tế đầu tiên mà tổng thống Nga tham gia sau khi Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina (hành động bị cộng đồng quốc tế lên án, với một nghị quyết của Đại Hội Đồng với 100 phiếu thuận, và 11 phiếu chống). Các can thiệp của Nga tại Syria, hay bán đảo Crimée, cũng như tại Gruzia năm 2008, càng khiến Putin có thêm ảnh hưởng tại châu Phi, điều đã rất ít được chú ý.

 

Chiến tranh Ukraina: Trật tự cũ ‘‘không thể vãn hồi’’

 

Trong lúc trật tự thế giới được xác lập từ khi Bức tường Berlin sụp đổ chưa cáo chung, theo tác giả, hiện tại một cục diện thế giới mới đang hình thành, với một thế giới gồm hai khối rõ rệt. Thứ nhất là ‘‘trục phương Tây mới’’ (gồm Mỹ - Âu và các đồng minh châu Á, như Nhật Bản, Úc). Thứ hai là ‘‘trục phương Đông mới’’ (gồm Nga và Trung Quốc). Và thứ ba là khối nước thường được gọi là Nam Bán Cầu.

 

Chiến tranh Ukraina là một cái mốc cho thấy trật tự thế giới nói trên đang dần dần đi vào dĩ vãng, ‘‘không thể vãn hồi’’. Đây là lý do phải ‘‘bắt buộc hướng đến một trật tự thế giới mới’’, theo Michel Duclos. Trong hiện tại, các nước ‘‘Nam Bán Cầu’’ nhìn chung, một mặt phản đối cuộc xâm lăng của Nga, nhưng từ chối tham gia vào các nỗ lực của phương Tây trừng phạt Nga. Thái độ của các nước Nam Bán Cầu có ý nghĩa rất lớn, và là ẩn số đối với triển vọng của xung đột, tương lai của nhân loại.

 

Nam Bán Cầu - Ẩn số chủ yếu với ‘‘trật tự thế giới mới’’  

 

Để nhận diện sát về cục diện thế giới mới đang hình thành hiện nay, chuyên gia Michel Duclos nhấn mạnh trọng lượng rất lớn của các nước Nam Bán Cầu trong thế giới đương đại, và trọng lượng này dự kiến sẽ ngày càng gia tăng. Để làm rõ được tương quan lực lượng này, Michel Duclos lưu ý đến sự khác biệt rất lớn giữa khối các nước Nam Bán Cầu hiện nay với khối ‘‘các nước Không Liên Kết’’ hình thành từ những năm 50 của thế kỷ trước, mà nhiều lãnh đạo Nam Bán Cầu hiện nay thường tự coi là người kế tục.

 

Khác biệt đó là nhiều quốc gia Không Liên Kết trước kia giờ đây đã trở thành những cường quốc bậc trung, trong số đó phải kể đến Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, hay Ả Rập Xê Út, hoặc Iran... Nếu như ‘‘các nước Không Liên Kết’’ đã không có mấy tác động đến thế đối đầu phương Tây và Liên Xô trước đây, thì giờ đây ảnh hưởng của nhiều quốc gia Nam Bán Cầu là đáng kể. Thực tế cho thấy, nhiều nước đã tham gia chi phí cho nỗ lực chiến tranh của Matxcơva, với việc mua dầu Nga chẳng hạn, hay Ả Rập Xê Út mang lại lợi thế cho Nga khi quyết định giảm sản lượng dầu mỏ. Nhìn chung, theo Michel Duclos, chính sách của đa số các nước Nam Bán Cầu là ‘‘không muốn chọn bên’’, để ‘‘được hưởng lợi từ cả hai bên’’.

 

‘‘Thái độ hoài nghi với phương Tây’’ gia tăng: Hiểm họa lớn

 

Đâu là những hiểm họa trong một thế giới như vậy ? Theo tác giả, việc để cho ‘‘thái độ hoài nghi với phương Tây’’ gia tăng tại các nước Nam Bán Cầu là điều đáng sợ hàng đầu, bởi bản thân một bộ phận lớn các nước trong nhóm này vốn đã chia sẻ một thái độ như vậy (ethos commun). Điều nghịch lý là, một thái độ hoài nghi như vậy đã gia tăng trong khoảng mười lăm năm trở lại đây, trong lúc chính quá trình toàn cầu hóa, do phương Tây thúc đẩy, đã khiến nhiều quốc gia Nam Bán Cầu được hưởng lợi nhiều. Việc các nước Nam Bán Cầu ngả theo trục độc tài khiến ‘‘trật tự thế giới mới’’ sẽ rất khác với hiện nay.

 

Về nguyên nhân của thái độ hoài nghi đáng sợ với phương Tây ở Nam Bán Cầu, Michel Duclos nhấn mạnh đến cách hành xử cơ hội, ‘‘vô nguyên tắc’’, của nhiều nước phương Tây, đặc biệt là cuộc can thiệp quân sự của Mỹ tại Irak. Hóa giải được những gì gây mất niềm tin sâu sắc như vậy là ‘‘một thách thức lớn’’ với phương Tây.

 

Phương Tây có thể làm gì cho ‘‘trật tự thế giới mới’’ ?

 

Cựu đại sứ Michel Duclos là người chủ biên hai cuốn sách về chính trị quốc tế, xuất bản gần đây. Bên cạnh cuốn sách vừa mới ra mắt, nói về xu thế ''phi phương Tây hóa'' (désoccidentalisation du monde), chiến tranh Ukraina và viễn cảnh một trật tự thế giới mới (1), cuốn sách xuất bản trước mang tựa đề ‘‘Le Monde des nouveaux autoritaires’’ (''Thế giới của các nhà độc tài mới'') (xuất bản 2019), nhấn mạnh đến sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai mô hình, dân chủ tự do và độc tài. Một phần căn bản của trật tự thế giới mới sẽ được quyết định bởi cuộc cạnh tranh này, trong đó thái độ của các nước Nam Bán Cầu có vai trò rất lớn đối với xu thế thắng thế hay suy yếu của hai bên.

 

Trong cuốn ‘‘Thế giới của các nhà độc tài mới’’, tác giả đưa ra dự báo ‘‘cái mốc năm 2025’’ là một thời điểm có ý nghĩa bước ngoặt, cần rất được chú ý. Theo Michel Duclos, khối các nước dân chủ tự do đang lâm vào khủng hoảng, khủng hoảng vẫn tiếp tục kéo dài trong hiện tại. Tuy nhiên, khủng hoảng có ý nghĩa sinh tồn với riêng khối các nước dân chủ tự do được coi là ‘‘đã ở phía sau’’. Phương Tây đã siết chặt đoàn kết trước cuộc xâm lăng Ukraina của Nga. Nếu như tương quan thế lực của các nước thuộc ‘‘trục phương Tây’’ có suy giảm, thì khối này vẫn giữ được ‘‘khả năng hấp dẫn, năng lượng, những cách tân to lớn’’. Khó có thể nói đến sự suy tàn của phương Tây. Và cho dù có một ‘‘làn sóng ngầm’’ chống phương Tây mạnh mẽ, thì ‘‘động lực chủ đạo làm nên thế giới phương Tây’’ (‘‘matrice occidentale’’) vẫn tiếp tục là sức mạnh dẫn dắt con người tại nhiều nơi ngoài phương Tây, kể cả tại Trung Quốc hay Iran.

 

Dân chủ, độc tài cạnh tranh và cái mốc 2025

 

Ngược lại, theo Michel Duclos, mô hình độc tài hiện cũng đang lâm vào khủng hoảng. Cụ thể như những gì diễn ra tại Iran, khi chế độ Hồi Giáo bị chống đối quyết liệt từ bên trong. ‘‘Khía cạnh điên rồ trong những quyết định của Putin’’ trong cuộc chiến chống Ukraina cũng là một biểu hiện của khủng hoảng, cũng như các chính sách của Bắc Kinh đối với Covid, bị phản ứng dữ dội tại Trung Quốc. Tình trạng tăng trưởng chững lại cũng là một vấn đề lớn khác của Trung Quốc.

 

Chuyên gia Michel Duclos lưu ý đến cái mốc 2025 như một thời điểm cho thấy phương Tây có thể bắt đầu lấy lại thế thượng phong nhất định trong tương quan lực lượng với trục Nga – Trung. Tuy nhiên, một thế thượng phong như vậy không có ý nghĩa quyết định trong thế giới đầu thế kỷ 21, khi khối các nước Nam Bán Cầu có vị thế lớn hơn trước bội phần.

 

Phương Tây cần đề xuất với Nam Bán Cầu một ‘‘hợp đồng mới’’

 

Mấu chốt của vấn đề, theo Michel Duclos, là khối phương Tây phải chủ động đề xuất được với các nước Nam Bán Cầu một hệ thống mục tiêu chung mới mà hai bên có thể chấp nhận. Đây là điều vẫn còn chưa được tính đến hiện nay. Theo tác giả, trong những năm vừa qua, các nước phương Tây đã từng có nỗ lực để vượt qua thế chia rẽ Bắc / Nam, đặc biệt trong việc đạt được một thỏa thuận về Khí hậu năm 2015, có thể coi như một cây cầu quan trọng san lấp cách biệt. Tuy nhiên, theo tác giả, các nỗ lực xác lập ‘‘các mục tiêu toàn cầu’’ như khí hậu, phát triển, nhập cư, giờ đây là hoàn toàn không đủ để phương Tây và Nam Bán Cầu bắt tay được thực sự.

 

Một ‘‘trật tự thế giới mới’’, kế thừa được các nguyên tắc nền tảng của nền dân chủ tự do mà phương Tây chủ trương, đòi hỏi phải hướng đến những thay đổi triệt để hơn nhiều. Theo Michel Duclos, để làm được điều này, không tránh khỏi phải có những thay đổi sâu sắc về kiến trúc an ninh quốc tế, bao gồm cả việc ‘‘cải cách Hội Đồng Bảo An’’, điều được coi là gần như bất khả.

 

Nền dân chủ tự do phương Tây cũng phải có những sáng kiến mang tính đột phá, như kiểu ‘‘14 sáng kiến’’ của tổng thống Mỹ Wilson, từng giúp cho châu Âu phục hưng sau Đại chiến thứ nhất, và các định chế toàn cầu đầu tiên ra đời xung quanh Hội Quốc Liên, tổ chức chính trị quốc tế tầm cỡ toàn cầu đầu tiên. Vấn đề với các lãnh đạo phương Tây giờ đây không chỉ là giúp Ukraina giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga. Nếu chỉ như vậy, phương Tây sẽ không thu hút được Nam Bán Cầu. Mà, vấn đề căn bản là phải làm rõ được nhân loại ‘‘cần hướng đến một trật tự thế giới mới nào’’. Hay nói một cách khác : ‘‘Phương Tây đề xuất với các nước phía Nam một hợp đồng mới nào ?’’

 

----------

Chú thích

 

(*) Ông Michem Duclos nguyên là đại sứ tại Syria, Thụy Sĩ, phó đại diện Pháp tại Liên Hiệp Quốc. Bài phỏng vấn của L'Express với cựu đại sứ Duclos có tựa đề "Michel Duclos : "La désoccidentalisation du monde est une lame de fond" (Michel Duclos : ''Tiến trình phi phương Tây hóa thế giới là một làn sóng ngầm mãnh liệt").

 

1/ Tác phẩm thứ hai do Michel Duclos chủ biên ‘‘Guerre en Ukraine et nouvel ordre du monde’’ (‘‘Chiến tranh Ukraina và trật tự thế giới mới’’) (ấn hành đầu năm 2023 vào dịp tròn một năm chiến tranh), đã làm bật lên thực trạng xu thế hoài nghi phương Tây đang gia tăng mạnh mẽ. Chiến tranh Ukraina cho thấy rõ điều này. Cuộc chiến này rõ ràng là tàn bạo, với rất nhiều tội ác của quân Nga chống lại thường dân. Tuy nhiên, ‘‘ bên ngoài thế giới phương Tây, cuộc chiến tranh này lại chỉ được nhìn nhận như một ‘‘xung đột nội bộ của châu Âu’’, không thể cho phép làm sao nhãng khỏi nhiều vấn đề quan trọng hơn (khí hậu, an ninh lương thực, nỗ lực giải quyết nhiều khủng hoảng khác)’’. Đóng góp cho cuốn sách tập thể này là 22 tác giả, mà hơn một nửa thuộc Nam Bán Cầu, với nhiều quan điểm rất khác với lập trường thường được coi là chủ lưu ở phương Tây. Đơn cử quan điểm của học giả Malaysia Chandran Nair, ‘‘phân chia thế giới thành phe dựa trên trục dân chủ là mang tính hạn hẹp và đàn áp’’. Chủ tịch trung tâm tư vấn Global Institute for Tomorrow nhắc lại là trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm 1945 không có từ ‘‘dân chủ’’.Trích bài giới thiệu cuốn sách mới trên Le Monde.

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats