Thursday 23 February 2023

ĐẤT NƯỚC ĐANG CẦN GẤP MỘT TẦNG LỚP TRÍ THỨC CHÍNH TRỊ (Việt Hoàng)

 



Đất nước đang cần gấp một tầng lớp trí thức chính trị

Việt Hoàng

16/02/23
https://thongluan-rdp.org/component/k2/item/27813-vi-t-nam-c-n-g-p-m-t-t-ng-l-p-tri-th-c-chinh-tr

 

'Trí thức chính trị' là ai ? Theo chúng tôi thì có vài tiêu chí để nhận diện một trí thức chính trị :

- Có kiến thức về chính trị.

- Có thái độ rõ ràng trước những bất công trong xã hội.

- Có ý chí, quyết tâm và sẵn sàng trả giá vì tương lai đất nước.

 

Như vậy, 'trí thức chính trị' khác với 'trí thức khoa bảng', là những người có bằng cấp cao trong một lĩnh vực nào đó. Trí thức chính trị là một khái niệm, một thái độ. Theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì 'Trí thức phải là người phản kháng hoặc sẵn sàng phản kháng. Không thể khác, chức năng của trí thức là cải thiện và đổi mới, nghĩa là phản bác cái hiện có để cổ võ cho cái phải có hoặc nên có…' (Trí thức là một khái niệm chính trị).

 

Một giáo sư hay tiến sĩ nhưng không bao giờ lên tiếng về những vấn đề chính trị và xã hội của đất nước thì đó không phải là một trí thức chính trị. Ngược lại một người công nhân hay nông dân mà có hiểu biết và thái đội rõ ràng trên các vấn đề chính trị - xã hội thì đó là một trí thức chính trị. Trí thức chính trị không liên quan gì đến bằng cấp và tư cách trí thức chỉ đặt ra với những người có quan tâm đến chính trị và xã hội. Nếu chúng ta đồng ý với nhau như vậy thì Việt Nam có quá ít trí thức chính trị. Ngay cả trong giới những người được xem là 'trí thức dấn thân' lại chia thành hai 'trường phái'.

 

Một số người chọn cách tranh đấu theo lối nhân sĩ, tức là một mình, không tham gia và ủng hộ cho bất cứ tổ chức nào. Nếu trong một đất nước đã có dân chủ thì lối tranh đấu nhân sĩ là bình thường nhưng trong hoàn cảnh Việt Nam hiện chưa có dân chủ thì lối đấu tranh này hại nhiều hơn lợi. Thứ nhất nó làm phân tán sự chú ý của dư luận dành cho những kết hợp nghiêm túc. Thứ hai, nó khuyến khích cho những 'giải pháp cá nhân', nó làm cho người dân không ý thức được tầm quan trọng của sự kết hợp. Trí thức nhân sĩ không thể kêu gọi đoàn kết khi bản thân họ đứng một mình. Trường phái thứ hai là những người tranh đấu có tổ chức, có tư tưởng chính trị và một lộ trình tranh đấu cụ thể, như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp).

 

https://live.staticflickr.com/65535/52690733562_92b1c2e95d.jpg

Văn hóa Khổng giáo xuất phát từ Trung Quốc, muốn 'thoát Trung' thì trí thức Việt Nam phải đoạn tuyệt với thứ văn hóa nô lệ đó.

 

Sỡ dĩ Việt Nam chưa có tầng lớp trí thức chính trị vì đó là di sản lịch sử của chúng ta. Tầng lớp sĩ phu (trí thức) ngày xưa sinh ra chỉ để phục vụ vô điều kiện cho vua chúa chứ không phải để phục vụ nhân dân, càng không phải để thay đổi xã hội. Sau khi chế độ phong kiến kết thúc thì nước ta lại rơi vào chủ nghĩa cộng sản mà bản chất của nó cũng là một chế độ phong kiến có cải biên. Văn hóa Khổng giáo sinh ra các trí thức nhân sĩ, là những người không bao giờ kết hợp với ai, không phục ai và đương nhiên là không thể làm việc chung được với ai. Họ lên tiếng phê phán và chỉ trích chính quyền, đôi khi rất gay gắt nhưng họ không đưa ra được bất cứ giải pháp nào cho đất nước. Họ có thể bị chính quyền bỏ tù và rồi sau khi ra tù họ cũng không làm được gì hơn.

 

Dù rất kính trọng người anh hùng Nguyễn Thái Học nhưng đã đến lúc trí thức Việt Nam phải nói không với lối đấu tranh theo kiểu 'không thành công cũng thành nhân'. Không nên xem việc 'đi tù' như là một thành tích và như thế là 'hoàn thành trách nhiệm' với tổ quốc…

 

Dù có ghét Đảng cộng sản đến mấy thì cũng nên học cách tranh đấu của họ. Cách đây 93 năm họ đã biết thành lập tổ chức và tranh đấu trong khuôn khổ của tổ chức. Họ cũng hiểu được tầm quan trọng của 'tư tưởng chính trị' và một 'dự án chính trị'. Ngày nay ai cũng hiểu tư tưởng Mác-Lênin là sai lầm và độc hại nhưng gần một thế kỷ trước nó đã lôi kéo được sự ủng hộ của rất nhiều người, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên cả thế giới. Một lý do cũng rất quan trọng khiến Đảng cộng sản phát triển nhanh trong giai đoạn đầu là họ có… nhiều tiền, trong khi các tổ chức chính trị khác thì không. Tất nhiên là tiền đó do Liên Xô cung cấp. Nên nhớ Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập và ra đời như là một phân bộ của quốc tế cộng sản (Đệ tam Quốc tế) chứ không phải một phong trào đấu tranh cho độc lập Việt Nam (Mời xem lại bài : Đảng cộng sản Việt Nam bước vào tuổi 94, ngoan cố đến cùng ?).

 

Một lý do nữa khiến Việt Nam chưa có tầng lớp trí thức chính trị vì người Việt Nam không chịu học hỏi về chính trị. Tụt hậu về chính trị của người Việt Nam là rất nghiêm trọng. Đến giờ, nhiều trí thức vẫn xem chính trị là thủ đoạn, gian manh và nhơ bẩn… Họ không hiểu rằng 'chính trị là việc nước, là việc chung, là đạo đức ứng dụng vào xã hội'. Cũng vì thiếu kiến thức chính trị nên nhiều người không hiểu đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh có tổ chức và giữa các tổ chức với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Chính vì không hiểu nên nhiều người không ủng hộ cho bất cứ tổ chức nào và họ cũng không thấy được tầm quan trọng của tư tưởng chính trị cũng như một dự án chính trị…

 

Thực tế không phải chỉ mỗi Việt Nam là thiếu vắng tầng lớp trí thức chính trị. Ngay cả hai siêu cường là Nga và Trung Quốc cũng không có tầng lớp này. Tôn Trung Sơn và Tưởng Giới Thạch đã thất bại trước người nông dân Mao Trạch Đông và văn hóa Khổng giáo. Nước Nga đã thất bại trong việc chuyển hóa về dân chủ sau khi Liên Xô tan rã cũng vì thiếu vắng tầng lớp trí thức chính trị. Các nước Châu Phi dù được độc lập từ lâu và không bị đảng cộng sản cai trị vẫn không thể phát triển. Nhiều nước Nam Mỹ hay khu vực Châu Á cũng thế. Chính tầng lớp trí thức chính trị là nhân tố quyết định cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Kiến thức chính trị rất khó chứ không dễ như nhiều người nghĩ. Nếu dễ thì trên thế giới đã không có nước nghèo - nước giàu, nước phát triển - nước tụt hậu.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52690653042_5b3ac9dd66.jpg

Đảng cộng sản Việt Nam không phải là một tai họa từ trên trời rơi xuống, nó là một sản phẩm của văn hóa và lịch sử Việt Nam. Một dân tộc không ít thì nhiều cũng xứng đáng với số phận của nó.

 

Việt Nam nghèo khổ và tụt hậu như ngày hôm nay là có lý do. Đảng cộng sản Việt Nam không phải là một tai họa từ trên trời rơi xuống, nó là một sản phẩm của văn hóa và lịch sử Việt Nam. Một dân tộc không ít thì nhiều cũng xứng đáng với số phận của nó. Cho dù mai này không còn đảng cộng sản nữa thì cũng không có gì đảm bảo là Việt Nam sẽ phát triển và có dân chủ như nhiều người mong muốn. Tất cả phụ thuộc vào tầng lớp trí thức chính trị Việt Nam. Tầng lớp này cũng không phải tự nhiên mà có, đầu tiên phải có một 'nhà tư tưởng chính trị' khai sáng và mở đường. Đó là một người uyên bác về chính trị và đi trước thời đại, trước dân tộc mình. Nhà tư tưởng chính trị sẽ là ngọn hải đăng soi sáng, chỉ đường và khai sáng cho trí thức. Sau khi có tầng lớp trí thức chính trị rồi thì mới tính đến chuyện 'khai dân trí' cho người dân. Điều này cũng giống như trong các công ty lớn, khi muốn mở một nhà máy mới thì đầu tiên họ phải tuyển chọn và đào tạo là những người quản lý (manager) trước, sau đó mới tuyển công nhân.

 

Điều đáng mừng cho Việt Nam là chúng ta đã và đang bắt đầu hình thành một tầng lớp trí thức chính trị với hạt nhân là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Tất cả những ai thật sự quan tâm đến chính trị đều thấy rõ chúng tôi là một tổ chức có tư tưởng chính trị, có dự án chính trị và một đội ngũ nhân sự chính trị. Chúng tôi may mắn có một người lãnh đạo đồng thời cũng là một nhà tư tưởng chính trị uyên bác, đó là ông Nguyễn Gia Kiểng. Chúng tôi chưa nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và cần thiết của trí thức Việt Nam vì cách thức tranh đấu của chúng tôi khá mới và không giống với 'truyền thống dân tộc'. Chúng tôi đã đi trước đồng bào mình khá xa… Dù vậy chúng tôi tin rằng cái gì đúng thì sớm muộn cũng sẽ được đón nhận. Tập Hợp là tổ chức có nhiều trí thức chính trị nhất hiện nay và nhiều bạn trẻ Việt Nam đang nhập cuộc cùng chúng tôi. Tập Hợp là tổ chức chính trị đã thay đổi hoàn toàn văn hóa và tư duy chính trị cho người Việt. Sự thực là chúng ta đã tiến những bước rất lớn về tư tưởng chính trị trong vài thập niên qua.

 

Có một điều không biết nên vui hay buồn đó là những người đọc nhiều nhất và hiểu kỹ Tập Hợp nhất chính là… cán bộ, đảng viên Đảng cộng sản. Nhiều quan chức cấp cao phát biểu không khác gì anh em Tập Hợp, ví dụ ông Võ Văn Thưởng từng nói 'người dân có quyền làm những gì luật pháp không cấm' hay 'chúng ta không sợ đối thoại hay tranh luận… vì đó là cơ sở để hình thành chân lý'. Ngay cả công trình đường cao tốc xuyên Việt đang thi công do chính người Việt đảm nhận cũng là đề nghị của Tập Hợp. Tất nhiên chúng tôi biết Đảng cộng sản luôn nói và làm khác nhau. Nhưng dù gì thì họ đã cầm quyền hơn 70 năm nên họ cũng biết ai là ai. Họ nghiên cứu rất kỹ về Tập Hợp và Tập Hợp cũng nghiên cứu rất kỹ về họ. Đảng cộng sản tìm hiểu kỹ về Tập Hợp vì họ quan tâm đến tương lai của chính họ. Tập Hợp không xem Đảng cộng sản là kẻ thù. Tập Hợp luôn xem tất cả mọi người Việt Nam là đồng bào, là anh em dù đó là các đảng viên cộng sản hay bất cứ ai. Tập Hợp không có kẻ thù và sẽ không làm hại bất cứ ai. Tinh thần của Tập Hợp là hòa giải, bao dung và liên đới. Tập Hợp tôn trọng mọi sự khác biệt và sẽ luôn dành cho mọi người Việt Nam một chỗ đứng như nhau.

 

Tập Hợp không hy vọng gì vào sự thay đổi của Đảng cộng sản mà chúng tôi đặt niềm tin vào sự dấn thân và trưởng thành của tầng lớp trí thức chính trị Việt Nam. Đảng cộng sản sẽ phải qua đi và tương lai của Việt Nam phải là dân chủ. Đất nước đang cần gấp một tầng lớp trí thức chính trị thật sự có hiểu biết và một tấm lòng để kiến thiết lại quê hương. Về kiến thức chính trị, Tập Hợp đã cung cấp khá đầy đủ, vấn đề còn lại chỉ là 'tình cảm và ý chí'.

Khi nào trí thức Việt Nam nhập cuộc thì ngày đó thay đổi nhất định sẽ tới.

 

Việt Hoàng

(16/02/202





No comments:

Post a Comment

View My Stats