Wednesday 9 June 2021

ĐỪNG BIẾN VIỆT NAM THÀNH BÃI RÁC CÔNG NGHỆ (Đoàn Bảo Châu)

 


Đừng biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ (Phần 2)

Đoàn Bảo Châu

09/06/2021

https://baotiengdan.com/2021/06/09/dung-bien-viet-nam-thanh-bai-rac-cong-nghe-phan-2/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/06/2a-12.jpg

Ngư dân sống ngay sát hàng rào của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh: FB tác giả

 

Để viết về nhiệt điện, ấy là một sự kì công, tốn nhiều thời gian, nhưng bởi đây là một câu chuyện quan trọng nên tôi bắt mình phải viết cho ra nhẽ, và vì vậy tôi thấy việc kêu gọi sự quan tâm và quý hơn nữa là sự chia sẻ của các bạn là điều nên làm. Xin trân trọng cảm ơn các bạn.

 

Tôi sẽ trả lời chi tiết từng vấn đề, có dẫn chứng số liệu cụ thể nhưng chỉ sợ các bạn đọc như một báo cáo khoa học chán ngắt thôi, chính vì vậy nên tôi sẽ chia thành nhiều bài, và cần một sự ủng hộ nghiêm túc, có trách nhiệm của các bạn.

 

Bài này tôi muốn đập tan mấy mánh nguỵ biện của mấy người ủng hộ nhiệt điện.

– Vài người viết đại ý: “những ai chống nhiệt điện thì tắt điều hoà đi mấy ngày.”

 

Bạn đang ngồi trên xe khách, bạn thấy tay lái xe đang phê thuốc hay buồn ngủ gà ngủ gật như có lần tôi đi từ Nội Bài về Hà Nội, bạn lên tiếng vì lo cho sự an toàn của mình và mọi người thì tay lái xe bảo nếu bạn giỏi thì lên mà lái thay hắn. Một kiểu cãi chầy cái cối của dân vô học.

 

Bạn phê phán chính sách, hay phát ngôn của một lãnh đạo thì DLV viết: Lên mà làm lãnh đạo đi rồi mà cải cách.

 

Ô hay, với tư cách người dân, tôi có quyền phàn nàn, phản ánh hiện thực ở góc nhìn của tôi, trách nhiệm của lãnh đạo, người quản lý đất nước thì phải làm tốt việc của mình. Tôi là người dùng điện nhưng tôi chứng kiến người dân sống quanh các nhà máy nhiệt điện mắc nhiều bệnh, tỉ lệ ung thư tăng lên rõ rệt thì tôi phải lên tiếng. Tôi có phê phán điện đâu mà bảo tôi phải kiêng điều hoà? Tôi không phê phán điện mà tôi phê phán cái cách làm ra điện.

 

Hiểu chửa? Chưa chửa à? Chưa chửa thì cố mà chửa đi để khỏi lý luận cùn. Ấy vậy mà cái lý luận ba bửa kiểu ấy là của mấy người cũng có tên tuổi trong làng báo chí cách mạng và giang hồ FB phết đấy, không đùa đâu.

 

– Không phải chuyên gia sao nói về việc tỉ lệ ung thư tăng ở các vùng lân cận nhà máy nhiệt điện?

 

Ơ kìa, thằng nhà báo thì là chuyên gia ở lĩnh vực gì nhỉ? Nó đi phỏng vấn các chuyên gia và người dân, nó đọc tài liệu và khi viết với giọng văn giang hồ của FB thì nó chỉ có thể đưa ra mấy kết luận thôi chứ, sao cứ bắt bài bản như một luận án tiến sỹ thế?

 

Nhưng không sao, chiều các cậu thích vặn vẹo vớ vẩn chút vậy:

 

Theo báo cáo kết quả sơ bộ của nghiên cứu thực trạng sức khỏe môi trường tại 2 xã Vĩnh Tân và Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) được thực hiện tại hai xã gần Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân vào năm 2021 cho thấy rằng tỷ lệ các bênh liên quan đến ô nhiễm như tai biến, đột quỵ tăng lên sau khi nhà máy hoạt động.

 

Theo báo cáo, tỉ lệ ung thư ở 2 xã Vĩnh Tân và Phước Thể như sau:

 

Xã Vĩnh Tân: năm 2020 tỉ lệ tử vong do ung thư chiếm 17,6%

Xã Phước Thể: năm 2020 tỉ lệ tử vong do ung thư chiếm 31,7% chiếm tỉ lệ cao nhất trong các nguyên nhân gây tử vong do mắc bệnh không lây nhiễm

 

Ta xét riêng xã Vĩnh Tân để có cái nhìn rõ hơn:

 

Ung thư, tai biến và đột quỵ là ba nguyên nhân tử vong chiếm tỷ lệ cao tại xã Vĩnh Tân trong 3 năm (2018-2020):

 

• Năm 2018: Tai biến và đột quỵ là 2 nguyên nhân tử vong chiếm tỷ lệ cao nhất (21,7%). Sau đó là nguyên nhân do tai nạn (17,4%), nguyên nhân do ung thư chiếm 13,0%

 

• Năm 2019: Tai biến và đột quỵ là 2 nguyên nhân tử vong chính lần lượt là 70% và 30%

 

• Năm 2020: Tai biến chiểm tỷ lệ cao nhất (58,8%), cao thứ hai là nguyên nhân do ung thư (17,6%), sau đó là đột quỵ (11,8%)

 

Đây là số liệu lấy từ Trạm Y tế xã vào 3/2021

 

Báo cáo này do ông anh bác sỹ đẹp lão, đã từng rất đẹp giai của tôi, An Nguyen Trong vừa mới làm xong.

 

Lạ kì, cả thế giới chứng minh nhà máy nhiệt điện vô cùng độc hại mà vẫn cãi cố, lại đòi phải có chuyên gia. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là nếu gia đình bố mẹ ông bà, dòng họ các bạn đang sống cạnh nhà máy nhiệt điện thì các bạn có vặn vẹo nhỏ nhen thế không? Cách đi đến chân lý nhanh nhất là đặt mình vào vị trí người dân đang đau khổ vì phải sống cạnh các nhà máy nhiệt điện.

 

Có một anh có học hơn thì vặn vẹo đây là các nhà máy mới với công nghệ lọc tĩnh điện thì tốt lắm, không như công nghệ cũ. Xin thưa là hệ thống lọc bụi tĩnh điện chỉ lọc bụi chứ không lọc khí thải độc hại. Trong các nhà máy nhiệt điện đốt than người ta thường chỉ lọc được 3 loại chất: bụi mịn (ký hiệu là PM), SOx và NOx. Để lọc bụi mịn người ta sử dụng hệ thống lọc bụi tĩnh điện (Electrostatic Precipitator, ESP), hiệu suất lọc tốt nhất hiện nay là 99,75%. Để lọc SOx (SO2, SO3) người ta dùng hệ thống khử lưu huỳnh (Flue Gas Desulfurization, FGD). Để lọc NOx (N20, NO2, NO) người ta dùng hệ thống khử xúc tác chon lọc (Selective Catalytic Reduction (SCR).

 

Hiện nay tất cả các nhà máy đều được lắp hệ thống lọc bụi tĩnh điện nói trên, tuy nhiên với hệ thống xử lý SO2 và NOx thì vẫn còn nhiều nhà máy chưa được lắp đặt ví dụ như các nhà máy sử dụng công nghệ cận tới hạn như: An Khánh, Cẩm Phả, Cao Ngạn… những nhà máy khác có lắp đặt nhưng chưa có con số thống kê hiệu suất cụ thể cả từng nhà máy là bao nhiêu.

 

Các chất độc hại khác nếu có trong than như kim loại nặng, thủy ngân, phóng xạ,vv.. đòi hỏi cần có hệ thống lắp đặt để xử lý riêng, hiện nay các hệ thống này chưa được lắp đặt tại các nhà máy tại Việt Nam.

 

Cũng cần nói thêm rằng khối lượng bụi mịn do nhà máy điện than xả ra là cực kì lớn, ước tính với một nhà máy điện than công suất 1.200MW, mặc dù với hiệu suất 99,75% nhưng mỗi ngày thải ra không khí khoảng 7,8 tấn bụi mịn PM10, trong đó có 2,4 tấn bụi PM2.5. Với 22.130 MW điện than hiện nay tương đương với khoảng 18,4 nhà máy 1.200MW, thì ước tính mỗi ngày thải ra không khí 144 tấn bụi PM10 trong đó có 44,3 tấn bụi PM2.5.

 

Thông thường, cái mà ta nhìn thấy không đáng sợ bằng thứ ta không nhìn thấy, bụi mịn là kẻ thù giấu mặt y như covid-19. Mấy kẻ lên tiếng oang oang ủng hộ nhiệt điện cũng không đáng sợ bằng những kẻ giấu mặt đằng sau, những kẻ có những con dấu, chữ kí mà mỗi một nét bút, một động tác đóng dấu là số phận những người dân thấp cổ bé họng sẽ bị ảnh hưởng.

 

Tiếp nữa.

 

– Các nước phát triển vẫn tiến hành xây nhiệt điện đấy thôi?

 

Xin thưa, họ xây nhưng mới đây các nước đều thoả thuận sẽ có một lộ trình cụ thể để giảm số lượng các nhà máy nhiệt điện và đưa ra thời điểm cụ thể để đất nước họ có thể trung hoà về khí thải các bon.

 

Nếu muốn thì tôi có thể đưa ra danh sách dài sự cam kết của các nước nhưng tạm thời tôi không muốn bài này quá dài.

 

Ngay trong năm nay, nhờ sự đấu tranh của các nhà bảo vệ môi trường mà Nhật Bản đã phải giảm số lượng nhà máy nhiệt điện cần xây là 6 chiếc. Mấy ngày nữa, khi một “nữ chiến binh” bảo vệ môi trường của Nhật có được giải thưởng quốc tế lớn, chúng ta sẽ có dẫn chứng để thuyết phục các bạn ủng hộ nhiệt điện là các bạn đừng ngoan cố mà chống lại xu hướng văn minh làm gì.

 

Bài đã khá dài, để tôi nêu tiếp một lý luận nghe có vẻ có lý nhưng cũng là một sự hợp lý để loè người đọc dễ tính mà thôi.

 

Đây cũng là một điểm thú vị cần quan tâm.

 

Một số bạn hỏi vậy dùng năng lượng tái tạo NLTT thì làm sao để điều hoà công suất điện? Ông mặt trời đi vắng, lặng gió thì thế nào? Người dễ tính sẽ thấy ngay câu trả lời nhiệt điện sẽ giải quyết được việc ấy, người có lương tri và tri thức sẽ không dễ dàng như vậy.

 

Các bạn hãy google đi. Năm ngoái ở Nam California, người ta đã xây dựng một nhà máy tích điện lithium-ion lớn nhất thế giới và có thể cung cấp 250 triệu watt điện, hoặc đủ để cung cấp năng lượng cho khoảng 250.000 ngôi nhà.

 

Nước Úc, với thành công to lớn của pin Tesla 150 megawatt khổng lồ được xây dựng ở Nam Úc vào năm 2017. Vào tháng 11, bang Victoria đã công bố một nhà máy 300 megawatt đi vào hoạt động vào cuối năm nay, và một dự án mới ở New South Wales lớn hơn nhiều sẽ được xây dựng trong thời gian ngắn hơn cả cả hai dự án trước cộng lại.

 

Một cách làm đơn giản hơn và áp dụng ở mọi quy mô lớn nhỏ là khi dư điện gió, mặt trời, hay sóng biển thì bơm nước lên cao, khi cần lại xả xuống tua-bin phát điện.

 

À, tôi biết thừa là mấy bạn ấy sẽ gào lên bảo mấy ý tưởng ấy viển vông, nước mình nghèo lấy tiền đâu ra mà làm mấy cái siêu pin ấy? Mà muốn tiến lên CNXH thì phải biết hy sinh môi trường chứ, nhiệt điện là thích hợp với Việt Nam lắm rồi.

 

Xin thưa, như đã nói có nhiều mô hình tích điện, không phải mọi mô hình đều đăt đỏ. Mà tôi thấy nhiều dự án nghìn tỉ trôi xuống sông xuống bể, nếu biết tiết kiệm thì sao không đầu tư vào nhưng dự án thực sự mang lại lợi ích cho dân sinh, môi trường. Mà hy sinh môi trường là hy sinh ai? Không thể xây dựng thiên đường XHCN bằng sức khoẻ, tính mạng người dân sống trong bán kính cả mấy trăm cây số quanh nhà máy nhiệt điện được. Tôi chúc cho các bạn ủng hộ nhiệt điện không có người nhà bị ung thư. Bị rồi xong lại lẩm cẩm nghĩ mình bị quả báo thì khổ.

 

Thôi, đã dài quá rồi. Các bạn ủng hộ nhiệt điện cứ mạnh dạn phản biện lên đây nhé, từ từ tôi sẽ trả lời hết cho bạn hiểu nhưng nhớ để avatar, tên tuổi đường hoàng. Tôi không phải chuyên gia, không giỏi giang gì và tôi quan niệm mình còn phải học hỏi rất nhiều nhưng tính chiến đấu thì tôi có thừa đấy. Doạ tí cho đối phương sợ chạy trước, khỏi phải đánh. Hihi!

 

Bài sau tôi sẽ nói về tại sao nhiệt điện ở Việt Nam bây giờ đồng nghĩa với công nghệ nhiệt điện của người “anh em” to xác và tại sao chúng ta rất nên lo ngại. Cảm ơn các bạn đã ủng hộ chia sẻ.

 

P.S. Tôi có nhiều clip phỏng vấn người dân, chỉ ngại đưa lên thì chính quyền địa phương sẽ làm phiền họ thôi. Tôi sẽ đưa lên khi thấy cần thiết.

 

 

                                                           ***

Phải chăng chúng ta đang tự giết mình và con cháu của mình?  (Phần 1)

Đoàn Bảo Châu

03/06/2021

https://baotiengdan.com/2021/06/03/phai-chang-chung-ta-dang-tu-giet-minh-va-con-chau-cua-minh/

 

Các bạn thân mến, tôi thường không kêu gọi chia sẻ bài nhưng những bài về môi trường như thế này thì xin các bạn hãy chia sẻ rộng rãi để góp phần bảo vệ môi trường, chính là bảo vệ sức khoẻ của chúng ta và con cháu chúng ta. Xin trân trọng cảm ơn các bạn.

 

                                                     ***

 

Phải chăng chúng ta đang tự giết mình và con cháu của mình?

 

Trong khi nhiều nước trên thế giới đã cam kết thoái vốn về nhiệt điện than và nhiều nơi đã bỏ hẳn nhiệt điện than thì Việt Nam vẫn còn 8 nhà máy nhiệt điện sẽ được xây dựng.

Số vốn đã dùng là 40 tỉ đô la và theo kế hoạch là còn 40 tỉ đô la nữa sẽ được huy động để xây dựng nhà máy nhiệt điện.

 

Tỉ lệ người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang tăng lên rất nhanh và việc vận hành 30 nhà máy nhiệt điện hiện tại chính là một nguyên nhân lớn gây ra vấn nạn này.

 

Danh sách của vấn nạn liên quan tới đất đai, không khí của những nhà máy nhiệt điện rất dài. Nhà máy nhiệt điện thải ra một lượng lớn thủy ngân và tạo ra một lượng lớn tro bay làm hủy hoại môi trường xung quanh. Ba chất ô nhiễm chính từ các nhà máy nhiệt điện than là điôxít lưu huỳnh, ôxít nitơ và các chất dạng hạt vô hình PM10 hoặc PM2. 5.

 

Nói chung, chúng hoạt động như chất kích thích và gây viêm phổi dẫn đến bệnh hen suyễn, bệnh phổi mãn tính và hạn chế sự phát triển của phổi ở trẻ em cùng với các vấn đề về thần kinh, mưa axit, sự nóng lên toàn cầu, ảnh hưởng đến việc đánh bắt cá vì nước nóng chảy vào biển giết chết hoặc gây ra sự di cư của các loài sinh vật biển. Hạn chế canh tác do tăng độ kiềm của đất.

 

Tro than nguy hiểm vô cùng bởi nó chứa một số độc tố nguy hiểm nhất trên trái đất như: asen, chì, thủy ngân, cadmium, crom và selen. Tiếp xúc với tro than trong thời gian ngắn có thể gây kích ứng mũi và cổ họng, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa và khó thở. Tiếp xúc lâu dài có thể dẫn đến tổn thương gan, tổn thương thận, rối loạn nhịp tim và nhiều loại bệnh ung thư.

 

Tôi đã đến nhiều nơi có nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam và rõ ràng một điều là tỉ lệ người mắc bệnh ung thư ở các nơi ấy đều tăng vọt trong những năm gần đây. Về vấn đề này tôi sẽ có cuộc phỏng vấn với chuyên gia y tế để làm rõ hơn. Rất mong các bạn theo dõi và ủng hộ.

 

Như vậy việc tiếp tục xây dựng và vận hành những nhà máy nhiệt điện than thì điều ấy có khác gì việc huỷ hoại sức khoẻ của ta và con cháu chúng ta?

 

Vậy câu hỏi đặt ra là các vị lãnh đạo có nhìn thấy điều này hay không và nếu nhìn ra thì tại sao họ không bẻ lái để con tầu năng lượng đi cùng hướng với những nước văn minh?

Tôi tin là họ nhìn ra nhưng những vấn đề này thường rất phức tạp và khá là “nhạy cảm”. Để giải quyết những vấn đề phức tạp thì cần sự tham gia của các chuyên gia, những nhà hoạt động môi trường quốc tế, những nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, đủ trí tuệ để tránh những bẫy tài chính do người “anh em” to xác giăng ra.

 

Khi Nhật Bản, Hàn Quốc đã cam kết ngừng cấp vốn cho các nhà máy nhiệt điện vào tháng tư vừa rồi thì Trung Quốc vẫn rất “nhiệt tình” cấp vốn cho bất cứ nơi nào có nhu cầu. Lý do đơn giản là bởi chính Trung Quốc đang muốn rũ bỏ công nghệ nhiệt điện than và như vậy thì thiết bị ứ thừa, phải tìm cách đổ rác công nghệ tới bất nơi nào có “gà”.

 

Khi Trung Quốc cho vay vốn thì đương nhiên họ sẽ là tổng thầu, hàng ngàn công nhân, kĩ sư sẽ có việc làm và đương nhiên, điều quan trọng nhất là rác thải công nghệ sẽ có chỗ để đổ. Sự việc cái đường sắt trên cao ngay ở thủ đô, có hơn một chục cây số mà đội vốn khủng khiếp là một minh chứng cho thấy sự chầy bửa của những người “anh em” Trung Quốc và cả sự non dại vô tình hay hữu ý như gà con của một số quan chức chịu trách nhiệm về dự án này ở Việt Nam.

 

Từ xưa đến nay, trên thế giới có dự án hợp tác nào với “người anh em” to xác này mà mang lại điều gì tử tế đâu. Do vậy, là những người dân, chúng ta có quyền đề phòng, cảnh giác với những dự án nhiệt điện than có vốn từ Trung Quốc.

 

Đừng nhìn vào mấy con đường to, mấy toà nhà cao tầng, các bữa cơm có thịt cá rồi đánh giá Việt Nam chưa bao giờ được như ngày hôm nay. Hãy nhìn vào những con số liên quan tới môi trường, tới tỉ lệ ung thư đang tăng lên một cách chóng mặt rồi hẵng quyết định là chúng ta có đi đúng hướng không và có đáng tự hào hay không?

 

Khi ô nhiễm môi trường, người dân lao động sống gần những nhà máy nhiệt điện là những người đầu tiên chịu hậu quả, tới rồi mọi tầng lớp trong xã hội. Khôn ngoan mấy thì cũng vẫn phải hít thở một bầu không khí, tiêu thụ cùng một nguồn nước. Do vậy, hãy cùng quan tâm tới những vấn đề của những nhà máy nhiệt điện đi, trước khi quá muộn.

Bài sau, chúng ta sẽ bàn về nghịch lý vừa động viên năng lượng tái tạo, xong bảo thừa điện, cần cắt giảm.

 

(Còn tiếp)

 

 

                                               

No comments:

Post a Comment

View My Stats