Tuesday 8 June 2021

TRƯỜNG HỌC MỸ RỐI REN KHI ĐẢNG VIÊN CỘNG HÒA PHỦ NHẬN TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC (Trip Gabriel and Dana Goldstein  -  New York Times)

 



Trường học Mỹ rối ren khi đảng viên Cộng hoà phủ nhận tầm ảnh hưởng của phân biệt chủng tộc   

Trip Gabriel and Dana Goldstein  -  New York Times

Người dịch: An Nguyen

07/06/2021

https://www.the-interpreter.org/post/truong-hoc-my-roi-ren-khi-dang-vien-cong-hoa-phu-nhan-tam-anh-huong-cua-phan-biet-chung-toc

 

Translated from The New York Times's article Disputing Racism’s Reach, Republicans Rattle American Schools

Trường học Mỹ rối ren khi đảng viên Cộng hoà phủ nhận tầm ảnh hưởng của phân biệt chủng tộc

By Trip Gabriel and Dana Goldstein, on 01-06-2021, 00:00:00

 

https://static.wixstatic.com/media/be74b3_87a34ef1eaa54d90b59b721f76027a86~mv2.jpg/v1/fill/w_740,h_494,al_c,q_90/be74b3_87a34ef1eaa54d90b59b721f76027a86~mv2.webp

 

                                                                ***

 

Trong bối cảnh cuộc chiến tranh văn hóa đã lan sang cả hệ thống giáo dục, các đảng viên đảng Cộng hòa cấp địa phương, tiểu bang và liên bang đang cố gắng ngăn chặn các chương trình giảng dạy tập trung vào nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống.

 

Ở hạt Loudoun, bang Virginia, một nhóm các bậc phụ huynh, do một cựu viên chức được bổ nhiệm dưới thời tổng thống Trump dẫn dắt, đang hối thúc triệu tập các thành viên hội đồng trường sau khi học khu yêu cầu giáo viên được đào tạo về “áp bức có hệ thống và thành kiến ​​ngầm.”

 

Ở Washington, 39 thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa nói rằng việc môn lịch sử tập trung vào nạn phân biệt chủng tộc như một dạng "truyền bá tư tưởng các nhà hoạt động."

 

Gần đây, trên khắp cả nước, các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa đã thông qua dự luật cấm hoặc hạn chế các trường học dạy rằng các thế chế Mỹ đều thấm nhuần tư tưởng phân biệt chủng tộc. Sau khi thống đốc Cộng hòa Oklahoma ký pháp chế tiểu bang về vấn đề này vào đầu tháng 5, ông đã bị cách chức khỏi ủy ban trăm năm Ngày Thảm sát Chủng tộc năm 1921 ở Tulsa. Tổng thống Biden đã viếng thăm nơi này hôm thứ Ba để tưởng nhớ một trong những biến cố bạo lực sắc tộc kinh hoàng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

 

Từ hội đồng nhà trường cho đến hội trường Quốc hội, các đảng viên Cộng hòa đang xây dựng một chiến dịch hồ hởi nhằm chi phối phương thức và nội dung dạy học về vấn đề phân biệt chủng tộc ở Mỹ trong quá khứ và hiện đại. Chiến dịch đã vấp phải làn sóng phản đối từ đảng Dân chủ và các nhà giáo dục trong cuộc xung đột chính trị gai góc, thứ sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng đến việc trẻ em tìm hiểu về tổ quốc của chính mình.

 

Các đảng viên Cộng Hòa tập trung công kích vào sức ảnh hưởng của “lý thuyết phê phán chủng tộc," (critical race theory) - một khung lý luận bậc cao học được đưa vào giáo dục công lập K-12 (mẫu giáo tới lớp 12 - ND). Khái niệm này lập luận rằng các mẫu lặp lịch sử của phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào luật pháp và các thể chế hiện đại khác. Hậu quả để lại của chế độ nô lệ, phân chia chủng tộc và luật Jim Crow chính là sân chơi bất bình đẳng cho người Da đen và những nhóm người da màu khác.

 

Nhóm báo thủ mô tả lý thuyết phê phán chủng tộc và dẫn luận về phân biệt chủng tộc có hệ thống như mồi lửa hòng cáo buộc rằng mỗi cá nhân người Mỹ trắng đều phân biệt chủng tộc. Các đảng viên Cộng hòa buộc tội cánh tả đang cố gắng nhồi nhét trẻ em niềm tin rằng Mỹ về cơ bản là xấu xa.

 

Đảng dân chủ đang rối bời. Có người lo rằng nếu nói nguồn gốc nước Mỹ vốn là phân biệt chủng tộc - quan điểm này một bộ phận cấp tiến của đảng hưởng ứng - sẽ không chỉ mâu thuẫn với ý kiến của phần đông cử tri, mà còn đồng thời cho không đảng Cộng hòa một vũ khí chính trị. Tuy nhiên, phần lớn đảng, bao gồm các cử tri da màu, đều ủng hộ trường học thảo luận thêm về sức ảnh hưởng của nạn phân biệt chủng tộc. Họ tin rằng những đối thoại này mang tính giáo dục cấp bách và nên tách biệt ra khỏi chính trị bè phái.

 

“Lịch sử vốn đã không được dạy trọn vẹn - chúng ta đã thiếu giáo dục rồi, và những luật này sẽ khiến chúng ta kém hiểu biết hơn,” Prudence L. Carter, trưởng khoa Cao học Trường Giáo dục tại Đại học California, Berkeley, chia sẻ. Cô cũng nói thêm rằng những nỗ lực ngăn chặn chiến dịch non trẻ nhằm dạy những người trẻ Mỹ rõ ràng hơn về chính sách công mang tính phân biệt chủng tộc, chẳng hạn như đánh dấu đỏ (redlining) hoặc Đạo luật Loại trừ Trung Quốc năm 1882, tương đương với “thao túng (gaslight) lịch sử,” như “một dạng thức chối bỏ.”

 

Cuộc tranh luận về ảnh hưởng thực tiễn hay chủ quan của lý thuyết chủng tộc - không chỉ trong trường học mà còn ở các tập đoàn, chính phủ và phương tiện truyền thông - xuất hiện khi cả hai đảng càng lúc càng đặt vấn đề danh tính làm trung tâm trong chính trị. Mọi thứ càng trở nên gay gắt trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald J. Trump, khi các cuộc thảo luận về vấn đề chủng tộc được đẩy lên cao trào bởi những bình luận phân biệt chủng tộc của ông và bởi làn sóng biểu tình cảnh sát giết người Da đen vào năm ngoái.

 

Vào hôm thứ ba tại Tulsa, ông Biden cho biết vụ một nhóm da trắng giết hại những công dân Da đen cách đây một thế kỷ là bởi nạn phân biệt chủng tộc đã “được đưa vào luật pháp và văn hóa của chúng ta một cách có hệ thống.” Ông nói rằng nước Mỹ không nên tự huyễn hoặc rằng "[phân biệt chủng tộc] giờ không còn ảnh hưởng đến chúng ta." Đáp lại, ông công bố các chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các chủng tộc bằng cách hỗ trợ người mua nhà và chủ doanh nghiệp nhỏ là người Da đen.

 

Một vài cuộc thảo luận về giáo dục được truyền cảm hứng từ Dự án 1619 do Tạp chí New York Times phát triển với luận điểm rằng "gốc rễ của đất nước" có thể truy về thời điểm chiếc tàu đầu tiên chở nô lệ cập bờ biển Virginia. Biên tập viên của tạp chí viết: “Chế độ nô lệ - và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc với người Da đen - chính là cái nôi cho gần như tất cả mọi thứ khiến nước Mỹ trở thành ngoại lệ.”

 

Nhiều nhà giáo dục đã hưởng ứng chương trình giảng dạy được tạo ra cùng với dự án với mục đích đáp ứng nhu cầu của một quốc gia đang thay đổi, trong đó phần lớn học sinh trường công lập hiện nay không phải là người da trắng, nhưng gần 80% đội ngũ giảng dạy là người da trắng.

 

Đảng Cộng hòa đã phản đối rất gay gắt. Thượng nghị sĩ bang Kentucky và lãnh đạo đảng Cộng hoà Mitch McConnell nói ông không đồng tình với luận điểm rằng năm 1619 có tầm quan trọng trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông và các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa khác đang hối thúc chính quyền Biden từ bỏ nỗ lực của Bộ Giáo dục nhằm ưu tiên các lớp sử chuyên sâu về “sự ngoại vi hoá có hệ thống” nhiều nhóm người.

 

Vào tuần trước tại Ohio, các đảng viên Cộng hòa trong Đại hội đồng đã đưa ra một dự luật cấm dạy rằng bất kỳ cá nhân nào cũng "về cơ bản là phân biệt chủng tộc", rằng cá nhân nào cũng “phải chịu trách nhiệm về những hành vi do những người cùng chủng tộc hay giới tính đã thực hiện trước đó," hoặc rằng sự ra đời của chế độ nô lệ “kiến tạo nên khởi nguồn đích thực” của Hoa Kỳ.

 

Trong một tuyên bố, Đại diện Tiểu bang Don Jones - nhà tài trợ chính của dự luật, cho biết: “Thuyết phê phán chủng tộc là một lý thuyết sai lầm và nguy hiểm." Ông nói: “Không nên yêu cầu học sinh ‘tự vấn danh tính da trắng' hay ‘xem lại đặc quyền của mình.’"

 

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Jones không thể dẫn ra ví dụ nào rằng nội dung đó đang được giảng dạy ở Ohio. Ông nói rằng dự luật của ông là một lời phản hồi với những lo ngại của cử tri.

 

Mặc dù các bậc phụ huynh đã tới hội đồng các trường ở Ohio và các nơi khác để phản đối thuyết phê phán chủng tộc và gọi nó là mang tính “Marxist,” nhưng các ban điều hành trường học vẫn kịch liệt phủ nhận việc đang giảng dạy hay chịu tác động từ chủ đề này. Họ nói rằng phần lớn những gì mà các chính trị gia bảo thủ phản đối thực chất chỉ là thảo luận thường xuyên và chân thật hơn về các chủ đề như chế độ nô lệ. Các bậc phụ huynh cũng đang phản đối xu hướng tổ chức các khóa đào tạo chống thiên vị cho học sinh và nhân sự, dẫn đến các cuộc cãi vã khắp cả nước.

 

Một học sinh đa chủng tộc đã kiện ngôi trường uỷ nhiệm của mình ở Las Vegas vì đã buộc em tham gia khóa học xã hội yêu cầu học sinh liệt kê chủng tộc và bản dạng giới của mình, và gọi các thể chế như gia đình và tôn giáo là mang tính áp bức. Jane Timken, ứng cử viên Đảng Cộng hòa Thượng viện ở Ohio, nói rằng trong một chuyến đi lắng nghe người dân trong bang, bà đã nghe một phụ huynh phản ánh rằng học sinh lớp hai bị bắt vẽ bản thân mình mang một chủng tộc khác.

 

Sự công kích của đảng Cộng hòa vào thuyết phê phán chủng tộc trùng khớp với chiến lược chung của đảng là tập trung vào các vấn đề chiến tranh văn hóa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, thay vì đối đầu trực diện với nghị trình kinh tế của ông Biden - vốn được cử tri ưa chuộng - trong bối cảnh đất nước đang phục hồi từ đại dịch coronavirus.

 

“Vì ba triệu giáo viên trường công lập của quốc gia có quyền tự quản đáng kể trong lớp học, nên luật pháp sẽ khó mà kiểm soát được hiểu quả cách cách trẻ em tiếp xúc với các khái niệm về chủng tộc và phân biệt chủng tộc," theo ông Robert Pondiscio, một chuyên gia giáo dục sẽ gia nhập think tank Viện Doanh nghiệp (American Enterprise Institute) nghiêng về cánh chính trị trung hữu vào tháng 6 này.

 

Tuy nhiên, ông cho rằng cuộc tranh cãi về lý thuyết phê phán chủng tộc sẽ là một cảnh báo các nhà giáo dục nên cẩn thận khi xử lý một chủ đề dễ gây chia rẽ. Ông chia sẻ: “Mọi người đều có phản ứng mạnh mẽ về việc tầm quan trọng của chủ đề chủng tộc trong trải nghiệm giáo dục của trẻ em."

 

Dù mới chỉ có một vài nhà giáo dục K-12 sử dụng thuật ngữ "lý thuyết phê phán chủng tộc," các cuộc thảo luận về phân biệt chủng tộc có hệ thống đã trở nên thường xuyên hơn ở các trường học Mỹ trong những năm gần đây, đặc biệt là ở những khu vực theo chủ nghĩa tự do.

 

Các mục tiêu đào tạosách giáo khoa các môn khoa học xã hội của tiểu bang đã được cập nhật để nhấn mạnh những đề tài như như đánh dấu đỏ hay trại tập trung người Mỹ gốc Nhật trong Thế chiến II.

 

Albert S. Broussard, nhà sử học tại Đại học Texas A&M và biên soạn sách giáo khoa lịch sử cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Mỹ, nói rằng thay đổi trong chương trình giảng dạy thường gây ra phản ứng dữ dội trong lịch sử. “Với tư cách những nhà sử học, chúng tôi chứng kiến điều này xuyên suốt lịch sử người Mỹ gốc Phi khi người da trắng, đặc biệt là những người bảo thủ, cảm thấy họ đã mất kiểm soát.”

 

Những người bên phe bảo thủ và thậm chí một số người theo chủ nghĩa tự do nói rằng các cuộc thảo luận về chủng tộc đang lấn át chương trình giảng dạy truyền thống và khuyến khích học sinh và giáo viên nhìn nhận bản thân như là thành viên của một nhóm sắc tộc hơn là những cá thể riêng biệt.

 

Tại bang North Carolina, những đảng viên Cộng hòa nắm quyền Hạ viện đã thông qua một dự luật vào tháng 5 hạn chế việc nội dung giảng dạy rằng nước Mỹ "được thành lập bởi những người thuộc một chủng tộc hoặc giới tính nhất định nhằm áp bức các thành viên của chủng tộc hoặc giới tính khác.”

 

Dự luật này nhằm phản hồi các mục tiêu đào tạo mới về các môn khoa học xã hội được Bộ Giáo dục của bang tiếp nhận, trong đó gồm các chủ đề về phân biệt chủng tộc có hệ thống. Nhưng Đại diện tiểu bang James D. Gailliard, một đảng viên Dân chủ đã phản đối dự luật, nói rằng dự luật đang truyền tải thông điệp tới những người Mỹ bị lịch sử lãng quên rằng, “chúng tôi muốn tước quyền được kể chuyện của bạn.”

 

Năm ngoái, ông Gailliard, một linh mục lâu năm ở Nhà thờ Word Tabernacle ở Rocky Mount, N.C., đã rút một hội thánh chủ yếu là người Da đen ra khỏi Hội nghị Baptist miền Nam do một tuyên bố của các nhà lãnh đạo giáo phái lên án lý thuyết phê phán chủng tộc

 

Ông nói cách để nhận biết nạn phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại ở Mỹ chính là qua việc những người mua nhà Da đen khó có được các khoản thế chấp hơn so với những người da trắng như thế nào. "Điểm mấu chốt của phân biệt chủng tộc có hệ thống là một khi nó được đưa vào cấu trúc quyền lực của chúng ta, nó sẽ tự động vận hành," ông trả lời trong một cuộc phỏng vấn. “Bạn không cần phải đeo áo choàng K.K.K.”

 

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng đảng Cộng hòa đã "tìm ra cách để gửi thông điệp này."

 

Thông điệp này có từ thời ông Trump, người mà trong những tuần cuối cùng của chiến dịch năm 2020 đã tuyên bố thành lập Ủy ban 1776, để chứng minh những gì ông cho là "sự truyền bá của cánh tả" trong trường học có mối liên hệ với các cuộc biểu tình đổi lúc bạo lực xoay quanh những vụ giết người của cảnh sát.

 

Một báo cáo của ủy ban đã bị các nhà sử học chính thống chế nhạo; ông Biden đã bãi bỏ dự án vào ngày đầu tiên nhậm chức, nhưng tác động của nó vẫn còn tồn tại ở cánh hữu.

 

Media Matters for America (tạm dịch: Truyền thông Quan trọng với Nước Mỹ), một nhóm thiên hướng tự do, đã ghi chép lại hiện tượng tin tức tiêu cực về lý luận phê phán chủng tộc tăng cao trên Fox News bắt đầu từ giữa năm 2020 và đỉnh điểm vào tháng Tư với 235 lượt nhắc tới. Năm ngoái, Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy người Mỹ có sự chia rẽ sâu sắc về quan điểm xoay quanh chủ đề phân biệt chủng tộc. Hơn 60% người bảo thủ nói rằng vấn đề lớn hơn là khi người ta thấy phân biệt đối xử khi chẳng có phân biệt, chứ không phải làm lơ khi phân biệt đối xử thực sự xảy ra. Chỉ 9% người theo chủ nghĩa tự do đồng tình với quan điểm này.

 

Một số chiến thuật gia đảng Dân chủ cho rằng vấn nạn này là nguy cơ chính trị cho đảng mình. Ruy Teixeira, một nhà khoa học chính trị kỳ cựu và đồng biên tập viên của một bản tin Substack tên The Liberal Patriot (tạm dịch: Người yêu nước Tự do), gần đây đã viết, “Dòng chảy kiên định của hệ tư tưởng ‘chống phân biệt chủng tộc’ vào giáo trình học đường sẽ kích động phản bác từ những phụ huynh tầm thường.”

 

Trong một cuộc phỏng vấn, ông đã chỉ trích các đảng viên đứng đầu đảng Dân chủ không dám lên tiếng phê bình lý thuyết phê phán chủng tộc vì họ sợ rằng “điều đó sẽ kích động nỗi phẫn nộ từ những phần tử biết tuốt trong đảng.”

 

Tại Hạt Loudoun, bang Virginia, có các nhóm phụ huynh đang đương đầu với nhau, một bên tự gọi mình là “chống phân biệt chủng tộc” và một bên phản đối thứ mà hộ thấy là sự manh nha của lý luận phê phán chủng tộc trong học khu, hiện đang có 81,000 học sinh theo học từ một khu vực ngoài Washington và đang nhanh chóng trở nên đa dạng hơn.

 

Một báo cáo năm 2019 đã cho thấy khoảng cách thành tích giữa các chủng tộc, hiện tượng nhóm học sinh Da đen và Hispanic bị kỷ luật nặng một cách mất căn bằng, và việc những từ lăng mạ chủng tộc bị sử dụng thường xuyên trong trường lớp. Sau đó, ban điều hành các trường đã thiết lập một “kế hoạch đấu tranh lại phân biệt chủng tộc có hệ thống," kêu gọi chương trình đào tạo giáo viên bắt buộc về “áp chế có hệ thống và thành kiến ngầm."

 

Nhưng cái mà học khu gọi là “công cuộc bình đẳng,” một vài phụ huynh lại coi là bước xâm nhập vào lớp học của lý thuyết phê phán chủng tộc.

 

Một nhóm phụ huynh đã khởi xướng một đợt vận động vào tháng Tư để loại trừ sáu trên chín thành viên trong hội đồng nhà trường. Nỗ lực này do Ian Prior đứng đầu, một cựu viên chức được bổ nhiệm dưới thời tổng thống Trump. Ông đã sáng lập một uỷ ban hành động chính trị mà ông nói đã gây quỹ được khoảng $50,000 qua những khoản tiền nhỏ. Vào tháng Năm, hội này đã thu thập chữ ký tại Câu lạc bộ Golf Quốc gia Trump tại Sterling, Virginia.

 

“Chúng ta đang thấy các cá nhân, họ là ai và trải nghiệm độc đáo của họ là gì, không còn được đề cao nữa mà thay vào đó là các nhóm danh tính và đặt mọi người vào một hộp danh tính," ông Prior nói.

 

Giám đốc lâm thời của học khu, Scott A. Ziegler, phủ nhận rằng lý thuyết phê phán chủng tộc đã được cho vào chương trình giảng dạy hay đào tạo giáo viên.

 

“Thật không may, những nỗ lực của chúng tôi nhằm đem lại cho học sinh một nền giáo dục xuất sắc trong môi trường đầy quan tâm, an toàn và tích cực đã bị cuốn vào một cuộc tranh cãi về lý thuyết phê phán chủng tộc,” ông nói. "Chúng tôi không dạy lý thuyết phê phán chủng tộc. Chúng tôi không truyền bá cho bất cứ học sinh hay nhân sự nào về lý thuyết phê phán chủng tộc."

 

“Chúng tôi đang tạo ra một môi trường tốt hơn cho học sinh của mình.



Người dịch: An Nguyen

Biên tập: Ren Dinh & Bảo Trân

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats