Wednesday 16 June 2021

THƯỢNG ĐỈNH GENEVA CĂNG THẲNG : BIDEN và PUTIN MONG ĐỢI GÌ TỪ ĐỐI THỦ? (BBC Tiếng Việt)

 



 

Thượng đỉnh Geneva căng thẳng: Biden và Putin mong đợi gì từ đối thủ?

BBC Tiếng Việt

16 tháng 6 2021, 15:29 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/world-57495821

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/E489/production/_118950585_mediaitem118949427.jpg

Ảnh chụp ngày 16/6

 

Trước khi hai tổng thống Joe Biden và Vladimir Putin gặp nhau lúc 13:00 ngày thứ Tư ở một villa cổ bên hồ Geneva, Thụy Sĩ, họ đều đã lên tiếng thừa nhận xung khắc ở cấp cao nhất.

 

Hy vọng duy nhất là hai bên đạt được đồng thuận ở một số lĩnh vực nhỏ, theo BBC News trước giờ họp thượng đỉnh.

 

Khác với các cuộc họp thượng đỉnh của lãnh đạo Liên Xô cuối cùng, Mikhail Gorbachev, và các tổng thống Mỹ, Ronald Reagan và George Bush vốn mang tính hòa giải, giảm nhiệt căng thẳng giữa hai hệ thống, hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Nga 16/06/2021 diễn ra khi các khác biệt tăng cao.

 

Tuần trước, ông Biden nói về "những hoạt động gây hại của Nga" và nếu Moscow tiếp tục thì sẽ phải đối mặt với "hậu quả mạnh mẽ".

 

Hồi tháng 3, trả lời phỏng vấn ABC News, ông Biden dùng từ ngữ chưa từng có, gọi tổng thống Nga là "kẻ giết người".

 

Trả lời đài Mỹ NBC hôm 12/06, khi ông Biden bước vào hội nghị G7 ở Anh để thúc đẩy một liên minh chống lại Nga và Trung Quốc, Tổng thống Putin xác nhận rằng quan hệ Nga - Mỹ "ở điểm thấp nhất, tồi tệ nhất sau nhiều năm".

 

Stephen Collinson viết trên trang CNN (15/06) rằng cốt lõi trong chính sách ngoại giao của ông Putin lâu nay là "làm vỡ ổn định chính trị và uy tín của Hoa Kỳ".

 

"Ông ta bị cáo buộc là đã can thiệp vào hai cuộc bầu cử ở Mỹ nhằm giúp ông Donald Trump, người bị cho là mối đe dọa nội bộ cho dân chủ Mỹ."

 

 

Mỹ mong Nga "ngừng quấy rối"

 

Kỳ vọng của Biden về cuộc gặp xem ra không cao.

 

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói rõ điều đó khi cho biết thượng đỉnh Geneva là nhằm để "dựng lối bằng lan can cho quan hệ" (nguyên văn -to establish handrails).

 

Tới Geneva, ông Biden có thế mạnh là vừa họp G7 và gặp các đồng minh Nato nhằm tuyên bố "Nước Mỹ trở lại" trong tinh thần đoàn kết với các đồng minh châu Âu, Đông Á, sau thời Trump.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/12592/production/_118945157_hi068025311-1.jpg

Cờ Mỹ, Nga và Thụy Sĩ ở Villa La Grange trước cuộc họp

 

Nói ngắn gọn thì Hoa Kỳ cần vạch ra một lối đi tạm gọi là thỏa thuận được với Nga để tránh bị bất ngờ trước các chiêu của một đối thủ tinh quái (cunning).

 

Ngoài hòa hoãn để tránh leo thang quân sự, Mỹ muốn Nga đồng ý về nghị trình chống biến đổi khí hậu.

 

Ông Putin có thể sẽ chấp nhận điều đó để đổi lấy những thứ khác, nhưng giới quan sát cho rằng kinh tế Nga vốn dựa vào khai khoáng và dầu khí, sẽ khó cải tổ kịp để đạt các chỉ tiêu cắt giảm C02 đầy tham vọng mà G7 đưa ra.

 

Các báo châu Âu nhắc rằng hội nghị thượng đỉnh đôi khi là dịp các lãnh đạo thể hiện điều họ muốn nói cho công chúng và đồng minh hơn là đạt được gì từ đối tác, đối thủ.

 

Thượng đỉnh Trump-Biden năm 2018 bị cho là "tai hại khủng khiếp" và ông Biden ý thức được điều đó.

 

Oliver Carroll viết trên The Independent tại Anh sáng thứ Tư rằng ông Biden "mong muốn qua cuộc gặp với ông Putin, Hoa Kỳ phục hồi lại ảnh hưởng bị mất vì khoảng trống thời Trump để lại".

 

Còn về phía Nga, ông Putin "mong giành lại danh dự, uy tín cho Nga sau Crimea".

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0360/production/_118946800_201405010_334978054767192_8545707069510493753_n.jpg

 

 

Tất cả bắt đầu từ vụ Crimea

 

Nước Nga bị cấm vận, tẩy chay sau khi đơn phương sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.

 

Các hoạt động sau đó ở vùng "biên giới gần" mà Nga thực hiện trực tiếp hoặc thông qua các nhóm được ủy nhiệm gây bối rối cho châu Âu.

 

Tuy thế, càng về gần đây, những hoạt động tại vùng Đông Ukraine, Biển Đen và biển Baltic của Nga chỉ khiến EU và Nato "tìm ra mục tiêu chung" và đoàn kết lại.

 

Những tuyên bố mới nhất của Nato khi đón ông Biden ở Brussels đầu tuần cho thấy nước cờ "gây áp lực vào phía Đông Nato" không đạt mục tiêu.

 

Cùng lúc, khu vực Caucasus phía Nam của Nga cũng có nhiều vấn đề.

 

Thủ tướng Mikhail Mishustin vừa lên tiếng công khai phê phán chương trình phát triển Bắc Caucasus.

 

Thiếu vắng đầu tư và nạn tham nhũng, thất nghiệp cao đang khiến các nhóm thanh thiếu niên tại khu vực này bất mãn và tìm đến con đường dân tộc chủ nghĩa Hồi giáo, gây ra nguy hiểm cho an ninh Nga.

 

Các vấn đề bất ổn bên ngoài như Afghanistan, Iran...đều có tác động trực tiếp đến biên giới phía Nam của Liên bang Nga.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu vừa phải thị sát Dagestan vào tuần trước và chỉ thị cải tổ hải đội trên biển Caspi mà Nga chia sẻ với một số nước trong vùng.

 

Từ một hai năm qua, Nga đã cạnh tranh với Mỹ và các nước Bắc Âu bằng việc tăng cường quân sự ở Bắc Cực.

 

Ngay trước cuộc gặp với ông Biden, Nga ra lệnh cho Hạm đội Thái Bình Dương tập trận lớn nhất kể từ thời Liên Xô.

 

Hải quân Nga cũng vừa điều một số tên lửa siêu thanh Kinzhal đến Quân khu phía Tây, theo báo Nga Izvestia. Với tầm bắn 2000 km, loại hỏa tiễn không đối đất này đã có mặt ở các căn cứ phía Nam của Nga.

 

Bức tranh chung là Nga vẫn có tiềm năng quốc phòng để thể hiện sức mạnh, nhưng kinh tế nói chung là yếu kém, theo đánh giá của thinktank Geographical Futures.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/D902/production/_118945555_putin_biden.jpg

Tổng thống Biden từng gọi người tương nhiệm Putin là 'kẻ giết người'

 

Mọi động thái quân sự có mục tiêu tối cao là làm sao để Nga phải có "một ghế bên chiếc bàn chính trị cao cấp quốc tế", điều tối quan trọng cho chính sự nghiệp của ông Putin.

Sarah Rainsford chia sẻ quan điểm này khi viết trên BBC News từ Moscow rằng hội nghị Geneva là "vấn đề vị thế" (status thing) cho ông Putin.

 

Với hội nghị thượng đỉnh Geneva tuần này, ít nhiều ông Putin đã đạt mục tiêu đó, nhưng chỉ là về hình thức.

 

Nếu ông đồng ý "hạ nhiệt" các điểm nóng bên ngoài biên giới như Syria, Iran, Libya, ông Putin thậm chí còn có thể ghi điểm với công chúng Nga vốn không mặn mà với các "thắng lợi" ở chốn xa xôi khi mà mức sống của họ đang cần cải thiện.

 

Báo Nga, tờ Moscow Times (15/06) có bài của Felix Light viết rằng đa số các nhà quan sát ở Nga "không mong đợi cuộc gặp Biden - Putin tạo ra đột phá gì hết".

 

May lắm là hai bên sẽ "phục hồi quan hệ ngoại giao ở mức sơ đẳng nhất, sau một thời gian quan hệ này bị tan rã hoàn toàn", tác giả từ Nga cho biết.

 

                                                    ***

TIN LIÊN QUAN

 

Tình báo Mỹ: Putin thúc đẩy chiến dịch ủng hộ Trump, 'can thiệp' bầu cử Mỹ

17 tháng 3 năm 2021

.

Navalny, người chỉ trích Putin có thể 'chết trong vài ngày tới', theo bác sĩ

18 tháng 4 năm 2021

.

Vụ hack của Nga: Joe Biden nói Trump cần 'trưởng thành'

6 tháng 1 năm 2017

.

Trước hội đàm Geneva, Nga tập trận tỏ sức mạnh với Mỹ tại Thái Bình Dương?

12 tháng 6 năm 2021

.

Putin thực sự muốn gì ở Biden

14 tháng 6 năm 2021

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats