Friday 18 June 2021

PHẬT GIÁO NGHĨ GÌ về HÔN NHÂN ĐỒNG GIỚI? (Nguyễn Quốc Tấn Trung - Luật Khoa)

 



 

Phật giáo nghĩ gì về hôn nhân đồng giới?

NGUYỄN QUỐC TẤN TRUNG  -  LUẬT KHOA

18/06/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/06/phat-giao-nghi-gi-ve-hon-nhan-dong-gioi/

 

Điểm mấu chốt nằm ở tính chất phi bản thể luận (non-essentialism), hay tánh không.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/buddha-1024x536.jpg

Ảnh: Shutterstock. Xử lý ảnh: Luật Khoa

 

Một giả định chung của khá nhiều người, dù họ theo hay không theo đạo Phật, là Phật giáo không có sự can thiệp hay định kiến nào cụ thể đối với cộng đồng LGBT và đồng tính luyến ái. Vì vậy, Phật giáo thường được lấy làm tiêu chuẩn của một tôn giáo có cái nhìn đúng đắn về hôn nhân đồng giới.

 

Tuy nhiên, câu chuyện có thể khác nếu chúng ta lấy ví dụ về trường hợp Myanmar, nơi Phật giáo là tôn giáo chính. Nhà nước Myanmar và hệ thống ban bệ Phật giáo tại đây trực tiếp hình sự hóa các hành vi đồng tính luyến ái và ủng hộ việc thể chế hóa mô hình phân biệt đối xử dựa trên giới tính. [1]

 

Một ví dụ khác để cân nhắc là phát biểu của Đức Đạt-Lai Lạt Ma đệ Thập tứ (14th Dalai Lama): [2]

“Người ta muốn tôi phải minh thị ủng hộ hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, với tư cách của một Phật tử, tôi không thể ủng hộ việc kết hôn giữa hai người đàn ông. Có rất nhiều hành vi luyến ái khác trong hôn nhân cũng có thể bị xem là không phù hợp với góc nhìn Phật giáo.” 

 

Hiển nhiên, Dalai Lama cũng nói thêm rằng ông không có vấn đề gì với hôn nhân đồng giới nếu các bên hữu quan không thuộc tôn giáo nào, mà cụ thể là Phật giáo.

 

Nhưng cách tiếp cận của ông có thể khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về quan điểm thật sự của Phật giáo về đồng tính luyến ái và các vấn đề liên quan.

 

Phật giáo “phiên bản” ủng hộ hôn nhân đồng giới

 

Có khá nhiều cách để lý giải Phật giáo theo hướng ủng hộ sự tự do trong xu hướng tính dục, và theo đó, ủng hộ hôn nhân đồng giới. Một trong những luận điểm phổ biến nhất là cho rằng hệ thống giáo điều của Phật giáo không hề bàn bạc gì cụ thể đến vấn đề này.

 

Tuy nhiên, đây rõ ràng không phải là cách lập luận hay. Dù hầu hết các tôn giáo tại thời điểm ra đời đều không có thông tin và sự quan tâm đầy đủ để nói về giới tính thứ ba và các vấn đề liên quan, việc diễn giải các điều răn, lời dạy, kinh kệ nguyên thủy của các thế hệ sau này đều có thể biến hôn nhân đồng giới trở thành điều cấm kỵ. 

 

Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ Phật giáo có những giáo điều hay luân lý nào có thể ủng hộ mối quan hệ này hay không?

 

Rất nhiều nhà Phật học và nhân quyền cho rằng có. 

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/image-28.jpeg

Đức Dalai Lama trong một buổi trò chuyện tại Ấn Độ, tháng 4/2019. Ảnh: Ven Tenzin Jamphel/ DalaiLama.com.

 

Trước tiên, họ nhắc đến tính chất phi bản thể luận của Phật giáo (non-essentialism). [3] Phi bản thể luận là cách tiếp cận mềm dẻo về loài người, sự vật và hiện tượng. Hiểu đơn giản, nếu hầu hết các tôn giáo khác đặt nặng tính bản thể, tính chắc chắn, tính “đúng” của một sự tồn tại cụ thể thì Phật giáo không tin vào điều này.

 

Giả dụ, Thiên Chúa giáo nhìn nhân loại nói chung và con người nói riêng là sản phẩm của tội lỗi và lầm đường lạc lối (thông qua câu chuyện về Trái Cấm trong Vườn Địa đàng). Trong khi đó, Hồi giáo thì lại khẳng định tội lỗi là của riêng mỗi cá nhân và họ chỉ có trách nhiệm giải trình trước Chúa trời.

 

Ngược lại, Phật giáo cho rằng “bản chất” của vạn vật không hề tồn tại.

 

Tính phi bản thể luận này có thể được minh chứng rõ nhất qua lời kinh nổi tiếng trong Bát Nhã Tâm Kinh của triết gia, thiền sư, đức tôn giả Long Thọ (Nagarjuna – người Ấn Độ): “Sắc Tức Thị Không – Không Tức Thị Sắc” (Dịch thuần nghĩa là: Có tức là Không, Không cũng tức là Có).

 

“Sắc” ở đây là vật chất, là hiện tượng mà con người có thể cầm nắm, cảm nhận, dùng giác quan mà nhận ra sự tồn tại của nó.

 

“Không” ở đây không phải là không có gì, mà là tánh không, sự trống rỗng của các vạn vật (emptiness).

 

Họ cho rằng cái mà chúng ta nhìn thấy, tạo lập rồi gán ghép khái niệm vào quá trình nhật dụng thật ra chỉ được tạo ra trong đầu chúng ta. Không có sự vật hiện tượng nào là có tự tánh chân thật, vĩnh viễn. Vật, hiện tượng hợp thành với khái niệm của chính nó chỉ là lương duyên, chứ không phải bản chất.

 

Hiểu đơn giản, từ “cánh cửa”, “đôi giày” cho đến “chính phủ”, “quốc gia” v.v. đều là những khái niệm trống rỗng do con người nghĩ ra, rồi từ đó được dùng phổ biến và được xem như sự thật khách quan. Tuy nhiên, những khái niệm này thật ra vẫn là vô tướng, vô hình, không có một bản chất cố định thật sự để nhận diện. Cách tiếp cận này về thế giới khách quan và trật tự xã hội, nếu buộc phải so sánh, khá tương đồng với thuyết kiến tạo (constructivism) của phương Tây.

 

Theo lý luận triết học này của Phật giáo, khái niệm “giới tính”, “nam – nữ” tự thân chúng cũng nằm trong giới hạn của tánh không, tức không có ý nghĩa hay bản chất cố định để nhận diện. Vậy nên việc thừa nhận các giới tính khác, các mối quan hệ hôn nhân khác với truyền thống là hoàn toàn bình thường, bởi vì trước sau gì thì chúng vẫn bị chi phối bởi tánh không của vạn pháp.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/image-27.jpeg

Một bức họa mô tả cảnh Đức Phật dạy về vô thường. Nguồn: Photo Dharma from Sadao, Thailand/ Wikipedia.

 

Phát triển từ nền tảng quan trọng này, nhiều tác giả khác sử dụng lý thuyết vô thường (impermanence) trong Phật giáo để ủng hộ hôn nhân đồng giới. [4]

 

Theo nhóm tác giả này, bởi vì kinh kệ Phật giáo quan niệm rằng không có gì trong các sự vật hiện tượng khách quan là bất di bất dịch, không thể thay đổi, người đồng tính hoàn toàn có thể nhìn vào đại đa số dị tính luyến ái trong thực tế và cho rằng đây cũng chỉ là sự tạm bợ trong căn tính giới của dân số theo thuyết vô thường.

 

Trong nhiều nghiên cứu định tính sử dụng phương pháp phỏng vấn, các tác giả chỉ ra một số lượng lớn tín đồ Phật giáo đồng thời là người đồng tính rất ủng hộ việc sử dụng thuyết vô thường để lý giải cho sự phát triển giới tính của bản thân trong hiện tại cũng như sự phát triển của căn tính giới nói chung trong tương lai.

 

Một số tài liệu uy tín khác như, như quyển The Oxford Handbook of Contemporary Buddhism, [5] còn ghi nhận sự đa hình và đa giới của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát (hay Đức quán chiếu âm thanh của thế gian – “multimorphic bodhisattva Avalokitesvara”). Theo đó, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là hiện thân của lòng từ bi của toàn giới Bồ Tát, nhưng không nhất thiết phải là nam hay nữ. Giới tính, hình dạng của vị Bồ Tát này có thể thay đổi một cách uyển chuyển nhằm giúp đỡ người bị nạn tùy theo tình huống. Cho đến nay, việc thờ phụng và ghi nhận Quán Thế Âm Bồ Tát là ông hay bà là hoàn toàn tùy thuộc vào Phật tử và các chức sắc tôn giáo, chứ ít khi có đúng hay sai. Vì vậy, hình tượng của Avalokitesvara thường được viện dẫn như là một minh chứng rõ ràng nhất của tư duy phi giới tính trong Phật giáo. [6]

 

Phật giáo “phiên bản” chống hôn nhân đồng giới

 

Trước tiên, người viết cần khẳng định rằng mình đang cố “vạch lá tìm sâu”.

 

Với các thông tin và nghiên cứu chúng ta hiện có, có thể nói cộng đồng Phật giáo là cộng đồng tín ngưỡng ôn hòa và ủng hộ hôn nhân đồng giới nhất.

 

Thống kê của Pew Research Center năm 2014 cho thấy có đến 84% tín đồ Phật giáo ủng hộ hoặc ủng hộ mạnh mẽ hôn nhân đồng giới. [7] Các quốc gia nơi có Phật giáo là tôn giáo chính thức lâu đời như Thái Lan hay Campuchia cũng đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới từ những năm đầu của thiên niên kỷ mới.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/Homosexuality-and-Buddhism.jpg

Ảnh: Hakan Jakob Kosar/ ChiangmaiCitylife.

 

Tuy nhiên, như đã nhắc đến ở đầu bài, không phải trường phái hay cộng đồng Phật giáo nào cũng ủng hộ việc này.

 

Một trong những biện luận thường được nhắc đến để cho rằng Phật giáo có can ngăn đồng tính luyến ái là những quy định trong Ngũ Giới (Five Precepts), [8] cụ thể là điều ngăn cấm thứ ba: Không tà dâm.

 

Quy định này không đưa ra một khái niệm cụ thể về việc thế nào là quan hệ tình dục “tà dâm” hay “bất chính”, nhưng cho rằng hành vi tình dục mà gây ra nỗi đau khổ cho người khác đã có thể xem là tà dâm. Như vậy, đây là một tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên góc nhìn của xã hội bên ngoài.

 

Một số diễn giải rằng, quan hệ nam nữ được pháp luật, gia đình, xã hội công nhận, ủng hộ thì được xem là tình dục hợp tình, hợp pháp, là chánh dâm. Còn quan hệ tình dục mà gây đau khổ cho người thân, gia đình, đi ngược luân thường đạo lý thì chắc chắn là tà dâm. Một số ví dụ cụ thể và gần gũi nhất có thể kể đến ngoại tình, mua dâm hay cưỡng dâm.

 

Với cách tiếp cận này, nhóm chống hôn nhân đồng tính diễn giải rằng quan hệ tình dục giữa hai người cùng giới tính cũng có thể gây ra đau khổ, làm trái với mong mỏi của bậc sinh thành, làm xáo trộn trật tự xã hội. Vậy nên, Phật tử hoàn toàn có thể xếp chúng vào loại tà dâm. Đây tiếp tục là cách tiếp cận chính thống của nhóm Kim Cương thừa (Vajrayana) phổ biến tại Bắc Ấn Độ, Tây Tạng, Bhutan và Mông Cổ.

 

                                                      *** 

Cho đến hiện nay, trừ một số ngoại lệ như nhà nước Myanmar, có thể nói triết lý và giáo điều của Phật giáo có xu hướng cấp tiến nhất khi nhắc đến vấn đề căn tính giới. Có thể nói, tính phi bản thể luận của Phật giáo là nền tảng triết lý tiếp cận đại đồng và có lợi ích lớn cho nhiều nhóm thiểu số bị đàn áp trên thế giới.

 

*

Tài liệu tham khảo

 

1.  APP WordPress. (2019, November 8). Myanmar’s criminal law and justice system perpetuates stigmatization, discrimination, and human rights violations against its LGBTQ people, new report finds. International Commission of Jurists. https://www.icj.org/myanmars-criminal-law-and-justice-system-perpetuates-stigmatization-discrimination-and-human-rights-violations-against-its-lgbtq-people-new-report-finds/

 

2.  What does Buddhism say about homosexuality? – Human sexuality and relationships – GCSE Religious Studies Revision. (n.d.). BBC Bitesize. Retrieved June 17, 2021, from https://www.bbc.co.uk/bitesize/guides/z2w2fg8/revision/5

 

3.  Kenneth Powell, J. (2002). Toward a Mādhyamaka Historiography: Buddhist non-essentialism and the study of religion. Contemporary Buddhism3(1), 81–92. https://doi.org/10.1080/1463994022000026039084

 

4.  Bates, Jae (2016) “LGBTQ Buddhism,” Relics, Remnants, and Religion: An Undergraduate Journal in Religious Studies: Vol. 2 : Iss. 1 , Article 10. Available at: https://soundideas.pugetsound.edu/relics/vol2/iss1/10 

 

5.  Jerryson, M. K., & Jerryson, M. (2017). The Oxford Handbook of Contemporary Buddhism. Oxford University Press. https://www.oxfordhandbooks.com/view/10.1093/oxfordhb/9780199362387.001.0001/oxfordhb-9780199362387

 

6.  Rubin Museum of Art. (2016, June 13). Fluid Depictions of Gender and Identity in Himalayan Arthttps://rubinmuseum.org/blog/fluid-depictions-gender-identity-himalayan-art-lgbt

 

7.  Religion in America: U.S. Religious Data, Demographics and Statistics | Pew Research Center. (2020, September 9). Pew Research Center’s Religion & Public Life Project. https://www.pewforum.org/religious-landscape-study/religious-tradition/buddhist/views-about-same-sex-marriage/

 

8.  Ngũ giới bao gồm: Không sát sinh, Không trộm cắp, Không tà dâm, Không nói dối, Không uống rượu. Special Rapporteur’s Compilation of Articles on Freedom of religion or belief and Sexuality. (2017, September).

http://europeanbuddhism.org/wp-content/uploads/2015/07/TheRiseOfRainbowDharma-UNSpecialRapporteurOnFORB-CompilationOfArticlesOnFORBAndSexuality-Sep-2017.pdf

 

                          ***

 

All posts tagged "hôn nhân đồng giới"

https://www.luatkhoa.org/tag/hon-nhan-dong-gioi/

 

 

Phật giáo nghĩ gì về hôn nhân đồng giới?

 Điểm mấu chốt nằm ở tính chất phi bản thể 

 

·        

 

Cách nhìn của Khổng giáo về hôn nhân đồng giới

 Khác với suy nghĩ của nhiều người, các học thuyết Nho giáo không trực tiếp chống hôn nhân đồng giới.

 

·        

 

Chiến thắng pháp lý đầu tiên cho cộng đồng LGBT ở Nhật Bản

 Trong một xã hội được xem là bảo thủ như Nhật Bản, những thay đổi thật sự đang diễn ra.

 

·        

Hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới và chiến lược thoát Trung của Đài Loan

 Vì sao Đài Loan quyết tâm trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới?

 

·        

Đài Loan trở thành nước châu Á đầu tiên đề xuất dự luật về hôn nhân đồng giới

 Hôm 21/02, chính phủ Đài Loan đã đưa ra đề xuất về dự luật hôn nhân đồng giới đầu tiên ở châu Á. Nếu được thông...

 

·        

 

Phán quyết công nhận hôn nhân đồng giới của Toà Bảo hiến Đài Loan nói gì?

 Hôm nay, 24/5/2017, Đài Loan đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên công nhận hôn nhân đồng giới. Trong một án lệ lịch sử,..

 

MORE POSTS

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats