Thursday 3 June 2021

NHỮNG NHÀ BÁO PHẢN BIỆN : CẦN ĐỐI XỬ TỬ TẾ VỚI HỌ THAY VÌ CỨ BẮT BỎ TÙ (Phạm Lê Đoan - VNTB)

 



Những nhà báo phản biện: cần đối xử tử tế với họ thay vì cứ bắt bỏ tù   

Phạm Lê Đoan  -  VNTB

 03.06.2021 11:46

https://vietnamthoibao.org/vntb-nhung-nha-bao-phan-bien-can-doi-xu-tu-te-voi-ho-thay-vi-cu-bat-bo-tu/

 

Trên trang Việt Nam Thời Báo có bài viết “Làm sao phân biệt đâu là bài báo viết nhằm để chống nhà nước?”, đoạn cuối bài viết có ghi ý kiến của luật sư Hà Huy Sơn, là nếu các phiên toà xét xử tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, mà không có ‘người giám định’ tham dự thì luật sư không biết tranh tụng với ai…

 

Qua yêu cầu của luật sư Hà Huy Sơn, cho thấy lâu nay những nhà kỹ trị quốc gia gần như không còn mấy lắng nghe các ý kiến phản biện được gọi là ‘trái chiều’, mặc dù ngay cả người đứng đầu Đảng luôn kêu gọi học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh trong vấn đề “Phê và Tự phê”.

 

“Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ”

 

Nhà thơ Sóng Hồng – tức Tổng bí thư Trường Chinh, đã tuyên ngôn trong thi phẩm “Là thi sĩ”: Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền.

 

Phải chăng các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn cũng muốn ‘xoay chế độ’ như ông Trường Chinh?

 

Nếu hiểu theo đúng nghĩa về hưởng ứng Tư tưởng Hồ Chí Minh trong yêu cầu “Phê và Tự phê”, thì rõ ràng 3 ông nhà báo này đã làm đúng theo điều mà lãnh tụ Hồ Chí Minh từng làm.

 

“Khi Người dùng ngòi bút của mình để chống lại cái ác, cái xấu trong xã hội cũng là lúc Người đang thực thi vai trò của một người chiến sỹ cách mạng. Mặt trận không tiếng súng này không có máu, nhưng mồ hôi và nước mắt sẽ không lúc nào vơi cạn. Đúng như lời của nhà thơ Sóng Hồng: Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. (trích bài viết “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” – báo Công an Nghệ An, số phát hành ngày 3-4-2016).

 

Cáo trạng đã buộc tội rằng ông Phạm Chí Dũng có 25 bài viết, Nguyễn Tường Thụy có 5 bài viết, và Lê Hữu Minh Tuấn có 6 bài viết có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

“Khi chưa bị bắt, ông Phạm Chí Dũng cũng thường xuyên trả lời phỏng vấn của BBC như một tiếng nói trái chiều, bất đồng chính kiến với quan điểm của chính phủ Việt Nam nhưng không bao giờ kêu gọi chống phá, bạo động, lật đổ” – BBC xác nhận như vậy trong bài báo phát hành ngày 5-1-2021.

 

Trang VOA cũng ghi “các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ”.

 

Bào chữa tại phiên tòa xét xử 3 nhà báo kể trên, phía luật sư đã yêu cầu Chủ tọa triệu tập những người đã giám định và đưa ra kết luận về các bài viết được cho là “nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

 

Chủ tọa đã từ chối, và điều này không lạ vì những vụ án liên quan đến điều luật 117 (trước đó được đánh số 88 ở Bộ luật Hình sự 1999) đều không có mặt tại tòa phía được gọi là ‘giám định tư tưởng bài viết’.

 

Xét về bản chất chính trị – pháp lý thì truyền thông phản biện xã hội là cần thiết

 

Trang Việt Nam Thời Báo, nơi được cho là đăng tải các bài báo kể trên của 3 tác giả Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, là trang web có dáng dấp của một tạp chí điện tử chuyên ngành hẹp.

 

Sở dĩ gọi là ‘hẹp’, vì hầu hết các bài viết chọn đăng là nói như nhận định của BBC, “như một tiếng nói trái chiều, bất đồng chính kiến với quan điểm của chính phủ Việt Nam nhưng không bao giờ kêu gọi chống phá, bạo động, lật đổ”.

 

Theo cách quản lý của nhà chức trách Việt Nam, thì tạp chí điện tử phải tuân thủ các thủ tục hành chính cho thiết lập theo “Luật Báo chí số 103/2016/QH13 ngày 05 tháng 4 năm 2016; Thông tư số 41/2020/TT-BTTTT ngày 24/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, thực hiện hai loại hình báo chí, mở chuyên trang của báo điện tử và tạp chí điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san”.

 

Nếu nhà chức trách Việt Nam xem trang Việt Nam Thời Báo là một trong những kênh truyền thống của phản biện xã hội, để sòng phẳng trong cách tiếp cận đối thoại, thì có lẽ phù hợp hơn về nguyên lý của triết học Karl Marx.

 

Karl Marx đã nhận xét về vai trò phản biện của báo chí: “Trong hy vọng và lo lắng, có điều gì báo chí nghe được ở cuộc sống, báo chí sẽ lớn tiếng loan tin cho mọi người đều biết, báo chí tuyên bố sự phán xét của mình đối với những tin tức đó một cách gay gắt, hăng say, phiến diện như những tình cảm và tư tưởng bị xúc động thầm bảo nó vào lúc đó” (*).

 

Xét về bản chất chính trị – pháp lý thì phản biện xã hội là một hình thức thực hiện các quyền dân chủ của cá nhân đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam cam kết thực hiện trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (**).

 

Như vậy, phản biện xã hội là trạng thái chuyên nghiệp của quá trình thảo luận, cho nên nó cần có sự tham gia của hai lực lượng, lực lượng thứ nhất là để nói một cách chuyên nghiệp, và lực lượng thứ hai là để nghĩ một cách chuyên nghiệp.

 

Trước khi nói phải nghĩ, nghĩ chuyên nghiệp là giới trí thức và nói chuyên nghiệp là giới báo chí.

 

Người dân, do các điều kiện khách quan và sự giới hạn thông tin mà không phải lúc nào cũng có thể quan sát và phản biện được các công việc của Nhà nước. Chính vì vậy, báo chí còn là kênh để kết nối thông tin giúp người dân khắc phục những rào cản đó.

 

Báo chí vừa được xem là chủ thể phản biện vừa là phương tiện có thể chuyển tải những thông tin phản hồi từ xã hội đến cơ quan nhà nước để có thể ban hành và điều hành chính sách phù hợp hơn.

 

Theo đúng cách hiểu phổ quát chung đó, các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn rất cần đến sự đối thoại bình đẳng với tất cả những ý kiến, quan điểm đa chiều – kể cả trong quyền tự do ngôn luận có định hướng từ cơ quan tuyên giáo Đảng.

 

Đảng từng sai lầm và nhìn nhận sai lầm

 

GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, kể: “Ngày 8-9-1956, với tinh thần tự phê bình nghiêm khắc trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm của mình với tư cách là Tổ trưởng Tổ cải cách ruộng đất, đồng chí Trường Chinh xin từ chức Tổng Bí thư.

 

Ban Chấp hành Trung ương biểu quyết tán thành để đồng chí Trường Chinh thôi giữ chức Tổng Bí thư, tiếp tục giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Giữa tháng 11-1958, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14 quyết định đồng chí Trường Chinh thôi giữ chức Bí thư Trung ương, trước đó đồng chí đã được bổ nhiệm là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm giữ chức Chủ nhiệm ủy ban Khoa học Nhà nước”.

 

Đảng đã sai và đã sửa.

______________

 

Chú thích:

 

(*) “C. Mác – Ph. Ăngghen: Toàn tập”, nhà xuất bản Chính trị quốc gia,  trang 237.

 

(**) Điều 19 Công ước viết rằng: “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp”;

 

“Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ…”.

 

Điều 25 Công ước này quy định mọi công dân đều có quyền và cơ hội để tham gia vào việc điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua các đại diện được họ tự do lựa chọn.

 


 

Tin Bài Liên Quan:

 

VNTB – Tự do báo chí: Việt Nam không đồng cách hiểu với thế giới?

 

VNTB – Trao đổi cùng nhà chức trách về các quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam

 

VNTB – Nếu thực sự lắng nghe ý kiến nhân dân, đừng bỏ tù người phản biện ôn hòa!

 

VNTB- Các nhà báo độc lập ở Việt Nam: Cuộc chiến chống lại các nhà phản biện vẫn tiếp tục

 

 

=======================================================

.

Làm sao phân biệt đâu là bài báo viết nhằm để chống nhà nước?

Thới Bình  -  VNTB

03.06.2021  4:24

https://vietnamthoibao.org/vntb-lam-sao-phan-biet-dau-la-bai-bao-viet-nham-de-chong-nha-nuoc/

 

(VNTB) – Nếu các phiên toà xét xử tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, mà không có ‘người giám định’ tham dự thì luật sư không biết tranh tụng với ai…

 

Bộ luật Hình sự 2015 (tu chỉnh 2017), Điều 117 “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định như sau:

 

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

 

a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.

 

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

 

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

 

Thắc mắc đầu tiên của không riêng luật sư tham gia vụ án này, mà là cả những người viết báo, rằng thế nào là “nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”?, bởi ở đây rất có thể người viết hiểu rằng một khi ‘chính quyền’ cụ thể nào đó để có những hành xử vì lợi ích nhóm nào đó, mà không phải vì ‘nhân dân’, thì tại sao lại không được quyền viết để lên án ‘chính quyền’ rất cụ thể ấy?

 

Thắc mắc tiếp theo, căn cứ vào những quy định/ quy ước cụ thể nào để giới hạn hay áp đặt cho rằng ‘xuyên tạc, phỉ báng’?

 

Dẫn chứng: chắc chắn khi các ông Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… còn tại chức, thì nếu nhà báo nào dám ‘khui’ những cú áp phe chính trị kiểu như tham nhũng quyền lực của những nhân vật này, chắc chắn sẽ bị bỏ tù theo tội danh ở Điều 88 mà sau này thay đổi thứ tự thành Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

 

Nhà báo tự do Lê Anh Hùng đã rất kiên trì tố cáo bằng văn bản theo trình tự hành chính pháp lý, cho đến những bài báo nói về những phi vụ làm ăn đáng ngờ vực với Trung Quốc của cựu Bộ trưởng Hoàng Trung Hải. Thế nhưng đến nay thì có lẽ do ‘củi chưa thể chụm’, nên nhà báo Lê Anh Hùng phải ‘an trú’ ở nhà thương điên.

 

Thắc mắc kế tiếp, tại sao không đặt nghi vấn về dấu hiệu hinh sự trong một số nội dung ‘livestream’ của bà Nguyễn Phương Hằng đang lùm xùm suốt trên mạng xã hội từ tháng 3-2021 đến nay?

 

Bởi khi mang so với ông Lê Dũng Vova đang bị khởi tố về tội danh chống Nhà nước theo Điều 117, thì bà Nguyễn Phương Hằng còn đáng ngại hơn nhiều lắm, khi bà trực tiếp công khai gây hoang mang công chúng, qua chuyện bà liên tục ‘lên sóng’ tố cáo ông Võ Hoàng Yên, bởi ông này đâu chỉ có hình ảnh thân thiết với ông hề Hoài Linh, mà còn với ông Nguyễn Xuân Phúc lúc còn làm Thủ tướng; thậm chí có cả hình ảnh của ông Võ Hoàng Yên ‘ở bên’ ông Phan Văn Mãi – người sắp sửa rời ghế Bí thư tỉnh ủy Bến Tre để làm Phó Bí thư Thường trực TP.HCM.

 

Thắc mắc nữa, giả dụ như khi viết bài báo nào đó mà sau này tòa nói là “có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”, thì nếu tác giả không có hành vi ‘tàng trữ’, còn ‘phát tán’ là bên nhận đăng bài viết ấy rồi chính nơi đó làm luôn ‘phát hành’, vậy thì những bên liên quan vừa kể có đưa vào vòng tố tụng với tư cách bên có quyền lợi và trách nhiệm liên đới/ liên quan?

 

Dĩ nhiên ở đây lúc hầu tòa phải có người chịu trách nhiệm pháp lý trong giám định các nội dung bài viết/ báo hình/ báo nói… được cho là “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” thì mới sòng phẳng với các bên còn lại.

 

Nếu người giám định này không hiện diện bằng xương, bằng thịt tại phiên xét xử, thì đó là sự không công bằng, vì trên thực tế nếu căn cứ vào Luật Giám định tư pháp, thì cho đến nay Việt Nam vẫn chưa tìm thấy ngạch đào tạo về “giám định tư tưởng qua nội dung hình thức thể hiện bằng văn tự”, cho nên Điều 117 rất khó thuyết phục khi được tranh tụng sòng phẳng giữa các bên: tác giả đang là bị cáo – phía giám định – kiểm sát viên – luật sư.

 

Nôm na, ở Việt Nam hiện tại vẫn chưa thấy có trường lớp nào dạy cách phân biệt bằng khoa học biện chứng, rằng đâu là bài báo viết nhằm để chống nhà nước, chống đảng, chống nhân dân?

 

Luật sư Hà Huy Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội), hôm đầu tháng 6, trong văn bản gửi thẩm phán Mai Văn Quang – Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, đã yêu cầu triệu tập bà Nguyễn Thị Mai Hương là “Tổ trưởng Tổ điều phối giám định tập thể” đến phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Phạm Chí Thành. Lý do: không có người giám định tham dự thì luật sư không biết tranh tụng với ai…

 


 

Tin Bài Liên Quan:

 

VNTB – Cần tu chỉnh điều luật 117 của Bộ Luật Hình sự hiện hành

 

VNTB – Sẽ là án oan khi hiểu thế nào là chống nhà nước xã hội chủ nghĩa?

 

VNTB – Vụ án “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”

 

VNTB – Đệ trình đáp ứng Nghị quyết 74/157 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về “Sự an toàn của các nhà báo Việt Nam và vấn đề trừng phạt ”(*)

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats