Monday 21 June 2021

NHỮNG ĐIỀU KHÓ HIỂU TRONG GIÁO DỤC / KỲ 2    (Thái Hạo)

 



NHỮNG ĐIỀU KHÓ HIỂU TRONG GIÁO DỤC / KỲ 2   

Thái Hạo

23:22  20/06/2021    

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1016611909147997&id=100023975920044

 

Ở bài thứ nhất tôi đã nói cái “khó hiểu” của việc lấy “học thuộc” làm mục đích; bài này đề cập đến sự bất hợp lý của cái cái quy trình lạ đời: chiếc phễu ngược.

 

Chiếc phễu là vật dụng dùng để rót chất lỏng, đầu vào thì lớn nhưng đầu ra nhỏ dần và nhỏ. Sự vận hành của các cấp học ở VN đang ngược lại, nghĩa là đầu vào thì nhỏ nhưng đầu ra thì to. Thi vào rất khó nhưng ra lại dễ dàng.

 

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa mới kết thúc đây là một ví dụ. Lớp 10, tức vẫn thuộc cấp THPT, mà hai chữ “phổ thông” có nghĩa là sơ đẳng, là nền tảng, là những hiểu biết thông thường cần trang bị cho bất kỳ một công dân nào. Cớ làm sao lại phải biến thành một cái kỳ thi gian nan đến thế; trong khi tỉ lệ tốt nghiệp PT lại gần như 100%? Có cần định nghĩa lại khái niệm “phổ thông” chăng? Và nếu có phân ban thì cũng phải học phương Tây khi “phân ban”, đi vào chiều sâu nhưng phải hẹp; không ai lại học một lúc 13 môn mà yêu cầu môn nào cũng phải giỏi!

 

Đầu vào và đầu ra của đại học lại càng có vấn đề hơn nữa. Thi đại học rất khó nhưng gần như hễ cứ vào là ra, rất hiếm có trường hợp nào bị “ách” lại. Thi đại học trở thành một cuộc chiến thực sự, nhưng vào rồi thì coi như xong. Cứ học nhởn nha, vừa học vừa chơi, trả bài đối phó, năm chầy tháng đoạn, thế là ra trường. Nó chẳng thành một cái sản phẩm gì ra hồn cả. Đáng ra nên mở cửa đầu vào cho rộng rãi, và siết chặt đầu ra để biến việc học đại học thành một thứ nghiêm túc nhất đời, thành sinh tử thì đây lại làm ngược lại. Trong khi ấy, những sản phẩm đào tạo của đại học sẽ chính thức bước vào cuộc đời, tham gia lao động, nắm giữ các vị trí; nó quyết định chất lượng công việc và thành quả làm việc thì lại bị hỏng mất quá nửa (thậm chí hỏng gần hết). Rõ ràng, đây là chỗ dứt khoát phải thay đổi.

 

Các trường đại học vì sự sống còn của mình mà cứ thế cho sinh viên và học viên ra trường (vì “gắt” quá thì sau người ta không thi vô nữa, không có người học thì trường đói), rồi hậu quả thì xã hội gánh cả. Những người được đào tạo không đến nơi đến chốn ấy, họ làm thì ít mà phá thì nhiều, trực tiếp gây ra tình trạng trì trệ cho xã hội và kéo lùi lịch sự của tiến bộ. Những sự vô lý như thế mà cứ nghiễm nhiên duy trì suốt nhiều thập kỷ qua thì quả là tai hại đã vô cùng. Và hậu quả thì chúng ta cũng đang thấy rồi. Đơn cử, đa phần sinh viên sư phạm ra trường là không biết dạy học, tình trạng rất tệ hại; thế nhưng bằng cách này hay cách khác, họ lại vẫn đi dạy!

 

Giáo dục cần vận hành theo hình phễu thuận (vào dễ ra khó), đặc biệt là đối với đại học. Đây là chỗ hệ trọng, phải sửa ngay chứ không thể trì hoãn được nữa.

 

Thái Hạo

 

24 BÌNH LUẬN  

 

 

                                                  ***

 

NHỮNG ĐIỀU KHÓ HIỂU TRONG GIÁO DỤC   (KỲ 1)

Thái Hạo

18/06/2021  lúc 23:15  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1015299665945888&id=100023975920044

 

Tôi bước vào nghề dạy học, đến năm thứ 2 là bắt đầu chán. Có một câu hỏi cứ lởn vởn mãi trong đầu rằng, “Chẳng lẽ mình cứ dạy đi dạy lại hoài mấy bài văn này cho đến lúc chết ư”. Tác phẩm văn học thì mênh mông, gần như vô tận, tại sao cứ quẩn quanh với vài bài thơ bài văn trong sách giáo khoa; món ngon đến mấy thì qua ngày thứ 2 cũng phải chán, huống gì ăn suốt đời! Thế mà người ta cứ duy trì một lối ấy cả gần thế kỷ. Thật không thể hiểu nổi.

 

Chẳng lẽ hàng vạn giáo viên và hàng ngàn các bậc thầy đào tạo ra những giáo viên ấy, từ chục năm này đến chục năm khác, họ không thấy cái điều ấy là phi lý và ngớ ngẩn sao? Thật kỳ lạ, tại sao họ không khởi lên cái ý nghĩ, rằng phải làm khác đi. Việc duy trì một thứ “pháp lệnh” như thế mà không gây nên bất cứ sự tù túng, giật mình, kinh sợ nào thì quả thật là một sự kiện không bao giờ giải thích được.

 

Người ta đưa một danh sách các bài văn bài thơ vào sách giáo khoa, và soạn sẵn những nội dung cần học thuộc về những bài văn bài thơ ấy; cứ thế, từ thế hệ này qua thế hệ khác cắm cúi, hô hào, lên gân, thúc ép, nhồi nhét vào nhau để đến khi đi thi thì chép những cái điều ấy ra, và gọi là “đánh giá học lực”; để từ đó mà phân loại: giỏi, trung bình, khá, yếu. Chẳng lẽ hàng vạn “trí thức” mà không có lấy một ai động não về cái sự ly kỳ này? Cái đó chỉ có thể kiểm tra năng lực học thuộc chứ làm sao mà phát triển phẩm chất văn chương hay rèn luyện lời ăn tiếng nói và bồi đắp tâm hồn cho được!

 

Hậu quả thì đã thấy rồi, nhãn tiền, tiếng Vệt đã bị sa sút nghiêm trọng, nếu không muốn nói là đang bị hủy hoại một cách tang thương. Ngôn ngữ văn hóa đang dần xa lạ với chính cái cộng đồng nói tiếng mẹ đẻ này. Ngày nay người ta đang dần không hiểu được nhau nữa khi nghe và đọc một thứ diễn ngôn chỉ nhỉnh hơn ngôn ngữ sinh hoạt thông tục một chút. Tình yêu đối với văn chương lại càng xa xỉ, học sinh chuyên văn chưa bao giờ sợ văn đến thế. Người học không nói được nữa, kêu chúng trình bày một vấn đề thì chỉ nghe thấy những tiếng ậm ừ và một mớ âm thanh hỗn độn, lộn xộn. Đừng nói tới hùng biện mà mệt; cũng đừng nói tới việc viết một bản văn cho ra hồn.

 

Tiếng Việt đang đứng trước miệng vực của bóng tối. Có ai chịu trách nhiệm chăng? Thiết kế một chương trình như thế và một cung cách thi cử như vậy, hỏi làm sao tiếng mẹ đẻ không bị tàn phá cho được.

 

Học văn đâu phải học thuộc những cái gạch đầu dòng, những bài văn mẫu, hay học thuộc lời của các vị giáo sư! Từng tác phẩm (nếu) được đưa vào trong sách thì chỉ là những phương tiện/nguyên liệu để người học thông qua việc nghĩ về tác phẩm ấy, nói về tác phẩm ấy, bàn bạc về tác phẩm ấy, tranh cãi về tác phẩm ấy…, rồi từ đó mà rèn luyện tiếng nói, rèn luyện tư duy, xây đắp thẩm mỹ; và để rồi dùng những thành quả thu được ấy mà đi đọc những tác phẩm khác, thưởng thức những tác phẩm khác; thổn thức với cuộc đời và phân minh sai đúng với xã hội; chứ ai đời, lại lấy chính cái việc thuộc những bài văn ấy làm mục đích của giáo dục bao giờ!

 

Những cái sự phi lý như vậy mà có thể tồn tại một cách đầy tự hào trong thời gian tính bằng thế kỷ thì quả thật dường như tư duy của người làm giáo dục phải ở trong một tình trạng đông cứng hoặc tê liệt hoàn toàn. Anh dạy là dạy cái phương tiện (phương pháp), và học là học lấy cái phương tiện; chứ giáo dục mà theo kiểu nuôi báo cô, lo nấu sẵn một bàn ăn và bắt tất cả cùng ăn, đứa nào ăn được nhiều thì coi là giỏi thì nó không sinh ra bọn “gà công nghiệp” mới là chuyện lạ. Đây đích thị là một phương cách giáo dục để khiến những đứa trẻ vĩnh viễn không bao giờ lớn lên được; cha mẹ chúng bao cấp toàn phần, không cho chúng đụng tới việc gì cả. Nếu có đứa nào vì thèm khát quá mà mày mò chế tác thì lập tức bị rầy la roi vọt. Đó là cái giáo dục gì nếu không phải sự ngu dốt của cha mẹ, không hề có chút kiến thức nào về nuôi dạy con? Tình yêu mà cộng với dốt nát thì kết thành tội ác, quả không sai.

 

Chương trình Đổi mới (2018) đã có sự thay đổi, đó là bên cạnh những văn bản “bắt buộc” như từ xư tới nay thì có một danh sách dài các văn bản “gợi ý”. Tuy vậy, cả bắt buộc và gợi ý đều hầu như lặp lại tất cả những văn bản cũ vốn đang được sử dụng trong bộ sách cũ, cùng với thêm vài văn bản mới nữa. Ở đó cũng có lưu ý rằng, nếu không muốn dùng các văn bản “gợi ý” thì giáo viên có thể tự tìm các “văn bản tương tự” để giảng dạy. Đây là một điều tích cực, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử “cải cách” giáo dục VN. Tuy thế, để có thể phát huy được cái điểm “tích cực” này thì còn cả một núi việc phải làm; nếu không, tất cả lại rơi vào cái vòng tròn cũ. Năng lực giáo viên, cung cách quản lý với áp lực thành tích, phương pháp kiểm tra đánh giá v.v.., nếu không được thay đổi một cách triệt để thì tất cả sẽ lại “đầu voi đuôi chuột”, sẽ lại “đánh trống bỏ dùi”; loay hoay một hồi lại cứ “lối cũ ta về”. Mà khả năng này thì rất cao, bởi tôi nhìn thấy những điều kiện cho sự áp dụng “cái mới” gần như hoàn toàn chưa có, mọi thứ vẫn như trước.

 

Thế là người ta sẽ lại giữ nguyên cái danh sách văn bản cả bắt buộc và gợi ý kia; lại viết và in sách giáo viên, sách bài tập, sách bộ đề, sách văn mẫu; lại thi cử “loanh quanh chừng ấy dáng người”. Một vòng lặp vĩ đại.

 

Cái cần nhất bây giờ, là nói như Lincoln “Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 giờ đầu để mài rìu”. Không chuẩn bị tốt mọi khâu, đặc biệt là tâm thế và chất lượng giáo viên; và không dọn dẹp sạch sẽ mọi thứ rác rưởi của loại quản lý chuyên chế ở trường học, của bệnh thành tích, của các loại thi đua v.v.., thì câu chuyện đổi mới lần này sẽ trở thành bà mẹ của một đổi mới tiếp theo không xa.

 

Thái Hạo

 

143 BÌNH LUẬN

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats