Thursday 10 June 2021

NGÔN LUẬN và SÁCH ĐỘNG : ĐÂU LÀ SỰ CÂN BẰNG? (Phạm Phú Khải)

 



Ngôn luận và sách động: Đâu là sự cân bằng?

Phạm Phú Khải

10/06/2021

https://www.voatiengviet.com/a/ngon-luan-sach-dong-can-bang/5923614.html

 

Nổi loạn (sedition) có phải là hành động sai trái và phi pháp không?

 

Nếu người dân tại các nền chuyên chế xuống đường biểu tình, chiếm đóng tòa nhà quốc hội, yêu cầu chính quyền tôn trọng tiếng nói, nguyện vọng và quyền công dân, như phong trào đấu tranh tại Hồng Kông làm vào năm 2019, thì hành động này có sai trái hay phi pháp?

 

Nếu người dân tại các nền dân chủ cũng xuống đường biểu tình, rồi chiếm đóng tòa nhà quốc hội, hiếp đáp các nghị sĩ và thượng nghị sĩ, như xảy ra tại Điện Capitol ở Mỹ vào ngày 6 tháng Giêng 2021, thì hành động này có sai trái hay phi pháp?

 

Về mặt pháp lý, hầu như quốc gia nào cũng có một hay nhiều đạo luật khác nhau để đối phó với vấn nạn nổi loạn. Tại Thái Lan, chẳng hạn, Điều 116 của Bộ luật Hình sự, được biết đến là Luật về Nổi loạn, trừng phạt tối đa 7 năm tù với những ai dùng ngôn từ hay văn kiện, để kích động thay đổi luật pháp tại đây bằng vũ lực hay bạo động; hay gây bất ổn và bất mãn trong lòng người dân mà có thể đưa đến xáo trộn; hay làm cho người dân vi phạm luật của Thái Lan. Tuy luật này đã có từ lâu, nó hiếm khi được dùng cho đến khi xảy ra cuộc đảo chánh chính phủ vào tháng Năm 2014. Chính quyền quân phiệt Thái bắt đầu xử dụng Điều 116 này, kết tội ít nhất 117 người trong suốt 5 năm, mà phần lớn liên quan đến sự phê phán đối với chính quyền quân phiệt hay Hội đồng Quốc gia về Hòa bình và Trật tự (NCPO). Chính quyền Prayut Chan-o-cha vẫn tiếp tục sử dụng Điều 116 để kết án và bỏ tù những người đấu tranh cho dân chủ hiện nay.

 

Tại Mỹ, Tu Chính án 1 được phê chuẩn năm 1791 nhằm ngăn cản chính quyền làm ra những đạo luật để hình hành tôn giáo, hay ngăn cản quyền tự do tôn giáo, hay giảm bớt các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí/truyền thông, tự do hội họp, hay quyền kiến nghị chính phủ giải quyết khiếu nại v.v…

 

Tuy thế, quốc hội Mỹ khóa 5 đã thông qua dự luật Nổi loạn 1798 và Tổng thống thứ 2 Mỹ John Adams phê chuẩn thành đạo luật đến năm 1798, có tên The Sedition Act 1798. Quốc hội Mỹ khóa 5 (1797 – 1799) lúc đó chia ra làm hai xu hướng (lúc đó chưa thành lập đảng): The Federalist, khối đa số, do John Adams lãnh đạo, và Democractic-Republicans, khối thiểu số, do Thomas Jefferson lãnh đạo.

 

Vào thời đó, báo chí đóng vai trò như cơ quan đầu não đối với các phe phái chính trị. Báo chí phe Cộng hòa được biết là đặc biệt tấn công mạnh mẽ vào phía Federalist và chính quyền Adams. Chính quyền Adams muốn làm ra các bộ luật này với mục đích làm cho phe đối lập im lặng. Đây là đạo luật duy nhất của Mỹ mà cấm công dân “Viết, in, nói hoặc xuất bản. . . bất kỳ một hay nhiều bài viết nào có tính cách sai trái, tai tiếng, và ác ý chống lại chính phủ Hoa Kỳ.” Nếu bị kết tội thì sẽ bị phạt tối đa là hai ngàn đô la, hoặc/và bị tù tối đa là hai năm. Phía Federalist tin rằng đạo luật này là cần thiết cho an ninh của Hoa Kỳ trong Chiến tranh bán chính thức với Pháp. Họ sợ rằng những lời chỉ trích từ các đảng viên Dân chủ-Cộng hòa và trên các tờ báo sẽ phá hoại chính phủ.

 

Một trong những người ủng hộ dự luật, John Allen ở Connecticut, thuộc phía Adams, biện luận: “Sự tự do của báo chí và quan điểm được tính toán để phá hủy mọi niềm tin giữa con người với nhau. Nó dẫn đến sự tan rã của mọi ràng buộc của hiệp chủng quốc.”

 

Trong cuộc tranh cử tổng thống 1800, Ngoại trưởng Mỹ Timonthy Pickering đã sử dụng đạo luật này để truy tố các tờ báo của phía Cộng hòa. Phía ủng hộ đạo luật biện luận:

“Chính phủ phụ thuộc sự tồn tại của nó dựa trên thiện chí của người dân. Thiện chí đó được duy trì bởi ý kiến tốt của họ. Nhưng, làm thế nào để ý kiến tốt đó được bảo tồn, nếu những người đàn ông độc ác và vô nguyên tắc, những người đàn ông vô kỷ luật và đầy tham vọng ghê sợ, được quyền tiết lộ sự kiện cho mọi người nhưng không đúng sự thật, mà họ biết vào thời điểm đó là sai, và được tuyên bố với ý đồ phi pháp là đưa chính phủ trở nên bất bình trong người dân.”

 

Trong khi đó, phe Dân chủ - Cộng hòa của Jefferson phản biện rằng luật này vi phạm Tu Chính án 1. James Madison của bang Virginia, đặt câu hỏi: “Tình trạng của người dân sẽ như thế nào?”; và biện luận: “Không được tự do: bởi vì họ sẽ bị buộc phải thực hiện cuộc bầu chọn của mình giữa các đối thủ cạnh tranh mà họ không được phép cùng hành động như kiểm tra, thảo luận và xác định.” Những người theo xu hướng Cộng hòa lúc đó tin tưởng rằng khi các ý kiến va chạm nhau, những quan điểm đúng đắn sẽ chiếm ưu thế. Chính quyền không thể bị đe dọa bằng lời nói để biện minh cho những tổn hại đến từ sự đàn áp này.

 

Nhưng quốc hội của Adams chiếm đa số nên đã thông qua Đạo luật Sedition 1798, với số phiếu 44 ủng hộ, 41 chống, tại thượng viện. Trong ba năm hành động có hiệu lực dưới đạo luật này, đã có 25 vụ bắt giữ, 15 bản cáo trạng và 10 bản kết án.

 

Đạo luật này đã không được công chúng yêu thích trong gần ba năm thi hành. Tổng thống Adams đã thất bại trong cuộc tái tranh cử, và Jefferson đã đắc cử Tổng thống vào năm 1800. Tuy đạo luật này đã hết hiệu lực tự nhiên vào ngày 3 tháng 3 năm 1801, trước ngày nhậm chức của tân tổng thống Jefferson, các lập luận ủng hộ và chống lại nó đã định hình cuộc tranh luận sau đó về việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên bình diện hiến pháp.

 

Sau cuộc thử nghiệm này, các nhà lập quốc Mỹ đã quyết định chọn con đường tự do và sự trao đổi thảo luận ý kiến một cách rộng mở.

 

Các triết gia theo xu hướng cấp tiến (Liberalism) cũng cổ võ cho tự do ngôn luận rộng mở như thế. Immanuel Kant đề cao lý tưởng này là “tính siêu việt của nguyên tắc công khai”. John Milton thì cho rằng “Hãy để Sự thật và Sự giả vật lộn với nhau.” Benjamin Franklin ghi nhận rằng “Cả hai bên đều nên có ưu thế để được công chúng lắng nghe”. Thomas Jefferson ủng hộ hoàn toàn quan niệm này trong bài phát biểu nhậm chức:

“Nếu có bất kỳ ai trong số chúng ta muốn giải tán hiệp chủng quốc này hoặc thay đổi hình thức cộng hòa của nó, hãy để họ đứng vững, như tượng đài của sự an toàn mà sai lầm về quan điểm có thể được chấp nhận, nơi mà lý luận được tự do để chiến đấu.”

 

Cách đây đúng 220 năm, đứng trước thử thách thời đại, Tổng thống Jefferson đã chọn chủ trương tự do ngôn luận tối đa để mọi người trong hiệp chủng quốc Mỹ cùng tìm ra sự thật, dù là sự thật tương đối. Nhờ thế mà bao nhiêu đời tổng thống về sau, và bao nhiêu lần tu chính hiến pháp, nguyên tắc và giá trị này cũng vẫn đứng vững. Nước Mỹ của Washington, Adams và Jefferson nay đã tiến rất xa và rất khác trong suốt 220 năm qua. Các phát biểu của tổng thống thời xưa, kể cả các lời trong bài nhậm chức, mang nặng tính chính sách và chủ trương. Những cuộc thảo luận và tranh luận thời xưa lấy lý luận và bằng chứng để thuyết phục. Nhưng ngày nay, càng ngày người ta càng đưa ra quả quyết (assertion) và phán xét (judgment) thay vì tranh luận (argument). Người ta không còn thời gian hay kiên nhẫn để lắng nghe bên kia đã đi đến kết luận về quan điểm bằng cách nào. Các cuộc diễn ngôn công cộng bây giờ bị lấn chiếm bởi các miếng âm thanh (soundbite) và ảnh chụp nhanh (snapshot). Chưa kể các nạn tin giả tràn ngập do con người và máy móc làm nên, tấn công liên tục vào các thành trì dân chủ hiện nay, trong khi các chế độ chuyên chế thì không hề hấn gì vì họ đã tiêu diệt nó từ khi lên nắm quyền.

 

Khả năng lý luận của con người không còn quan trọng khi sự tranh chấp bị lấn át bởi niềm tin, quả quyết hay ý thức hệ. Cho nên nếu Benjamin Franklin, Thomas Jefferson, John Milton, John Stuart Milton v.v… sống trong thời đại này thì liệu họ có còn bảo vệ tối đa quyền tự do ngôn luận như thời của họ không? Và làm thế nào để người dân vẫn có quyền tự do ngôn luận căn bản, nhưng cần phải nói năng có trách nhiệm, thay vì lạm dụng nó để sách động nổi loạn, là một sự thử thách cho mọi chính quyền dân chủ hiện nay.

 

--------------------

 

Tài liệu tham khảo:

 

Benjamin Russell, “The Sedition Act, 1798”, The Gilder Lehrman Institute of American History, Accessed on 6 June 2021.

 

The Columbian Centinel. Vol. 24, no. 45, “The Sedition Act”, The Gilder Lehrman Institute of American History, 4 August 1798.

 

Kathleen Hall Jamieson, “Discourse and the Democratic Ideal”, Proceedings of the American Philosophical Society, 137 (3), 332-338, September 1993.

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats