Friday 18 June 2021

GS CHUNG HOÀNG CHƯƠNG : ĐÓNG GÓP CỦA NGƯỜI VIỆT TẠI MỸ CÒN KHIÊM TỐN (Người Đô Thị)

 



Giáo sư Chung Hoàng Chương: Đóng góp của người Việt tại Mỹ còn khiêm tốn 

Người Đô Thị

11:34 | Chủ nhật, 13/06/2021

https://nguoidothi.net.vn/giao-su-chung-hoang-chuong-dong-gop-cua-nguoi-viet-tai-my-con-khiem-ton-28679.html

 

Trong buổi hội thảo về cộng đồng người châu Á tại Mỹ gần đây, bà Marie Damour, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM cho hay cộng đồng người gốc Á tại Mỹ đến từ hơn 20 nước, và trong vòng 10 năm trở lại đây, cộng đồng gốc Á đang lớn mạnh, có nhiều đại diện trong các lĩnh vực xã hội, nắm nhiều chức vụ cao cấp trong chính phủ. Chỉ riêng lực lượng tuyến đầu đang chống COVID-19 tại Mỹ, cộng đồng người Á góp 2 triệu thành viên. Tuy nhiên, tình trạng phân biệt người gốc Á tại Mỹ đang ở mức báo động, và chính phủ Mỹ đang đưa ra các biện pháp giải quyết triệt để tình trạng này.

 

·         “Giải mã” sự thành công của các nhà văn Mỹ gốc Việt

 

·         Người Việt cần tự kể những câu chuyện của chính mình

 

·         Nguyễn Thanh Việt, giải Pulitzer 2016: “Không có định nghĩa duy nhất về người Việt”

 

Để có góc nhìn tiệm cận với thông tin trên, Người Đô Thị trao đổi nhanh về tình hình cộng đồng người Việt tại Mỹ với giáo sư Chung Hoàng Chương, người đã có 35 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục tại Mỹ, giảng dạy tại nhiều trường ở bang California như Đại học Berkeley, Đại học San Francisco, Đại học San Jose, Cao đẳng San Francisco, Cao đẳng De Anza, chuyên về châu Á học, nghiên cứu người Mỹ gốc Á và nghiên cứu giáo dục đa văn hóa.

 

Tại Đại học San Francisco, giáo sư Chung Hoàng Chương là giám đốc đầu tiên của Trung tâm nghiên cứu người Mỹ gốc Việt, tập trung vào các hoạt động trao đổi sinh viên với Việt Nam. Hiện, ông đang sống tại Việt Nam, giảng dạy tại khoa Quan hệ quốc tế Đại học Quốc gia TP.HCM. Ông cũng đang tham gia nghiên cứu các dự án nông nghiệp thay thế ở hạ lưu sông Mekong.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn//content/1d7efd45-e7cf-402d-b089-9ca47c9308ac.jpg

GS. Chung Hoàng Chương.

 

Thưa giáo sư, với kinh nghiệm nghiên cứu giảng dạy tại Mỹ thời gian dài, ông đánh giá sự đóng góp lớn nhất của cộng đồng di dân, đặc biệt là cộng đồng gốc Việt vào lịch sử nước Mỹ thế nào và đã được lịch sử Mỹ đánh giá đến đâu? 

 

Nếu muốn hiểu hết về lịch sử của người di dân da màu tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thì cần nhiều thời gian. Mỹ cũng có những đạo luật có tính cách kỳ thị mà phần lớn cộng đồng Việt không biết và không nghe nói đến.

 

So với những cộng đồng châu Á khác, cộng đồng người Việt là một trong những cộng đồng có những thành quả khá khiêm nhường, phần lớn tập trung trong lĩnh vực quân đội, như những cấp bậc tướng tá trong một số quân chủng. Có nhiều trường hợp được cộng đồng Việt khen ngợi, ngưỡng mộ, nhưng nhìn tổng quan vẫn thua xa những cộng đồng gốc Hoa, gốc Nhật. Có một khoa học gia nữ cộng tác trong chương trình nghiên cứu về khí giới được nhắc đến như cô Dương Nguyệt Ánh. Nhưng có người lại gọi cô là “Bomb Lady”, vì việc sáng chế khí giới sát thương là điều mà giới trẻ không thích ca tụng, ngưỡng mộ. 

 

Phần lớn những công nhận tập trung vào lĩnh vực lao động cực nhọc và kiên trì như làm nail, lắp ráp điện tử trong công nghiệp công nghệ thông tin. Có những vùng như quận Cam được hình thành qua sự tập hợp của nhiều cửa hàng nhỏ. Lối thương nghiệp gia đình cũng tương tự như Koreatown, Chinatown hay Japantown mà nhiều người hay nói đến. Tuy nhiên những Chinatown hay Japantown thu hút nhiều du khách vì có nhiều hoạt động văn hóa trong khi Little Saigon chỉ thu hút khách Việt thèm món ăn Việt hay đến mua thực phẩm Việt Nam mà thôi. 

 

Thế hệ đầu lớn tuổi không hoạt động nhiều trong chính trường. Họ cũng không hay ra khỏi những khu Việt Nam nên sự cạnh tranh không có. Phải chờ đến thế hệ thứ hai hoặc thứ ba thì mới thấy xuất hiện những người trẻ như Tram Nguyen, Khanh Pham, Carolyn Tran… tham gia tranh cử chính trường Mỹ ở cấp địa phương.  

 

Có nhiều nhân vật nổi trội thì thuộc văn đàn như những nhà văn trẻ tuổi, đưa ra những góc nhìn khá độc đáo. Những nhà văn trẻ được báo chí chính thống khen ngợi như Viet Thanh Nguyen, Ocean Vương, Monique Trương, Andrew Lâm... trưởng thành nhanh vì họ đã bứt ra khỏi sự thu hẹp của cộng đồng Việt và không bị gò bó trong tư duy lỗi thời.  

 

Trong ngành giáo dục nghiên cứu, người Mỹ gốc Việt khá khiêm nhường vì thiếu vắng những tên tuổi trong các trung tâm nghiên cứu. Có một cái tên được nhắc là Eugene Trinh (phi hành gia NASA) nhưng so với cộng đồng gốc Ấn Độ hay Trung Quốc thì quá ít. Hiện cộng đồng người Việt đứng hạng tư trong dân số Mỹ Á nhưng không ngang hàng với Nhật hay Hàn dù dân số họ ít hơn - theo nghiên cứu của tôi khi so sánh số liệu về sở hữu doanh nghiệp (business ownership). Phải nhìn nhận phụ nữ gốc Việt thành công hơn nam giới. 

 

                                                         ***

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/5338cdb9-8dd6-4c45-a435-4aa29fc30ee8.jpg

Little Saigon (được xem như thủ phủ người Việt) ở thành phố San Jose, Bắc California, Hoa Kỳ. Ảnh: Dân Huỳnh

 

Thái độ phân biệt chủng tộc không mới, và không chỉ tại Mỹ. Theo giáo sư, tại sao tình trạng này lại tăng mạnh trong thời gian qua? 

 

Có nhiều nguyên nhân. Nói về phía Mỹ, Hoa Kỳ có truyền thống kỳ thị lâu đời từ khi thành lập 13 khu thuộc địa và mang người nô lệ từ Phi châu qua. Sau đó đánh lấy một phần của Mexico. Mỹ có những sắc luật kỳ thị người da màu. Người da đen là thành phần bị nặng nhất. Mãi đến năm 1964 đạo luật nhân quyền mới cởi gông cho họ sau nhiều năm tranh đấu. Không lâu sau đó mục sư Martin Luther King vẫn bị ám sát. Thường dân da đen bị ức hiếp trong mọi lĩnh vực, có thể gọi là phân biệt hệ thống, tại các tiểu bang miền Nam.

 

Sau 1965, tại Mỹ, nếu có những hành động kỳ thị sẽ bị truy tố. Tuy nhiên, các hành động kỳ thị rất khó chứng minh.

 

Những năm gần đây tình trạng kỳ thị lại gia tăng. Trong cộng đồng người da trắng, thành phần lao động mất việc trong vùng những tiểu bang gọi là Bible Belt hay Rust Belt, bị những chính trị gia lừa dối và đổ lỗi rằng công ăn việc làm của họ bị đánh cắp hay bị giựt vì những hãng xưởng đã chuyển qua Mexico hay qua những nước Á châu. Khi Barack Obama làm tổng thống, những người da trắng bảo thủ rất cay đắng nhưng không nói ra.

 

Hơn nữa, ông Obama tái cử, đến khi Donald Trump lên thì họ nghe những lời nói láo của ông Trump, khơi dậy sự kỳ thị ngấm ngầm. Rồi từ đó những khẩu hiệu America First, MAGA (Make America Great Again), những câu nói láo chồng chất cộng thêm những từ như “Wuhan virus”, “Kung flu” hay “China virus” gây thêm sự thù hằn. 

 

                                                   ***

 

Người gốc Á có những cách thức nào để tự bảo vệ và đòi hỏi quyền lợi chính đáng? Liệu có sự phân biệt giữa những người dân cùng một cộng đồng nhưng di cư với những lý do khác nhau: tị nạn chính trị, di cư kinh tế, hay học tập và lao động tại Mỹ?

 

Đã có rất nhiều nỗ lực trong tiến trình hội nhập. Hiện có hai loại hình hội nhập của người dân nhập cư: assimilation, tiếng Việt hiểu là đồng hoá; acculturation là hội nhập cân bằng. Mô hình thứ hai được áp dụng thì người nhập cư giữ được sắc thái của văn hoá cộng đồng và tranh đấu để có những điều kiện thuận lợi, giữ được bản sắc.

 

Tại Mỹ có thể nói, người dân nhập cư từ châu Phi hội nhập theo kiểu bị đồng hóa, nên cộng đồng mất cả lịch sử và văn hóa. Những cộng đồng người La tinh và Á châu có nhiều nỗ lực rất thành công trong hội nhập. Những trường song ngữ (bilingual school), những lễ hội, sách vở in chữ viết của từng cộng đồng di cư đều là những hoạt động thường xuyên. Và khá nhiều thành viên trẻ (từ thế hệ thứ ba trở đi), khá năng động góp phần trong những hoạt động này. 

 

Nạn kỳ thị thì vẫn luôn xảy ra. Thí dụ trong cộng đồng người Việt cũng có tình trạng “ma cũ ma mới”, người miền Nam di cư với những ông bà đại gia miền Bắc mua nhà cho con đi học; hay nhóm những người di cư trước năm 1975, với những thuyền nhân, rồi đến nhóm đi theo diện bảo lãnh HO. Người đến trước xem người đến sau là những kẻ nhà quê ngơ ngác.

 

Hay như trong cộng đồng khác cũng có những nét tương tự như nhóm người Hoa từ Hồng Kông hay từ Đài Loan vẫn xem người đến từ lục địa là thiếu văn hóa, thiếu giáo dục. Nên sau một thời gian, khi việc hội nhập cân bằng thì sự hợp tác của những cộng đồng sẽ thể hiện qua những hoạt động giao lưu văn hóa và sắc tộc... 

 

Ninh Hạ thực hiện

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats