Sunday 9 May 2021

ĐỪNG TRÔNG ĐỢI BẢN QUYỀN VACCINE COVID-19 (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Đừng trông đợi bản quyền vaccine COVID-19

Hiếu Chân/Người Việt

May 7, 2021

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/dung-trong-doi-ban-quyen-vaccine-covid-19/

 

Câu chuyện bỏ hay không bỏ bản quyền sáng chế vaccine ngừa COVID-19 bỗng rộ lên trong vài ngày qua sau khi chính quyền của Tổng Thống Joe Biden tuyên bố ủng hộ việc xem xét bãi bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với một loại sáng chế được coi là vị cứu tinh giữa lúc đại dịch hoành hành ngày càng dữ dội.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/05/A1-Dung-cho-ban-quyen-vaccine-1536x1024.jpg

Nếu Johnson & Johnson cũng làm như Moderna Inc., từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm vaccine của họ, thì tình hình chưa chắc đã được cải thiện, ít nhất là trong thời gian trước mắt, bởi vì việc bào chế vaccine theo công nghệ mới mRNA của Moderna rất phức tạp, đòi hỏi thiết bị và nhà máy tân tiến, đội ngũ chuyên viên lành nghề. (Hình: AP Photo/Mary Altaffer, File)

 

Rất nhiều người lập tức ca ngợi quyết định của chính phủ Mỹ như là một động tác nhân đạo, kịp thời để cứu mạng nhiều triệu người, mở lại các hoạt động kinh tế-xã hội và khôi phục vị thế của Mỹ như là người lãnh đạo toàn cầu về bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhưng với nhiều người khác, việc bãi bỏ bản quyền vaccine COVID-19 sẽ không có ý nghĩa gì, thậm chí còn nguy hiểm cho hoạt động phòng chống đại dịch, cả hiện tại và trong tương lai.

 

Đề nghị bãi bỏ tạm thời bản quyền vaccine COVID-19 được Ấn Độ và Nam Phi đưa ra từ Tháng Mười năm ngoái, nhưng không được chú ý, mãi tới gần đây, khi đại dịch bùng phát dữ dội ở Ấn Độ, Brazil và nhiều nước khác, mới có hơn 100 quốc gia lên tiếng ủng hộ đề nghị đó và cuộc tranh luận bỏ hay không bỏ mới trở thành một đề tài tranh cãi quyết liệt.

 

Nhìn tổng thể có thể thấy những người ủng hộ việc bãi bỏ bản quyền vaccine là đại diện của các nước đang phát triển, đang rất cần vaccine để chích ngừa cho dân chúng, những chính trị gia cánh tả như đảng Dân Chủ Mỹ và các tổ chức hoạt động xã hội. Phía phản đối bao gồm trước tiên là các tổng công ty dược phẩm đã hoặc đang sản xuất và cung ứng vaccine, các chính trị gia bảo thủ như đảng Cộng Hòa Mỹ, các nước Liên Minh Châu Âu (EU) và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế cộng đồng.

 

Cả phe ủng hộ và phe phản đối đều đưa ra những lý lẽ hết sức sắc bén và thuyết phục, cho nên phân định được đúng sai trong trường hợp này không phải là dễ. Nhưng nếu phải lựa chọn một giải pháp tốt nhất cho công cuộc kiểm soát và ngăn chặn đại dịch COVID-19 hiện nay thì đừng nên trông đợi vào việc bãi bỏ bản quyền vaccine mà phải tìm giải pháp khác.

 

                                                      ***

 

Hôm Thứ Hai, bà Katherine Tai (gọi theo tiếng Việt là bà Đới Kỳ), đại diện thương mại Hoa Kỳ, tuyên bố quyết định của chính phủ Mỹ ủng hộ đề nghị bãi bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm vaccine ngừa COVID-19.

 

Bà Đới nói: “Đây là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, và hoàn cảnh khác thường của đại dịch COVID-19 đòi hỏi những biện pháp khác thường… Chính phủ [Hoa Kỳ] tin tưởng vững chắc vào việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng để chấm dứt đại dịch này, chính phủ ủng hộ việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ [bản quyền] đó đối với vaccine COVID-19.”

 

Tuyên bố của bà Đới được đưa ra đúng lúc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) đang có cuộc họp kín tại Geneva, Thụy Sĩ, gồm các đại sứ của các nước đang phát triển và phát triển tranh cãi về vấn đề bản quyền vaccine COVID-19. Hội nghị không đi đến quyết định bãi bỏ bản quyền hay không nhưng đồng ý rằng các quốc gia đang phát triển đang có nhu cầu tiếp cận rộng rãi hơn các phương pháp điều trị COVID-19.

 

Quyết định của Hoa Kỳ ủng hộ đề nghị bãi bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19, đặt nghĩa vụ quốc tế và lòng nhân đạo lên trên lợi ích của ngành dược phẩm đã gây ngạc nhiên cho mọi người. Cũng như EU, Hoa Kỳ có nền công nghiệp dược phẩm rất mạnh và các tập đoàn dược phẩm có ảnh hưởng rất lớn tới chính sách của chính phủ. Từ trước tới nay, Hoa Kỳ luôn đề cao việc bảo hộ tài sản trí tuệ, bản quyền của các loại dược phẩm mới, coi đó là yêu cầu tối cần thiết để thúc đẩy phát minh sáng chế trong lĩnh vực phòng và chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe con người.

 

Sự thay đổi đột ngột quan điểm của chính phủ Mỹ được cho là vì ông Biden bị áp lực mạnh của các chính trị gia Dân Chủ và cũng do tình hình dịch bệnh ở Hoa Kỳ đã căn bản được kiểm soát, tỷ lệ người dân được chích ngừa tăng nhanh, số ca bệnh giảm xuống. Trong khi chỉ một vài quốc gia giàu có và phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Israel… có điều kiện tích lũy nhiều vaccine và thực hiện chích ngừa cho phần lớn dân chúng thì đại đa số các nước trên thế giới đều không có đủ vaccine để chích cho những người cần nhất như nhân viên y tế ở tuyến đầu và người cao tuổi. Mọi người trên thế giới bình đẳng trước đại dịch nhưng rất không bình đẳng trong việc tiếp cận các phương thức chữa trị và phòng ngừa.

 

Tháng trước, một nhóm 110 thành viên Quốc Hội Hoa Kỳ – tất cả đều thuộc đảng Dân Chủ – đã gửi thư cho Tổng Thống Joe Biden kêu gọi ông vì lòng nhân đạo hãy ủng hộ việc tạm thời bãi bỏ bản quyền vaccine COVID-19, chia sẻ công thức và bí quyết bào chế với các nước đang phát triển để vaccine được sản xuất nhiều hơn, đến được với người dân đang cần nó ở các nước nghèo.

 

Ngay sau khi quyết định của chính phủ Hoa Kỳ được công bố, ông John N. Nkengasong, giám đốc Trung Tâm Kiểm Soát Và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Châu Phi, viết trên Twitter rằng CDC Châu Phi hoan nghênh quyết định của chính phủ Mỹ, gọi đó là “sự lãnh đạo trong hành động.” Ông nói thêm: “Lịch sử sẽ ghi nhớ quyết định này như một hành động vĩ đại của nhân loại!”

 

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), nói rằng cam kết của Hoa Kỳ “hỗ trợ việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ bản quyền đối với vaccine là một ví dụ mạnh mẽ về sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong việc giải quyết các thách thức y tế toàn cầu.”

 

Tại Việt Nam, ngay sau tuyên bố của Hoa Kỳ, báo chí nhà nước đã lập tức dẫn thông tin từ Bộ Y Tế cho biết, bộ này đã đàm phán với với một số quốc gia để tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới sản xuất vaccine COVID-19, rằng Nhật Bản và WHO sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 cho Việt Nam (?).

 

“Ngay trong Tháng Năm, lãnh đạo Bộ Y Tế có cuộc họp bàn với WHO về tiếp nhận công nghệ sản xuất vaccine COVID-19. Dự kiến, WHO sẽ chuyển giao cho một tập đoàn lớn tại Việt Nam. Tập đoàn này chưa từng sản xuất vaccine nhưng có tiềm lực về tài chính và đã có nguồn nhân lực tốt về y, sinh học,” báo Thanh Niên đăng tin hôm 7 Tháng Năm. Thậm chí, báo này còn khẳng định “Đây là công nghệ đã được hai công ty của Mỹ là Pfizer và Moderna sản xuất vaccine COVID-19, có hiệu quả bảo vệ hàng đầu.”

 

Có thể khẳng định chắc chắn đây là tin vịt vì Nhật Bản và WHO không sở hữu công nghệ mRNA của Moderna, Pfizer và cuộc tranh cãi về bản quyền vaccine COVID-19 chỉ mới bắt đầu; bịa đặt để trấn an tâm lý dân chúng đang bất mãn là một thủ đoạn không mới của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam.

 

                                                         ***

 

Nhưng niềm phấn khởi trước quyết định của Hoa Kỳ đã bị dội một gáo nước lạnh khi chính phủ Đức và sau đó là cả khối EU lên tiếng phản bác tuyên bố của chính quyền Biden. Lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU đang họp hội nghị hai ngày cuối tuần này ở thành phố Porto, Bồ Đào Nha, dự kiến sẽ thảo luận kỹ đề nghị chia sẻ bản quyền vaccine COVID-19 nhưng ngay trước giờ hội nghị khai mạc đã có những tiếng nói không đồng ý.

 

Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, vấn đề bãi bỏ bản quyền không phải là việc cần kíp trước mắt mà thay vào đó ông kêu gọi Hoa Kỳ, Anh hãy bãi bỏ lệnh cấm xuất cảng ra thế giới vaccine và nguyên liệu bào chế vaccine. “Vấn đề hiện nay là gì? Đó thực sự không phải là vấn đề quyền sở hữu trí tuệ. Bạn có thể trao bản quyền cho các phòng thí nghiệm chưa từng biết cách bào chế vaccine và sẽ không bào chế được vaccine ngay ngày mai hay không?… Vấn đề chính là sự phân bổ vaccine,” ông Macron nói, theo Reuters.

 

Tại cuộc họp báo kết thúc ngày làm việc đầu tiên của hội nghị Porto vào chiều Thứ Sáu, 7 Tháng Năm, Chủ Tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng EU vẫn để mở cho cuộc thảo luận về bản quyền vaccine nhưng chia sẻ bản quyền không phải là phương thuốc nhanh chóng để khống chế đại dịch. “Trong đoản kỳ và trung hạn, việc bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ không giải quyết vấn đề, không tạo ra thêm được liều vaccine nào trong đoản kỳ,” bà von der Leyen nói.

 

Trước đó, các tập đoàn dược phẩm và một số chính trị gia bảo thủ đã cực lực phản đối đề nghị bãi bỏ tạm thời bản quyền vaccine. Họ nói rằng việc từ bỏ bản quyền không phải là phương thuốc chữa đại dịch. Họ nhấn mạnh việc sản xuất vaccine COVID-19 rất phức tạp và không thể tăng tốc bằng cách nới lỏng các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Họ cũng nói rằng việc dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ có thể ảnh hưởng đến việc nghiên cứu các phương thuốc mới trong tương lai.

 

Tiến Sĩ Michelle McMurry-Heath, giám đốc điều hành của Tổ Chức Đổi Mới Công Nghệ Sinh Học, đưa ra tuyên bố cho rằng quyết định của chính phủ Hoa Kỳ sẽ làm suy yếu các động lực phát triển vaccine và phương pháp điều trị cho các đại dịch trong tương lai. “Giao cho các nước đang cần [vaccine] một cuốn sách công thức mà không có các nguyên liệu, biện pháp bảo vệ và lực lượng lao động phù hợp sẽ không giúp ích được gì cho những người đang chờ đợi vaccine.”

 

                                                     ***

 

Các tập đoàn dược phẩm và các quốc gia EU chia sẻ quan điểm rằng giải pháp cấp bách nhất để có nhiều vaccine cung cấp cho thế giới là khắc phục ngay những nút thắt cổ chai hiện hữu trong việc bào chế vaccine COVID-19 và viện trợ hoặc bán giá thấp vaccine cho các nước nghèo khắp thế giới.

 

Từ Tháng Mười năm ngoái, hãng Moderna Inc. của Mỹ đã thông báo từ bỏ bản quyền vaccine Moderna, nhưng cho đến nay chưa hãng dược phẩm nào ngoài nước Mỹ có ý định mô phỏng hoặc bắt đầu sản xuất vaccine theo công thức của Moderna vì việc bào chế vaccine theo công nghệ mới mRNA của Moderna rất phức tạp, đòi hỏi thiết bị và nhà máy tân tiến, đội ngũ chuyên viên lành nghề.

 

Một sai sót nhỏ trong quy trình sản xuất cũng có thể làm hỏng thuốc hoặc chỉ tạo ra những phế phẩm, mà trường hợp nhà máy của công ty Emergent BioSolutions ở Maryland phải hủy bỏ 15 triệu liều vaccine COVID-19 đã bào chế là một ví dụ. Nếu các hãng khác như BioNTech-Pfizer và Johnson & Johnson cũng làm như Moderna Inc., từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm vaccine của họ, thì tình hình chưa chắc đã được cải thiện, ít nhất là trong thời gian trước mắt.

 

Các hãng dược một mặt phản đối việc chia sẻ công thức và bí quyết bào chế, một mặt gia tăng viện trợ hoặc bán vaccine cho những nơi cần vaccine nhất với giá thấp hơn giá bán cho các nước giàu. Hãng Johnson & Johnson của Mỹ chẳng hạn, đã đồng ý cung cấp 220 triệu liều vaccine chỉ chích một mũi của mình cho 55 quốc gia thành viên Liên Minh Châu Phi, bắt đầu từ quý 3 năm nay và đồng ý cung cấp 500 triệu liều vaccine trong năm 2022 với giá thấp cho các quốc gia thu nhập thấp thông qua Liên Minh Vaccine GAVI.

 

Công ty Moderna Inc. của Mỹ cũng sẽ bán khoảng 500 triệu liều vaccine COVID-19 cho chương trình COVAX của  Liên Hiệp Quốc để cung cấp cho các quốc gia nghèo trên thế giới, nhưng số vaccine này chỉ được giao hàng sớm nhất là từ Tháng Chín năm nay.

 

Theo Reuters, khối EU – một trong những nhà bào chế và xuất cảng vaccine lớn nhất thế giới – đã xuất cảng ra ngoài khối 200 triệu liều vaccine COVID-19 dù một số nước trong khối hiện vẫn không có đủ vaccine chích ngừa cho người dân. Hoa Kỳ và Anh chưa xuất cảng một liều vaccine nào dù Hoa Kỳ đã cho Canada và Mexico “mượn” 6 triệu liều vaccine AstraZeneca chính phủ Mỹ chưa phê chuẩn và đã cam kết viện trợ 60 triệu liều vaccine AstraZeneca cho các nước khác.

 

Một trở ngại lớn là hai hãng bào chế vaccine AstraZeneca và Novavax phụ thuộc rất nhiều vào các nhà sản xuất dược phẩm Ấn Độ để sản xuất hàng tỷ liều vaccine dành riêng cho các nước thu nhập thấp nhưng hiện Ấn Độ đã nghiêm cấm việc xuất cảng vaccine sản xuất ở nước này để ưu tiên chích ngừa cho dân chúng trong nước. Việc bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ không giúp tháo gỡ vướng mắc này.

 

“Không ai sẽ được an toàn cho đến khi tất cả chúng ta được an toàn. Nếu vaccine chỉ được chích ngừa ở các nước phát triển thì chiến thắng của chúng ta trước đại dịch COVID-19 chỉ là tạm thời; chúng ta đang chứng kiến virus đang thay đổi nhanh chóng, nhiều biến thể mới đặt ra những thách thức mới,” lãnh đạo các nước Bỉ, Thụy Điển, Pháp và Đan Mạch cùng lên tiếng trong một bức thư gửi Ủy Ban Châu Âu.

 

                                                           ***

 

Khi thông báo quyết định của chính phủ Mỹ ủng hộ việc bãi bỏ bản quyền vaccine COVID-19, bà Đới Kỳ cũng nói sẽ mất nhiều thời gian để đạt được sự đồng thuận toàn cầu đối với việc sửa đổi các quy định của WTO; và do đó sẽ không ảnh hưởng ngay lập tức đến nguồn cung cấp vaccine COVID-19 hiện nay. Các giới chức của EU dự hội nghị đang diễn ra ở Porto cũng nhận định rằng, phải mất ít nhất hai năm nữa thì thế giới mới có thể đồng thuận về sửa đổi quy định của WTO theo hướng bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm vaccine mà khi đó thì đại dịch COVID-19 có cơ may đã trở thành dĩ vãng!

 

Cho nên, giải pháp thực sự cho bài toán vaccine vẫn nằm trong tay các công ty dược và nỗ lực tăng tốc sản xuất vaccine của họ.

 

Đầu tuần này hãng Pfizer và BioNTech thông báo sẽ bàn giao cho các chính phủ khách hàng 3 tỷ liều vaccine trong năm nay, tăng 2.5 lần so với cam kết 1.2 tỷ liều đưa ra hồi cuối năm ngoái.

 

Hãng Moderna dự kiến tăng nguồn cung cấp vaccine trong năm nay từ 600 triệu liều lên khoảng 1 tỷ liều; hãng AstraZeneca đã hoàn thành mạng lưới cung cấp với 25 nhà sản xuất ở 15 quốc gia để sản xuất 3 tỷ liều vaccine trong năm nay.

 

Chưa có thông tin về năng lực của Johnson & Johnson – ông lớn nhất trong ngành bào chế vaccine – nhưng với cam kết của ba hãng kể trên đã có thể hy vọng đến cuối năm nay sẽ có đủ vaccine cho khoảng một nửa dân số thế giới.

 

Và như vậy, biện pháp sửa đổi luật lệ của WTO để bãi bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19 sẽ không cần thiết nữa và không nên trông đợi vào đó như là lời giải cho bài toán đại dịch hiện nay. [qd]

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats