Sunday 9 May 2021

CÁCH MẠNG TỪ TRÊN XUỐNG (Nguyễn Khoa - Viet-Studies)

 



Cách mạng từ trên xuống ở Việt Nam

Nguyễn Khoa  -  Viet-Studies  

09/05/2021

http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenKhoa_CachMangTuTren.html

 

Đầu tháng 5/2021, nhà báo Huy Đức có viết một status trên Facebook của ông, đề nghị một cải cách cho nền hành chính công ở Việt Nam.

 

 Status khá dài, tựu chung thì ý chính là việc bổ nhiệm các viên chức hành chánh ở các bộ của chính phủ trung ương, ở các sở của các tỉnh, nên xem là những viên chức chuyên nghiệp chứ không phải là nhà chính trị. Áp dụng được điều này, theo ông Huy Đức, là để tránh “tư duy nhiệm kỳ”, nôm na là “có làm tốt thì hết nhiệm kỳ thì hết chuyện, việc gì phải cố”.

 

Nếu tôi không lầm thì đây là mô hình được áp dụng ở hầu hết các nền dân chủ phương Tây, trong đó các nhà chính trị cứ cạnh tranh nhau, nhưng các viên chức hành chánh và chuyên môn thì làm việc không lệ thuộc vào ý thức hệ của người đó. Trong status ông Huy Đức kèm theo hai từ tiếng Anh là career (viên chức chuyên nghiệp) và political appointee (viên chức được bổ nhiệm theo đảng phái chính trị).

 

Ông Huy Đức cho rằng các nhà chính trị Việt Nam trong mô hình này cạnh tranh, “vận động” trong Đảng (cộng sản) để đạt được vị thế appointee.

 

Theo tôi ông Huy Đức sai ở vài điểm.

 

1/ Ở Việt Nam chỉ có một đảng, không thể so sánh các cuộc cạnh tranh chính trị trong các kỳ bầu cử công khai ở phương Tây và các cuộc tranh giành, ông Huy Đức gọi là vận động, kín như bưng ở các kỳ đại hội đảng ở Việt Nam.

 

2/ Ở Việt Nam toàn bộ các viên chức nhà nước, từ cấp sở của các tỉnh lên đến các bộ của chính phủ trung ương đều là … chính trị gia cả, vì họ đều là đảng viên Đảng cộng sản cả. Hiện nay khi một người quyết định vào Đảng Cộng sản, thì trong tâm trí anh ta/chị ta là để bảo đảm con đường hoạn lộ sau này. Điều thú vị là con đường hoạn lộ đảng viên có vẻ cũng phát triển sang cả các công ty tư nhân Việt Nam, khi mà các công ty này cũng có chi bộ đảng.

 

Mối lo sợ cũng ông Huy Đức về cái gọi là “tư duy nhiệm kỳ” ở Việt Nam, trên góc nhìn tổng quát là không đúng, vì chỉ có một nhiệm kỳ bất tận của Đảng Cộng sản Việt Nam trên cả nước, từ năm 1975 cho đến nay.

 

Đề nghị của ông Huy Đức, trên thực tế, là đề nghị Đảng Cộng sản Việt Nam “phi chính trị hóa” các viên chức, một đề nghị không bao giờ được chấp nhận. Đây cũng là một điều thú vị khác trong hệ thống xã hội chính trị cộng sản hiện nay. Một mặt Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố chính trị là chủ soái (học sinh học chính trị từ lớp 9 lớp 10), mặt khác lại đàn áp các nhà chỉ trích, không cho họ làm chính trị.

 

Tuy nhiên tôi nghĩ rằng đề nghị của ông Huy Đức cũng là một cố gắng trong cái gọi là cuộc cải tổ Việt Nam, vốn bắt đầu từ năm 1986, khi Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận kinh tế thị trường. Ta cũng có thể gọi “cải tổ” là một cuộc cách mạng từ trên xuống.

 

Các cuộc cách mạng từ dưới lên, như cách mạng Pháp, cách mạng Nga, cách mạng cộng sản Trung Quốc,… thường gây nhiều đổ máu, mà hiệu quả có khi không bằng các cuộc cách mạng từ trên xuống như Nhật Bản (với cuộc cải cách Minh Trị) hay nước Anh, Hà Lan, thậm chí là Hoa Kỳ.

 

Theo quan điểm của tôi thì Việt Nam chưa bao giờ có cách mạng cả. Cái gọi là cách mạng mùa thu 1945 thực ra là một chính biến trong phong trào giải phóng dân tộc. Người cộng sản đã chiếm lấy danh từ cách mạng trong cuộc chiến Việt Nam, nhưng thực sự những vùng mà họ quản lý trong thời giản xảy ra cuộc chiến tranh, không có biến chuyển xã hội nào có thể được gọi là cách mạng, thậm chí họ đàn áp cách mạng như vụ Nhân Văn giai phẩm. Tất cả những “ý tưởng cách mạng” của họ đều thất bại thảm hại, từ cải cách ruộng đất cho đến hợp tác hóa. Ngay cả điều mà người ta thấy rằng việc cổ võ nam nữ bình quyền của Đảng Cộng sản là đúng, thì tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay không thể gọi là đã có cuộc cách mạng đáng kể nào để nâng cao vai trò phụ nữ.

 

Bên cạnh đó, có những toan tính, dù bất thành, từ bên trong Đảng Cộng sản để cải cách, để tiến hành một cuộc cách mạng từ trên xuống. Ít nhất một cuộc cách mạng như thế đã thành công là cuộc “đổi mới” năm 1986, khi Đảng Cộng sản phải đối mặt với sự sụp đổ của chính họ.

 

Tất cả những đề nghị cải cách trong các năm qua đều có thể được gọi là toan tính làm cách mạng từ trên xuống, từ chuyện “chính phủ phải có trách nhiệm giải trình” (Lê Đăng Doanh), cho đến thi tuyển công chức (rất gần với đề nghị của ông Huy Đức về phi chính trị hóa hệ thống công chức), cho đến việc tự ra ứng cử quốc hội của các cựu viên chức, cựu đảng viên, toan tính cho bầu cử cấp xã,…

 

Mục đích cuối cùng của những toan tính cách mạng từ trên xuống này là một nền dân chủ từ dưới lên, với điểm quan trọng nhất là quyền bầu cử của dân chúng.

 

Nếu các nhà cải cách mơ ước như thế thì cuối cùng cũng là mô hình dân chủ kiểu phương Tây. Nhưng mô hình này đang bị thử thách nghiêm trọng trong cao trào dân túy mấy năm qua, rõ rệt nhất là tại Mỹ và Ấn Độ, làm cho ý định cải cách bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam bị chùn bước, thậm chí có người, như các ông Huỳnh Thế Du, Nguyễn Sĩ Dũng, lên tiếng nói rằng mô hình “dân chủ tập trung” là có ưu thế hơn (có khi họ gọi là thủ đầu). Chứng minh khó tranh cãi của ý kiến này là việc đại bại của Mỹ, Ấn Độ, và cả châu Âu nữa trong năm đại dịch 2020.

 

Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu rõ rằng dân chúng Việt Nam hiện nay không có khả năng làm một cuộc cách mạng từ dưới lên trên. Xã hội Việt Nam đang chuyển từ sản xuất nông nghiệp lên công nghiệp gia công và chế tạo (gia công nhiều hơn), hàng triệu nông dân đang thay đổi cuộc sống thường nhật không đủ sự cố kết để làm cách mạng, nhóm cư dân đô thị và công nhân thì ít và không có động lực nào để thay đổi xã hội (cách mạng). Tầng lớp cư dân đô thị này thậm chí cảm thấy họ sống tốt với Đảng Cộng sản vì họ gìau có hơn đại đa số phần còn lại của dân chúng. Việc thay đổi nhỏ giọt của Đảng cầm quyền (một mình) từ trên xuống là đủ để không có cuộc cách mạng nào xảy ra.

 

Vậy liệu trong tương lai ngắn Việt Nam sẽ có một cuc cách mạng từ trên xuống không? Theo quan điểm của tôi là không, vẫn là nhưng thay đổi nhỏ giọt, không đâu vào đâu, nhưng cũng không ảnh hưởng gì vì sự thụ động xã hội của dân chúng.

 

Nhưng não trạng này của nhà cầm quyền, và của dân chúng là rất nguy hiểm. Không ai muốn phá bỏ cái hiện trạng, statu quo, mà nhà quan sát chính trị Việt Nam rất sắc sảo là Vũ Hồng Lâm gọi là bộ máy trục lợi (rent seeking)

 

Bộ máy này cộng với chủ nghĩa tư bản thân hữu đang lên như diều gặp gió tại Việt Nam, sẽ đào sâu khoảng cách giàu nghèo, sẽ tạo thêm các bất bình xã hội hiện nay vẫn còn đang được (bị) kiểm soát. Những vụ án như vụ Hồ Duy Hải (công an mua chứng cứ phạm tội ngoài chợ), hay vụ Vincom báo công an trừng trị người tiêu dùng, vụ Đồng Tâm… sẽ tiếp tục làm cho một cuộc cách mạng từ dưới lên có khả năng xảy ra, mà khi xảy ra thì rất đẫm máu.

 

Trở lại đề nghị phi chính trị hóa hệ thống công chức nhà nước mà ông Huy Đức đưa ra (ông không dùng từ phi chính trị hóa), tôi xin kể câu chuyện một người bạn. Anh này hơn tôi vài tuổi, là một dược sĩ giỏi, xuất thân từ gia đình bình dân tại Sài Gòn, tốt nghiệp đại học sau năm 1975. Anh bạn làm việc rất tốt và chỉ sau vài năm được làm cửa hàng phó một cửa hàng dược phẩm thời bao cấp. Một ngày đẹp trời, ông cửa hàng trưởng, trong lúc trả dư tửu hậu, nói: loại như mày lên phó vầy là hết rồi.

 

Anh bạn nghỉ việc làm linh tinh, sau này thời mở cửa, ra được tiệm thuốc tây  trong khu công nhân, và cũng ăn nên làm ra, nhưng tiền bạc thì cố gắng chuyển ra nước ngoài, đứa con trai học rất giỏi cũng tìm cách ra nước ngoài nốt.

 

Vậy là có thể có con đường thứ ba, không cách mạng từ dưới lẫn từ trên, Việt Nam không cần cách mạng. Một số tầng lớp dân chúng cũng không cần và không thích ở Việt Nam. Con đường thứ ba này đưa đến một Việt Nam đông đúc, làm gia công hàng hóa và trồng lúa rẻ tiền cho thế giới.

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats