Friday 16 April 2021

THẾ GIỚI HÔM NAY : 16/04/2021 (The Economist)

 



Thế giới hôm nay: 16/04/2021

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

16/04/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/04/16/the-gioi-hom-nay-16-04-2021/

 

Chính quyền Biden công bố các biện pháp trừng phạt lên 32 cá nhân và thực thể Nga. Động thái này nhằm phản đối Nga can thiệp bầu cử, can thiệp các hoạt động quân sự của Mỹ ở nước ngoài, và vụ tấn công mạng nhắm vào SolarWinds, một công ty Texas. Mỹ cũng sẽ trục xuất 10 nhân viên ngoại giao và áp đặt các biện pháp nhằm vào các khoản quốc gia của Nga.

 

Pháp khuyến cáo công dân nên rời khỏi Pakistan để bảo đảm an toàn. Quốc gia này đã trải qua nhiều tháng giận giữ vì Pháp kiên quyết bảo vệ quyền vẽ chân dung Nhà tiên tri Muhammad. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm hôm thứ Ba sau khi thủ lĩnh của một nhóm Hồi giáo thường chỉ trích Pháp bị bắt, dẫn đến nhiều ngày biểu tình. Nhà chức trách đã dùng hơi cay, vòi rồng và đạn cao su. Song hai cảnh sát đã thiệt mạng.

 

Trong khi đó ở quê nhà, Quốc hội Pháp vừa thông qua một dự luật đầy tranh cãi trao nhiều quyền hơn cho lực lượng cảnh sát. Phe phản đối nói luật này sẽ khiến khó quy trách nhiệm cho các sĩ quan hơn. Một điều khoản đặc biệt gây tranh là hành vi xác định danh tính các sĩ quan đang thi hành công vụ “với ý định gây hại rõ ràng” có thể bị phạt tù tới 5 năm và phạt tiền 75.000 euro (90.000 USD).

 

BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, công bố doanh thu ba tháng đầu năm tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 4,4 tỷ đô la. Tổng tài sản được quản lý cũng tăng lên 9 nghìn tỷ đô la trong quý đầu năm, so với 6,5 nghìn tỷ của cùng kỳ năm ngoái. Khách hàng đã đổ tiền vào công ty này vì đại dịch làm lãi suất tiết kiệm giảm xuống mức thấp kỷ lục.

 

Tòa án cấp cao nhất của Đức đã bác bỏ luật kiểm soát tiền thuê nhà của chính quyền thành phố Berlin vì cho rằng điều tiết thị trường cho thuê nhà thuộc thầm quyền của luật liên bang. Được áp dụng theo hai giai đoạn vào năm ngoái, các quy tắc của thành phố ban đầu đã đóng băng giá thuê trong 5 năm và sau đó buộc chủ nhà phải giảm giá nếu giá cho thuê cao hơn 20% so với giới hạn quy định, do đó làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhà ở của thành phố.

 

Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ giữ nguyên lãi suất ở mức 19%, gây bất bình cho những người đã kỳ vọng tăng lãi suất để ổn định đồng lira và giảm tốc độ lạm phát. Mặc dù không như ý nhưng quyết định này đúng như dự đoán. Thống đốc mới của ngân hàng, Sahap Kavcioglu, đồng ý với quan điểm kỳ lạ của tổng thống Recep Tayyip Erdogan rằng lãi suất cao gây lạm phát.

 

Delhi trở thành thành phố mới nhất ở Ấn Độ thực hiện lệnh giới nghiêm cuối tuần, sau khi nước này ghi nhận hơn 200.000 ca nhiễm mới chỉ trong hôm qua, trong đó thủ đô chiếm hơn 17.000 ca. Các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, chẳng hạn như trung tâm mua sắm, phòng tập thể dục và hồ bơi, sẽ đóng cửa. Hôm thứ Ba, bang Maharashtra đã áp đặt lệnh giới nghiêm khắt khe kéo dài 15 ngày, áp dụng lên cả thương mại điện tử.

 

TIÊU ĐIỂM

 

GDP quý của Trung Quốc tăng mạnh theo năm nhưng tiềm ẩn nhiều vấn đề

GDP Trung Quốc dự kiến tăng 20% trong quý đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu công bố hôm nay. Đây là con số kỷ lục, cho thấy sức mạnh phục hồi của Trung Quốc. Song thật ra thì phục hồi đã xảy ra từ lâu. Cụ thể là từ tháng 3 năm ngoái, khi Trung Quốc thoát khỏi phong tỏa covid-19.

 

Nó được thể hiện trong dữ liệu GDP mới nhất là vì chính phủ thường tập trung vào tăng trưởng năm, thay vì hàng quý như hầu hết các nước khác. Có hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất, phục hồi không đồng đều, dựa vào đầu tư và xuất khẩu nhiều hơn là tiêu dùng trong nước. Liệu có thể cân bằng hơn? Thứ hai, chính phủ đã giảm tốc kích thích tài khóa và tiền tệ vì e ngại máy chạy quá nóng. Mặc dù tăng trưởng theo năm cao kỷ lục, nhưng có phải đà phục hồi đang yếu đi?

 

Thủ tướng Nhật thăm Washington

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide hôm nay sẽ đến thăm Nhà Trắng. Ông là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Mỹ kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1. Hội nghị thượng đỉnh này nói lên sự tập trung của chính quyền Biden vào thách thức địa chính trị từ Trung Quốc và niềm tin của họ trong việc hợp tác với các đồng minh để kiềm chế Trung Quốc. Sự tương phản giữa ông Biden và những người tiền nhiệm khiến các quan chức Nhật Bản rất phấn khởi.

 

Trong mắt họ, Barack Obama là người chậm đối phó với Trung Quốc, còn Donald Trump thì không tin tưởng vào việc hợp tác với đồng minh. Mới tháng trước Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước đã cùng đưa ra một tuyên bố chung. Trong đó, những lời lẽ chỉ trích đối với Trung Quốc và ủng hộ hòa bình ở eo biển Đài Loan đã thẳng thắn một cách bất thường. Hai nhà lãnh đạo có thể sẽ lặp lại quan điểm này, đồng thời công bố các biện pháp hợp tác sâu rộng hơn trong các vấn đề quan trọng như chuỗi cung ứng chất bán dẫn và các dự án cơ sở hạ tầng châu Á. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh có thể sẽ cho thấy những khác biệt giữa hai bên về mức độ mạnh miệng chỉ trích Trung Quốc và mức độ công khai trong việc chống lưng cho Đài Loan.

 

Các ngân hàng lớn của Mỹ báo cáo thu nhập quý kỷ lục

Đã lâu các nhà băng không công bố thu nhập ấn tượng như trong tuần này. Hơn một thập niên qua người ta chưa bao giờ thấy lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu hơn 20%, kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Song Citi, JPMorgan Chase, và Goldman Sachs đều đã công bố mức lợi nhuận như vậy trong quý đầu năm, còn Morgan Stanley cũng có khả năng làm điều tương tự trong hôm nay. Có hai yếu tố tạo ra sự bùng nổ đó.

 

Thứ nhất, các thị trường đã vượt qua tình trạng yên ắng của đại dịch. Một loạt các giao dịch mua bán sáp nhập, IPO, và phát hành cổ phiếu đã mang lại những khoản phí béo bở khổng lồ cho các ngân hàng. Thứ hai, nền kinh tế Mỹ đang cải thiện nhờ kích thích mạnh mẽ của chính phủ. Điều này đồng nghĩa các chủ ngân hàng sẽ không còn phải trích lập dự phòng để trang trải các khoản nợ xấu. Thay vào đó, chúng có thể được hoàn nhập vào lợi nhuận, chẳng hạn tại JPMorgan đã giúp lợi nhuận lên 30%. Cả hai yếu tố này đều sẽ không duy trì lâu. Nhưng hiện tại thì các ngân hàng đang hưởng lợi.

 

Cuba tổ chức đại hội đảng, Raúl Castro sẽ nghỉ hưu

Đảng Cộng sản cầm quyền của Cuba hôm nay khai mạc đại hội năm năm một lần. Đây sẽ là lần cuối một người nhà Castro giữ vai trò lãnh đạo cao nhất. Raúl Castro, 89 tuổi, đã lãnh đạo hòn đảo này từ khi người anh quá cố của ông, Fidel, lâm bệnh vào năm 2006. Sau khi đã trao quyền chủ tịch nước cho Miguel Díaz-Canel vào năm 2019, cuối tuần này Raúl sẽ từ chức nốt vị trí bí thư thứ nhất và tổng tư lệnh lực lượng vũ trang. Ông Díaz-Canel, một quan chức 60 tuổi của đảng, khả năng cao sẽ nhận vị trí bí thư thứ nhất.

 

Đại hội diễn ra vào một thời điểm khó khăn của đất nước. Vì đại dịch và việc cựu tổng thống Donald Trump thắt chặt trừng phạt, nền kinh tế Cuba đã suy thoái 11% trong năm ngoái. Hiện đang có thiếu hụt hàng hóa nghiêm trọng. Một cuộc cải cách cần thiết để chấm dứt hệ thống tiền tệ kép của Cuba cũng gây ra lạm phát. Trong khi đó, thế hệ trẻ được kết nối kỹ thuật số phản đối những hạn chế lên quyền tự do ngôn luận. Khẩu hiệu của đại hội là “đoàn kết và tiếp nối”. Trước mắt họ không gặp mối nguy tức thì nào, nhưng quyền lực cũng không còn là điều nghiễm nhiên.

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats