Thursday 4 February 2021

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM Ở ĐÂU TRÊN THẾ GIỚI? (Bill Hayton - BBC News)

 



Đảng Cộng sản Việt Nam ở đâu trên thế giới? 

Bill Hayton trả lời phỏng vấn của BBC News

2 tháng 2 2021

https://www.bbc.com/vietnamese/55903028

 

Trong thời gian Đảng Cộng sản Việt Nam họp Đại hội 13 vừa qua tại Hà Nội, nhà báo, học giả Bill Hayton, hiện sống tại Cochester, Anh Quốc nói với BBC nhận định của ông về quan hệ Anh - Việt trong những năm tới, khi Anh bắt đầu tìm kiếm đối tác bên ngoài châu Âu sau Brexit, và những khác biệt giá trị giữa hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay và các tiêu chuẩn Phương Tây.

 

Ông Bill Hayton là cựu phóng viên BBC thường trú ở Hà Nội, nay là học giả thuộc Viện Chatham House, London.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/480/cpsprodpb/11BC7/production/_116774627_billhaytonrevolutionmuseum.jpg

Ông Bill Hayton tại Bảo tàng Cách mạng ở Hà Nội, Việt Nam hồi 2006

 

BBC: Câu hỏi đầu tiên, ông có thể cho biết nước Anh hậu Brexit có thể trông đợi gì từ Việt Nam trong 5 năm tới? Quan hệ thương mại phải dựa trên các giá trị nhất định?

 

Bill Hayton: Trong 5 năm tới, thực tế của Brexit sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Anh. Anh Quốc sẽ khó khăn hơn khi trao đổi thương mại với Liên hiệp Châu Âu, và chính phủ Anh hy vọng các doanh nghiệp sẽ tìm cách xuất khẩu tới những thị trường xa hơn. Đó là một phần lý do Anh muốn tham gia hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương).

 

Anh Quốc cách xa khu vực Thái Bình Dương nhưng đối với các doanh nghiệp và dịch vụ số, khoảng cách không là vấn đề lớn. Là một thành viên của CPTPP và một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, Việt Nam có thể trở thành một đối tác thương mại quan trọng hơn của Anh.

 

Anh cũng muốn hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực ngoại giao, trong khi Trung Quốc tiếp tục thách thức trật tự thế giới. Cũng sẽ có hợp tác giữa Anh và Việt Nam về luật hàng hải và an ninh, hoạt động gìn giữ hòa bình, biến đổi khí hậu và các vấn đề quốc tế khác. Anh Quốc sẽ muốn làm việc với các quốc gia khác về các vấn đề này - cho dù qua liên minh an ninh 'ngũ nhãn' (Five Eyes) (với Mỹ, Canada, Australia và New Zealand) hay các quốc gia châu Âu khác hay các thỏa thuận ít chặt chẽ hơn trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

 

Chẳng hạn, Anh Quốc hy vọng Việt Nam sẽ ủng hộ nỗ lực của Anh để trở thành một đối tác đối thoại của ASEAN.

 

Tuy nhiên, quan hệ của Anh với Việt Nam sẽ luôn có sự hạn chế do sự trấn áp đa nguyên chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều nhà quan sát sẽ tìm kiếm các ví dụ cho thấy chính phủ Anh vi phạm các cam kết nhân quyền sau Brexit và điều đó có lẽ sẽ làm các nhà ngoại giao thận trọng hơn. Tuy nhiên, Anh Việt có thể hợp tác trong những vấn đề hai bên cùng quan tâm như biến đổi khí hậu và nạn buôn người.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/700/cpsprodpb/142D7/production/_116774628_billhaytonsouthchinaseabookcover.jpg

Ông Bill Hayton là tác giả cuốn sách 'The South China Sea - Dangerous ground'

 

BBC: Đảng Cộng sản Việt Nam có điểm gì chung với đảng thiên tả nào ở Tây Âu không?

 

Bill Hayton: Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn có mối liên hệ truyền thống với nhiều đảng cộng sản và cựu cộng sản ở châu Âu. Các mối liên hệ này có thể hữu ích cho những vấn đề "cần vận động" - như Chất độc Màu da cam hay tranh chấp ở Biển Đông.

 

Tuy nhiên, chúng không đủ để hỗ trợ nhu cầu mở rộng quan hệ ngoại giao của Việt Nam hiện nay.

 

Hiện không có đảng 'chính thống' nào ở EU muốn làm việc trực tiếp với Đảng CS Việt Nam. Có một niềm tin cốt lõi trong văn hóa chính trị châu Âu rằng các đảng phải phải được tự do tổ chức và tham gia vào các kỳ bầu cử và điều đó là không thể ở Việt Nam.

Do đó, tất cả các đảng 'có uy tín' sẽ tránh có quan hệ với Đảng CS Việt Nam. Các chính phủ châu Âu sẽ sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ Việt Nam về những vấn đề cụ thể và sẽ có cơ hội hợp tác với các tổ chức Việt Nam. Tuy nhiên, các chính phủ Châu Âu đã thất vọng khi thấy rằng tất cả các nổ lực để khuyến khích đa nguyên chính trị ở Việt Nam trong 30 năm qua đã có rất ít tác động. Giờ đây họ chán nản hơn nhiều với Đảng CS Việt Nam.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/700/cpsprodpb/169E7/production/_116774629_billhaytonvnrisingdragonbookcover.jpg

Cuốn 'Vietnam Rising Dragon' của ông Bill Hayton mới được tái bản

 

BBC: Gần đây ông đã có buổi nói chuyện về cái gọi là các nhóm lợi ích trong nền kinh tế và chính trị Việt Nam. Phải chăng ông cho rằng các nhóm lợi ích là 'con đường tự nhiên' (như các tập đoàn tài phiệt của Nga) mà Việt Nam phải trải qua để trở thành một quốc gia giàu có?

 

Bill Hayton: Việt Nam dường như đang trở thành một quốc gia được thống trị bởi những tập đoàn tài phiệt. Có một số người cực kỳ giàu có, có mối quan hệ thân mật với đảng cầm quyền và có thể tác động đến chính trị và kinh tế có lợi cho họ.

 

Và Đảng có vẻ cũng nhận thấy họ đạt được một số lợi thế khi có thể sử dụng các tập đoàn tư nhân lớn làm công cụ cho chính sách kinh tế của mình.

 

Vì vậy, Vingroup, chẳng hạn, có thể đi tiên phong trong chính sách phát triển ngành sản xuất của nhà nước và đổi lại, họ được hỗ trợ rất nhiều qua những thay đổi về luật pháp, trợ cấp kinh tế - và thậm chí cả gián điệp công nghiệp. Vì vậy, có một mối quan hệ cộng sinh giữa giới tài phiệt và đảng CSVN. Tuy nhiên, quan hệ đó không phải lúc nào cũng là một quan hệ dễ dàng. Đôi khi quyền lực của giới tài phiệt trở nên quá lớn và phải bị lấy bớt đi.

 

Đây có vẻ là một tiến trình mà nhiều nước đang phát triển đã đi qua. 'Chủ nghĩa tư bản thân hữu' là một đặc điểm của nhiều nền kinh tế của các Con hổ Châu Á trong thập niên 1990 chẳng hạn. Mối quan hệ thân mật giữa các doanh nghiệp và chính trị gia là một trong những nguyên nhân của cuộc Khủng hoảng Tài chính Châu Á năm 1997. Chúng cũng là một đặc điểm của giai đoạn phát triển kinh tế trước đó ở nhiều nước giàu. Cái gọi là 'Thời đại vàng son' ở Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19 có các nhà tư bản độc quyền sử dụng đủ loại chiến thuật - hợp pháp và bất hợp pháp - để tiếp tục kiếm tiền.

 

Tuy nhiên, sự tồn tại của một nền dân chủ, một nền báo chí tự do và các tổ chức công đoàn độc lập cuối cùng đã dẫn đến sự kiểm soát cái gọi là 'tập đoàn tài phiệt' và sự chia sẻ của cải giữa những bộ phận xã hội rộng lớn hơn. Việt Nam thiếu dân chủ, báo chí tự do và các tổ chức công đoàn độc lập, vì vậy câu hỏi đặt ra là liệu nước này có đủ năng lực để kiểm soát giới tài phiệt và chia sẻ của cải rộng rãi hơn trong xã hội hay không.

 

                                                     ***

 

TIN LIÊN QUAN

 

Đại hội 13: TBT Nguyễn Phú Trọng nói gì với truyền thông?

1 tháng 2 năm 2021

.

Giáo sư Carl Thayer nhận định về Việt Nam sau Đại hội 13

1 tháng 2 năm 2021

.

Anh xin gia nhập hiệp định thương mại Châu Á-TBD CPTPP

31 tháng 1 năm 202

.

Covid-19: Từ tâm dịch Vân Đồn nhìn về Đại hội 13

31 tháng 1 năm 2021

 

.

TIN CHÍNH

 

·         Dịch Covid đang là thách thức lớn nhất của Đảng CSVN sau Đại hội 13

một giờ trước

 

·         Hoa Kỳ và Anh lên tiếng sau tường thuật về nạn hãm hiếp ở Tân Cương

4 tháng 2 năm 2021

 

·         Kênh CGTN của Trung Quốc bị tước giấy phép tại Anh

4 tháng 2 năm 2021

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats