Wednesday 25 November 2020

MỸ : CHÍNH QUYỀN JOE BIDEN LẬT SANG TRANG MỚI NHƯNG VẪN THẤP THOÁNG BÓNG OBAMA (Anh Vũ - RFI)

 


Mỹ : Chính quyền Joe Biden lật sang trang mới nhưng vẫn thấp thoáng bóng Obama

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 25/11/2020 - 15:27

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201125-m%E1%BB%B9.....obama

 

Thở phào nhẹ nhõm khi tiến trình chuyển giao quyền lực được khai thông sau ba tuần bị chính quyền Donald Trump cản trở, tổng thống tân cử Joe Biden khẩn trương hình thành bộ máy hành pháp với quyết tâm sang trang mới, khép lại 4 năm một « nước Mỹ trước tiên » của Donald Trump.

 

Ngày hôm qua, 24/11/2020, ông Joe Biden đã chính thức giới thiệu những nhân vật trụ cột của chính sách đối ngoại và an ninh nội địa, cùng với những tuyên bố đoạn tuyệt rõ ràng với chính quyền cũ. Trong số những gương mặt được giới thiệu đầu tiên, giới quan sát chú ý nhiều đến Antony Blinken ở vị trí ngoại trưởng, John Kerry, cựu ngoại trưởng thời Obama, nay được cử làm đặc sứ cho các vấn đề khí hậu.

 

Những gương mặt mang tính biểu tượng cao cho sự thay đổi của chính quyền Biden tương lai hầu hết đều đã kinh qua các trọng trách trong chính quyền của Barack Obama. Họ là những nhà chính trị có kinh nghiệm, có năng lực và điềm tĩnh trong công việc. Những nhân vật lãnh đạo đó sẽ phải gánh trách nhiệm đưa nước Mỹ trở lại với chủ nghĩa đa phương, đối lập hoàn toàn với chủ trương co cụm « nước Mỹ trước tiên » của tổng thống Donald Trump.

 

Điều này đã được khẳng định trong những phát biểu đầu tiên của lãnh đạo tương lai của ngoại giao Hoa Kỳ. Ông Antony Blinken tuyên bố : « Chúng ta không thể một mình giải quyết các vấn đề của thế giới ». Ý tưởng này cũng được bà Linda Thomas-Greenfild, người được chỉ định làm đại sứ tương lai của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh thêm là « chủ nghĩa đa phương đang trở lại, ngoại giao đang trở lại ».

 

Quả thực, trong 4 năm lãnh đạo nước Mỹ, Donald Trump đã làm thay đổi sâu sắc diện mạo chính trị thế giới, với quan điểm bất cần ngoại giao. Chính sách đối ngoại của chính quyền Trump đã làm đảo lộn quan hệ đồng minh của Mỹ ở châu Âu, cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, gây chia rẽ trong liên minh quân sự NATO. Ông Trump chủ trương gây áp lực trong quan hệ thương mại, sẵn sàng rút khỏi hoặc phá bỏ các thỏa thuận quốc tế, từng là thành quả công sức gây dựng của nhiều chính quyền trước ông cùng với đồng minh.

 

Trong màn ra mắt giới thiệu thành phần nội các đầu tiên cùng với phó tổng thống đắc cử Kamala Harris, tại Wilmington, ông Joe Biden tuyên bố đây là đội ngũ « phản ánh thực tế nước Mỹ đang trở lại, sẵn sàng lãnh đạo thế giới, không thoái lui … sẵn sàng đối mặt với các đối thủ … không phủ nhận đồng minh và sẵn sàng bảo vệ các giá trị của chúng ta ».

 

Trong 4 năm lãnh đạo cường quốc Hoa Kỳ, tổng thống Donald Trump đã cố gắng giữ lời hứa tranh cử « làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại » bằng cách phủ nhận, phá bỏ tất cả di sản của chính quyền của tổng thống Dân Chủ Obama để lại, từ trong nước ra đến quốc tế.

 

Dù chính quyền Trump tỏ ra chống Trung Quốc toàn diện trên mọi mặt trận, nhưng thực tế là những năm qua, Trung Quốc vẫn tiếp tục bành trướng sức mạnh ảnh hưởng ở khắp nơi trên thế giới. Tương tự, nước Nga cũng không còn ngại vai trò của Hoa Kỳ trong các hồ sơ quốc tế lớn. Niềm tự hào của một nước Mỹ vĩ đại làm sao có thể còn khi Washington rút ra khỏi các thỏa thuận mà họ đóng vai trò quan trọng, khi mà tổng thống Mỹ lớn tiếng chỉ trích đe nẹt các đồng minh bằng những đòn kinh tế !

 

Tới đây, ông Joe Biden, sau 8 năm làm phó tướng cho Obama, sẽ trở lại với một chính sách đối ngoại quay ngoắt 180 độ so với chính quyền Trump. Đó cũng là điều dễ hiểu. Nhưng liệu chính quyền Biden có trở lại điểm xuất phát cách đây 4 năm hay không ? Đó là câu hỏi đang được dư luận đặt ra, trong khi những chỉ trích về đường lối đối ngoại và vai trò của cường quốc Mỹ với thế giới dưới thời Obama vẫn mang tính thời sự.  

 

Quyết tâm sang trang mới là điều dễ hiểu đối với chính quyền tương lai của Joe Biden. Nhưng thách thức chủ yếu là phải bắt đầu từ đâu, trong bối cảnh nội tình đất nước bị chia rẽ sâu sắc, còn ở bên ngoai, hệ thống các mối quan hệ quốc tế đã biến dạng không còn như trước.

 

===============================

.

.

Dàn lãnh đạo của Biden : Chuyên nghiệp và đa dạng

Thụy My  -  RFI / ĐIỂM BÁO

Đăng ngày: 25/11/2020 - 15:59

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201125-d%....A1ng

 

Thành phần tân chính phủ Mỹ nhanh chóng hình thành và việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron loan báo dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa vì dịch Covid, là hai chủ đề chính của các nhật báo Pháp hôm nay 25/11/2020.

 

https://s.rfi.fr/media/display/06901940-2f2b-11eb-a913-005056bf87d6/w:980/p:16x9/01-592.webp

Tổng thống tân cử Joe Biden giới thiệu những nhân vật được đề cử vào nội các mới tại nhà hát The Queen ở Delaware, Hoa Kỳ ngày 24/11/2020. © AP Photo/Carolyn Kaster

 

Libération nhận xét « Trump lùi bước, Biden tuyển mộ ». Tương tự với Le Monde « Trump giải tỏa việc chuyển giao, Biden thành lập dàn lãnh đạo », « Donald Trump nhường bước, Joe Biden chuẩn bị » (La Croix).

 

Ba tuần sau cuộc bầu cử mà Donald Trump vẫn từ chối chính thức công nhận kết quả, tổng thống mãn nhiệm chấp nhận cho cơ quan hành chính phụ trách việc chuyển giao (GSA) bắt đầu giải ngân. Ông khẳng định : « Cuộc chiến pháp lý vẫn tiếp tục, chúng ta sẽ theo đuổi cuộc đấu tranh vì công lý và tôi tin rằng sẽ chiến thắng ! Dù vậy, vì lợi ích đất nước, tôi khuyến cáo Emily và các cộng sự của bà tiến hành những việc cần thiết theo quy trình ».

 

Le Figaro cho biết thêm, trước khi được ông Trump bật đèn xanh, bà Emily Murphy, giám đốc GSA than phiền đã bị đe dọa nhiều lần « trên mạng, qua điện thoại hoặc bằng thư, nhắm vào gia đình tôi, các nhân viên của tôi và thậm chí cả thú nuôi của tôi, nhằm buộc tôi phải ra quyết định một cách vội vã…Nhưng trước hàng ngàn đe dọa, tôi vẫn kiên định tôn trọng luật pháp ».

 

Ông Joe Biden hôm qua đã công bố một số cái tên trong số những bộ trưởng sẽ đứng xung quanh ông trong dịp lễ nhậm chức ngày 20 tháng Giêng. Trong số đó có Antony Blinken được đề cử ngoại trưởng, Avril Haines, phụ nữ đầu tiên lãnh đạo ngành tình báo, cựu ngoại trưởng John Kerry làm đặc phái viên về khí hậu, và Alejandro Mayorkas, xuất thân từ một gia đình di dân Cuba làm bộ trưởng An Ninh Nội Địa. Cựu giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Janet Yellen sẽ là phụ nữ đầu tiên làm bộ trưởng Tài Chính.

 

Theo Libération, những khuôn mặt này hầu như đều đã kinh qua các chức vụ trong chính quyền Obama, tạo ra một hình ảnh đáng tin cậy. Tuy không có ai đặc biệt cấp tiến và cánh tả trong đảng Dân Chủ sẽ chỉ trích, nhưng Joe Biden hiểu rằng đa số người Mỹ muốn cánh trung quay lại, và với một Thượng Viện ngay cả khi trong điều kiện tốt nhất là Cộng Hòa, Dân Chủ mỗi bên đều 50 người, thì những ứng viên cực tả vẫn khó được chấp nhận.

 

Le Monde cũng nhận xét dường như các tiêu chí chọn lựa là sự thân cận với ông Biden, năng lực và tính đa dạng. Les Echos cho biết John Kerry luôn trung thành với Joe Biden, ngay cả khi chiến dịch tranh cử của cựu phó tổng thống thất bại nặng nề vào đầu năm nay. Antony Blinken là một chuyên gia đối ngoại đầy kinh nghiệm, bà Janet Yellen được các bên công nhận là tài năng. Trong khi Donald Trump chọn một nhà báo dẫn chương trình truyền hình của Fox News làm đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Biden dành chức này cho một chuyên gia về châu Phi, Linda Thomas-Greenfield, một phụ nữ da đen 68 tuổi.

 

Nhiều nhà quan sát cho rằng Donald Trump sẽ không bao giờ chịu công nhận thất bại, tuy lần lượt các bang quan trọng đã được xác nhận rơi vào tay ứng viên Dân Chủ : Georgia hôm thứ Sáu, Michigan thứ Hai và Pennsylvania hôm qua, thứ Ba.

 

Theo Washington Post, ông Trump vẫn muốn tiếp tục là đại diện một lực lượng quan trọng trong chính trị và truyền thông, và có thể từ nay đến cuối năm, Donald Trump sẽ loan báo ra ứng cử năm 2024. Cũng theo nhật báo này, ông Trump đang cân nhắc những phương cách kiếm tiền mà các tổng thống tiền nhiệm từng làm, từ những bài diễn văn hay xuất hiện trên truyền hình, những cuộc mít-tinh, viết hồi ký. Dù sao đi nữa, với những vụ kiện tụng hiện nay và nguy cơ bị khởi tố sau khi mất quyền đặc miễn, vấn đề tài chính rất quan trọng với ông Donald Trump.

 

Bóng ma cộng sản khiến cử tri Mỹ lo sợ

« Mác-xít, một nỗi sợ Mỹ », đó là tựa đề một bài viết trên Le Monde, với bức ảnh một người biểu tình trước Nhà Trắng mang tấm bảng có hình ông Joe Biden trong trang phục Mao Trạch Đông. Đối với nhiều người ủng hộ tổng thống Donald Trump, ứng viên Dân Chủ Biden là hiện thân của chủ nghĩa xã hội, là mối đe dọa cho các quyền tự do của mô hình tư bản.

 

« Với Biden, chúng ta có thể nói lời từ biệt với nước Mỹ. Chào mừng đến với Venezuela ! ». Đây không phải là lời nói đùa, mà là phát biểu rất nghiêm túc của một đại diện đảng Cộng Hòa tại hạt Shenandoah, Virginia, biểu hiện nỗi lo sợ của nhiều người cánh hữu sau khi ông Joe Biden được cho là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 03/11.

 

Trong suốt chiến dịch tranh cử, nỗi sợ Hoa Kỳ trở thành « một nước xã hội chủ nghĩa do những người mác-xít và cộng sản lãnh đạo » đã khiến nhiều cử tri tin rằng phải chọn lựa giữa « tự do và độc tài ». Như tổng thống mãn nhiệm Donald Trump đã tóm tắt, chọn « ác mộng chủ nghĩa xã hội hoặc giấc mơ Mỹ », có đến 73 triệu người đã bỏ phiếu cho ông Trump, một kỷ lục !

 

Nỗi sợ cộng sản là có thật. Giáo sư Thomas Schwartz ở Tennessee nhận xét nếu tại châu Âu người ta phân biệt rõ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa mác-xít, thì tại Mỹ hầu như đồng nghĩa, dù từ mác-xít gây ác cảm nhiều hơn vì gắn với Liên Xô và chiến tranh lạnh. Dân biểu Todd Gilbert thì lo ngại phe Dân Chủ có thể bị các khuôn mặt mác-xít nhất trong đảng làm áp lực. Sau các kết quả đáng thất vọng về bầu cử ở Hạ Viện, nhiều dân biểu Dân Chủ đã cảnh báo không nên xưng tụng « nhãn hiệu xã hội chủ nghĩa », bị cho là mang nghĩa xấu.

 

Trung Quốc đứng nhì trong số những nước bị ác cảm tại Pháp, chỉ sau Bắc Triều Tiên 

Về châu Á, Le Monde cho biết hình ảnh Trung Quốc là tiêu cực đối với cả cánh tả lẫn cánh hữu ở Pháp, theo một cuộc thăm dò dư luận được công bố hôm qua.

 

Đại dịch do con virus từ Vũ Hán, các vụ vi phạm nhân quyền và lạm dụng công nghệ cho những ý đồ xấu đã khiến Trung Quốc chiếm vị trí thứ nhì trong những nước bị ác cảm tại Pháp, đứng sau Bắc Triều Tiên và trước Nga. Có đến 62% người được hỏi cho biết không thích hoặc thậm chí rất ghét Trung Quốc, chỉ có 16% có cảm tình. Con số được Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) công bố ngày 24/11 nằm trong khuôn khổ một cuộc thăm dò rộng rãi về hình ảnh Trung Quốc tiến hành từ tháng Chín đến tháng Mười, tại 13 nước châu Âu.

 

Ấn tượng xấu về Trung Quốc hầu như đồng đều trong dân chúng Pháp không phân biệt khuynh hướng chính trị : 58 đến 69% cử tri của sáu đảng chính tại Pháp cho biết « rất ghét », hoặc « ghét » Bắc Kinh. Nhìn chung, hình ảnh Trung Quốc trở nên xấu xí đối với 53% người Pháp trong ba năm gần đây.

 

Công chúng Pháp tỏ ra nhạy cảm về chính trị hơn là về kinh tế : ngoài từ « Covid » từ đầu tiên họ nghĩ đến khi nói về Trung Quốc là « độc tài ». Người Pháp xếp Trung Quốc ở hàng cuối cùng trong số những nước có thể là đối tác để xây dựng mạng 5G, đây là thất bại của « quyền lực mềm » Bắc Kinh. Nhà nghiên cứu Marc Julienne cho biết tuy người dân Pháp « tỏ ra lo ngại trước sức mạnh công nghệ đang lên của Trung Quốc, nhưng họ không quan tâm mấy đến một quân đội ở quá xa ».

 

 

Noi gương Hồng Kông, giới trẻ Thái đối mặt với hiểm nguy

Tại Đông Nam Á, Le Figaro ghi nhận « Giới trẻ Thái Lan đấu tranh cho dân chủ đang trong tình trạng nguy hiểm ». Chống chọi với chính quyền, họ chấp nhận những rủi ro như đã xảy đến với những người trẻ Hồng Kông.

 

Thứ Tư tuần trước, vụ đụng độ giữa cảnh sát và thanh niên biểu tình đã làm hơn 40 người bị thương. Hàng ngàn người trẻ bao vây tòa nhà Quốc Hội, nơi các dân biểu dưới áp lực người dân đang xem xét dự án cải cách Hiến Pháp. Họ mở cửa cho những sửa đổi dân chủ nhưng bác bỏ tất cả những gì đụng chạm đến hoàng gia, như nhóm Internet Dialogue on Law Reform (ILaw) đòi hỏi thông qua một cuộc tham vấn rộng rãi trên mạng. Cảnh sát xịt vòi rồng vào người biểu tình. Cuộc cách mạng 4.0 của lớp trẻ đầy lý tưởng với sự hỗ trợ của mạng xã hội, đã vấp phải bức tường kiên cố của thế giới cũ, những chiếc khiên của lực lượng chống bạo động.

 

Những hình ảnh trên đường phố Bangkok khiến người ta nhớ đến những cuộc biểu tình khổng lồ dưới chân những tòa nhà chọc trời ở Hồng Kông năm ngoái. Một lần nữa, tuổi trẻ châu Á gan dạ đã thách thức chế độ độc tài, David chống lại Goliath. Tuổi trẻ Thái Lan sử dụng lại phương pháp của các chiến hữu Hồng Kông « Hãy linh hoạt như nước ». Thông qua ứng dụng mã hóa Telegram, các nhà hoạt động vô hiệu hóa được các hàng rào cảnh sát, tổ chức các cuộc tập hợp bất ngờ tại các ngã tư quan trọng. Họ được sự ủng hộ từ Hoàng Chi Phong, người hùng của cuộc Cách mạng Dù Hồng Kông, kêu gọi một liên minh giới trẻ châu Á đòi dân chủ trước các chế độ độc tài được Trung Quốc cộng sản hỗ trợ.

 

Tuy nhiên phong trào dân chủ Hồng Kông cho thấy những hạn chế của những cuộc cách mạng thời đại internet : huy động nhanh chóng nhưng thường chủ trương đòi hỏi tối đa. Dù đã tặng cho Tập Cận Bình một cái tát với việc ngưng lại dự luật dẫn độ, nhưng lớp trẻ không lãnh đạo, không chiến lược, hành động theo cảm xúc trên mạng, lại dấn lên với các hoạt động đôi khi bạo động, vượt qua lằn ranh đỏ của Bắc Kinh. Tuổi trẻ Bangkok đã dám vượt qua cấm kỵ, nhưng khi trộn lẫn khuôn mặt gây tranh cãi của nhà vua Rama X với cải cách dân chủ, họ có nguy cơ tạo khoảng cách với một bộ phận dân chúng vẫn coi hoàng gia là biểu tượng tối cao.

 

Số tử vong vì Covid tại Nga trên thực tế cao gấp nhiều lần ?

Trên lãnh vực y tế, Le Figaro cho biết « Tại Nga, thảm họa Covid bị những con số chính thức che khuất ». Theo các chuyên gia độc lập, số bệnh nhân tử vong vì đại dịch cao gấp từ 3 đến 7 lần so với thống kê do chính quyền đưa ra.

 

Hơn phân nửa số bệnh nhân đợt 2 là người ở các tỉnh, nơi cơ sở hạ tầng thiếu thốn trong khi đợt 1 tập trung vào Matxcơva và Saint Petersbourg được trang bị tốt hơn. Reuters đưa tin hơn một chục vùng đang thiếu thốn kháng sinh nghiêm trọng, đại diện nghiệp đoàn bác sĩ nói với Figaro đang thiếu nhân lực và trang bị phòng hộ. Các bác sĩ làm việc ở « vùng đỏ » không có những bộ trang phục bảo hộ tốt, những bộ áo họ được phát mặc vào rách ngay.

 

Đại dịch nặng nề thêm do một số nhân tố : thiếu minh bạch, chênh lệch giữa khu vực trung tâm và ngoại ô, tình trạng xuống cấp của các bệnh viện, và tập quyền ở trung ương khiến các thống đốc vùng lo đánh bóng số liệu…Nga đứng hàng thứ năm trong số những nước bị con virus từ Vũ Hán gây thiệt hại nhiều nhất, sau Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil và Pháp với trên 2 triệu người dương tính và trên 37.000 trường hợp tử vong.

 

Tuy nhiên theo nhà dân số học Alexei Rakcha thì con số trên là hoàn toàn dối trá. Dựa theo tính toán về nhân khẩu của ông, từ một năm qua số người chết tại Nga vượt trên mức bình thường 330.000 người, trong đó 80% là do virus corona (264.000 tử vong), tức cao hơn số liệu công bố…8 lần !

 

Một số chuyên gia khác cho rằng chỉ cần nhân con số chính thức lên 2 hoặc 3 lần. Nhưng Rakcha khẳng định 70% bệnh nhân Covid tử vong tại Matxcơva không được coi là chết do đại dịch, tỉ lệ này tại các tỉnh là 80%. Một chuyên gia độc lập khác là Alexei Kouprianov, dựa trên thuật toán đã được sử dụng trong bầu cử, nhận thấy những địa phương nào có kết quả bầu cử đàng hoàng nhất cũng là những nơi công bố con số Covid thật nhất.

 

Thiếu minh bạch tương tự với vaccin chống Covid : Matxcơva đã nhanh nhẩu đi trước những người cạnh tranh khi loan báo hai vaccin Spoutnik V « hiệu quả 95% » và EpiVakCorona của phòng thí nghiệm bí mật Vektor. Cả hai đều đang được thí nghiệm lâm sàng (giai đoạn 3) nhưng Nga lại loan báo sẽ tiêm chủng cho 1,5 triệu dân từ nay đến cuối năm.

 

Nhà báo kiêm nhà sinh học phân tử Irina Iakoutenko hết sức lo ngại khi bộ Y Tế đã cho đăng ký hai loại vaccin này trong khi thí nghiệm lâm sàng vẫn chưa hoàn tất. Đối với Nga, « điều quan trọng là nước đầu tiên chế tạo được vaccin, vì lý do kinh tế nhưng quan trọng nhất là để lấy tiếng ».

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats