Monday 3 August 2020

BÁO CHÍ & ĐẠI DỊCH (Lê Trọng Vũ)



BÁO CHÍ & ĐẠI DỊCH

Lê Trọng Vũ

04:08  03/08/2020

https://www.facebook.com/trua3/posts/3093357544096479

 

Báo chí đang tràn ngập hình ảnh đầy xúc động về những người đang ở tuyến đầu chống dịch. Hình ảnh nhiều nhân viên y tế cắt mái tóc dài của mình hay nằm ngủ ngay trên sàn nhà được xem là sự hy sinh vì thứ gì đó lớn lao hơn chuyện cá nhân rất nhiều, hoặc hình ảnh được chụp từ sau lưng dàn “thiên thần áo trắng” đang ung dung sải bước trên hành lang bệnh viện với hàm ý tôn vinh những người hùng anh dũng xung trận, quyết một trận sống mái với kẻ thù giấu mặt.

 

Đành rằng chia sẻ những khó khăn của lực lượng tuyến đầu thì cũng rất tốt, nó giúp cho công chúng thấy được những gì đang ở bên trong tâm dịch nhưng báo chí cũng nên bớt lấy nước mắt độc giả của mình lại, thay vào đó họ nên thử đặt dấu hỏi về chất lượng của hệ thống y tế hay chất vấn về vai trò của chính quyền trong đợt dịch bệnh lần này thì đúng với chức năng của mình hơn. Vì ngay cả đội ngũ y bác sỹ quan trọng nhất, đang ở tuyến đầu chống dịch mà phải nằm co ro trên tấm carton, phải nhắn tin cho các mạnh thường quân bên ngoài để xin từng vật dụng nhỏ nhất như tấm nệm, cây lau sàn hay chai nước thì công chúng càng có lý do để mà lo lắng cho hiệu quả của đợt chống dịch lần này.

 

Chưa kể, có cả ngàn tờ báo mà không ai thử đặt câu hỏi, rằng việc dồn hết nguồn lực của nhà nước và xã hội vào cuộc chiến chống Covid liệu có công bằng với bệnh nhân của những bệnh lý khác, mà lúc bình thường họ đã chịu đựng sự quá tải của hệ thống y tế, khi hai, ba bệnh nhân phải chia nhau một cái giường nhỏ, trong căn phòng đầy oi bức? Giờ họ lại tự dưng mất đi một phần sự hỗ trợ y tế, nên đương nhiên sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro hơn.

 

Đọc đến đây nhiều người sẽ cho rằng bệnh nhân nhiễm virus nCoV là bệnh lây nhiễm đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu lại chưa có vaccine điều trị nên cần phải được ưu tiên hơn, nếu vậy chúng ta sẽ đối mặt với câu hỏi mang tính triết học và đạo đức kiểu như tình huống giả định kinh điển của giáo sư M. Sandal rằng, chẳng lẽ thân thể của bệnh nhân mắc ung thư, tim mạch hay suy thận thì không đáng được chăm sóc bằng bệnh nhân mắc nCoV hay sao?

 

Giảm thấp nhất số ca lây nhiễm và tử vong vì Covid là mong muốn hoàn toàn chính đáng nhưng phải dựa trên thực tế nguồn lực hiện có và phải nằm trong đánh giá tổng thể những thiệt hơn với những bệnh lý khác cũng đang mắc phải. Vì chỉ riêng với bệnh trầm cảm, theo thống kê hàng năm, Việt Nam đã có từ 36 đến 40 ngàn người tử vong. Vậy nên, nếu cứ xuất hiện vài ca lây nhiễm rồi cứng nhắc phong tỏa trên diện rộng khiến cả xã hội và nền kinh tế đông cứng lại thì những người chạy ăn từng bữa hay giới kinh doanh đang lo lắng về tiền thuê mặt bằng và lãi suất ngân hàng sắp đến hạn, sẽ đóng góp thêm bao nhiêu vào số ca tự tử vì trầm cảm hàng năm?

 

Đó là chưa kể những bệnh nhân mắc bệnh lý khác mà vì thành tích muốn chiến thắng nCoV bằng mọi giá, phải bị trả về nhà tự điều trị hoặc không thể đến bệnh viện để khám chữa bệnh vào những lúc thế này. Nếu chẳng may họ có mệnh hệ nào thì có được tính là chết vì Covid không, dù rằng trong cơ thể họ không có con virus nCoV nào.

 

Đất nước đang trong giai đoạn khó khăn nhất từ thời kỳ mở cửa đến giờ, vậy mà không thấy bất kỳ nhà lãnh đạo nào từ cấp trung ương đến địa phương lên tiếng trấn an, chia sẻ với người dân hoặc doanh nghiệp về những thiệt hại mà họ đang gánh chịu, chưa thấy ai đề xuất gói kích thích kinh tế, giãn nợ hay chí ít là thăm hỏi, động viên về mặt tinh thần đối với những hộ dân hay hàng quán tự dưng bị đột ngột cách ly, trong khi lương để trả cho từ ông Chủ tịch ký lệnh phong tỏa thành phố đến anh dân phòng kéo barie lại, đều từ tiền đóng thuế của dân mà ra.

 

Chỉ có những công văn lạnh lùng là được cánh báo chí nhiệt tình cập nhật từng ngày, từ lúc sáng sớm đến đêm hôm. Nhưng những người mưu sinh trên vỉa hè, lực lượng đóng góp đến 20% nền kinh tế, tiếc thay, lại không có điện thoại thông minh cập nhật những chỉ thị vô cảm liên quan đến số phận mình để chuẩn bị cho những tháng ngày bão giông sắp tới.

 

Chưa bao giờ mạng xã hội lại đồng lòng cùng chính quyền đến như vậy. Ngay cả những người thường xuyên chỉ trích chính phủ, giờ cũng vỗ tay hò reo theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư TP.HCM, người chưa từng phải đắn đo giữa con cá, bó rau trong chợ hay tự móc túi trả tiền thuê nhà trọ, lương nhân viên hay lãi suất ngân hàng, quyết liệt đòi phong toả toàn Đà Nẵng như Vũ Hán, và thêm một thời gian dài nữa, chỉ để tiêu diệt con virus vô hình kia bằng mọi giá bất chấp sự đánh đổi nhiều thứ khác có lớn đến đâu. Điều này khiến tôi không khỏi liên tưởng đến đoàn Hồng vệ binh của Mao năm nào, với khí thế ngút trời trong chiến dịch diệt hết chim sẻ vì chúng ăn thóc gạo.

 

Đúng là một năm sau, chiến dịch đã thành công rực rỡ khi không còn con chim sẻ nào ăn thóc gạo của nông dân nữa nhưng tiếc là, sự duy ý chí làm mất cân bằng sinh thái này lại khiến châu chấu và sâu bọ bùng phát vượt ngoài tầm kiểm soát, phá hoại mùa màng kéo theo vô số vấn nạn, mà ước tính có đến 30 triệu người Trung Quốc đã phải chết đói. Những năm đó, để không làm mất lòng Mao, nhiều báo cáo bên dưới vẫn ca ngợi thành tích đạt được còn nạn đói kinh hoàng, được chính phủ biện bạch, chủ yếu là do thiên tai.

 

Trở lại câu chuyện của chúng ta, đương nhiên ai cũng muốn nhà nước chống dịch thành công nhưng cần cân nhắc những nguồn lực hiện có để làm sao phân bổ hợp lý, đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả vừa giảm thiểu thấp nhất cho nền kinh tế vốn đã rất suy kiệt bởi đợt dịch trước và đang trên bờ vực sụp đổ.

 

Để như vậy, báo chí cần phát huy vai trò của mình, trung tính và đa chiều hơn nữa, tránh thổi phồng quá mức các ca bệnh nặng, mà bỏ qua dẫn chứng khoa học trên thế giới về số ca tự khỏi hoặc có thể tự chữa lành ở nhà.

 

Chính hình ảnh sai lạc về dịch bệnh, tô vẽ quá mức vào hệ thống y tế trong đợt dịch trước đã khiến nhiều người ảo tưởng vào khả năng của bộ máy chính quyền, vô hình chung làm người dân co cụm lại đầy thụ động, đánh mất đi ý thức giám sát, đòi hỏi chính quyền năng động và minh bạch hơn trong đợt chống dịch lần này.

 

Thay vào đó, báo chí nên đặt nhiều câu hỏi gợi mở cho cả xã hội cùng tranh luận, làm cơ sở giúp chính quyền có được nhiều giải pháp phù hợp, uyển chuyển và có trọng tâm hơn.

 

Hơn bao giờ hết, báo chí cần dẫn đầu công cuộc lý tính hoá xã hội chứ không phải ngược lại, bớt cảm tính và ủy mị đi, vì chẳng phải nhân dân đã quá nhiều nước mắt rồi sao!

 

130 BÌNH LUẬN

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats