Sunday 18 August 2019

“HÁN NÔ” (Trương Nhân Tuấn)





Ý kiến của tôi trong bài viết ngắn “TQ đang nóng lòng chờ VN đi kiện…” hôm kia đã làm nhiều người không vừa ý. Cộng thêm vụ phê phán “thiên sứ” Trump “ngồi xổm lên luật quốc tế”. Tôi liền bị dán cho cái nhãn “Hán nô”.

Những chuyện chụp mũ thế này tôi không bao giờ quan tâm. Tôi đã có đủ thứ mũ trên đầu, dán thêm vài cái nữa không nhằm nhò gì.

Điều tôi cho là nguy hiểm, là ông Trump, cùng hai ông to đầu khác trong Hội đồng bảo an LHQ là PutinTập Cận Bình, cả ba cùng ngồi xổm lên “luật quốc tế”. Trump ủng hộ cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Do thái đồng thời Jerusalem là thủ đô nước này. Các điều này đi ngược lại tập quán quốc tế cũng như các nghị quyết của LHQ về Jerusalem. Putin thì chiếm Crimée. Họ Tập thì (thất hứa) quân sự hóa Biển Đông đồng thời không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế PCA 11-7-2016.

Putin và họ Tập không nói làm chi, họ vốn là những lãnh tụ độc tài, coi sức mạnh là “công lý”. Trước đây thế giới có nước Mỹ như là một “anh cao bồi trừ gian diệt bạo”. Đám côn đồ dầu không coi luật pháp ra gì nhưng chúng không dám lộng hành, ỹ thế hiếp cô. Nhưng từ khi Trump lên, nước Mỹ từ một anh cao bồi mã thượng bị kéo xuống ngang hàng với Putin và Tập Cận Bình. Nhưng nếu ngừng ở đó thì cũng chưa đến đổi. Trump còn cúi xuống thấp hơn để bắt tay với tên đồ tể Kim jong Un, khen ngợi tên này không tiếc lời, lại còn tỏ ý “lấy làm vinh dự” khi được bước qua lãnh thổ Triều tiên.

Thế giới tương đối có nền hòa bình và sự ổn định từ 1945 đến nay, không còn cảnh “cá lớn nuốt cá bé” là nhờ vào luật quốc tế. Các nước nhỏ, nếu không có luật pháp thì lấy cái gì để bảo vệ lợi ích của mình?

Khi đại cường Mỹ không coi luật pháp ra gì thì những nước côn đồ cũng sẽ không coi luật pháp ra gì. VN đi kiện TQ, một thành viên của Hội đồng bảo an LHQ, trong tình trạng luật pháp bị coi rẻ như vậy hiển nhiên là thất thế.

Vấn đề là kiện TQ về cái gì? Chưa thấy ai ủng hộ việc đi kiện giải thích rõ rệt phải kiện TQ về cái gì? ở tòa án nào?

Thử đọc các bản “kiến nghị” của trí thức, học giả, nhà tranh đấu… của VN gởi lên quốc hội. Kiến nghị yêu cầu VN chuẩn bị hồ sơ đi kiện TQ. Nhưng kiện cái gì, kiện ở đâu thì không thấy nói tới.

Ngoại trừ một bài viết của tác giả Dương Danh Huy đăng trên BBC vài tuần trước. Duy nhứt chỉ có tác giả này phân tích đầu đuôi, yêu cầu VN đi kiện TQ ra “hội đồng trọng tài” theo phục lục VII UNCLOS. Tác giả này cho rằng Phán quyết đó (PCA 11-7-2016) chỉ có tính ràng buộc giữa Philippines và Trung Quốc. Nếu Việt Nam muốn có một phán quyết có tính ràng buộc giữa mình và Trung Quốc, Việt Nam phải kiện Trung Quốc”.

Tôi có bài viết cho rằng ý kiến của tác giả vừa “không đúng” vừa “nguy hiểm”. Ai muốn biết tôi viết thế nào thì tìm đọc (7-8-2019).

Theo tôi, trong các lãnh vực “nghiên cứu về chủ quyền lãnh thổ” và “nghiên cứu về Biển Đông” tôi luôn tôn trọng “nước sông không phạm tới nước giếng”. Rõ ràng có hai phe nghiên cứu: một phe nghiên cứu về “lịch sử”. Phe kia nghiên cứu về pháp lý. Ít có người nghiên cứu nào chuyên cả hai lãnh vực lịch sử lẫn pháp lý.

Tôi là người tự cho là mình có nghiên cứu cả hai lãnh vực này.

Nghiên cứu về mặt “lịch sử” có cái “khó” của mặt lịch sử. Tôi đã từng bỏ ra nhiều năm để nghiên cứu lịch sử thành hình biên giới VN và TQ. Vấn đề là “học giả”, “nhà tranh đấu” VN khi viết “kiến nghị” về chủ quyền lãnh thổ, như về Nam Quan, Bản giốc…, chẳng ai đưa được bằng chứng đất của VN là từ đâu đến đâu. Biên giới qua ải Nam quan ra sao ? biên giới qua thác Bản giốc thế nào ? Ai cũng phê phán CSVN “bán đất nhượng biển”. Ai cũng lên án TQ xâm lược, chiếm đất của VN. Bằng chứng của học giả VN hầu hết lấy từ các bộ “lịch sử” hay các bộ “bản đồ”. Hiển nhiên các dữ kiện dẫn từ các tài liệu này không hề được xem là “bằng chứng” trước một tòa án quốc tế.

Khi tôi nói khác họ, dĩ nhiên liền bị dán cho cái nhãn VC!

Về Biển Đông cũng vậy. Các học giả VN thường “lên gân” rằng mình có nguyên cả bộ “bản đồ cổ” trong đó Hoàng sa, Trường sa không thuộc về TQ. Vấn đề là các bản đồ này không có chút giá trị nào trước một tòa án quốc tế.

Học giả VN chỉ chú trọng phần lịch sử (nhưng không sâu, không tới nơi tới chốn), tức chỉ chú trọng về “bề ngoài”.

Khoe rằng ta có cả trăm bộ bản đồ cổ thì ăn thua gì trước tòa án ? Trong khi phần quan trọng hơn hết để khẳng định chủ quyền lãnh thổ là bằng chứng pháp lý.

Ai cũng hô hào: VN phải kiện TQ mà không ai chịu khó thu thập “bằng chứng pháp lý” để củng cố chủ quyền. Tôi có đọc nhiều bài nghiên cứu của học giả VN. Tất cả tài liệu “pháp lý”, không ngoại lệ, đều đến từ:

1/ Bọn phong kiến nhà Nguyễn.
2/ Đám thực dân bóc lột Pháp và
3/ Đám ngụy VNCH.

Nhà nước CSVN hiện nay vẫn chủ trương “bài phong đả thực”, đánh Pháp đuổi Mỹ, coi VNCH là “ngụy”… thì làm gì có tư cách “kế thừa” di sản của các thực thể chính trị này?

Trong khi đó những thứ như công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng, các tập lịch sử, các bộ bản đồ, báo chí v.v… cũng là “bằng chứng pháp lý”. Ngoài tôi người duy nhứt có những nghiên cứu để “hóa giải” hiệu lực của các thứ này. Học giả VN thì “tay trắng”.

Theo tôi, nếu VN chìu các học giả liều lĩnh đi kiện TQ, thì VN làm thủ tục “dâng hiến” Biển Đông cho TQ. Đối với VN, TQ có 90% bằng chứng để khẳng định chủ quyền của họ ở Hoàng Sa và Trường Sa. Không biết mình vì sao đi kiện, kiện cái gì, kiện ở đâu… 99% là kiện để thua, để “pháp lý hóa” chủ quyền của TQ.

Từ đầu tháng 7 đến nay tôi có hàng chục bài viết về Tư chính. Trong đó tôi đưa ra nhiều giải pháp. Thượng sách là khiếu nại lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ. Chỉ cần Ủy ban này bác tờ công hàm phản đối của TQ là VN đã thắng. Trung sách là vận động Phi nhìn nhận phán quyết. Điều này nhiều luật gia VN đã khuyến cáo thực thi. Hạ sách là đi kiện TQ. Trong phần hạ sách tôi ghi rõ “nếu và chỉ nếu có chiến tranh” với TQ.

Tức là, nếu có đọc những bài viết của tôi trên Facebook, (hay các bài trên BBC) thì tôi không hề phản đối việc đi kiện. Vấn đề là kiện thế nào mà thôi!

Từ nhiều năm trước, nhân vụ giàn khoan HD981, tôi là người duy nhứt lập được hồ sơ pháp lý để kiện TQ ở Hoàng Sa. Đến nay, ngoài tôi ra, chưa ai chỉ ra được cách hóa giải được công hàm 1958 và những hành vi khác của VNDCCH để khẳng định chủ quyền của VN.

VN kiện TQ ở Hoàng Sa, nếu VN thua thì cũng “không có gì để mất”. Nhưng nếu được thì được rất nhiều. Mọi người có thể tìm đọc lại bài viết của tôi gởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bộ trưởng bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh năm 2014.

Tức là, tôi là người đầu tiên, và duy nhứt, chủ trương kiện TQ ở Hoàng Sa với một hồ sơ hoàn chỉnh về lịch sử lẫn pháp lý.

Còn nếu kiện ở Trường Sa, VN có nhiều nguy hiểm. Thắng thì VN không “được” nhiều hơn những cái đã “được” do phán quyết tòa PCA 11-7-2016 đem lại. Mà thua thì VN có thể trắng tay.

Còn vụ Tư Chính, muốn kiện TQ thì mình phải biết TQ đã vi phạm VN ở những cái gì?

Nếu việc vi phạm thuộc về thềm lục địa thì ta không thể đi kiện TQ ở cột nước EEZ (như các học giả đã nói). Điều quan trọng VN phải thu thập được bằng chứng TQ đang thăm dò thềm lục địa VN với chủ đích “kinh tế”. Nếu không làm được việc này, TQ nói là họ làm công tác khoa học, VN sẽ không làm được gì cả. Vụ chiếc tàu Impeccable của Mỹ chạy lòng vòng trong vùng EEZ của TQ để “nghiên cứu khoa học”. Mọi người nên tham khảo lại.

Vì vậy những việc chụp mũ nọ kia tôi bất cần. Đối với nhà cầm quyền trong nước thì tôi là tên “phản động”. Đối với học giả TQ, nhiều bài viết chỉ đích danh tên tôi là là “đối thủ đáng gờm”. Còn học giả VN, họ ganh tị tôi rất nhiều. Lòng ganh tị của họ đã giết chết đầu óc học hỏi, cầu tiến của họ. Chưa có một người nào phản biện được bất kỳ lập luận của tôi về chủ quyền lãnh thổ, biển đảo. Bởi vì tôi nghiên cứu “nói có sách mách có chứng”.

Học giả TQ không ưa tôi, nhưng ít ra họ nể trọng. Còn những người ganh tị chụp mũ tôi bậy bạ. Tôi không trách làm gì. Lỗi là do trăng sáng quá. Chó sủa trăng mà thôi.



 


No comments:

Post a Comment

View My Stats