Monday 17 June 2019

BIỂU TÌNH HỒNG KÔNG : TẠI SAO THÀNH CÔNG & BAO GIỜ VIỆT NAM? (An Viên - VNTB)




An Viên  -  VNTB
6-18-2019

(VNTB) - Vì sao người Hồng Kông xuống đường biểu tình, câu hỏi đã có câu trả lời. Nhưng tại sao biểu tình thành công, gây sức ép buộc phải hoãn dự luật dẫn độ cũng như bao giờ cho đến Việt Nam vẫn là một câu hỏi lớn.

Biểu tình ở Hongkong phản đối Luật Dẫn độ

Dù trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, Carrie Lam, đã tuyên bố hoãn dự luật dẫn độ, hàng triệu người dân vẫn xuống đường biểu tình.

Vì sao người Hồng Kông xuống đường biểu tình, câu hỏi đã có câu trả lời. Nhưng tại sao biểu tình thành công, gây sức ép buộc phải hoãn dự luật dẫn độ cũng như bao giờ cho đến Việt Nam vẫn là một câu hỏi lớn.

Thương nhân: cốt lõi của cuộc chiến

Không phải học sinh – sinh viên, không phải những giáo sư – nhà khoa học, chính những thương nhân đã làm nên sự khác biệt giữa cuộc biểu tình năm 2014 và cuộc xuống đường năm 2019.

“Doanh nghiệp Hong Kong hứa đóng cửa nghỉ, cho nhân viên đi biểu tình”, tiêu đề bài viết của báo Tuổi Trẻ ngày 11.06 đã khái quát hóa tính chất đặc biệt của lần xuống đường lần này. Theo đó, một loạt doanh nghiệp Hồng Kông thề sẽ đóng cửa giữa lúc cơn giận của người dân vùng lãnh thổ này đối với chính quyền xung quanh dự luật dẫn độ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Năm 2014, phía cảnh sát đã dùng dùi cui và hơi cay tấn công người biểu tình, làm tê liệt khu thương mại trung tâm trong hơn hai tháng, nhưng kết quả cuộc biểu tình đã bị san phẳng bằng bạo lực.

Năm 2019, 2 triệu người xuống đường, và thay vì “hỗ trợ hạn chế” như trong phong trào dù Vàng (chiếm Trung Tâm), thì lần này các doanh nghiệp đã vào cuộc, hợp nhất với các thành phần xã hội khác nhau của trung tâm để đòi hỏi một quyền làm người cơ bản.

Bloomberg trong bài đăng tải sáng ngày 17.06 (theo giờ Việt Nam) đã phân tích câu hỏi về sự khác biệt cho cuộc xuống đường lần này. Và theo đó, sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp và thiệt hại tài chính tiềm tàng cho phía Bắc Kinh đã giải thích vì sao người biểu tình chiếm ưu thế trong cuộc chiến chống lại dự luật dẫn độ.

Năm 2014, Phòng thương mại Hồng Kông và số phòng thương mại nước ngoài đã công khai chống lại chiến dịch bất tuân dân sự trên báo chí (Phòng thương mại Hồng Kông; Phòng thương mại Canada; Phòng thương mại Ý; Phòng thương mại Ma Cao; Phòng thương mại Ấn Độ).

Năm 2019, hơn trăm chủ doanh nghiệp Hồng Kông từ các ngành công nghiệp khác nhau đã cam kết đình chỉ kinh doanh hoặc hỗ trợ nhân viên chọn đình công nhằm chống lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi, và lần này thu hút những doanh nghiệp tầm cỡ như HSBC hay Deloitte , doanh nghiệp cũng đã linh hoạt hóa giờ làm để hòa vào cuộc đình công toàn thành phố.

Một yếu tố liên quan đến kinh tế nữa, là Bắc Kinh đang trong trạng thái của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Và Hồng Kông vẫn là một cửa ngõ vào thị trường vốn toàn cầu cho Trung Quốc. Kể từ năm 2012, các công ty Trung Quốc đã huy động được 156 tỷ USD từ IPO tại Hồng Kông, so với 143 tỷ đô la trên các sàn giao dịch đại lục và khoảng 48 tỷ USD bán cổ phần ở Mỹ. Mọi biến động tại Hồng Kông đều tác động không nhỏ đến sự suy giảm miễn dịch của Bắc Kinh trong cuộc chiến với Mỹ lần này.

Như vậy, sự ủng hộ của giới doanh nghiệp, và bản thân tác động tài chính của Hồng Kông với Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm nên cuộc biểu tình lịch sử và chiến thắng lịch sử.

Bao giờ cho đến Việt Nam?

Người dùng Facebook bắt đầu đặt ra câu hỏi trong bối cảnh biểu tình của Hồng Kông: bao giờ cho đến Việt Nam.

Một số người dẫn dụ về Thiên An Môn (1989) ở Bắc Kinh; Dù Vàng (Hồng Kông 2014) và cuộc biểu tình chống luật dẫn độ (2019) để tìm kiếm một sự kiện tương tự tại Việt Nam. Nhưng họ quên rằng, vào năm

10.06.2018, tại Việt Nam đã bùng nổ nhiều cuộc biểu tình phản ứng (chống lại) Dự luật đặc khu, cuộc biểu tình được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đánh giá là “lần đầu tiên kể từ năm 1975 đã thể hiện một hành động phản kháng trực tiếp đối với nhà cầm quyền”. Đây cũng là lần đầu tiên, một đám đông người đứng giữa ngã tư và hát vang bài ca “Trả lại cho dân”.

Nhưng điều thiếu ở Việt Nam vẫn là sự thống nhất giữa các tầng lớp, dù rằng, sự khởi nguyên biểu tình sau năm 1975 là tầng lớp trẻ, những “lão thành cách mạng”, sau đó có sự góp mặt của giới tôn giáo, và một số ít giới chủ doanh nghiệp,… Tuy nhiên, con số giới chủ doanh nghiệp quá ít, và họ tham gia với tư cách cá nhân hơn là một quá trình đóng cửa để ủng hộ quyền biểu tình hay các phản ứng các chủ trương – chính sách bất hợp lý khác của chính phủ.  Điều này được hiểu, là môi trường chính trị ổn định vẫn là cơ sở làm ăn, nó lớn hơn cái nhu cầu “dân chủ, nhân quyền”, và bản thân “bội chi, hụt thu, bóc lột dân ta đến tận xương tủy” lên giới doanh nghiệp vẫn chưa tác động đủ lớn để hình thành một nhu cầu phản kháng. Nói cách khác, các cuộc biểu tình tại Việt Nam thuần nhất là về dân sự, chính trị thay vì kinh tế. Và bản thân các cuộc biểu tình cũng thiếu vắng yếu tố “kinh tế” bên trong, dẫn đến số lượng người tham gia cũng như kết quả biểu tình còn hạn chế.

Tuy nhiên, khó có thể đòi hỏi được thêm khi mà ở Việt Nam, các dấu hiệu khủng hoảng kinh tế vẫn chưa rõ nét, tình trạng tác động đến “miếng cơm manh áo” vẫn chưa rõ ràng. Chỉ có đúng một điều mà Việt Nam giống Hồng Kông, đó chính là “tác động chính trị từ Trung Quốc”, tức khi yếu tố Trung Quốc gây ra cảm giác bất an về chủ quyền và độc lập, thì cuộc biểu tình nổ ra và thu hút nhiều người tham gia.

Dù sao, các cuộc biểu tình ở Việt Nam cũng ngày đi sát hơn, từ chủ quyền quốc gia, đến tình trạng ô nhiễm môi trường và các quyết sách về kinh tế. Nói cách khác, tại Việt Nam, tính thực tiễn và tác động của các chủ trương – chính sách ngày càng mở rộng phạm vi đến nhiều tầng lớp, và nó làm cho các biểu tình ngày càng có tính chất chủ đề hơn.

Bao giờ cho đến Việt Nam? Câu hỏi không bao giờ dễ trả lời, chỉ biết rằng, lần xuống đường buộc Quốc Hội dừng luật đặc khu đã là một thành công rất lớn, và nó chưa phải là điểm dừng cuối cùng.

Bài học Hồng Kông về biểu tình, và những khía cạnh thúc đẩy sự thành công của Hồng Kông là bài học quý giá cho Việt Nam, nhất là sự tham gia và ủng hộ của giới doanh nghiệp.

Trong lịch sử yêu nước Việt Nam, đã có không ít nhà tư bản dân tộc “hiến công sức, vàng bạc và trí tuệ” cho dân tộc, như những Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, Ngô Tử Hạ,...

Và lịch sử luôn có những khúc quanh lặp lại của nó.





No comments:

Post a Comment

View My Stats