Monday 14 January 2019

VÌ SAO VN 'TÔN TRỌNG TỰ DO HÀNG HẢI' KHI TÀU KHU TRỤC MỸ ÁP SÁT HOÀNG SA? (Thường Sơn - VNTB)




Thường Sơn  -  VNTB     
15/1/2019

Vào đầu năm 2019, thêm một lần nữa và hầu như đã mang tính hệ thống và logic, Bộ Ngoại giao và đứng phía sau là Bộ Chính trị Việt Nam đã không phản đối, nếu không muốn nói là có thể hiện thái độ cổ vũ, trước hoạt động áp sát quần đảo Hoàng Sa của một tàu khu trục Mỹ trang bị tên lửa dẫn đường có tên là USS McCampbell.

Tàu khu trục Mỹ USS McCampbell.

“Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, và kêu gọi các nước đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông” - ngày 9/1/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ‘can đảm’ giang cánh tay phát ngôn như thế và nói thêm rằng “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Trước đó, hôm 7/1, nữ phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr cho biết tàu USS McCampbell đã thực hiện hoạt động “tự do hàng hải” trong phạm vi 12 hải lý thuộc Quần đảo Hoàng Sa “để thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức.”

Như vậy, từ đầu năm 2016 đến nay, có ít nhất 4 lần thể chế một đảng ở Việt Nam “ngó lơ” chuyện chiến hạm Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa như một động tác thách thức Trung Quốc, trong đó có hai lần Bộ Ngoại Giao Việt Nam bất thần tỏ ra “can đảm” khi đưa ra tuyên bố hoặc “tàu Mỹ đi qua vô hại” hoặc “tàu Mỹ tự do giao thông ở Biển Đông.”

Vào ngày 31 tháng Giêng, 2016, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình cũng đã dạo tiếng thăm dò “Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải” về hành động tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của hải quân Hoa Kỳ áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa trong “chiến dịch tự do hàng hải” (FONOP) của Hoa Kỳ. Đó là lần đầu tiên kể từ thời “đu dây” giữa Trung Quốc và Mỹ, nhà cầm quyền Việt Nam mới có được một tuyên bố “minh bạch” đến thế, cho dù tất cả mới chỉ trên phương diện phát ngôn.

Vào cuối Tháng Mười, 2015, khi diễn ra sự kiện một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường khác của Hoa Kỳ là USS Lassen đi qua khu vực 12 hải lý quanh Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa (bãi đá này Trung Quốc đã tiến hành cơi nới xây dựng thành đảo nhân tạo), người phát ngôn Việt Nam chỉ nói chung chung là Việt Nam: “Tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông” và “kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định” ở Biển Đông.

Từ lâu, cách phát ngôn nước đôi của “người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam” đã khiến hơn 80% người dân Việt không thích Trung Quốc trở nên phát ngấy. Rất nhiều lần, mặc dù luôn tuyên bố chủ quyền với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng phía Việt Nam đã tìm cách im lặng “cho nó lành” trước Trung Quốc. Ngay cả vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm Biển Đông vào giữa năm 2014 cũng không làm cho giới lãnh đạo Việt Nam sôi sục nỗi liêm sỉ. Khi đó, đã không có bất kỳ một văn bản nào của Bộ Chính Trị hay nghị quyết nào của Quốc Hội Việt Nam lên án hành vi xâm phạm của Trung Quốc.

Vì sao từ đầu năm 2016 đến nay, giới lãnh đạo Việt Nam lại tỏ ra “can đảm” lạ thường đến thế?

Phải chăng đây chỉ là một động tác mị dân để cho thấy dàn lãnh đạo vừa cũ vừa mới trong Bộ Chính Trị không đến nỗi quá “thân Trung” như dư luận đánh giá?

Hay đã xuất hiện ra một mối nguy hiểm nào đó từ phía Trung Quốc mà Hà Nội không thể nhún nhường hơn?

Nếu mối quan hệ Việt-Trung vào năm 2016 diễn ra tạm thời êm ả, thì đến giữa năm 2017 bắt đầu sóng gió. Trước sức ép của Trung Quốc và thậm chí Trung Quốc còn đe dọa sẽ tấn công các cứ điểm quân sự của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, vào ngày 24 Tháng Bảy, chính quyền Việt Nam đã phải yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam – ngay tại Bãi Tư Chính luôn được xem là “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam,” cùng lúc phải ngậm đắng nuốt cay khi không thể khoan và xuất cảng dầu ở Bãi Tư Chính để bù đắp cho lỗ hổng toang hoác của nền ngân sách rỗng ruột.

Sau đó, Trung Quốc còn gây sức ép thêm một lần nữa vào tháng 3 năm 2018 tại Bãi Tư Chính khiến Repsol có thể đã phải ‘một đi không trở lại’. Không những thế, Trung Quốc còn gây sức ép ở mỏ Lan Đỏ và Cá Voi Xanh mà đã khiến Bộ Chính trị Việt Nam mất ăn ngay trên ‘vùng biển chủ quyền không tranh cãi’ của mình.

Giờ đây, hy vọng mỏng manh còn lại cho nhu cầu ăn dầu và trám rỗng ngân sách của Việt Nam chỉ còn là Mỹ - đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông.

Không thể khác hơn, đó là nguồn cơn khiến Bộ Ngoại Giao Việt Nam tỏ ra “can đảm” từ bất ngờ đến dần có hệ thống khi đưa ra tuyên bố hoặc “tàu Mỹ đi qua vô hại”, “tàu Mỹ tự do giao thông ở Biển Đông” và ‘tôn trọng tự do hàng hải’.

------------------------------

XEM THÊM 

Người Việt
January 14, 2019

HỒNG KÔNG (NV) – Những năm qua, Hà Nội đu dây giữa Washington, DC và Bắc Kinh nhưng cơ hội mang lại từ chuyến “tự do hải hành” của khu truc hạm USS McCampbell là dịp không thể bị bỏ lỡ.

Báo South China Morning Post (SCMP) ở Hồng Kông viết như trên trong một bài nói về những diễn biến thời sự chính trị liên quan tới tranh chấp Biển Đông những ngày gần đây. Tờ SCMP không còn là một báo độc lập và khách quan như hai thập niên trở về trước mà hoàn toàn viết theo đường lối thông tin tuyên truyền kín đáo của Bắc Kinh qua cái vỏ ra vẻ khách quan bên ngoài.

Theo bài viết của SCMP, trong khi Trung Quốc và Hoa Kỳ đấu đá với nhau về cả thương mại và ảnh hưởng địa chính trị, Việt Nam biểu diễn màn đu dây ngay trên Biển Đông bão tố khi họ tìm cách duy trì mối quan hệ mạnh mẽ với Washington, DC mà vẫn không làm Bắc Kinh tức giận, theo nhận định của một số chuyên gia.

Báo SCMP đề cập đến chuyến đi “tự do hải hành” của khu trục hạm USS McCampbell ở vùng biển Hoàng Sa (hiện đang do Trung Quốc chiếm giữ nhưng Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền) và viết rằng “Hà Nội không những hậu thuẫn cho đồng minh Tây Phương của họ mà còn tái khẳng định tuyên bố chủ quyền của họ tại đó”.

“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.” Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam đưa ra lời tuyên bố ngày 9 Tháng Giêng, 2019, được dẫn lại trên SCMP.

SCMP thuật lời ông Derek Grossman, một phân tích gia quốc phòng tại Rand Corporation, một tổ chức nghiên cứu nổi tiếng ở Santa Monica, California, nói rằng trong khi lời tuyên bố chỉ “tương đối tiêu biểu” của cái cách Việt Nam biểu tỏ đồng quan điểm với Washington, DC về những vấn đề như tự do hải hành, thời điểm phát biểu đáng ngạc nhiên khi mức độ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức cao.

“Sự thân cận gia tăng giữa Việt Nam với Mỹ về quốc phòng là đáng kể trong khi Hà Nội thường duy trì bên dưới màn radar để tránh làm Bắc Kinh tức tối không cần thiết,” Grossman nói.

Đầu tuần trước, Bắc Kinh phản đối Washington, DC sau khi khu trục hạm USS McCampbell đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của một đảo tại quần đảo Hoàng Sa. Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Lu Kang (Lục Kháng) cho báo chí hay là Bắc Kinh đã phản kháng mạnh mẽ với Washington, DC về vụ mà ông ta nói “vi phạm luật pháp Trung Quốc.”

Nữ phát ngôn viên Rachel McMarr của Bộ Tư Lệnh Hạm Ðội Mỹ ở Thái Bình Dương khi thông báo chuyến “tự do hải hành” của tàu USS McCampbell cho hay, lý do tàu đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý là để “thách đố tuyên bố chủ quyền quá đáng” của nước khác.

Colllin Koh, một chuyên viên về an ninh hàng hải tại đại học kỹ thuật Nanyang ở Singapore cho rằng việc Hà Nội ủng hộ các chuyến “tự do hải hành” chẳng có gì để ngạc nhiên vì nó diễn ra ở khu vực Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.

Thật ra, đã nhiều lần chứ không phải mới đây, Hà Nội luôn luôn lập đi lập lại các lời tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mỗi khi có một biến cố gì liên quan xảy ra. Các chuyến tự do hải hành của Mỹ đi vào bên trong 12 hải lý của các đảo ở Hoàng Sa hoặc các đảo nhân tạo ở Trường Sa mà Trung Quốc “tuyên bố chủ quyền,” thì Hà Nội cũng đều đưa ra các lời y hệt như thế. Còn tờ SCMP thì lấy đó làm cái cớ để gián tiếp nói lên thái độ khó chịu của Bắc Kinh.

Các lãnh tụ hoặc chức sắc cấp cao của Hà Nội và Bắc Kinh khi gặp nhau thì phía Hà Nội cho báo chí tường thuật là đều lập lại những điều khoản của Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) và kêu gọi hai bên kềm chế để tránh xung đột trên biển.

Báo SCMP cũng phỏng vấn Giáo Sư Carl Thayer của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc cho ra vẻ cân bằng. Ông Thayer nói Việt Nam muốn duy trì khoảng cách bằng nhau giữa Mỹ và Trung Quốc vì không muốn Bắc Kinh tức giận. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Một cuộc nghiên cứu của Viện khảo cứu ISEAS-Yusof Ishak Institute tại Singapore cho thấy trong số các nước ASEAN thì Việt Nam là nước hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho lực lượng Hoa Kỳ hiện diện ở khu vực. Trong số 1,000 nhà nghiên cứu, nhà phân tích, và các chuyên gia khác của Việt Nam thì có quá nửa trong số đó bày tỏ, hoặc là “mạnh mẽ” hoặc phần nào, tin tưởng Hoa Kỳ là đối tác chiến lược và là nhà cung cấp an ninh cho khu vực. (TN)






No comments:

Post a Comment

View My Stats