Friday 18 January 2019

TỘI GÌ Ư? TỘI ĐÃ ĐẢNG MỘT BÀI TRÊN TWITTER (Paul Mozur)




Tác giả: Paul Mozur
Mai Hưng (VNTB)  dịch
19/1/2019

Trung Quốc tăng cường các nỗ lực nhằm kiềm chế internet bằng một cuộc trấn áp khắc nghiệt mới...

Một người bị tam giam, tạm giữ đến 15 ngày trong một trung tâm giam giữ. Một người khác thì gia đình bị cảnh sát đe dọa. Một người khác thì bị xích vào ghế trong suốt tám giờ thẩm vấn.

Hành vi phạm tội của họ: là đã đưa bài viết lên mạng Twitter. Cảnh sát Trung Quốc, trong một sự gia tăng mạnh mẽ các nỗ lực kiểm duyệt trực tuyến của quốc gia này, đang thẩm vấn và tạm giam giữ một số lượng ngày càng tăng những người dùng Twitter, mặc dù nền tảng truyền thông xã hội này (tức Twitter) đã bị ngăn chặn tại Trung Quốc và tuyệt đại đa số người dân nước này không thể truy cập vào được trang mạng này.

Chiến dịch trấn áp này là mặt trận mới nhất trong chiến dịch của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm đàn áp hoạt động internet. Trên thực tế, chính quyền đang mở rộng sự kiểm soát của họ đối với các sinh hoạt trực tuyến của các công dân Trung Quốc, thậm chí ngay cả khi những gì mà họ đưa lên mạng không có khả năng được nhìn thấy ở quốc gia này.

“Nếu chúng tôi từ bỏ Twitter, chúng tôi sẽ đánh mất một trong những địa điểm cuối cùng để mở miệng” (nguyên văn: “one of our last places to speak”), ông Wang Aizhong, một nhà hoạt động nhân quyền cho biết rằng cảnh sát đã yêu cầu ông xóa các tin nhắn chỉ trích chính phủ Trung Quốc.

Một trung tâm xử lý dữ liệu trực tuyến tại Nangong, Trung Quốc. Twitter bị chặn ở Trung Quốc, nhưng một bộ phận nhỏ người dùng người này đã vượt tường lửa bằng phần mềm đặc biệt.

Khi Bắc Kinh không thể buộc các nhà hoạt động xóa các tweet, thì đôi khi là những người khác sẽ thực hiện công việc này. Ông Wang đã từ chối gỡ bỏ các tweet của mình. Và sau đó, vào một đêm của tháng trước, khi ông đang đọc một cuốn sách, thì điện thoại của ông nhận được một tin nhắn từ Twitter trong đó có chứa các sao lưu tài khoản của ông (nguyên văn: “that contained backup codes to his account”).

Một giờ sau, ông nói, 3.000 tweet của ông đã bị xóa sạch. Ông đổ lỗi cho các tin tặc liên kết với chính quyền, mặc dù những người chịu trách nhiệm về việc này và các phương pháp mà họ sử dụng không thể xác nhận được một cách độc lập được.

Phát ngôn viên của Twitter từ chối bình luận về chiến dịch này của chính quyền TQ.

Trung Quốc từ lâu đã kiểm soát những gì mà các công dân của họ có thể xem và bày tỏ ý kiến, kể cả trực tuyến, nhưng chiến dịch gần đây cho thấy hoạt động của Bắc Kinh đối với việc kiểm soát internet đã được thực hiện đối với các phương tiện truyền thông xã hội trên khắp thế giới. Các tin nhắn trên WhatsApp, một nền tảng vốn vẫn bị chặn ở Trung Quốc, đã bắt đầu xuất hiện như một bằng chứng trong các hoạt động kiểm soát mạng ở Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc càng ngày càng yêu cầu Google và Facebook gỡ bỏ các nội dung mà các quan chức phản đối, mặc dù các trang web của cả hai công ty này đều không thể truy cập được ở Trung Quốc. Sau khi nhà tỷ phú Trung Quốc lưu vong Guo Wengui sử dụng các nền tảng để công bố các cáo buộc tham nhũng hối lộ đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Facebook và Twitter đã tạm thời đình chỉ tài khoản của ông, viện cớ rằng người dùng có những khiếu nại đối với tài khoản này và vì đã tiết lộ những thông tin cá nhân.

Twitter có thể bị cấm ở Trung Quốc, nhưng nền tảng này đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc tranh luận chính trị và các cuộc thảo luận về các vấn đề ở quốc gia này. Để có thể truy cập vào nền tảng này, một cộng đồng nhỏ nhưng tích cực của những người sử dụng đã sử dụng một phần mềm để vô hiệu hóa sự kiểm soát của chính quyền đối với những gì mà mọi người có thể xem trực tuyến. Theo một ước tính dựa trên khảo sát đối với 1.627 người dùng internet Trung Quốc hồi năm ngoái của Daniela Stockmann, giáo sư tại Trường Quản trị Hertie ở Đức, thì ở Trung Quốc chỉ có 0,4% người dùng internet, tương đương khoảng 3,2 triệu người, là sử dụng nền tảng Twitter.

Trong khi duy trì những hạn chế đối với người dân ở Trung Quốc, các phương tiện truyền thông chính thức như tờ Nhân dân nhật báo do Đảng Cộng sản kiểm soát và hãng tin Tân Hoa Xã vẫn sử dụng Twitter để định hình, định hướng nhận thức của dân chúng đất nước này đối với toàn bộ phần còn lại của thế giới.

“Một mặt, truyền thông nhà nước tận dụng các tính năng đa dạng của các nền tảng này để tiếp cận hàng triệu người”, Sarah Cook, một chuyên viên phân tích cao cấp phụ trách khu vực Đông Á của Nhà tự do (“Freedom House”), một nhóm nghiên cứu ủng hộ dân chủ có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết như vậy. “Mặt khác, những người dân Trung Quốc bình thường đang đối mặt với nguy cơ bị thẩm vấn và bị bỏ tù vì sử dụng chính các nền tảng này để kết nối với nhau và kết nối với thế giới bên ngoài”.

LinkedIn, một dịch vụ mạng doanh nghiệp và là một trong số ít ỏi các phương tiện truyền thông xã hội Mỹ được phép hoạt động ở Trung Quốc, từ lâu đã khuất phục các cơ quan kiểm duyệt của đất nước này. Hồi tháng trước, LinkedIn đã đình chỉ trong một thời gian ngắn các tài khoản về Trung Quốc của Peter Humphrey, một nhà điều tra tư nhân người Anh đã từng bị cầm tù ở Trung Quốc và, trong tháng này, LinkedIn cũng đã đình chỉ các tài khoản của Zhou Fengsuo, một nhà hoạt động nhân quyền. Công ty này đã gửi các thư điện tử giống với những tin nhắn mà Cty đã gửi cho người dùng khi Cty xóa các bài đăng mà bị coi là vi phạm các quy định kiểm duyệt.

Ông Humphrey nói “Những gì mà chúng tôi nhận thấy trong những tuần gần đây là chính quyền đang leo thang một cách tuyệt vọng trong việc kiểm duyệt các phương tiện truyền thông xã hội. Tôi nghĩ điều khá gây ngạc nhiên là trên cơ sở bí mật và bí hiểm này (nguyên văn: “on this cloak-and-dagger basis” = áo choàng và dao găm), LinkedIn đã bịt miệng mọi người và ngăn chặn những bình luận của họ để chúng không được nhìn thấy tại Trung Quốc.

Cả hai tài khoản sau đó đã được khôi phục. Trong một tuyên bố, LinkedIn đã xin lỗi về việc phong tỏa tài khoản và nói rằng họ đã làm như vậy một cách tình cờ và nói rằng “Nhóm công tác (có tên gọi là) Tin tưởng và An toàn của chúng tôi đang cập nhật các quy trình nội bộ của chúng tôi để giúp ngăn chặn những sai sót như thế sẽ không tái diễn”.

Với Twitter, nhà quan chức trách Trung Quốc đang nhắm đến một nền tảng sôi động đối với các nhà hoạt động Trung Quốc.

Các cuộc phỏng vấn đối với chín người dùng Twitter đã từng bị cảnh sát thẩm vấn và việc đánh giá bản ghi âm cuộc thẩm vấn kéo dài bốn giờ đã tìm ra một quy trình xử lý giống nhau: Cảnh sát in ra các bản in tweet và khuyên người dùng xóa các tin nhắn cụ thể nào đó hoặc toàn bộ tài khoản của họ. Các viên chức nhà nước thường phàn nàn về các bài viết chỉ trích chính quyền Trung Quốc hoặc các bài viết đặc biệt đề cập đến ông Tập.

Cảnh sát thường sử dụng các biện pháp đe dọa và đôi khi, cả những biện pháp đàn áp thể xác, những người dùng Twitter từng bị thẩm vấn cho biết như vậy. Huang Chengcheng, một nhà hoạt động mà tài khoản của người này có đến hơn 8.000 người theo dõi trên Twitter, cho biết rằng anh bị khóa tay và chân vào ghế trong khi anh bị thẩm vấn trong 8 giờ ở Trùng Khánh. Khi cuộc điều tra kết thúc, anh đã ký một bản cam kết là sẽ không có mặt trên Twitter nữa.

Những người bị cảnh sát gọi đi để thẩm vấn không nhất thiết phải là những người có được sự hiện diện lớn nhất trên mạng xã hội. Pan Xidian, một nhân viên công ty xây dựng 47 tuổi ở Hạ Môn mà tài khoản của người này chỉ có khoảng 4.000 người theo dõi, đã đăng một truyện tranh của một họa sĩ bất đồng chính kiến chuyên vẽ truyện tranh được biết đến với cái tên là Ớt cay Nổi loạn (nguyên văn: “Rebel Pepper”), cùng với những chỉ trích về các vụ đàn áp nhân quyền. Hồi tháng 11, cảnh sát đã triệu tập người này lên đồn để thẩm vấn trong suốt 20 giờ. Sau khi buộc phải xóa bỏ một số tweet, người này được phép ra về và đã nghĩ rằng thử thách của mình đã kết thúc. Nhưng, một thời gian ngắn sau đó, các sĩ quan cảnh sát đã xuất hiện tại nơi làm việc của người này và ném ông lên một chiếc xe hơi. Họ yêu cầu ông ký vào một tài liệu trong đó nói rằng ông đã gây mất trật tự xã hội. Ông đã ký biên bản này. Sau đó, bọn họ cho ông xem một tài liệu thứ hai, trong đó nói rằng ông sẽ bị giam giữ. Ông đã mất hai tuần để ngồi trong một phòng giam cùng với 10 người khác,và để xem các video tuyên truyền.

“Trong kỷ nguyên này, tất nhiên, chúng tôi biết thế nào là sợ hãi, nhưng tôi không thể kiểm soát được bản thân mình”, ông Mr. Pan nói trong nước mắt trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại sau khi ông được thả ra. “Chúng tôi đang sống một cuộc sống hết sức bị kìm nén”.

“Chúng tôi giống như một bầy cừu”, ông nói thêm. “Họ bắt chúng tôi từng người một. Chúng tôi không có khả năng chống trả”.

Chiến dịch đàn áp là sâu rộng và khốc liệt một cách bất thường. Trong quá khứ, khi kiểm duyệt các phương tiện truyền thông xã hội trong nước, nhà chức trách thường nhắm tới những người sử dụng mạng nổi tiếng. Trong quá khứ, mọi người bị thẩm vấn hoặc bị giam giữ ít thường xuyên hơn và nhiều ngẫu hứng hơn (nguyên văn: “People were questioned or detained less frequently and more haphazardly”).

Xiao Qiang, giáo sư khoa Tin học tại Đại học California, Berkeley cho biết rằng chiến dịch hiện nay dường như được điều phối tốt giữa các cơ quan thực thi pháp luật của địa phương và của trung ương. Trên thực tế, việc ra tay hành động trên toàn quốc, động chạm đến thể xác tất cả những người này, là điều mà trước đây chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy.

Cách tiếp cận mới bao gồm một chiến dịch hành động sâu rộng của Bộ Công an Trung Quốc, một bộ sức mạnh giám sát việc thực thi pháp luật và an ninh chính trị. Một số người dùng Twitter cho biết rằng chính quyền địa phương đã có hẳn một ngành cảnh sát mạng cụ thể (nguyên văn: “the internet police”), một bộ phận của bộ công an giám sát các hoạt động trực tuyến.

Bộ công an và Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc, nơi điều tiết internet, đã không hồi đáp các yêu cầu bình luận được gửi đến qua hệ thống fax.

Cảnh sát đã tạo ra một ấn tượng đối với các nhà hoạt động rằng họ (các nhà hoạt động) có thể xem, đọc các bài được đăng bên ngoài bức tường kiểm duyệt của Trung Quốc. Sau một cuộc vật lộn kéo dài bốn giờ với một người dùng Twitter có số lượng người theo dõi nhỏ, người mà, trong một bài được post lên mạng, than phiền về môi trường, một sĩ quan cảnh sát đã đưa ra cho người này một số lời khuyên. Người dùng này, yêu cầu được giấu tên vì sợ bị trả thù thêm, đã ghi lại cuộc thẩm vấn và cung cấp một bản ghi âm.

Viên cảnh sát này nói “Xóa tất cả các tweet của bạn đi và đóng luôn tài khoản lại. Tất cả mọi thứ trên internet đều có thể bị theo dõi, ngay cả những bình luận không thích hợp trong các nhóm WeChat”, ý muốn đề cập đến một ứng dụng nhắn tin phổ biến của Trung Quốc.

“Đây là lời khuyên thực lòng dành cho bạn”, viên sĩ quan nói thêm. “Nếu điều này tái diễn, nó sẽ được xử lý theo một cách khác. Nó sẽ ảnh hưởng đến cha mẹ của bạn. Bạn vẫn còn quá trẻ. Nếu bạn lập gia đình và có con, điều này sẽ ảnh hưởng đến họ”.

Những nỗ lực này đã làm giảm nhiệt cuộc tranh luận bằng tiếng Trung Quốc trên Twitter, Yaqiu Wang, một nhà nghiên cứu người Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, người đã ghi nhận cuộc đàn áp hồi tháng 11 cho biết như vậy. Tuy nhiên, không phải tất cả những người sử dụng mạng đều lặng lẽ rời bỏ cuộc chơi. “Nhiều nhà hoạt động muốn phát biểu tự do”, cô Wang nói trong một cuộc phỏng vấn. “Thậm chí ngay cả khi họ bị quấy rối và đe dọa, họ vẫn rất dũng cảm và vẫn tiếp tục tweet. Đây là một hành động bất chấp kiểm duyệt và áp chế”.

Twitter bị chặn ở Trung Quốc, nhưng những người sử dụng vẫn có thể truy cập bằng cách sử dụng một phần mềm đặc biệt.





No comments:

Post a Comment

View My Stats