Thursday 17 January 2019

"CỞI TRÓI" CHO ĐẤT ĐAI (Nguyễn Tiến Tường)





Vấn đề của tư hữu hóa đất đai đã được giới học thuật mổ xẻ nhiều. Nó là một yêu cầu của thể chế, của thời đại đã được đặt ra gần nửa thế kỷ nay.

Ngay trong khái niệm “tư hữu hóa” đã thấy không ổn. Bản chất của việc này là trả quyền sở hữu về đúng chủ thể của nó thay vì sở hữu “toàn dân” nhưng người dân không có quyền định đoạt.

Trong con mắt của tư tưởng Mác xít, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt và về lý thuyết, sở hữu toàn dân chống tư bản tích tụ đất đai. Quan điểm đó chủ yếu hướng cái nhìn vào ruộng đất đã vô cùng cổ hủ. Ngay cả trên chính ruộng đất, chính sách dồn điền đổi thửa, cánh đồng lớn ở nông thôn sẽ không thể thực hiện được khi nông dân sở hữu “quyền sử dụng” đất ngắn hạn.

Với tốc độ đô thị hóa và dồn dân đô thị, đất đai không đơn thuần là tư liệu sản xuất. Nó là một dạng tài sản tất cả người dân hướng đến. Hiểu đất đai là tài sản thì quyền định đoạt tài sản của người dân được hiến định.

Đất đai còn là một mặt hàng được giao dịch buôn bán trên thị trường bất động sản có giá trị thặng dư rất nhanh theo thời gian. Việc nhà nước quy định khung giá đất là duy ý chí và bẻ cong quan hệ tự do của thị trường.

Đất đai do người dân tạo lập. Trong một quan hệ dân sự thông thường, nhà nước và người dân phải đứng ngang bằng nhau. Dùng khái niệm “thu hồi” tài sản của dân là không sòng phẳng.

Không nên lấy lý do quy hoạch cho mục đích phúc lợi, an ninh quốc phòng để “thu hồi” đất thuộc sở hữu của người dân. Nhà nước muốn lấy đất của dân phải thỏa thuận mua. Vì áp giá barem để thu hồi nên quy hoạch nào cũng kéo theo xung đột.

Ví dụ như đặt một quy hoạch ở Lê Duẩn, Nguyễn Huệ… trung tâm Sài Gòn chẳng hạn. Giá thị trường cả tỷ đồng/m2 mà áp giá kịch khung nhà nước tầm 160 triệu/m2 thì không thể không xung đột.

Quy hoạch đang buộc người dân phải “chấp hành” vô điều kiện trong khi đáng lẽ nhà nước phải là bên thuyết phục để mua lại bằng tiền và quyền lợi phát sinh.

Nếu nói tư hữu mà người dân sẽ từ chối hợp tác dẫn đến việc không có quỹ đất phát triển xã hội thì chưa chắc đúng. Người dân chắc chắn sẽ hợp tác với điều kiện họ được đảm bảo quyền lợi.

Luật quy định rất mơ hồ rằng người bị giải tỏa phải có nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ nhưng thực tế rất ít quy hoạch bảo đảm được việc này. Tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, phải hiểu là tính theo giá đất thị trường chứ không phải việc thay bằng một chung cư xa nơi quy hoạch hàng cây số.

Dân không hợp tác, bởi vì các quy hoạch thiếu minh bạch và dân không được giám sát. Từ cấp quận huyện trở lên đã có thể lập quy hoạch phúc lợi để lấy đất dân với giá chai nước suối hoặc tô phở trên mỗi mét vuông. Sau khi dân rời đi thì lại chuyển đổi quy hoạch có thương mại. Chai nước suối chồng lên cao ốc diện tích sàn cao gấp trăm nghìn lần.

Khi công nhận tư hữu, người dân sẽ tránh được các rủi ro quy hoạch và nhà nước phải minh bạch hơn trong việc sử dụng đất.

Không công nhận tư hữu, thì đất đai nằm cả trong tầm mắt tham muốn của quan chức. Và quy hoạch trở thành “lá bài tẩy” của lợi ích nhóm và tư bản thân hữu. Chênh lệch giàu nghèo, bất công xã hội cũng khai sinh từ đất.

80% khiếu kiện hành chính liên quan đến đất đai. Chỉ con số đó đủ cho thấy lực căng của xung đột đất đai lớn như thế nào mà nếu không cởi trói “sợi dây thừng chính trị” cho đất đai, sẽ vĩnh viễn không tháo được ngòi nổ xung đột.

Đất đai là tài sản và người dân sở hữu đất chứ không phải sở hữu quyền sử dụng đất!






No comments:

Post a Comment

View My Stats