Saturday 10 November 2018

SOUTH CHINA SEA HAY EAST SEA? (Lê Minh Phiếu)





Một hội thảo vừa được Học viện Ngoại giao tổ chức ngày 8-9 tháng 11 tại Đà Nẵng với tựa đề tiếng Anh là “The 10th South China Sea International Conference – Cooperation for Regional Security and Development”.

Đọc tựa đề lên có nhiều người hốt hoảng và bực tức, vì tại sao lại dùng từ South China Sea để nói về Biển Đông, mà không dùng từ East Sea?

Cá nhân mình cho rằng việc dùng South China Sea trong bối cảnh này là bình thường, không có vấn đề gì. Và mình ủng hộ việc này.

1. Tên gọi không liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với đảo và/hoặc vùng biển
South China Sea là tên quốc tế của Biển Đông. Nhưng theo công pháp quốc tế, tên gọi không liên quan gì đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với đảo và/hoặc vùng biển ở đó.

Ấn Độ Dương không có nghĩa là đại dương này thuộc toàn bộ Ấn Độ. Biển Hoa Đông (East China Sea) không có nghĩa là vùng biển này thuộc Trung Quốc. Biển Nhật Bản, Biển Philippine, Vịnh Thái Lan cũng không có ý là vùng biển đó thuộc các nước đó.

Điều thú vị là, Vịnh Bắc Bộ cũng có tên quốc tế là Gulf of Tonkin. Nhưng vịnh này không hoàn toàn thuộc về Việt Nam, mà được phân chia giữa Việt Nam và Trung Quốc theo Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ, ký ngày 25 tháng 12 năm 2000.

Cho nên gọi là South China Sea không có nghĩa là thừa nhận hay công nhận rằng vùng biển đó là của Trung Quốc.

2. Tại sao không dùng East Sea cho sự kiện này?
Hội thảo này không phải là một hội thảo mà các anh chị người Việt Nam đóng cửa với nhau để nói chuyện nội bộ.

Đây là một hội thảo quốc tế. Cái hay của nó là mời được những học giả quốc tế đến để trao đổi về vấn đề Biển Đông, cho cộng đồng khoa học quốc tế thấy rõ những âm mưu, bước tiến của Trung Quốc trên Biển Đông, để cộng đồng học giả đó biết được, hiểu được tình hình, từ đó thể hiện trong các công trình khoa học của mình, trong các tư vấn của họ đối với các chính sách ngoại giao và quốc phòng của nước họ.

Mà muốn mời diễn giả quốc tế thì nên sử dụng những quy chuẩn quốc tế, trong đó có tên quốc tế.

3. Tại sao South China Sea là tên quốc tế?
Có một tổ chức quốc tế chuyên đặt tên cho các biển và đại dương, có tên là International Hydrographic Organization (IHO). Tổ chức này đặt tên của Biển Đông của Việt Nam là South China Sea.

4. Chúng ta có thể yêu cầu đổi tên quốc tế của Biển Đông không?
Trên thực tế, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tranh chấp với nhau bao năm qua để đòi đặt tên cho biển giữa hai nước này là “Sea of Japan” (theo yêu cầu của Nhật Bản, cũng là tên được dùng nhiều trong cộng đồng quốc tế) hay “East Sea” (tức Biển Đông – cũng đụng hàng với Việt Nam, theo yêu cầu của Hàn Quốc). Cuối cùng, năm 2012, IHO đã bác bỏ đề nghị của Hàn Quốc, và vẫn giữ tên của biển này là Sea of Japan.

Về lý thuyết, chúng ta cũng có thể đặt vấn đề này với IHO để tranh chấp về tên gọi: Nên đặt là East Sea thay vì South China Sea.

Về thực tiễn, ý kiến của tôi cho rằng điều này là khó khả thi và cũng không cần thiết.

Lý do là vì, khi các bạn chỉ nhìn bản đồ Việt Nam và biển Việt Nam thôi, các bạn sẽ thấy từ East Sea (Biển Đông) là ổn. Nhưng thật ra, nếu chúng ta zoom bản đồ ra lớn hơn, bao gồm biển trên toàn Trái Đất, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều vùng biển mà được người dân sống ở phía Tây của nó đặt là “Biển Đông”, ví dụ:

East China Sea
Sea of Japan
Baltic Sea
Dead Sea
Atlantic Ocean
Pacific Ocean
Indian Ocean

Do vậy, nếu có đặt là Biển Đông thì phải là “Biển Đông của Việt Nam”. Lúc đó thì chẳng những Trung Quốc mà cả mấy bạn ở ASEAN cũng sẽ không ủng hộ.

Nên để dành năng lượng, thời gian và công sức tập trung cho việc giải quyết tranh chấp về chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán đi các bạn ạ. Tên gọi không có liên quan gì đến vấn đề chủ quyền.


---------------------------------------

XEM THÊM 

TS Trần Công Trục
07:03 11/11/18

Nên tiến hành tổng kết, đánh giá những mặt được và chưa được, cả về hình thức lẫn nội dung qua 10 năm tổ chức trước khi triển khai hội thảo mới về Biển Đông.

Phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo Biển Đông ngày 8/11/2018, Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng - Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết, năm 2018 là một dấu mốc quan trọng kỷ niệm 10 năm về hội thảo Biển Đông.

Là người đã từng tham dự và thường xuyên quan tâm theo dõi nội dung của hội thảo, tôi xin cung cấp thêm thông tin và nêu một số nhận xét về hội thảo Biển Đông trong một thập kỷ qua.

Trước hết, trong điều kiện kinh tế, kỹ thuật của nước nhà còn khó khăn và quan hệ chính trị phức tạp hiện nay, chỉ riêng việc ban tổ chức hội thảo đã quy tụ được hơn 300 diễn giả và khoảng 2.000 lượt đại biểu Việt Nam, Quốc tế tham dự đã là một nỗ lực lớn đáng ghi nhận;

Hội thảo được hàng trăm lượt phóng viên báo chí đưa tin, với khá nhiều tham luận khoa học về chính trị, pháp lý, quân sự… do nhiều học giả nổi tiếng trong và ngoài nước trình bày;

Tại diễn đàn này, các diễn giả đã thảo luận vấn đề mang tầm khu vực và quốc tế, khá rất phức tạp và quá nhạy cảm “Hội thảo thảo khoa học quốc tế Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”.

Tất cả những điều này đã cho thấy bản lĩnh và trình độ chuyên nghiệp của những người làm công tác tổ chức hội thảo Biển Đông trong một thập kỷ qua.

Vì vậy, hội thảo Biển Đông “đã định hình được khung chương trình nghị sự, giúp hình thành một mạng lưới học giả quốc tế nghiên cứu về Biển Đông…

Xét từ góc độ học thuật, vấn đề Biển Đông đã trở thành một chủ đề nghiên cứu với nội dung đa dạng, đa ngành và đa chiều, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của giới học giả…” (phát biểu của ông Nguyễn Vũ Tùng tại phiên khai mạc, ngày 8/11/2018).

Tuy nhiên, mặc dù đã trải qua một thập kỷ, hội thảo Biển Đông do Học viện Ngoại giao, Quỹ nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam đồng chủ trì tổ chức, cho đến nay, theo nhận xét của Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng, vấn đề “gốc rễ của Biển Đông chưa được xử lý”.

Tất nhiên, chúng tôi cho rằng nhận xét nói trên của Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng có lẽ chỉ liên quan đến tính hiệu quả của các nội dung nghiên cứu trong khuôn khổ của một trong những diễn đàn khoa học về Biển Đông;

Tác động của nó đối với các quốc gia và tổ chức khu vực, quốc tế trong quá trình xác định và điều chỉnh chủ trương và phương thức ứng xử đúng đắn và thích hợp cho những loại tranh chấp phức tạp trong Biển Đông.


Nếu đúng như nhận thức nói trên, chúng tôi ghi nhận tinh thần cầu thị, khách quan, khoa học của người đại diện cho các Cơ quan và tổ chức chủ trì hội thảo Biển Đông.

Và cũng trên tinh thần đó, chúng tôi xin được nêu một số nhận xét bổ sung như sau:

Chủ đề của hội thảo được đặt cho các cuộc hội thảo là thiết thực, phản ánh đúng sự quan tâm của dư luận và đặc biệt là đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước;

Tuy nhiên, cả 10 cuộc hội thảo đã qua vẫn có chung một chủ đề: “Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, đã phần nào có tác động đến cơ cấu, thành phần tham gia hội thảo.

Do đó, nhiều báo cáo, tham luận của nhiều học giả, chuyên gia tham gia còn chung chung, chưa chuyên sâu vào một lĩnh vực cụ thể nào; tính phản biện chưa cao, còn mang hơi hướng “gió chiều nào, che chiều nấy", hoặc còn có một số báo cáo thể hiện tư duy chủ quan, lập trường cứng nhắc, một chiều…

Phải chăng vì thế Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng, trong bài phát biểu khai mại hội thảo Biển Đông lần thứ 10, đã kêu gọi:

Các chuyên gia, học giả tiếp tục phát huy tinh thần “thẳng thắn, khách quan, khoa học, cầu thị”, tích cực đưa ra những kiến nghị xác đáng giúp chính phủ các nước liên quan cùng phối hợp hành động vì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực?

Chi tiết và thiết thực hơn, thẩm phán Kriangsak Kittichairasee cũng cho rằng hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực Biển Đông cần dựa trên bốn thành tố: ngăn ngừa xung đột, quản lý khủng hoảng, giải quyết tranh chấp và các cơ chế giám sát.

Khẳng định giải pháp cơ bản để giải quyết tranh chấp là các bên tìm kiếm các sáng kiến hợp tác cụ thể, thực chất, đồng thời kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình.


Tuy nhiên, theo chúng tôi, bốn thành tố này vẫn chỉ là những gợi ý mang tính định hướng.

Chúng chưa trở thành chủ đề để hội thảo Biển Đông tập trung thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp cụ thể, thích hợp và khả thi nhất.

Vì vậy, phát biểu chỉ đạo trước khi khai mạc hội thảo Biển Đông lần này, Thứ trưởng Lê Hoài Trung mong muốn:

Các học giả tham dự Hội thảo Biển Đông lần thứ 10 cùng thảo luận, gợi ý các cơ chế phù hợp để duy trì an ninh, thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông và cả khu vực rộng lớn hơn;

Bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của tất cả các quốc gia, đề xuất các giải pháp công bằng, hợp lý, bền vững nhằm giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Để thực hiện các định hướng nói trên, đặc biệt là nội dung chỉ đạo cụ thể, thiết thực mà Thứ trưởng Lê Hoài Trung, với cương vị là người phụ trách lĩnh vực biên giới lãnh thổ, đã phát biểu trước khi hội thảo khai mạc ở thành phố Đà Nẵng, chúng tôi xin kiến nghị:

1. Các cơ quan và tổ chức chủ trì hội thảo và các ngành liên quan, ban tổ chức hội thảo nên tiến hành tổng kết, đánh giá những mặt được và chưa được, cả về hình thức lẫn nội dung qua 10 năm tổ chức hội thảo.

Trên cơ sở đó, nên có báo cáo và đề xuất cụ thể lên các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trước khi triển khai giai đoạn tổ chức hội thảo mới.

2. Biển Đông đã trở thành một chủ đề nghiên cứu với nội dung đa dạng, đa ngành và đa chiều, nên chăng cần đề xuất thành lập một tổ chức, tập hợp các cán bộ quản lý nhà nước thuộc các ngành liên quan, các chuyên gia, học giả đầu ngành, có tầm và có tâm, dưới sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Ban chỉ đạo nhà nước về Biển Đông, Hải đảo.

Đề xuất tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất nội dung và hình thức tổ chức hội thảo, làm sao có thể đáp ứng tối đa yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ, quản lý các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông, đồng thời góp phần bảo vệ và giữ gìn hòa bình, an ninh, hợp tác, phát triển trong khu vực và quốc tế.


3. Trên cơ sở nghiên cứu và đề xuất của Tổ chức nói trên, Chính phủ nên phân bổ ngân sách đủ để tiến hành công tác chuẩn bị, đảm bảo tổ chức hội thảo và triển khai nghiên cứu tổng hợp, đề xuất các giải pháp lên các cơ quan lãnh đạo và các cơ quan quản lý nhà nước, các trung tâm nghiên cứu liên quan, phục vụ thiết thực cho quá trình định hình chủ trương chính sách và giải pháp thực thi cụ thể.

Có như vậy, mới có thể tránh được tình trạng dư luận băn khoăn dường như tổ chức hội thảo chỉ để “giải ngân”, chỉ nặng về hình thức tuyên truyền, quảng cáo, phục vụ lợi ích cục bộ ngành, lĩnh vực, địa phương…

Có như vậy mới gạn lọc được những hạt sạn, những sai sót, thậm chí rất nghiêm trọng, thường xuất hiện trong các đề tài nghiên cứu, các báo cáo, tham luận… của các cá nhân và tổ chức phía Việt Nam.

Những sai sót hiện vẫn tồn tại, từ lỗi nhỏ về kỹ thuật như: tên gọi, thuật ngữ pháp lý; đến lỗi to như: quan điểm pháp lý, lịch sử về quyền thụ đắc lãnh thổ, về bản chất các loại tranh chấp đang tồn tại trong Biển Đông…

Chúng tôi mong chờ Hội thảo Biển Đông sẽ vẫn được duy trì trong tương lai, với những định hướng rất thiết thực, hiệu quả;

Hy vọng hội thảo sẽ trở thành một trong những diễn đàn quốc tế đa phương, thường niên về Biển Đông, góp phần xử lý được những vấn đề “gốc rễ của Biển Đông” mà đã một thập kỷ qua hội thảo Biển Đông vẫn chưa đề xuất được giải pháp khoa học, hợp lý nhất.

Tiến sỹ Trần Công Trục

---------------------

ĐƯỢC QUAN TÂM







No comments:

Post a Comment

View My Stats