Tuesday 13 November 2018

RÚT PHẢO HỞ SƯỜN (Lê Minh Nguyên)




Lê Minh Nguyên 
13/11/2018

Ngày 20/10/2018 TT Trump tuyên bố rút ra khỏi Hiệp Định Lực Lượng Hạt Nhân Tầm Trung (INF) mà TT Reagan của Mỹ đã ký với TBT Gorbachev của Liên Sô năm 1987 để loại bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên đất (trên biển và trên không không bị ảnh hưởng) có độ bắn từ 500km đến 5,500km.

Gần 2,700 tên lửa loại này bị bỏ. INF giải quyết được sự chĩa tên lửa vào nhau giữa Hoa Kỳ (tên lửa Pershing và tên lửa hành trình) và Liên Sô (tên lửa SS-20) ở Âu châu khi đó.

INF được Thượng Viện HK phê chuẩn, cho nên việc TT Trump muốn rút cũng cần có Thượng viện thông qua mới có hiệu lực.

Tại sao Tổng thống Trump muốn rút?

Lý do mặt nổi là tại vì Nga không tôn trọng INF, phát triển tên lửa 9M729. Nhưng lý do thực sự là Mỹ muốn đặt các loại tên lửa này ở Guam và Nhật, gây áp lực lên Bắc Hàn trong việc giải giới vũ khí hạt nhân. Nó cũng gây áp lực lên Trung Quốc để TQ cần làm việc với Bắc Hàn, nếu không, chính TQ cũng bị nằm trong tầm ngắm.

Một hiệp ước vũ khí hạt nhân quan trọng khác sắp mãn hạn vào năm 2021 là Hiệp Ước Tài Giảm Vũ Khí Chiến Lược (New START hay Strategic Arms Reduction Treaty) ký năm 2010 giữa TT Obama và TT Medvedev. New START giới hạn số đầu đạn hạt nhân sẵn sàng trên dàn phóng là 1,550. Tổng thống Trump và cố vấn an ninh Bolton không muốn gia hạn vì cho rằng nó là hiệp ước xấu (bad deal) và Nga không tôn trọng.

Nếu Mỹ rút khỏi INF thì Âu châu có cơ nguy dễ bị Nga tấn công, cho nên các nước Âu châu rất lo ngại. INF như là con pháo trong bàn cờ tướng thế giới để trấn giữ Âu châu, nay rút đi thì Tây phương bị hở sườn.

Nếu Mỹ không gia hạn New START thì sẽ mở ngỏ cho sự leo thang vũ khí hạt nhân, trong khi Mỹ muốn hạn chế hay giải giáp vũ khí hạt nhân ở Iran và Bắc Hàn.

Hai quốc gia sợ vũ khí hạt nhân nhất trên thế giới này là Mỹ và Nhật, một bên đánh bom hạt nhân và một bên lãnh bom hạt nhân, cho nên họ rất thấm về sự tàn phá của loại vũ khí giết người hàng loạt này. Nếu Mỹ đã không sợ thì Miền Nam VN đã không mất vào tay CS. Vì sợ nổ ra chiến tranh hạt nhân với TQ và Liên Sô mà Mỹ sử dụng chiến tranh hạn chế (limited war) ở VN, có nghĩa là đánh không phải để thắng mà chỉ là để ngăn chặn và be bờ, trong khi CSVN đánh để thắng bằng mọi giá, họ sử dụng cả ba loại chiến tranh: du kích, khủng bố, quy ước.

Việc rút khỏi INF và không gia hạn New START có đi đôi với việc Mỹ không sợ chiến tranh hạt nhân hay không?

Nếu rút mà không sợ thì việc rút này “có lý” tức Mỹ sẵn sàng chơi tới bến, chén kiểu sẵn sàng đụng với miễng dừa, TQ hay Nga muốn chết thì chúng ta cùng chết.

Nếu rút mà chỉ nhằm mục đích đe doạ sườn đông để hở sườn tây, nhưng trong thâm tâm thì rất sợ chiến tranh nguyên tử thì TQ và Bắc Hàn sẽ không sợ và nó sẽ mở ra một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Bắc Hàn đã và đang lừa dối Mỹ, tiếp tục chế tạo vũ khí hạt nhân. Vệ tinh thương mại cho thấy có 16 căn cứ tên lửa đạn đạo được che giấu đang hoạt động. Giải giáp họ khi họ đã thụ đắc vũ khí hạt nhân là một việc không thể nào làm được. Nếu làm được thì Mỹ đã làm ở Pakistan rồi, đây là nơi đáng làm nhất, vì là hang ổ của các tổ chức khủng bố.

Tập và Kim đang toa rập nhau để đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ ở vùng Đông Bắc Á, kéo Nam Hàn ra xa vòng tay Mỹ, xây dựng vùng kinh tế với Nhật.

Hôm 9/11/2018 ở Washington trong cuộc nói chuyện cấp cao 2+2 (Ngoại Giao và Quốc Phòng) giữa Mỹ và TQ, ông NT Pompeo nói Mỹ không theo đuổi chiến tranh lạnh hoặc kềm chế TQ, và ông Dương Khiết Trì nói rằng TQ cam kết không đối đầu.

Vậy thì chiến lược của Mỹ là gì khi TQ bành trướng ảnh hưởng trong chiến lược “lăng ba vi bộ” và “cầm nã thủ” của Kim Dung?

---------------------------

XEM THÊM

Thụy My – RFI
Đăng ngày 13-11-2018

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm nay, 13/11/2018, chỉ trích chương trình phát triển hỏa tiễn tầm trung của Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh tham gia hiệp định quốc tế kiểm soát vũ khí.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình công ZDF của Đức, ông Jens Stoltenberg tuyên bố : « Chúng tôi quan sát thấy Trung Quốc đầu tư rất lớn vào việc chế tạo nhiều loại vũ khí mới và hiện đại, trong đó có các loại hỏa tiễn, và phân nửa số hỏa tiễn của Trung Quốc vi phạm hiệp ước INF, nếu Trung Quốc là nước tham gia ký kết ».


Tổng thư ký NATO muốn nhấn mạnh đến Hiệp ước về tên lửa tầm trung (INF) được ký kết năm 1987 giữa tổng thống Ronald Reagan và tổng bí thư Mikhail Gorbatchev. Hiệp ước này nhằm tiêu hủy các loại hỏa tiễn có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc quy ước, phóng từ mặt đất, có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.

Ông Jens Stoltenberg nói : « Chúng tôi rất mong mở rộng hiệp ước INF, làm thế nào để Trung Quốc có thể tham gia ». Còn về Nga, ông bày tỏ mối quan ngại các loại hỏa tiễn mới của Matxcơva có thể tấn công các thành phố tại miền trung châu Âu như Berlin.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây loan báo Hoa Kỳ sẽ rút khỏi INF. Washington tố cáo Matxcơva vi phạm hiệp ước, nhưng đồng thời cũng cáo giác các chương trình vũ khí của Bắc Kinh.

Đối với phía Nga, Hoa Kỳ phản đối hệ thống hỏa tiễn mới 9M729, có thể phóng đi từ mặt đất với tầm bắn trên 500 km – cáo buộc này bị Matxcơva bác bỏ. Và trong cuộc đối thoại thường niên về ngoại giao và an ninh Mỹ-Trung lần thứ hai mới đây, Washington đã kêu gọi Bắc Kinh rút các hỏa tiễn bố trí tại các đảo nhân tạo tại Trường Sa. Trước đó trong Đối thoại Shangri-La, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis tố cáo việc Trung Quốc quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông nhằm « đe dọa và cưỡng ép » các nước láng giềng nhỏ.







No comments:

Post a Comment

View My Stats