Thursday 15 November 2018

BẢN TIN NGÀY 15/11/2018 (Báo Tiếng Dân)




15/11/2018

Tin Biển Đông

Báo VnExpress đưa tin: Phó tổng thống Mỹ sẽ nêu vấn đề Biển Đông ở hội nghị Cấp cao Đông Á. Bài viết dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ trả lời phỏng vấn qua điện thoại: “Chúng tôi sẽ nêu thẳng thắn vấn đề Biển Đông với lãnh đạo các nước trong hội nghị Cấp cao Đông Á ngày mai ở Singapore. Mỹ sẽ thúc đẩy để đảm bảo có một bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc”.

Máy bay chở Phó Tổng thống Mỹ băng qua Biển Đông, gửi thông điệp tới Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không nhượng bộ, theo báo Dân Trí. Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence cho biết, “Mỹ không có ý định nhượng bộ tầm ảnh hưởng hay quyền kiểm soát” cho Trung Quốc. Trên đường từ Tokyo tới Singapore, “máy bay chở Phó Tổng thống Mỹ đã băng qua Biển Đông, bay cách quần đảo Trường Sa của Việt Nam chỉ khoảng 30km”.


Tin nhân quyền

VOA đưa tin: VN lần đầu tiên bị chất vấn ở LHQ về tình trạng ‘tra tấn’, chết trong đồn công an. TS Nguyễn Đình Thắng nói với VOA: “Có lẽ là một sự ngạc nhiên cho phái đoàn Việt Nam vì Ủy ban chống tra tấn đã nắm rất vững tình hình xảy ra tại Việt Nam”. Ủy ban này nắm rất rõ hàng loạt vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, từ vụ đàn áp người Thượng, các vụ tra tấn khốc liệt, đến cả chuyện đạo diễn Đặng Quốc Việt vừa bị công an hành hung.

Báo Người Lao Động đưa tin vụ đạo diễn Đặng Quốc Việt: Xét nghiệm mới nhất của Bệnh viện Chợ Rẫy. Trước đó, đạo diễn Đặng Quốc Việt tố cáo ông bị công an sử dụng nhục hình vì họ nhầm ông với tội phạm ma túy. Giờ ông muốn làm cho ra lẽ thì họ… tìm cách biến ông thành tội phạm ma túy thật.

Tuy nhiên, chuyện hành hung với kết quả xét nghiệm ông có dương tính với cần sa là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Luật pháp Việt Nam không cho phép tra tấn hay dùng nhục hình đối với các nghi can lẫn tội phạm. Cho dù ông Việt có tội phạm khủng bố đi nữa, công an Cần Thơ cũng không được phép sử dụng nhục hình, ép cung đối với ông Việt. Làm việc tùy tiện như vậy, công an tự biến mình thành tội phạm.

BBC đưa tin: Lái xe bị công an sách nhiễu vì dán decal ủng hộ lái xe Lê Ngọc Hoàng“Sáng 13/11, bà Ngô Oanh Phương cho biết bà đang đậu xe uống cà phê thì nhiều công an, cảnh sát giao thông vây quanh xe và đòi phải xuất trình giấy tờ”. Khi bà Phương yêu cầu, phía công an không trả lời được lý do kiểm tra.

Trên trang Facebook cá nhân, bà Phương mô tả có hàng chục công an, cảnh sát giao thông vây quanh xe, không cho bà đi. Bà cho rằng công an làm khó vì dán decal trên thân xe với dòng chữ “Đề nghị trả lại sự công bằng cho lái xe Lê Ngọc Hoàng”. Trước đó, Bà Phương cũng đã phản đối BOT Cai Lậy.

Bà Phương còn được biết đến là nữ tài xế xinh đẹp trả tiền lẻ trong đợt phản đối trả phí BOT. Ảnh: FB Phương Ngô

Ngay sau đó, đã có lời biện minh của Công an Bình Tân nói về clip ‘CSGT vây ô tô dán decal’, theo báo Pháp Luật TP HCM. Đại tá Trần Văn Ngọc, Trưởng Công an quận Bình Tân, cho biết, chuyện này “không có gì lớn”: “Xe này dán quảng cáo chạy trên các tuyến đường trong khu Tên Lửa, quận Bình Tân, khi anh em phát hiện thì xe đã dừng rồi”. Khi phóng viên hỏi, việc dán decal như vậy không vi phạm pháp luật, thì trưởng công an quận trả lời “đang kiểm tra thông tin”.


Vụ cướp đất kéo dài hơn hai thập kỷ ở Thủ Thiêm

Dân oan mất đất ở Thủ Thiêm đã mất hơn 20 năm ròng rã khiếu kiện, đến xuống nước van xin, nhưng chính quyền vẫn vu khống người dân không hợp tác. Trong buổi tiếp xúc lần thứ 3, ông Nguyễn Thành Phong “vô tư” phát biểu: Mong người dân hợp tác với TP giải quyết vấn đề Thủ Thiêm theo đúng pháp luật, theo báo Giáo Dục và Thời Đại.

Khi phát ngôn như vậy, ông Phong có nghĩ đến những lần cưỡng chế, “giải tỏa trắng” bất chấp pháp luật, có nghĩ đến những người dân mất hơn 20 năm cuộc đời họ, vì loại “pháp luật” rừng do chế độ CSVN đẻ ra?

Báo Zing dẫn lời ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, trong buổi làm việc: “Mong bà con Thủ Thiêm rộng lòng tha thứ cho chính quyền”. Ông Điệp nói: “Mong bà con rộng lòng tha thứ cho chính quyền, cùng chính quyền TP giải quyết thỏa đáng quyền lợi, thiệt thòi cho bà con”.

Nếu ông Điệp và các quan chức TP HCM muốn người dân tha thứ, thì chính họ phải thể hiện thái độ chân thành trước. Theo lời kể của Facebooker Nguyễn Thùy Dương, sáng 14/11, khi dân oan muốn vào gặp ông Nguyễn Thành Phong để yêu cầu chính quyền giải quyết thích đáng sai phạm Thủ Thiêm, họ đã “bị hàng rào an ninh cản trở hết sức nhiệt tình”.

Cô Dương viết: “Sáng nay, bà con chỉ mặt hài tên từng anh an ninh đã ra tay nghĩa hiệp trợ giúp ủy ban nhân dân quận 2 cưỡng chế nhà họ ra sao. Như vậy đã đủ nhục nhã lắm rồi. Đừng cố làm nhục thêm nữa. Khi người ta không biết nhục nhã tức là người ta không còn lòng tự trọng”.

Facebooker Nguyễn Thùy Dương chia sẻ video ghi lại “sự phẫn nộ của người dân sau buổi tiếp xúc sáng ngày 14/11/2018”: https://www.facebook.com/ThuyDuongNguyen28/videos/2123165717703978/

BBC đưa tin: Dân Thủ Thiêm đòi cụ thể nhưng chính quyền đưa phương án ‘mơ hồ’. Facebooker Nguyễn Thùy Dương nói với BBC: “Sai phạm ở Thủ Thiêm còn liên quan đến ba phường khác, là Cát Lái, An Phú, Thạnh Mỹ Lợi. Đây là ba phường không liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm”, nhưng vẫn bị thu hồi đất trên danh nghĩa làm khu tái định cư, nhưng thực chất giao cho doanh nghiệp, thậm chí có phần đất không rõ dùng vào việc gì.

Bài viết lưu ý “kết luận 1483 của Thanh tra Chính phủ về khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ông Phong khẳng định Thủ tướng đã chỉ đạo giao thành phố triển khai thực hiện kết luận này”. Đó là kết luận hồi đầu tháng 9/2018, bị người dân nghi ngờ có dấu hiệu lợi ích nhóm.


Vụ xử đường dây đánh bạc do hai tướng công an bảo kê

Trong ngày xử tiếp theo vụ án đánh bạc ngàn tỷ, ông Nguyễn Thanh Hóa bất ngờ đổ bệnh, tạm rời phòng xét xử, theo báo Giao Thông. Trong buổi sáng cùng ngày, ông Phan Văn Vĩnh cũng xin vào phòng y tế. Lúc còn làm bảo kê, các cựu tướng ăn nhậu tiền tỷ, hô mưa gọi gió, đến khi vào vòng lao lý thì ai cũng bệnh, là sao!?

Một kịch bản dần được phác thảo, với mức án dành cho 2 cựu tướng có thể chỉ từ 5 – 10 năm, là mức thấp nhất và thậm chí còn thể được giảm án vì lý do “sức khỏe”, “nhân đạo”. Họ “ngồi tù” trong bệnh viện đầy tiện nghi vài năm rồi hạ cánh an toàn. Đó là kịch bản hoàn hảo cho các lãnh đạo đảng viên và các tướng công an. Kịch bản này khuyến khích nhiều lãnh đạo tham nhũng, bởi họ được quá nhiều, khi bị phát giác, bị khởi tố, cũng chẳng mất mát bao nhiêu.

Báo Pháp Luật TP HCM bàn về vụ Phan Văn Vĩnh: ‘Có thế lực rất lớn bảo kê, cứ yên tâm làm’. Bị cáo Vũ Văn Dũng khai một người trong đường dây (đã bỏ trốn) nói “cứ yên tâm mà làm vì ‘có thế lực lớn ở trên bảo kê’.” Thế lực bảo kê này phải chăng là các cựu lãnh đạo Bộ Công an, bên cạnh đó còn là sự tha hóa của toàn hệ thống. Cho nên những nhà phân tích chính trị mới dùng từ “mafia đỏ” để gọi đúng bản chất các quan chức CSVN.

Thêm tình tiết trong vụ này: Bị cáo phản cung, khai được điều tra viên đọc biên bản cho viết tại quán cà phê, theo báo Trí Thức Trẻ. Trước đó, bị cáo Trần Thiện Tiến “thay đổi lời khai so với bản cung trình bày tại cơ quan điều tra”. Bị cáoTiến nói: “Trong thời gian đó, điều tra viên bảo bị cáo giúp hoàn thiện hồ sơ của bị cáo Việt, nên điều tra viên đọc thế nào thì bị cáo làm theo như thế”.

BBC bình luận diễn biến về phiên tòa xử tướng Vĩnh. BBC dẫn nguồn tin từ báo Infonet cho hay ông Vĩnh “được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: trong quá trình điều tra, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội, khi còn công tác có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ an ninh chính trị …” Ông Vĩnh sẽ được “khoan hồng”, nhờ một nền tư pháp và pháp luật của đảng xử.

Hai cựu tướng CA Nguyễn Thanh Hóa và Phan Văn Vĩnh rời khỏi tòa. Ảnh: Ảnh: Trọng Phú/ VOV


Vụ Mobifone mua AVG

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa bắt thêm phó tổng giám đốc và nguyên tổng giám đốc MobiFone, theo báo Tuổi Trẻ. Ông Cao Duy Hải, cựu tổng GĐ tổng Công ty MobiFone và cấp phó là bà Phạm Thị Phương Anh bị bắt vì tội “vi phạm quy định về quản lý sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Hải và bà Anh được cho là liên quan trực tiếp đến thương vụ mua AVG và nhiều sai phạm khác. Thương vụ trên nếu trót lọt sẽ gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.

Trước đó, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty viễn thông MobiFone, và ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng bị bắt về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, gây hậu quả nghiêm trọng.

5 cá nhân vi phạm rất nghiêm trọng trong vụ Mobifone mua AVG. Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

VTC đặt câu hỏi: Vì sao nguyên Tổng Giám đốc MobiFone Cao Duy Hải bị bắt? Theo đó, ông Hải được xác định là “đạo diễn” chính của thương vụ mua lại Công ty nghe nhìn toàn cầu AVG. “MobiFone sử dụng 100% nguồn vốn chủ sở hữu để đầu tư dự án, không đúng với nội dung trong dự án đầu tư báo cáo Bộ TT-TT”.

Hơn nữa, Mobifone còn định giá AVG cao gấp nhiều lần giá trị thật, khiến ngân sách nhà nước thất thoát hàng ngàn tỉ đồng. Ngoài ra, ông Hải cũng ký văn bản cam kết trả nợ thay AVG với tổng số tiền gần 1.100 tỷ đồng. Một thương vụ quá hời cho AVG và những người đứng đằng sau.


Lãnh đạo muốn người dân không rút bảo hiểm xã hội

Trong tình hình người dân ngày càng lo sợ quỹ BHXH sẽ vỡ hoặc không còn đồng nào để trả cho họ nên họ tìm cách rút tiền, nên bộ máy tuyên truyền ra sức trấn an: Vụ ALC II: “Không vì tin đồn sai mà vội vã rút BHXH một lần”, theo báo Dân Trí.

Ông Trần Đình Liệu, phó TGĐ BHXH Việt Nam nói: “Trong mọi trường hợp, BHXH Việt Nam sẽ luôn quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN luôn được đảm bảo theo quy định của pháp luật”. Theo ông Liệu, vụ ALC II diễn ra cách đây 10 năm, những năm qua người dân vẫn nhận được bảo hiểm bình thường, nên ông “ru ngủ” dân “không nên tin đồn sai mà vội vã đề nghị hưởng BHXH một lần, như vậy sẽ rất thiệt thòi…”

Những dự đoán về kịch bản xấu cho Quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng liên quan đến tin đồn về tình hình Agribank. Trang Chất Lượng Việt Nam bàn về “vận đen” của Agribank: Nợ xấu tăng, tài sản phát mãi khó bán. Bài viết cảnh báo: “Agribank hiện có số dư nợ xấu nằm trong nhóm cao nhất hệ thống ngân hàng. Tính đến thời điểm 30/06/2018, tổng nợ xấu tại Agribank đạt 20.162 tỷ đồng, tăng 2.162 tỷ đồng”.

Diễn biến này đã được dự đoán từ lâu bởi những người viết báo “lề dân”. Theo đó, quan chức CSVN không có năng lực điều hành, quản lý tài chính, nhưng vẫn bám ghế, nên họ lấy tiền chỗ này đắp vào chỗ kia, sai phạm nối tiếp và chồng chất sai phạm. Họ cố gắng không để tổ chức tín dụng đơn lẻ nào ở VN phá sản để rồi tất cả cùng tiến gần… vực thẳm.
Nhà báo Trân Văn viết: Nuốt trọng tương lai. Bài viết liên kết hiểm họa tài chính đang chực chờ trên Quỹ bảo hiểm xã hội VN và Agribank, sau khi Công ty Cho thuê tài chính (ALC) 2 của ngân hàng này không còn khả năng thanh toán món nợ hàng ngàn tỉ, khiến “BHXH VN mất trắng khoản này”.


Sai phạm nối tiếp sai phạm

Báo Tuổi trẻ đưa tin: Có tội phạm trong cơ quan chống tội phạm. Dẫn chứng vụ việc 2 cựu tướng công an tổ chức đánh bạc, và trước đó là những cán bộ trong ngành công an, quân đội phá nát đất nước như: Út Trọc, Vũ Nhôm… cho thấy, tội phạm lớn nhất hiện nay chính là cán bộ đảng viên, và là đảng viên cao cấp. “Tội phạm không chỉ len lỏi vào trong nội bộ các lực lượng phòng chống tội phạm, mà có biểu hiện của sự cấu kết để trở thành những băng nhóm mafia, hình thành các ‘thế giới ngầm’ lũng đoạn quyền lực, duy trì nhóm lợi ích khổng lồ”.

Đơn thư, vụ việc tố cáo tăng, chủ yếu liên quan đến cán bộ, công chức, theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam. Năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng cao, phức tạp. Trong đó, tố cáo chính quyền cướp đất chiếm số lượng lớn nhất. Tình hình khiếu nại kéo dài, khó giải quyết do cán bộ ranh mãnh, có nhiều thủ đoạn. Lãnh đạo chính phủ thừa nhận có sai phạm của cán bộ đảng viên. Nhưng cũng không quên đổ lỗi người dân khiếu nại do các thế lực thù địch lôi kéo, chứ không phải do “tập đoàn mafia cộng sản”.


Các vụ bê bối ở tỉnh Bình Định

Báo Giao Thông đưa tin: Người dân vẫn giữ xe chở công binh để phản đối dự án điện. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết, hàng chục người dân xã Mỹ Thắng “vẫn đang chặn giữ chiếc xe ô tô của đoàn khảo sát, rà phá bom mìn phục vụ cho việc triển khai Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (xã Mỹ Thắng, Mỹ An) dù đã 5 ngày trôi qua”. Người dân địa phương lo ngại, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ dự án này.

Vẫn là cách làm việc “đúng quy trình”: Không thuyết phục được người dân thì họ bắt đầu vẽ ra “thế lực kích động, phá hoại”, rằng: “Có một nhóm người khoảng 15 đến 20 phụ nữ không ủng hộ nên phao tin đồn, tuyên truyền không đúng về dự án, lôi kéo người dân phản đối”.

Nhiều người dân xã Mỹ Thắng tập trung dựng lều bạt để giữ chiếc ôtô – Ảnh: Đức Hồ/ TT

Chuyện ở Bình Định: Khu tái định cư di dãn dân vùng ngập lũ triều cường Huỳnh Giản cỏ mọc um tùm, không điện, không nước, theo báo Tài Nguyên và Môi Trường. Chỉ là khu tái định cư cho dân vùng ngập lũ nhưng 8 năm làm không xong, “khu tái định cư chỉ có 03 hộ dân sinh sống nằm lạnh lẽo, đìu hiu trên khu đất rộng 3,7ha cỏ mọc xanh um tùm, không điện, không nước và những nhu cầu thiết yếu cho một khu dân cư”.


Vụ 1 thửa đất cấp 4 sổ đỏ ở Thanh Hóa


Vụ Ethanol Phú Thọ ngàn tỉ

Báo Trí Thức Trẻ đưa tin: Bắt 3 cựu cán bộ dự án Ethanol Phú Thọ nghìn tỷ. Các cựu quan chức trong dự án bị khởi tố và tạm giam vì tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ có vốn đầu tư hơn 2.400 tỉ đồng, nhưng hiện giờ đã bế tắc, hoàn vốn còn không thể chứ đừng nói sinh lời. Dự án này là một trường hợp điển hình của những dự án thiêu đốt tiền của của dân.

Bị can Tuấn, Thuỷ, Thái và Tâm (từ trái qua) tại cơ quan công an. Ảnh. Bộ Công an


***








No comments:

Post a Comment

View My Stats