Sunday 31 December 2017

BẢN TIN NGÀY 31/12/2017 (Báo Tiếng Dân)




Thông báo: Kể từ ngày 1-1-2018, Tiếng Dân sẽ có hai bản tin mỗi ngày. Bản tin sáng lên mạng trong khoảng thời gian từ 7-8h sáng, bản tin tối sẽ được đăng tải trong khoảng 7-8h tối. Kính mời quý độc giả đón đọc.
_____

Tin trong nước

Tin Biển Đông
Báo Viet Times có bài phân tích: Biển Đông: Mỹ trước 4 chiến lược ‘cầm chân’ Trung Quốc. Bài này dịch từ một bài viết trên trang Defense One. Các lựa chọn lần lượt là, 1- gây sức ép: tình huống xấu nhất là Mỹ – Trung từ đối đầu chính trị chuyển sang đối đầu quân sự; 2- ngăn chặn: không thay đổi hiện trạng, nhưng không để Bắc Kinh đi xa hơn nữa; 3- bù đắp và trừng phạt: trừng phạt gián tiếp, thông qua kinh tế hoặc hỗ trợ quân sự cho Đài Loan; 4- hòa giải: thương lượng để làm “hạ nhiệt” Biển Đông.

Chiến lược cực đoan nhất là gây sức ép, hoặc mềm yếu nhất là hòa giải, đều không phải lựa chọn của Hoa Kỳ. Kịch bản hợp lý nhất là Washington không gây sức ép quá lớn, nhưng cũng không nhượng bộ vấn đề Biển Đông thêm nữa. Đây chính là thời điểm chính quyền Mỹ phải “cân nhắc kỹ lưỡng” về cam kết “sẽ sử dụng hết nguồn lực quốc gia để đảm bảo cho những khu vực ở trên thế giới không bị thống trị bởi một quyền lực đơn lẻ nào”.

Trang Inquirer có bài đánh giá về chính sách bành trướng của Trung Quốc. Tác giả nhắc lại chuyện Trung Quốc tuyên bố mở rộng “hợp lý” các đảo nhân tạo, như một phần của chương trình quốc phòng trong khu vực, xa hơn nữa là đảm bảo nguồn cung nước ngọt và năng lượng cho các đơn vị hành chính của Trung Quốc trên Biển Đông. Chưa đầy một tháng sau khi Trung Quốc tuyên bố chấp nhận đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Bắc Kinh lại giở giọng “cướp biển” quen thuộc.

Theo tác giả, vấn đề rõ ràng ở lập trường của Trung Quốc là tận dụng sức mạnh chính trị và quân sự là một siêu cường đang trỗi dậy, để lấn át bất kỳ nước láng giềng nào muốn ngăn cản tham vọng của Bắc Kinh đối với các chuỗi đảo ở Biển Đông. Tệ hơn nữa, dù các nước ASEAN có đạt được COC thế nào trong tương lai, bộ quy tắc đó vẫn vô dụng nếu Trung Quốc tiếp tục đơn phương hành động, như cách làm của họ xưa nay.

Trang National Interest có bài: “Rồng nước” có thể giúp Trung Quốc thống trị Biển Đông như thế nào? “Rồng nước” ở đây chính là thủy phi cơ lớn nhất thế giới AG600, mà Trung Quốc vừa cho bay thử nghiệm. Tác giả lưu lý rằng, trở lại thập niên 1930 và 1940, thủy phi cơ chính là những “tài sản chiến lược then chốt” (key strategic assets), điển hình là chiếc thủy phi cơ huyền thoại PBY Catalina đã từng giúp hải quân Mỹ tìm và diệt không ít tàu chở hàng phục vụ chiến tranh của Đế quốc Nhật.

Theo tác giả, thủy phi cơ luôn có giá trị trong môi trường không chiến kết hợp hải chiến, bởi tính đa năng: vừa có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất, vừa có thể săn tàu ngầm, và có thể hoạt động nhiều giờ trên biển để tìm kiếm mục tiêu, thậm chí là vận chuyển nhân lực, hàng hóa giữa các căn cứ trên biển. Những nhiệm vụ này đều rất phù hợp với tham vọng bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tàu vỏ thép, “hỗ trợ” hay “tạo gánh nặng” cho ngư dân
Ngư dân Bình Định đón Tết Tây với nỗi lo: Tàu vỏ thép hỏng: Ngư dân sợ đi tù vì ngập nợ. Ngư dân yêu cầu hai công ty đóng tàu vỏ thép bồi thường là Nam Triệu và Đại Nguyên Dương. Công ty Nam Triệu đồng ý bồi thường 36,6 tỉ đồng. Công ty Đại Nguyên Dương cho rằng mức đền bù 9 tỉ đồng quá cao, nên “muốn gặp ngư dân bàn bạc để mức bồi thường sao cho hợp tình, hợp lý”.

Một ngư dân ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định chia sẻ: “Công ty Đại Nguyên Dương cứ rề rà sửa chữa, giờ vẫn chưa xong. Lúc mời đóng tàu thì họ nói như ru con ngủ, giờ gặp sự cố lại đối xử với chúng tôi như vậy”. Tàu vỏ thép bị hư nên ngư dân không thể làm ăn, nợ chồng nợ, ngư dân sợ phải đi tù. Những người bày ra chuyện tàu vỏ thép vẫn thản nhiên tỏ thái độ “sống chết mặc bay” với ngư dân.

Lý do đóng tàu vỏ thép cho ngư dân: chính quyền, an ninh và tuần duyên Việt Nam không dám đối đầu trực diện với lực lượng “tàu lạ” liên tục đâm chìm tàu vỏ gỗ của ngư dân. Cho nên họ nghĩ ra “sáng kiến” đóng tàu vỏ thép để giúp ngư dân “bám biển”. Nói cách khác, họ trao cho ngư dân tàu vỏ thép với hy vọng họ sống sót được trước sự hung hãn của “tàu lạ”, để các quan chức trên bờ không phải làm mất lòng đồng chí “16 chữ vàng”.

Tháng 7/2014, sau khi Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 trên lãnh hải Việt Nam, không ít ngư dân Việt Nam thiệt mạng lúc hành nghề vì “tàu lạ” đâm chìm thuyền, nhưng lãnh đạo trên bờ quyết định ban hành “Nghị định 67/NĐ – CP” triển khai dự án đóng tàu vỏ thép để giúp “ngư dân” bám biển, để quan chức vẫn có thể “bám bờ”.  Thế nhưng, truyền thông trong nước tuyên bố: “Ðược sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, ngư dân tại một số tỉnh ven biển đã được hỗ trợ vay vốn đóng tàu vỏ thép”.

Nhà chức trách nghĩ như vậy là xong trách nhiệm với ngư dân, ngờ đâu dự án đóng tàu vỏ thép gặp vấn đề. Hầu hết tàu vỏ thép hoạt động chưa được bao lâu thì bị rỉ sét nặng, máy tàu thường xuyên hư hỏng, trang thiết bị không hoạt động. Tháng 4/2017, 18 chủ tàu vỏ thép của Bình Định đồng loạt gửi đơn kiến nghị, phản ánh tình trạng tàu vỏ thép hư hỏng nặng. Đến nay, chỉ một số ít tàu vỏ thép được sửa đàng hoàng và có thể ra khơi.

Dự án tàu vỏ thép đã hiện nguyên hình là “miếng bánh vẽ” gây tác hại kép cho ngư dân. Một mặt, chúng hoàn toàn không thể chặn được sự hung hãn của “tàu lạ”, ngư dân tiếp tục bị “tàu lạ” đâm chìm thuyền. Mặt khác, sau khi được “hỗ trợ” tàu vỏ thép, ngư dân phải tự bỏ tiền, tự đi vay để đầu tư trang thiết bị hành nghề. Giờ, tàu vỏ thép không thể “bám biển”, ngư dân không thể làm ăn và lâm vào cảnh nợ nần.

Một vết nhơ khác trong vụ “tàu vỏ thép” là tàu được đóng bằng… thép Trung Quốc. Thông tin này có thể lý giải khả năng… hư hỏng nhanh của những chiếc tàu đến từ dự án mà lãnh đạo đảng triển khai để “hỗ trợ” ngư dân. Quả là đảng tài tình, vừa được tiếng là giúp ngư dân “bám biển”, vừa đem lại cho “bạn vàng” cơ hội đầu tư.

Báo Dân Trí đưa tin:, Đền bù tàu vỏ thép hư hỏng: Tỉnh ra tối hậu thư cuối cùng. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, ông Trần Châu, đặt ra hạn chót là ngày 28/2/2018 để 2 công ty đóng tàu hoàn tất việc đền bù thiệt hại cho 19 chủ tàu cá. Điều đáng tiếc là “Nghị định 67/NĐ – CP” do các lãnh đạo nghĩ ra hồi năm 2014 để triển khai đóng tàu vỏ thép, giờ gặp chuyện thì các lãnh đạo “đổ vỏ” hết cho phía công ty đóng tàu.


Nhân quyền ở Việt Nam
Trang RFA đặt câu hỏi Vì sao Hà Nội tăng cường đàn áp tiếng nói đối lập trong năm 2017? Trao đổi với RFA, TS Nguyễn Quang A cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến năm 2017 trở thành một năm mà chính quyền Hà Nội đàn áp nhân quyền và những người đấu tranh rất dữ dội là nỗi sợ. Những lãnh đạo Cộng sản đã thực sự e ngại viễn cảnh thành công của kịch bản chuyển đổi ôn hòa dựa trên những phong trào thúc đẩy chuyển biến xã hội.

Ông Phil Robertson, đại diện Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khẳng định: “Rõ ràng nhân quyền ở Việt Nam đang xấu đi một cách trầm trọng. Kể từ khi ông Thủ tướng trở về từ chuyến thăm Nhà Trắng, chúng tôi nhận thấy tình trạng đàn áp nhân quyền gia tăng đáng kể. Tôi nghĩ sau cuộc gặp gỡ với ông Trump, ông Thủ tướng Việt Nam nhận ra rằng Tổng thống Trump không hề quan tâm đến nhân quyền”.


Bất ổn tôn giáo vẫn tiếp diễn
Trong khi mâu thuẫn chính quyền-giáo dân ở Giáo xứ Đông Kiều và Giáo xứ Kẻ Gai, tỉnh Nghệ An chỉ vừa tạm lắng, Chính quyền đe dọa bắt giữ lãnh đạo Phật giáo Hòa Hảo. Ngày 29/12/2017, một thiếu tá cùng 2 công an viên ở huyện Lai Vung và xã Tân Phước đã đến chất vấn cụ Nguyễn Văn Điền, Hội trưởng Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy (GHPGHHTT).

Cụ Điền kể rằng: “Họ cho rằng tôi kích động tín đồ gây bạo lực đổ máu. Tôi bảo ‘Các ông có nghe cho kỹ không hay các ông thiếu thông minh. Nếu vậy thì về nhà nghỉ đi, đừng làm quan nữa’.” Trước khi về, nhóm công an tuyên bố: “Nếu bắt thì công an tỉnh An Giang sẽ bắt ông, còn chúng tôi sẽ quản chế ông không cho ra khỏi nhà”.

Ông Lê Quang Hiển, Chánh Thư ký Giáo hội Trung ương, nhận xét: “Đây là trò vu khống, chụp mũ, xuyên tạc để giở trò và có cớ để không cho ông Điền ra khỏi nhà. Và họ có thể sẽ bắt ông Điền để ngăn chặn sự phẫn uất đang lan rộng do sự việc không cho GHPGHHTT cử hành ngày đại lễ đản sanh của Đức Huỳnh Giáo Chủ”.

Hiện tượng Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo bị trấn áp, đe doạ, hành hung đã xuất hiện từ năm 2010. Tháng 5/2017, anh Nguyễn Hữu Tấn, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, đã chết bất thường trong một đồn công an tỉnh Vĩnh Long. Phía công an một mực cho rằng anh tự sát, nhưng người nhà, sau khi xem thi thể anh, khẳng định anh đã bị giết. Đến nay, xung đột giữa chính quyền và Phật giáo Hòa Hảo vẫn chưa được giải quyết.


Chiến dịch “đốt lò”
Năm 2017 sắp kết thúc, truyền thông trong nước viết bài tôn vinh chiến dịch “đốt lò” của bác Tổng: Nổi lửa thiêu tham nhũng – Đảng lấy lại lòng dân. Đường dây “củi to” từ PVN, vụ xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm, được tận dụng triệt để nhằm chứng minh tính chính danh và sự quyết liệt của bác Tổng sau một năm “chống tham nhũng”.

Đinh La Thăng (trái) và Trịnh Xuân Thanh, hai khúc của to đã bị quăng vào lò. Ảnh: VNN

Không cần hỏi dân, báo chí trong nước tự tin tuyên bố: “Nhân dân muốn nhìn thấy việc làm cụ thể để công lý được thực thi. Và hơn thế nữa, nhân dân muốn nhìn thấy hình ảnh những người lãnh đạo đất nước phải luôn là ‘khuôn vàng thước ngọc’ trong cuộc sống”. Nhờ chiến dịch “đốt lò” mà bàn tay nắm chặt 3 nhánh quyền lực: lập pháp, tư pháp, hành pháp, cùng với hành động công khai can thiệp vào việc chính phủ của bác Tổng trở nên rất “hợp lý, hợp tình”.

Bên cạnh giọng ca ngợi bác Tổng, giọng “xót thương” trở thành một trong những chủ âm của báo chí trong nước những ngày này: “Mất cán bộ, rất tiếc, day dứt nhưng không thể không xử”. Về công tác kỷ luật Đảng viên vi phạm năm 2017, Ông Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chia sẻ: “Khi chúng tôi xem xét xử lý các trường hợp vi phạm đó, bản thân chúng tôi cũng rất trăn trở, day dứt. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng, khi xem xét xử lý một cán bộ đảng viên, đồng chí, đồng đội của mình thì cũng không sung sướng gì”.

Tại sao các đảng viên, kể cả bác Tổng, vẫn luôn chú ý nhấn mạnh nỗi “trăn trở, day dứt” khi nói về chiến dịch “đốt lò”? Phải chăng họ muốn để một thông điệp ẩn rằng, hầu hết các đảng viên đều tốt đẹp, đều lý tưởng, kể cả các đảng viên sai phạm, chiến dịch chống tham nhũng là để phục hồi một Đảng có “lý tưởng”, “tốt đẹp”, qua đó tiếp tục duy trì quyền sự độc tài của Đảng?

Bàn về cách bác Tổng đốt lò, truyền thông của đảng thường khẳng định: Năm 2017: Phòng chống tham nhũng không có “vùng cấm”. Tác giả điểm mặt 15 “khúc củi to” bị cho vào lò trong năm qua: Lê Phước Thanh, Đinh La Thăng, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Anh, Phan Thị Mỹ Thanh, Nguyễn Phong Quang, Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Văn Thiện, Nguyễn Minh Quang, Võ Kim Cự, Hồ Thị Kim Thoa, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Văn Thử, Phạm Thế Dũng, Hoàng Công Hàm.

Báo Pháp Luật TPHCM có ảnh đồ họa: Infographic: 7 bị can trong vụ PVN mất 800 tỉ

Nguồn: Báo PLTP

Những người nhóm lò nói “không có vùng cấm”, nhưng vẫn có chuyện lạ xảy ra: Tổng giám đốc đề xuất mua tàu cũ TQ về lại vị trí cũ. Đó là ông Nguyễn Viết Hiệp, cựu tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội. Tháng 2/2016, ông Hiệp chủ trì vụ mua 160 toa xe cũ của Cục Đường sắt Côn Minh, Trung Quốc. Ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cách chức ông Hiệp.

Hiện ông Thăng đã vào lò, “công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết Hội đồng quản trị đơn vị vừa có quyết định bổ nhiệm có thời hạn đối với ông Nguyễn Viết Hiệp làm tổng giám đốc công ty kể từ ngày 1/1/2018”. Vậy là tùy theo loại củi mà bác Tổng cho cháy to, hoặc vừa cháy xém thì lấy ngay ra khỏi lò.


Chính trường Hậu Giang
Trong lúc vụ “thái tử Đảng” Huỳnh Thanh Phong ở Hậu Giang vẫn chưa ngã ngũ, thì ông Trần Công Chánh thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang. Quyết định của Bộ Chính trị “cho thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang trước nhiệm kỳ đối với ông Trần Công Chánh theo nguyện vọng cá nhân” được công bố bởi ông Mai Văn Chính, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương ngày 30/12/2017.

Người kế nhiệm chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang là ông Lữ Văn Hùng, là người đã học đại học quân sự và chương trình cao cấp lý luận chính trị. Cuộc bỏ phiếu kết thúc với tỷ lệ 100%, tỷ lệ rất thường xuất hiện trong các cuộc bầu chọn nhân sự của Đảng và Nhà nước.

Ông Trần Công Chánh là một trong 7 lãnh đạo cao cấp bị kỷ luật trong vụ Trịnh Xuân Thanh. Ông Chánh đã bị kỷ luật khiển trách, bởi trách nhiệm liên đới trong vụ đề nghị tiếp nhận Trịnh Xuân Thanh từ Bộ Công Thương về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, và sai phạm trong vụ công an tỉnh “cấp biển số xe công cho xe tư nhân để Trịnh Xuân Thanh lưu thông trái quy định”. Ông Huỳnh Minh Chắc, cha của “thái tử Đảng” Huỳnh Thanh Phong, cũng nằm trong số 7 lãnh đạo cao cấp liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh.


Dư âm Vũ “nhôm”
Truy nã Vũ “nhôm” là một chuyện, một vấn đề khác không kém phần quan trọng là phải tìm ra người “chống lưng” cho ông Phan Văn Anh Vũ. Trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, ông Ngô Văn Sửu, cựu Vụ trưởng Vụ I, UBKT Trung ương cho rằng, “cần làm sáng tỏ người ‘chống lưng’ cho ông Vũ trong việc thao túng nhiều bất động sản tại những vị trí đắc địa ở thành phố Đà Nẵng, thu lợi lớn”.

Ông Sửu thừa nhận rằng, để có thể thao túng chính trường và thị trường bất động sản Đà Nẵng như vậy, Vũ “nhôm” không những cần thế lực chống lưng, mà phải là thế lực rất mạnh, một “nhóm lợi ích” có quyền lực đủ để can thiệp vào cả những công việc quản lý cấp nhà nước. Tôi nghĩ trong những vi phạm về kinh tế của ông Vũ có khi còn liên quan tới cả lãnh đạo cấp cao chứ chả phải riêng Đà Nẵng đâu”, ông Sửu nói thêm.


Bất ổn ở hệ thống ngân hàng Việt Nam
Lâu nay, Vietcombank vẫn được xem là ngân hàng khá ổn định ở Việt Nam, cho đến khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm tại ngân hàng Vietcombank. Thông báo kết luận thanh tra về chấp hành chính sách, pháp luật tại Vietcombank, cho biết: “Ngân hàng Vietcombank đã có một số khuyết điểm, vi phạm trong hoạt động tín dụng liên quan đến thẩm định, phê duyệt cho vay, giải ngân vốn, kiểm tra sử dụng vốn vay, tài sản đảm bảo, phân loại nợ, xử lý rủi ro”.

Trả lời kết luận của Thanh tra Chính phủ, Vietcombank cho rằng, những sai phạm này chỉ là “tồn tại, sai sót trong một số nghiệp vụ của đơn vị phát sinh trong những năm trước đây… phần lớn các tồn tại theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đã cơ bản được Vietcombank xử lý hiệu quả”.

Báo An Ninh Tiền Tệ đưa tin: Thanh tra Vietcombank còn phát hiện vi phạm của VAMC. Công ty Quản lý tài sản VAMC đã ủy quyền cho Vietcombank bán các khoản nợ theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với khách hàng khi chưa thực hiện đấu giá. Đó là hành vi trái quy định của nhà nước, “đồng thời, VAMC tham mưu cho NHNN ban hành văn bản số 8666/NHNN- TTGSNH ngày 21/11/2014 không đúng”.

Về hướng giải quyết, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Thống đốc “tiến hành kiểm điểm các đơn vị, cá nhân có vi phạm theo kết luận thanh tra”, và yêu cầu Thống đốc sớm đề xuất cho Chính phủ giải pháp để xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại nói chung và các khoản VAMC đã mua của các tổ chức tín dụng nói riêng “theo hướng tách bạch giữa bán nợ và bán tài sản để thu nợ”.

Về một đại án kinh tế liên quan đến ngân hàng Vietinbank, chuẩn bị xét xử “đại án” Huyền Như lừa đảo, chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 công ty. Tòa án nhân dân TP HCM cho biết, đã lên kế hoạch mở phiên toà xét xử “đại án” kinh tế Huỳnh Thị Huyền Như, và Võ Anh Tuấn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt trên 1.085 tỷ đồng của 5 công ty, từ ngày 2 đến 5/1/2018.

Theo tin từ bản cáo trạng, từ năm 2007, bà Như đã vay rất nhiều tiền để kinh doanh bất động sản. Do việc kinh doanh thua lỗ, đến năm 2010, Như không còn khả năng thanh toán nợ. Để có tiền trả nợ ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Như đã lợi dụng chức danh để gặp gỡ và giao dịch với người đại diện của 5 công ty, dụ dỗ họ đồng ý gửi tiền vào ngân hàng Vietinbank. Sau đó, bà ta tiến hành chuyển tiền từ tài khoản khách hàng sang tài khoản của mình và chiếm đoạt trên 1.085 tỷ đồng của 5 công ty.

Về sai phạm ở ngân hàng GPBank, báo Công An TPHCM giải thích: Lãnh đạo GPBank gây thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng như thế nào? Năm 2009 và 2010, để có tiền tăng vốn điều lệ của GPBank, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An đã sử dụng 3 “công ty sân sau” phát hành 3.380 trái phiếu bán cho Công ty Tài chính Cổ phần Điện Lực (EVNFinance), thu về 3.380 tỷ đồng. Đến khi không có tiền để trả tiền gốc và tiền lãi cho EVNFinance, Long và An đã bàn cách rút tiền của GPBank để trả nợ, “gây thiệt hại cho GPBank 3.900 tỷ đồng gốc và hơn 858 tỷ đồng tiền lãi”.

Từ ngày 19 đến 29/12/2017, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xử các bị cáo Tạ Bá Long, Đoàn Văn An và các đồng phạm về “tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.


Khi cán bộ “cứu trợ” dân
Chuyện “lạ mà quen” ở tỉnh Khánh Hòa: Bão qua 2 tháng, tiền hỗ trợ vẫn chưa đến tay người dân. Những khoản tiền hỗ trợ bão lụt, đáng lẽ ra các hộ dân ở tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên phải nhận được, vẫn chỉ nằm trên văn bản của Nghị định 02. Các quan chức đưa ra lý do, “chưa xác định được mức thiệt hại của từng gia đình”.

Trước khi bão số 12 tiến vào, lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Vạn Ninh cho rằng các hộ nuôi thủy sản sở hữu 15.000 – 16.000 lồng tôm hùm. Tuy nhiên, “thống kê thiệt hại sau bão, con số lại tăng gấp 4 lần khiến địa phương và cơ quan chức năng lúng túng”. Nói cách khác, tiền để hỗ trợ dân nếu giảm thì dễ, tăng lên mới khó. Còn các hộ dân chịu thiệt hại từ bão số 12 vẫn đang đối mặt “khoản nợ lên tới cả tỷ đồng từ các đại lý thức ăn, con giống”.

Một chuyện “lạ mà quen” khác liên quan tới bão số 12: UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu làm rõ vụ dân trả lại gạo cứu đói vì cán bộ “xẻo” cho nhiều hộ. Thôn Phú Khê 2 có 44 hộ dân với 121 nhân khẩu thuộc diện được cấp phát gạo cứu đói. Theo Nghị định 136 của Chính phủ về chính sách trợ cấp xã hội, mỗi hộ được nhận 15kg/ tháng. Đến lúc gạo về thôn, cán bộ tự ý chia gạo thành nhiều phần hơn so với quy định để cho nhiều người khác. Con số 44 hộ trên văn bản trở thành “180 hộ” trong thực tế.

Trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Phất, GĐ Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên, thừa nhận, đã yêu cầu chính quyền thôn, xã họp để xin lỗi dân công khai: “Mấy cán bộ thôn đã làm bậy. Hiện chúng tôi đã họp, đề nghị kiểm điểm nghiêm khắc trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn… có sai phạm”. Báo Lao Động cho biết đã tìm cách liên lạc với ông Võ Ngọc Hòa, Chủ tịch huyện Đông Hòa, nhưng ông này không nghe điện thoại, cũng không hồi âm.


Bất cập các dự án BOT
Báo Đời Sống & Pháp Luật đưa tin: Công an tiếp tục mời tài xế phản đối trạm BOT Cai Lậy lên làm việc. Đó là tài xế Trịnh Hồng Phương, một trong những tài xế tham gia phản đối BOT Cai Lậy ngày 30/11/2017. Sau khi áp giải ông Phương về trụ sở, công an tỉnh Tiền Giang đã giữ giấy phép lái xe của ông gần một tháng, khiến ông phải đi bán trứng để mưu sinh. Trước áp lực dữ dội của dư luận mạng xã hội, phía công an đã phải “trả lại giấy phép lái xe và yêu cầu anh này ngày 5/1/2018 tiếp tục có mặt ở công an huyện Cai Lậy để làm việc”.

bán trứng gần BigC Dĩ An sau khi bị công an Cai Lậy, Tiền Giang giữ bằng lái. Ảnh: Facebook Bình Dương 24h

Phía công an yêu cầu anh Phương tiếp tục lên làm việc vì họ muốn tiếp tục điều tra “vụ gây rối trật tự ở trạm thu phí BOT Cai Lậy”. Mặc dù các lãnh đạo thường tuyên bố “công an biết đối thoại với dân”, nhưng trường hợp BOT Cai Lậy cho thấy những nhân viên công lực vẫn chưa hiểu được tại sao cánh tài xế và người dân quyết tâm phản đối trạm BOT này đến cùng.

Trong khi tình hình phía BOT Cai Lậy chỉ vừa lắng xuống, một tài xế đòi có mức phí riêng khi qua trạm BOT Nam Bình Định. Tài xế Đặng Bình Thuận đã dừng xe khoảng 25 phút tại làn đường trạm thu phí BOT Nam Bình Định nhằm phản ứng mức thu phí qua trạm này, với lý do “chỉ đi 8 km trên Quốc lộ 1 nhưng phải đóng phí cho cả tuyến hơn 40km”.

Tài xế Thuận yêu cầu lãnh đạo trạm BOT Nam Bình Định bán vé 7.000 đồng/lượt, “chứ không đồng ý mức giá 35.000 đồng như quy định hiện hành”. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định giải thích rằng: “Vấn đề này không thuộc thẩm quyền giải quyết của chúng tôi, Bộ Giao thông Vận tải mới giải quyết được”.


Lực lượng nòng cốt của đảng thế này sao?
Báo Người Lao Động đưa tin: TP HCM: 179 doanh nghiệp khó khăn trong việc thưởng Tết. Thông tin Sở Lao động- TB&XH TP HCM, cho biết: có 179 doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thưởng tết, có 5 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đang nợ lương, nợ Bảo hiểm xã hội của 879 công nhân. Trong đó có một doanh nghiệp đang làm thủ tục phá sản và một doanh nghiệp có chủ bỏ trốn.


Tin quốc tế

Tình hình Trung Quốc
Năm 2017 được đánh giá là khá “thành công” đối với ông Tập Cận Bình, nhưng năm 2018 quốc gia này và Tập Hoàng đế sẽ đối mặt với không ít thách thức. Trên báo Một Thế Giới có bài phân tích với nhan đề: Bloomberg: 5 thách thức chủ yếu với ông Tập Cận Bình trong năm 2018Trong 5 thách thức mà Bloomberg đưa ra dự đoán bao gồm cả những thách thức đối nội lẫn đối ngoại.

Với đối nội, trong nước ông Tập sẽ gặp 2 vấn đề: Duy trì sự hài lòng của tầng lớp trung lưu và Duy trì tiến trình và tốc độ cải cách. Đối với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng lên nhưng những đòi hỏi thách thức từ tầng lớp này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho triều đại ông Tập. Các vấn đề về ô nhiễm không khí, chất lượng giáo dục và kiểm duyệt internet cũng là những bất ổn thường trực của quốc gia này.

Đối với việc duy trì tiến trình tăng trưởng và tốc độ cải cách, Bloomberg cho biết, “ông Tập đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng cũ đã mất dần tác dụng trong khi những nỗ lực chuyển đổi chưa đem lại kết quả tương xứng“.

Về những thách thức đối ngoại, Trung Quốc sẽ có 3 vấn đề cần giải quyết: 1. Duy trì hòa bình ở các điểm nóng cả ở châu Á và Trung Đông; 2. Cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ tại khu vực châu Á; 3. Giữ được một cái đầu lạnh trong nguy cơ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Trên Tuổi Trẻ có bài viết về chính sách đối ngoại mang hơi hướng “đế quốc đỏ” với nhan đề: Kiểu ‘dùi cui thương mại’ của Trung QuốcBằng các chính sách như “Vành đai-Con đường” hay sử dụng sức mạnh mềm là dùng tiền để đè chết các quốc gia làm Trung Quốc khó chịu, Bắc Kinh đang ngày càng cho thấy tham vọng bành trướng, kẻ cả của mình đối với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là đối với láng giềng.

Bài viết cho biết, với chính sách “Dùi cui thương mại”, Trung Quốc đã từng bước đạt được mục đích “trả đũa và buộc những nước khác phục tùng cho các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh”. 


Căng thẳng Bắc Hàn
TTXVN đưa tin, Triều Tiên tuyên bố không thay đổi chính sách hạt nhân và tên lửaBài viết dẫn nguồn từ KCNA, hãng tin nhà nước Bắc Hàn, cho biết, Bắc Hàn sẽ tiếp tục các chương trình tên lửa, hạt nhân gây tranh cãi của họ. KCNA còn ca ngợi Bắc Hàn là “cường quốc hạt nhân có trách nhiệm” và “một lực lượng chiến lược mới không thể tranh cãi”.

Sau Trung Quốc, đến lượt Nga bị tố cáo tiếp tục nuôi dưỡng chế độ Bắc Hàn. Trên báo Thanh Niên có bài: Tàu dầu Nga bị tố tuồn nhiên liệu cho Triều Tiên. Bài viết dẫn lời một nguồn tin an ninh nói với Reuters, rằng “tàu Nga đã có nhiều đợt giao sản phẩm hóa dầu trực tiếp cho tàu Triều Tiên trong năm nay và điều này vi phạm các biện pháp trừng phạt”. 

Bài viết cũng cho biết, có những bức ảnh vệ tinh cho thấy các tàu dầu Bắc Hàn hoạt động trong vùng Viễn Đông của Nga. Nguồn tin cho rằng, “không có bằng chứng cho thấy điều này được nhà nước Nga hậu thuẫn, nhưng các tàu Nga đang cứu giúp Triều Tiên”. Trung Quốc cùng với Nga từ lâu bị cho rằng họ đã tìm mọi cách “chi viện” để Bắc Hàn làm thế giới đứng tim.

Tiền Phong có bài bình luận: Tổng thống Mỹ Trump khiến Bán đảo Triều Tiên cận kề chiến tranh. Bài viết đổ hết mọi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên TT Mỹ Donald Trump, tác giả Đức Thức phân tích như kiểu “Bắc Hàn là nạn nhân của TT Trump”, qua hàng loạt những lỗi lầm của Mỹ và hàng loạt hành động đáp trả mang tính tự vệ của Bắc Hàn.

Tuy nhiên, ngày 29/12 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis cho biết: Mỹ ưu tiên giải pháp ngoại giao trong vấn đề Triều Tiên. Theo đó, Mỹ sẽ ưu tiên các biện pháp ngoại giao đối với vấn đề Bắc Hàn. Cả Mỹ và Nam Hàn đều chưa công bố ngày giờ và gần như bỏ ngỏ dự định kế hoạch tập trận chung tháng 2/2018. Hành động này có vẻ như muốn làm hạ nhiệt Bình Nhưỡng với cái đầu chỉ biết liều lĩnh và ăn vạ của Kim Jong-un.


Tin nước Mỹ
Những chính sách về nhập cư của TT Trump tiếp tục là đề tài tranh cãi của dư luận và báo chí. VOA có bài Trump đòi đưa tường biên giới, thay đổi visa vào công tác cải tổ di trú. Theo bài viết, ông Trump sẽ không cứu xét chương trình “bảo vệ những người trẻ tuổi khỏi bị trục xuất“. Ông cũng cho Quốc hội đến tháng 3/2018 để đưa ra các giải pháp dài hạn.

Phe Dân chủ muốn thúc đẩy Hành động Trì Hoãn cho Người nhập cư lúc nhỏ (DACA), nhưng Trump viết trên Twitter hôm thứ 6 “Phe Dân chủ đã được bảo rồi, và hoàn toàn hiểu rằng, không thể có DACA mà không có BỨC TƯỜNG đang hết sức cần ở biên giới phía nam và CHẤM DỨT tình trạng Di dân Dây chuyền tồi tệ & Hệ thống Di trú Xổ số ngớ ngẩn“.

Báo Thanh Niên có bài: Những cái tên ra đi sau năm 2017 sóng gió tại Nhà TrắngBài viết thống kê 13 cái tên đã rời khỏi tòa Bạch Ốc trong năm sóng gió 2017, qua tính cách “sóng gió” không kém của TT Donald Trump. Trong số 13 quan chức “đội nón ra đi” đó có Bộ trưởng, giám đốc FBI, thư ký, trợ lý, chánh văn phòng, chuyên gia cố vấn… Người thì bị Trump sa thải, người thì từ chức. Có lẽ chưa đời tổng thống nào lại chứng kiến sự “bát nháo” như thời ông Trump.


Tình hình nước Nga
TTXVN loan tin, bầu cử Tổng thống Nga 2018: Tòa án Tối cao bác kháng cáo của thủ lĩnh đối lậpTheo bài viết, Tòa án Tối cao Nga đã bác bỏ kháng cáo của thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny về việc ông này bị Ủy ban Bầu cử trung ương Nga cấm ứng cử.

Cũng liên quan đến bầu cử ở Nga, báo Thanh Niên có bài: Đường đua vào Điện Kremlin nóng dần. Trong khi chính phủ của Đại đế Putin tuyên bố “sẽ điều tra vụ thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny kích động biểu tình toàn quốc nhằm tẩy chay cuộc bầu cử tổng thống năm 2018“, thì phía Mỹ và EU lên tiếng chỉ trích Nga “o ép phe đối lập”.

Các hành động loại bỏ đối thủ mà Putin cùng bộ sậu đưa ra áp dụng tại cuộc bầu cử lần này cho thấy: Putin muốnlàm Tổng thống Nga bằng mọi cách. Do đó, cái gọi là “Đường đua vào Điện Kremlin” chỉ là hình thức, vì những đối thủ còn lại của Putin đều quá yếu và hầu như không có “tác hại” gì đến kết quả bầu cử, thậm chí các đối thủ yếu còn tô vẽ thêm cho kết quả bầu cử tốt đẹp của Putin.

Về vụ đánh bom mới đây ở St Peterburg, trên VOA có bài: Nga bắt nghi phạm đánh bom St. PetersburgHãng tin Nga Interfax cho biết, một nghi phạm trong vụ đánh bom đã bị bắt ngày 30/12. Hiện nghi phạm này đang được giao cho Ủy ban Điều tra Nga để tiếp tục xử lý. Danh tính và các thông tin về nghi phạm vẫn chưa được tiết lộ.


 Điểm nóng Trung Đông
VOV đưa tin: Biểu tình chống hoặc ủng hộ chính phủ cùng diễn ra ở IranTheo bài viết, các cuộc biểu tình phản đối chính phủ ở Iran bắt đầu từ ngày 27/12 tại Tehran và đang lan sang các thành phố, thị trấn khác. Ngày 30/12, những người ủng hộ chính phủ cũng xuống đường biểu tình với khẩu hiệu “bọn nổi loạn chết đi“.

Iran cũng là quốc gia cấm “tụ tập bất hợp pháp” như các quốc gia độc tài khác. Trong một tuyên bố trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Các nhà lãnh đạo của Iran đã biến một quốc gia giàu có với lịch sử và văn hoá lâu đời thành một quốc gia bất hảo có kinh tế khánh kiệt, với ngành hàng xuất khẩu chính là bạo lực, đổ máu và hỗn loạn“. Hiện nền kinh tế Iran đang ở trong tình trạng trì trệ, lạm phát và thất nghiệp cao.

Cũng liên quan tình hình Trung Đông, báo Đất Việt có bài: Iran nối trục Iraq-Syria-Lebanon, cùng SAA, Hezbollah hợp vây IsraelLực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bắt đầu sửa 200km đường cao tốc, nối hành lang để kết nối các quốc gia Iran- Iraq- Syria -Lebanon.

Con đường này sẽ giúp Iran “tiếp viện” cho Quân đội Syria (SAA) dễ dàng hơn, đồng thời việc chu cấp vũ khí, phương tiện chiến tranh cho Hezbollah cũng rất thuận tiện. Cả SAA và Hezbollah đều là những đội quân được Iran hậu thuẫn và là mối nguy cơ đe dọa rất lớn đối với Israel.

Tình hình Trung Đông sẽ càng phức tạp khi Trung Quốc bắt đầu thò bàn tay lông lá của Bắc Kinh vào khu vực này. Về vấn đề này, Infonet có bài Trung Quốc “công khai” đối đầu Mỹ về JerusalemTrung Quốc tổ chức Hội nghị Hòa Bình “cho” Palestin và Israel trong 2 ngày 21-22/12, nếu nhìn vào bề ngoài thì đây là chuyện rất tốt. Nhưng với thái độ ủng hộ Plestine “ra mặt” và kêu gọi “giải pháp hai nhà nước“, Trung Quốc đã công khai đối đầu Mỹ trong vấn đề Trung Đông, Theo Diplomat.


Thế giới đón năm mới trong mối lo chung: 

Các tin quốc tế khác: 









No comments:

Post a Comment

View My Stats