Thursday 30 November 2017

NHÀ VĂN, DỊCH GIẢ TRẦN THIỆN ĐẠO QUA ĐỜI Ở TUỔI 85 TẠI PARIS (tin tổng hợp)


Diễn Đàn 
Cập nhật lần cuối 28/11/2017

Tin buồn

Chúng tôi được tin nhà văn, dịch giả Trần Thiện Đạo đã từ trần ngày 25.11.2017 tại Villejuif (Pháp) sau một thời gian dài trọng bệnh, thọ 85 tuổi.

Lễ tang sẽ cử hành vào 10g00 sáng ngày thứ hai 4.12.2017 tại Nhà hoả táng Val-de-Bièvre, 8 rue du Ricardo, 94110 ARCUEIL

Diễn Đàn xin thành thực chia buồn cùng toàn thể tang quyến.
Trần Thiện Đạo sinh ngày 21 tháng 4 năm 1933. Sang Pháp du học năm 1950 rồi định cư ở đây (có một thời gian ở Anh), dạy trung học rồi làm việc trong lãnh vực bảo hiểm. Sống ở nước ngoài, ông tích cực tham gia đời sống văn học Việt Nam nhất là trong công tác dịch thuật : dưới tên thực hay bút hiệu Trần Mai Lan, ở miền Nam trong những năm 1964-1975 (ngoài tạp chí Văn mà ông là một cây bút chủ chốt, ông còn viết trên tạp chí Bách Khoa, tuần báo Nghệ Thuật), từ năm 1990, ông về nước khá thường xuyên, phát biểu nhiều về vấn đề (vấn nạn) dịch thuật văn học, tái bản một số bản dịch và xuất bản một tập tiểu luận phê bình.

Tác phẩm dịch :

Cậu Hoàng Con (Le petit prince) của Antoine de Saint-Exupéry
Giao Cảm (Noces) của Albert Camus
Bề Trái Và Bề Mặt (L'envers et l'endroit) của Albert Camus
Sa Ðọa (La chute) của Albert Camus
Kín Cửa (Huis Clos) của Jean-Paul Sartre
Phấn Ðấu Cho Một Nền Tiểu Thuyết Mới (Pour un nouveau roman) của Alain Robbe-Grillet
Im Lặng Của Biển Cả (Le silence de la mer) của Vercors
Zadig của Voltaire
Ao Quỷ (La mare au diable) của George Sand

Trước tác :

Một số sách chuyên môn về luật bảo hiểm

Khảo luận tiếng Anh : The stream of consciousness in Virginia Woolf's novels (Ðộc Thoại Nội Tâm Trong Tiểu Thuyết Của Virginia Woolf)

Tiểu luận và phê bình, in xong tại Sài Gòn ít lâu trước ngày 30.4.1975, chưa kịp phát hành, biệt tích.

Từ Chủ Nghĩa Hiện Sinh tới Thuyết Cấu Trúc (nhà xuất bản Văn Học 2001 ; Tri Thức tái bản 2008).

Bài gửi đăng Diễn Đàn (dưới bút hiệu Trần Mai Lan) :
Từ đường Nguyễn KhuyếnDiễn Đàn số 82, tháng 3.1999. trang 31-32.
Tưởng niệm Bùi Mộng HùngDiễn Đàn số 87, tháng 7.1999, trang 12.
Về Côn SơnDiễn Đàn số 89, tháng 10.1999, trang 44-48.
Bạn đến chơi nhàDiễn Đàn số 90, tháng 11.1999, trang 29.

Đam mê với công cuộc dịch thuật văn học, Trần Thiện Đạo đã nhiều lần lên tiếng khá gay gắt về chất lượng nhiều bản dịch văn học (ngày nay, cũng như ở Sài Gòn trước năm 1975, tiêu biểu là 50 trang phê phán Những ruồi (1967), Phùng Thăng dịch bản kịch Les Mouches của Jean-Paul Sartre). Trong những bài phê bình này, ông liệt kê chính xác những chỗ dịch sai, dịch ẩu do người dịch không rành tiếng Pháp. Ông cũng nặng lời phê phán những câu văn dịch quá nô lệ ngoại ngữ nguyên tác. Đáng thảo luận là những câu chữ nặng nề ông dùng để phê phán những cách dịch mà ông không đồng ý, nhưng không thể gọi là sai (sai nguyên bản hay sai ngữ pháp tiếng Việt). Cách viết gay gắt này nhiều khi đã gây ra phản ứng không kém gay gắt từ dịch giả hay độc giả, và họ thường trả đũa bằng cách nêu ra vài chỗ (dịch hay in) sai trong các bản dịch của ông, hoặc phê phán lối hành văn "Nam Kỳ" hơi cổ của ông.

Sự ồn ào chung quanh những phát biểu nóng nẩy về dịch thuật thường làm chúng ta quên lãng thực chất vấn đề : chất lượng kém cỏi (thậm chí tai hại) của nhiều bản dịch văn học, và tình trạng chung của công tác dịch thuật các tác phẩm văn học nước ngoài. Tiễn đưa Trần Thiện Đạo, chúng ta ghi nhớ công lao biên dịch của ông và chia sẻ động cơ những lời phẫn nộ phát xuất từ đam mê văn học.

K. V. 

----------------------------------------------------------------------------


Nhà văn, Dịch giả Trần Thiện Đạo vừa qua đời ở tuổi 85 tại Paris.
Tang lễ của ông được cử hành vào ngày 4/12/2017 tại thành phố này.

Người yêu văn học ở Sài Gòn trước 1975 vẫn nhớ tới Trần Thiện Đạo (còn có bút danh Mõ Làng Văn, Trần Mai Lan, Trần Kim Lân) như một trong những người chủ chốt của Tạp chí Văn và đặc san Văn – Nghiên cứu và phê bình, danh tiếng thời Việt Nam Cộng Hòa. Ông cũng cộng tác với một số tạp chí như Tuần báo Nghệ thuật, tạp chí Bách Khoa. Ông nổi tiếng với tư cách một dịch giả, nhà phê bình, nghiên cứu văn học và thường xuyên tranh biện về các chủ đề văn học trên các diễn đàn văn học hải ngoại sau 1975. Ông cũng thường xuyên viết bài trên báo chí trong nước trong những năm 2000 (Văn Nghệ, Thể thao & Văn hóa…). Ông là một trong những người đóng góp vào sự phổ biến triết học phương Tây tại miền Nam Việt Nam trước 1975, đặc biệt là triết học hiện sinh. 

Ông đã dịch các tác phẩm : Cậu Hoàng Con (Le petit prince) của Saint Exupéry, Giao Cảm (Noces) của Albert Camus, Bề Trái Và Bề Mặt (L'envers et l'endroit) của Albert Camus, Tiểu luận của Albert Camus, Sa Ðọa (La chute) của Albert Camus, Kín Cửa (Huis Clos) của Jean Paul Sartre, Phấn Ðấu Cho Một Nền Tiểu Thuyết Mới (Pour un nouveau roman) của Alain Robbe Grillet, Im Lặng Của Biển Cả (Le silence de la mer) của Jean Bruller Vercors, Zadig của Voltaire, Ao Qủy (La mare au diable) của George Sand,... Giai thoại kể rằng, khi dịch tác phẩm Sa Ðọa (La chute) của Camus, ông đã đến tận Amsterdam, để xem rõ phong cảnh được thể hiện trong tác phẩm cũng như để đặt mình vào tâm trạng của các nhân vật. Ông là tác giả cuốn sách bằng tiếng Pháp về Luật bảo hiểm, một khảo luận văn học bằng tiếng Anh (The stream of consciousness in Virginia Woolf's novels) và vài tập tiểu luận và phê bình bằng tiếng Việt (Văn nghệ - những nụ cười giòn, Từ chủ nghĩa hiện sinh tới thuyết cấu trúc, Văn học phương Tây – lý luận, phê bình và dịch thuật).

Trước năm 75 công việc của ông nhiều khi gặp rắc rối vì trong mắt chính quyền Sài Gòn, ông là người có cảm tình với miền Bắc. Sau năm 75 ông không về ngay Việt Nam được vì chính quyền nhìn ông với đôi mắt ngờ vực của một người sống quá lâu trong “thế giới tư bản”. Ông bị kẹt giữa hai làn đạn như vậy. Mở cửa giúp ông trở về Việt Nam trong vai trò là chuyên gia và nhà đào tạo ngành bảo hiểm. Năm 1994 lần đầu tiên kể từ 1949 ông đặt chân trở lại Việt Nam và lần đầu tiên trong đời biết miền Bắc và Hà Nội. Có thể nói ông là một trong những người Pháp đầu tiên góp công sức đào tạo ngành kinh tế bảo hiểm cho Việt Nam, một ngành kinh tế mới hồi đó. Đến cuối những năm 1990, khi đã nghỉ hưu tại Pháp, mỗi năm trở về Việt Nam là những tháng hẹn hò văn nghệ, làm quen bạn văn chương mới.

Ông đặc biệt dị ứng với việc bị biên tập bài nếu ông viết theo cách nói của người miền Nam mà bị biên tập lại theo cách nói phổ thông. Ông có một con trai duy nhất tên là Gilles Trần Kim Lân là kỹ sư nông học được chính phủ Pháp tặng thưởng huy chương vì sự đóng góp vào sự phát triển của nông nghiệp châu Âu và vợ của anh là nhà nghiên cứu lịch sử giáo dục, biên dịch Nguyễn Thụy Phương. Ông tâm sự, đã bỏ cơ hội phát triển thành một cán bộ cao cấp về bảo hiểm để có thời gian cho việc dịch, việc viết.

Tôi có may mắn được biết đến ông năm 2005 khi còn học tại Pháp. Tôi cũng có may mắn được ông chỉ bảo về cách dịch và nghề dịch. Ông cho rằng sự trung thành không chỉ về ý nghĩa, câu từ mà cả cách hành văn, cảm xúc mà tác giả muốn tạo ra cho người đọc phải được hoàn nguyên qua công việc dịch. Nếu tác giả cố tình hành văn trúc trắc hay phức tạp để người đọc khó có thể hiểu ngay từ lần đọc đầu tiên thì người dịch cũng phải tái hiện được thử thách ấy. Ông nói sợ nhất là người ta chê mình ẩu chứ không sợ bị chê dốt. “Dốt” theo ông phải hiểu theo nghĩa là chưa hiểu đầy đủ, trọn vẹn. Ông không ngần ngại lên tiếng mỗi khi gặp những trường hợp dịch chưa tới, đặc biệt là do dịch ẩu. Có lẽ vì thế ông trở thành “cái gai” trong mắt nhiều người.

Tôi đã trải qua một tháng trời nằm trên ghế đi văng nhà ông để đọc sách và trao đổi những câu chuyện về văn học, về cuộc đời. Sau này mới biết tôi không phải là người duy nhất làm điều ấy. Rất nhiều nhà văn, người dịch, nhà nghiên cứu ở Việt Nam qua Paris đều ở lại nhà ông và ngủ trên chiếc ghế đi văng này. Nhà dịch giả cơ man nào là sách nhưng rất ngăn nắp. Đó thực sự là một kho tàng: gần như đầy đủ những tác phẩm của Văn học Miền Nam trước 1975 và một số lượng lớn các tác phẩm văn học hải ngoại; bộ sưu tập báo Văn; sách triết học tiếng Việt của Trần Thái Đỉnh, Trần Văn Toàn, Lê Tôn Nghiêm. Tuy nhiều sách là thế nhưng cần cuốn nào là ông tìm được ngay. Những năm cuối đời, ông “hiên ngang” chiến đấu với bệnh tật : không bao giờ nghĩ là mình có bệnh và khảng khái “đốp” lại những câu hỏi của bác sỹ về tình trạng bệnh của mình. Những câu chuyện của ông thường lặp đi lặp lại về những buổi nói chuyện đông người tại Việt Nam và hải ngoại, sự minh mẫn và khúc chiết đã ít nhiều rời bỏ ông dù cách nói vẫn trau chuốt và rành mạch từng câu, từng chữ.

Nghiêm túc đến khắc nghiệt trong nghề dịch, cầu toàn, cầu tiến trong học thuật, làm việc miệt mài, cởi mở và nhân ái trong cuộc sống, dịch giả Trần Thiện Đạo thực sự là một khuôn mặt khó quên của làng văn nghệ Việt Nam trong suốt 6 thập kỷ qua.

​​​​​​​​Nguyễn Đình Thành
Hà Nội 29/11/2017

Dịch giả Trần Thiện Đạo bên mộ Camus

*
Bài đăng trên Tuổi Trẻ online :
30/11/2017 11:47 GMT+7

------------------------------


https://litviet.wordpress.com/category/trần-thiện-dạo/










No comments:

Post a Comment

View My Stats