Saturday 21 October 2017

TỔNG THỐNG TRUMP GIÚP CALIFORNIA ? (Ngô Nhân Dụng)




Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

Tổng Thống Donald Trump từng báo trước hệ thống bảo hiểm y tế do cựu Tổng Thống Barack Obama lập ra sẽ vỡ tan từ bên trong. Khi Tổng Thống Trump quyết định chính phủ ngưng không bồi hoàn cho các công ty bảo hiểm theo chương trình CSR (cost-sharing reduction) hiện hành, ông đã góp tay thúc đẩy cho lời tiên đoán đó thành sự thật. Các hãng bảo hiểm không được trả đầy đủ sẽ phải hoặc tăng giá “bảo phí” (premium) hoặc từ chối không bán bảo hiểm cho các thân chủ đang mua theo chương trình đó.

Khi quyết định trên được công bố, nhiều bản tin đã báo trước rằng một hậu quả của quyết định này là chính phủ Mỹ sẽ không giảm bớt được chi phí y tế mà, ngược lại, nhà nước Mỹ sẽ phải chi thêm $200 tỷ cho các hãng bảo hiểm. Đối với những người, hiện tượng chi thêm này hơi khó hiểu! Vì chúng ta không mấy ai theo dõi sát luật lệ y tế đang áp dụng. Ông Trump cũng có thể như vậy trong khi ông quyết tâm xóa bảo đạo luật y tế của người tiền nhiệm.

Một hậu quả của quyết định Tổng Thống Trump đưa ra là nhiều người Mỹ sẽ được hưởng thêm trợ cấp y tế của chính phủ chứ không bị cắt bớt. Nhiều tiểu bang bị cắt phần này nhưng lại được hưởng thêm trợ cấp khác, trong đó có California!

Để hiểu nguyên do của tình trạng này, chúng ta phải biết hệ thống bảo hiểm y tế tại nước Mỹ rắc rối như thế nào.

Mỹ khác các nước Âu Châu và Canada, họ thường chỉ có một “công ty bảo hiểm y tế” lớn là chính phủ, mọi người dân đều phải có bảo hiểm y tế theo luật định. Dân chúng bắt buộc phải mua bảo hiểm, đóng tiền như một thứ thuế, cách giản dị nhất là trừ ngay vào tiền lương. Nước Mỹ bảo vệ các công ty bảo hiểm tư; nhưng chính phủ cũng đóng vai một “công ty bảo hiểm y tế” đối với rất nhiều người dân.

Những người đến tuổi 65, tuổi về hưu, đều được chính phủ lo bảo hiểm. Khi đi làm, họ đóng “thuế” cho quỹ bảo hiểm này. Đến lúc về hưu, họ tự nhiên được bảo hiểm. Đó là chương trình Medicare, cung cấp bảo hiểm cho hơn 55 triệu, khoảng 14% dân số. Chương trình Medicaid (Medical ở California) cũng do chính phủ lo cho những người lợi tức quá thấp, cung cấp bảo hiểm cho 75 triệu người, một phần năm dân số. Quân đội và cựu quân nhân có bảo hiểm tốt, chiếm 2%, cũng do chính phủ đóng vai hãng bảo hiểm.

Thành phần dân Mỹ đông nhất, gần 49%, 155 triệu người là những người mua bảo hiểm chung, do chủ nhân nơi sở làm của họ thương lượng với các hãng bảo hiểm tư. Các xí nghiệp mua bảo hiểm y tế cho nhân viên thì không phải tăng lương cho họ. Khoản tiền này được coi là chi phí và được trừ vào lợi nhuận công ty trước khi đóng thuế. Nói cách khác, xí nghiệp và nhân viên của họ được miễn thuế. Chính phủ Mỹ bao lâu nay vẫn trợ cấp những khoản tiền khổng lồ cho bảo hiểm y tế của những người này, ít ai để ý tới; là khoản trừ thuế cho các công ty khi đóng bảo hiểm cho nhân viên. Tổng số trợ cấp đó, trong năm 2016 lên tới $268 tỷ, bằng 1.4% tổng sản lượng nội địa.

Những nhân viên được xí nghiệp giúp mua bảo hiểm không cần khai số tiền này như “lợi tức” để đóng thuế. Trong khi đó một tư nhân tự mua lấy bảo hiểm y tế không hề được bớt thuế như vậy! Đó là những người hành nghề tự do, người làm ăn nhỏ, chủ nhân và nhân viên các tiệm nhỏ, vân vân. Họ tạo ra lợi tức, đóng thuế trên tất cả số lợi tức này, sau đó còn tiền thì mua bảo hiểm y tế! Nghĩa là nước Mỹ có hai loại công dân, những người may mắn được chính phủ trợ cấp y tế, và những người khác!

Những người khác này, khoảng 30 triệu, thuộc giới trung lưu và lợi tức thấp nhưng không thấp đến mức được hưởng Medicaid. Họ phải tự mua “bảo hiểm cá nhân” vì không được chính phủ lo và không làm cho xí nghiệp lớn nào.

Đạo luật Obamacare đã giúp cho khoảng 20 triệu người trong số trên có được bảo hiểm y tế. Vì chính phủ Mỹ sẽ trợ cấp khi họ đi mua bảo hiểm với các công ty tư nhân, trong các “thị trường” được kiểm soát. Quyết định mới đây của Tổng Thống Donald Trump nhắm vào thành phần này.

Hậu quả của quyết định đó trở nên phức tạp vì chương trình trợ cấp của chính phủ có hai loại khác nhau, người mua bảo hiểm cá nhân tùy ý chọn.

Trong loại thứ nhất, chính phủ trợ cấp trực tiếp cho người tự mua bảo hiềm nếu lợi tức của họ không đủ để mua lấy. Người dân tìm mua chương trình bảo hiểm nào thích hợp nhất cho mình, nếu giá bảo phí (premium) cao quá chính phủ sẽ giúp. Tạm gọi đây là chương trình trợ cấp trực tiếp.

Loại thứ hai chính là “cost-sharing reduction, CSR” mà Tổng Thống Trump mới xóa bỏ. Theo cách này, các công ty bảo hiểm phải giảm bảo phí cho những người lợi tức không đủ, chính phủ sẽ bồi hoàn cho họ nếu bảo phí thấp đó không đủ có lời.

Tổng Thống Trump đã quyết định ngưng, không bồi hoàn cho các công ty bảo hiểm theo chương trình CSR nữa. Ông coi đó là “chính phủ trợ cấp cho các công ty bảo hiểm.” Hơn nữa, Quốc Hội Mỹ đã “thưa kiện” khoản trợ cấp CSR này trong đạo luật Obamacare, vì đó là một món chi tiêu của nhà nước; nó trái với hiến pháp vì món chi đó chưa được quốc hội phê chuẩn. Năm ngoái, một vị thẩm phán đã phán cho quốc hội thắng, chính phủ thua. Nhưng khoản trợ cấp CSR vẫn tiếp tục được chi ra, để chờ phán quyết của tòa trên trong lúc chính phủ Obama kháng án.

Tổng Thống Trump có thể chờ đợi, coi tòa phúc thẩm và, nếu cần, Tối Cao Pháp Viện sẽ xử ra sao. Ông chỉ cần ngưng, không dùng luật sư biện hộ cho chính phủ nữa. Nếu tòa trên đồng ý với quan tòa dưới thì ông Trump không cần làm gì cả, tự nhiên CSR sẽ hết tiền. Nhưng Tổng Thống Trump đã ra tay, quyết định ngưng không chi tiền cho CSR. Vụ kiện có thể không cần đem xử nữa!

Nhưng hậu quả của quyết định của Tổng Thống Trump là các công ty bảo hiểm tham dự chương trình CSR sẽ phải tăng bảo phí, để bù lại cho số tiền mà chính phủ ngưng không trợ cấp. Trong thời gian qua, tin tưởng rằng Tổng Thống Trump sẽ ngưng trả tiền cho CSR, các công ty bảo hiểm tại 36 tiểu bang đã bắt đầu tăng một loại bảo phí rồi. Sau quyết định của ông Trump, tất cả sẽ tăng bảo phí.

Điều mà Tổng Thống Trump có thể không tính trước, là chương trình CSR và chương trình trợ cấp khác có quan hệ với nhau, giống như hai cái bình nước có đáy thông với nhau, nước hai bên lên xuống cùng một mức.

Khi giá bảo phí của chương trình CSR tăng lên, thì giá bảo phí trong chương trình kia, cũng tăng cho bằng nhau. Đó là chương trình trợ cấp trực tiếp. Theo chương trình này, chính phủ sẽ đưa thêm tiền cho người dân nếu giá bảo phí họ phải trả cao quá so với mức lương hoặc lợi tức của họ. Khi giá bảo phí tăng thì tiền trợ cấp của chính phủ cũng tăng theo.

Đó là lý do tại sao sang năm 2018, khi quyết định của Tổng Thống Trump bắt đầu áp dụng, chính phủ Mỹ sẽ phải chi thêm gần $200 tỷ trong 10 năm.

Một hậu quả của quyết định của ông Trump là số người tham gia vào chương trình trợ cấp của chính phủ sẽ tăng lên. Tại California, 90% những người tham gia Obamacare chọn loại thứ nhất, trợ cấp trực tiếp. Số dân California ghi danh vào chương trình này sẽ tăng thêm khoảng 20,000 người trong thời gian tới, nếu quốc hội không làm gì để bổ túc, chữa chạy hậu quả quyết định của ông tổng thống.

Trước đây, người ta đã phân tích rằng nếu trong năm 2016 chính phủ liên bang ngưng trợ cấp theo lối CSR, thì California sẽ bị mất $750 triệu. Nhưng tiền trợ cấp trực tiếp sẽ tăng lên thêm $976 triệu! Nghĩa là California sẽ “được lời” $276 triệu! Nếu quốc hội không làm gì cả thì sang năm California chắc sẽ còn “được lời” hơn, vì giá bảo phí giờ cao hơn hai năm trước.

Tổng Thống Donald Trump đã chờ 9 tháng mới đưa ra quyết định dứt điểm CSR, gây ảnh hưởng nặng nề hơn. Vì các hãng bảo hiểm có thể ngưng ngay lập tức, không thi hành các hợp đồng với bệnh nhân, trước khi thỏa thuận về bảo phí mới. Nhiều người dân cũng phân vân không biết mình có nên mua bảo hiểm bây giờ không, hai tuần lễ trước khi thời gian mua bán bảo hiểm bắt đầu. Ông Trump không chờ tòa án phán xử, coi như chính phủ đã thua trong vụ kiện của quốc hội khởi đầu khi ông Obama còn làm tổng thống.

Ông Trump đã làm đúng lời ông hứa: giúp cho đạo luật Obamacare nổ tung từ bên trong, và ông có góp tay thúc đẩy cho nó nổ. Bây giờ đến lượt quốc hội Mỹ sẽ phải làm gì để giúp thị trường bảo hiểm y tế cho 20 triệu người Mỹ được ổn định! (Ngô Nhân Dụng)







No comments:

Post a Comment

View My Stats