Saturday 21 October 2017

THAM VỌNG CỦA TẬP CẬN BÌNH (Lê Phan)




Lê Phan
October 21, 2017

Cái sự bất thường ở một quốc gia như Trung Quốc với tầm vóc và sức mạnh kinh tế là lãnh tụ Tập Cận Bình không có bài diễn văn thường niên “về tình trạng quốc gia” cho toàn dân. Công việc đó nằm trong báo cáo thường niên của Thủ Tướng Lý Khắc Cường, người mà mỗi Tháng Ba đọc bài diễn văn báo cáo về tình hình trong khóa họp thường niên của quốc hội bù nhìn.

Thành ra khi Chủ Tịch Tập Cận Bình lên tiếng hôm Thứ Tư, 18 Tháng Mười, vừa qua trong một dịp hiếm có ở đại hội đảng Cộng Sản, được tổ chức mỗi 5 năm một lần, nó chắc chắc là bài diễn văn quan trọng nhất đầu tiên về chính sách đối nội và đối ngoại kể từ khi ông lên nắm quyền hồi Tháng Mười Một, 2012. Ông đã lợi dụng tối đa cơ hội, gây ngạc nhiên cho cử tọa của khoảng 2,300 đại biểu bằng cách đọc một bài diễn văn gần bốn tiếng đồng hồ.

Ông Giang Trach Dân, vị cựu lãnh tụ 91 tuổi, tuổi hạc đã cao, tuy rằng không cần phải dìu đi nhưng cũng phải có người đỡ mới đi đến ghế ngồi được, nhiều lần nhìn đồng hồ trong suốt bài diễn văn tràng giang đại hải này. Tờ South China Morning Post (mà hồi xưa còn được gọi là Bưu Điện Hoa Nam) đếm được 10 lần cụ xem đồng hồ vì sốt ruột quá. Nhưng trên Internet, những địa chỉ liên lạc xã hội chia sẻ hình ảnh từ các em học sinh đến các nhà sư ngồi nghiêm chỉnh khi họ xem chương trình duy nhất trên truyền hình nhà nước phát chỉ có bài diễn văn này.

Một post viết: “Nó làm tôi nhớ lại Big Brother trong 1984,” nhắc lại đến những chương trình tuyên truyền được phát ra không nghỉ trong cuốn tiểu thuyết về một thế giới nghịch ảo tưởng của nhà văn George Orwell. Cũng xin nói thêm cuốn tiểu thuyết về một xã hội độc tài toàn trị kinh hồn này bán rất chạy ở Trung Quốc và có đến hai ba bản dịch mới. Cách đây năm năm, khi Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào đọc bài diễn văn trước đại hội đảng, bài diễn văn của ông coi ra khá ngắn chỉ có 90 phút.

Ông Tập cũng phải thêm, có nhiều tham vọng hơn ông Hồ và ông Giang. Trong khi hai vị tiền nhiệm của ông được đích thân lãnh tụ Đặng Tiểu Bình chọn và do đó có liên hệ chặt chẽ với cố lãnh tụ đầy ảnh hưởng đó, ông Tập đã nói rõ là ông chờ đợi triều đại của ông đánh dấu sử khởi đầu của một thời đại mạnh tiến mới của nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới này.

Ông Tập khẳng định: “Trung Quốc nay đứng thẳng và vững chãi ở phương Đông.” Lời nói đó mang âm hưởng của tuyên bố vào Tháng Chín, 1949 của ông Mao Trạch Đông, người anh hùng lãnh đạo cuộc cách mạng đưa đảng Cộng Sản lên nắm quyền, vốn tuyên bố: “Nhân dân Trung Hoa, gồm một phần tư nhân loại, nay đã đứng dậy.”

Thông điệp đó được các đại biểu học nhập tâm và sau đó lập lại như những con vẹt trong các cuộc họp tổ. Ông Lưu Cần Kiệm, bí thư tỉnh ủy Sơn Tây, chẳng hạn đã nói: “Đảng chúng ta đang bước vào thời đại mới dưới sự lãnh đạo nòng cốt của Tổng Bí Thư Tập Cận Bình.”

Ông Tập thêm “chúng ta đã giải quyết nhiều vấn đề khó khăn vốn lâu nay nằm trong nghị trình như chưa bao giờ được giải quyết,” hẳn là muốn nói đến 10 năm ông Hồ nắm quyền cho đến năm 2012. Nhiều viên chức Trung Quốc coi giai đoạn đó là “thập niên bỏ mất,” có tham nhũng lan tràn, đã chào đón quyết tâm được tuyên bố của ông Tập để “thực hiện ước mơ của người Trung Quốc cho sự hồi sinh của quốc gia.”

“Đại hội này là về chính trị và kiểm soát chính trị,” nhà phân tích Jude Blanchette, một chuyên gia về Trung Quốc của tổ chức nghiên cứu The Conference Board, hiện đang sống ở Bắc Kinh, giải thích.

Lễ khai mạc của đại hội lần thứ 19 đảng Cộng Sản Trung Quốc hôm Thứ Tư thực sự là một sự mở đầu thiếu kịch tính cho một cuộc họp chính trị tối quan trọng. Khóa họp kết thúc vào ngày 24 Tháng Mười tới đây sẽ công bố tân Ban Thường Vụ Quốc Hội của ông Tập, vốn là cơ quan quyền lực tối thượng của đảng và của đất nước.

Những hàng lãnh đạo mới sẽ cho chúng ta thấy quyền lực của chủ tịch nước đến mức nào trong những cuộc điều đình chính trị gay go, và sẽ cho biết những chỉ dấu là liệu ông sẽ có tiếp tục bám lấy quyền lực ngoài thời gian 10 năm mà nay đã thành thông lệ từ thời ông Đặng Tiểu Bình đến nay. Một trong những cố vấn của các lãnh tụ Trung Quốc khác bảo: “Ông Tập không có toàn quyền lựa chọn toán thứ nhì của ông. Nhưng ông có lẽ sẽ có đến mức tự do tối đa mà ông có thể có.”

Ông Tập cũng được chờ đợi sẽ tìm cách sửa đổi điều lệ đảng để bao gồm “Tư tưởng Tập Cận Bình” hay là “chủ thuyết,” một vinh dự mà cho đến nay mới chỉ dành cho ông Đặng Tiểu Bình và ông Mao Trạch Dân. Tiến Sĩ Christopher Johnson của trung tâm nghiên cứu Center for Strategic and International Studies ở Washington, DC thì nhận xét: “Nếu ông Tập đưa được tên ông vào điều lệ đảng thì có thể lúc đó không quan trọng lắm là ai vào được Thường Vụ Bộ Chính Trị, bởi vì lúc đó, chống lại ông sẽ có nhiều nguy hiểm hơn.”

Cũng như vào năm 2013, khi đảng đưa một khuôn mẫu cải tổ ngược đời, hôm Thứ Tư, ông Tập nhấn mạnh đến sự quan trọng của các cơ chế thị trường và một khu vực quốc doanh hùng mạnh trong khi hứa hẹn với các công ty ngoại quốc một bầu không khí ngày càng mở cửa hơn và công bằng hơn.

Nhưng sự thất bại của chính quyền ông Tập trong việc thực hiện nhiều những cải tổ khó khăn về kinh tế và tài chánh hứa hẹn cách đây bốn năm, cùng với những việc ông liên tiếp nhắc nhở đảng là “nòng cốt của quốc gia,” cho thấy những đòi hỏi chính trị thắng cải tổ kinh tế.

Giáo Sư Tony Saich, chuyên gia về Trung Quốc của đại học Harvard University, giải thích: “Tôi không chờ đợi thay đổi kịch tính ở đại hội này. Có một cái đà giới hạn về những cải tổ quan yếu được đề ra năm 2013, mà phần lớn thất bại vì sự chống cự của những nhóm đặc quyền trong đảng.”

Nhưng Giáo Sư Saich cũng nhắc là những cuộc điều đình về mọi sự từ một hàng lãnh đạo mới đến thay đổi điều lệ đảng có lẽ đang còn tiếp tục. Và “mặc dầu có những chuẩn bị tỉ mỉ, nhiều chuyện có thể quyết định vào giây phút chót.”

-------------------------------


19/10/2017
19/10/2017
19/10/2017









No comments:

Post a Comment

View My Stats