Thursday 30 April 2015

30 Tháng Tư với Mỹ và Trung Cộng (Ngô Nhân Dụng)





Ngô Nhân Dụng
Tuesday, April 28, 2015 4:44:32 PM 

Ngày 30 Tháng Tư năm 1975 chấm dứt “Cuộc Chiến tranh Quốc-Cộng” tại Việt Nam. Tranh chấp Quốc-Cộng đã bắt đầu từ hơn 50 năm trước, khi phong trào tranh đấu chống Pháp của dân ta đang bùng lên. Năm 1925, người Cộng Sản bắt đầu tuyên truyền chủ nghĩa của họ vào nước ta. Mục đích họ nói rõ là muốn đưa dân Việt Nam gia nhập cuộc cách mạng thế giới của Ðệ Tam Quốc Tế do Liên Xô cầm đầu. Vì nặng lòng yêu nước, đại đa số người Việt không chấp nhận cộng sản quốc tế vì họ muốn xóa bỏ biên giới giữa các quốc gia. Năm 1945 cuộc tranh chấp Quốc-Cộng lên cao, đảng Cộng Sản chiếm quyền lãnh đạo gạt phe quốc gia ra ngoài việc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, phe quốc gia có cơ hội nắm quyền ở miền Nam, nhưng sau cùng khi chiến tranh chấm dứt đảng Cộng Sản là “bên thắng cuộc.”

Nhưng chiến tranh Việt Nam chỉ là một bộ phận trong cuộc tranh chấp giữa hai khối tư bản và cộng sản trên thế giới. Ngày 30 Tháng Tư năm 1975 không chấm dứt mối tranh chấp toàn cầu này mà chỉ đánh dấu một ngả rẽ trong cuộc tranh hùng; trước khi chiến tranh lạnh tự động chấm dứt năm 1989 vì khối Cộng Sản tan rã.

Sau năm 1945, các chính phủ Mỹ coi mối đe dọa lớn nhất đối với nước họ là Nga Xô mà địa bàn chính họ phải đối đầu là Châu Âu. Họ cần giúp chính phủ các nước Tây Âu trong khi Nga Xô đang dần dần đem các nước Ðông Âu vào cùng một khối. Liên Xô có thể khuynh đảo cả các nước như Pháp, Ý, Hy Lạp, sau khi đã chiếm gần một nửa nước Ðức. Ðối với Châu Á, người Mỹ vẫn nghĩ rằng Trung Cộng là một bộ phận do Nga Xô kiểm soát chặt chẽ. Trong khung cảnh đó, sau năm 1949, nước Việt Nam ở rất xa chỉ đáng chú ý vì mảnh đất này có thể là một nút chặn cuộc bành trướng của khối Cộng Sản xuống vùng Ðông Nam Á.

Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, nước Mỹ đi khỏi theo một chính sách đã được thông báo cho Nga Xô biết trước đó bảy năm. Năm 1968, trong khi đang tranh cử tổng thống, ông Richard Nixon đã sai Henry Kissinger đến gặp riêng đại sứ Nga tại Washington là Anatoly Dobrynin, một người làm việc trong Sứ Quán Nga ở Mỹ từ năm 1944, rồi giữ chức đại sứ qua sáu đời tổng thống Mỹ, đến năm 1986 mới thôi. Kissinger báo cho Dobrynin biết ông Nixon chủ trương sẽ rút quân Mỹ khỏi Việt Nam, rồi sau đó miền Nam Việt Nam theo chế độ nào cũng được, ông Dobrynin thuật lại trong hồi ký. Ngày 9 Tháng Giêng năm 1971, Kissinger gặp Dobrynin, cho biết chính phủ Nixon không đòi quân Bắc Việt phải rút khỏi miền Nam để đánh đổi việc Mỹ rút quân, và tương lai chính trị miền Nam “không còn là mối quan tâm của nước Mỹ, mà đó là vấn đề của người Việt Nam với nhau nếu sau khi Mỹ rút quân họ lại đánh nhau thêm.” (Then “it will no longer be [the Americans'] concern, but that of the Vietnamese themselves if some time after the U.S. troop withdrawal they start fighting with each other again.” (Trích National Security Archive, Soviet-American Relations: the Détente Years, 1969-1972, Documents 109 and 110).

Năm 1971 cũng là bước ngoặt trong chính sách ngoại giao của Mỹ ở vùng Ðông Nam Á. Trước đó, Mỹ nhìn Nga Xô và Trung Cộng như một khối thuần nhất. Cuộc chiến bên bờ Hắc Long Giang ở biên giới cho thấy tình trạng đã thay đổi, nước Mỹ có thể lợi dụng hai nước cộng sản lớn chống nhau mà thay đổi chiến lược toàn cầu. Sau đó, Nixon gặp Mao, như chúng ta đã biết. Trung Cộng đã hòa hoãn với Mỹ trong khi vẫn chống Nga; bỏ Việt Nam nhưng Mỹ vẫn đứng vai bá chủ trong phần còn lại ở Á Ðông, đặc biệt là miền Ðông Nam Á.
Cuộc chiến tranh Việt Nam đã thay đổi đến vận mệnh tất cả các nước Ðông Nam Á. Ông Lý Quang Diệu viết trong cuốn “From Third World to First - The Singapore Story 1965-2000” rằng, “Năm 1965, khi quân đội Mỹ đổ vào miền Nam Việt Nam ào ạt thì bên trong Thái Lan, Mã Lai Á và Phi Luật Tân đang bị đe dọa bởi các nhóm Cộng Sản võ trang nổi dậy. Trong khi các cơ sở bí mật của cộng sản vẫn hoạt động tại Singapore. Hoa Kỳ vào Việt Nam đã giúp các nước không cộng sản tại Ðông Nam Á có cơ hội chấn chỉnh nội bộ. Ðến năm 1975 thì tình hình các xứ này đã khả quan hơn, nên họ có sức đương cự Cộng Sản.” Ông Lý Quang Diệu công nhận: “Các nền kinh tế thị trường mới phát triển của khối ASEAN đã được nuôi nấng trong những năm chiến tranh Việt Nam.”

Ông Lý Quang Diệu mô tả thành tựu của các nước Ðông Nam Á vào năm 1975 như là một chiến thắng, một chiến thắng của khối tư bản, còn gọi là kinh tế thị trường. Nhờ miền Nam Việt Nam đóng vai một nút chặn làn sống đỏ, các nước Ðông Nam Á vừa có thời giờ dẹp các đạo quân phiến loạn Cộng Sản lại vừa có cơ hội phát triển kinh tế theo lối các nước tư bản trong hơn 20 năm. Khi kinh tế đã cất cánh thì những lời tuyên truyền mê hoặc về cách mạng vô sản thành nhạt nhẽo, vô duyên. Nhất là khi mọi người đã nhìn thấy xứ Trung Hoa ngày càng nghèo đói, dân không đủ ăn lại hỗn loạn vì “cách mạng văn hóa.”

Trên toàn cõi Á Ðông và vùng Ðông Nam Á, từ năm 1950 đến 1975, nước Mỹ đã đóng vai cảnh sát, ngăn không cho các đạo quân sách động của Cộng Sản bành trướng. Nhờ núp bóng cái dù Mỹ che chở, thế các nước trong vùng được bình an, lo gia tăng sản xuất, trao đổi, thành lập các định chế kinh tế và chính trị có khả năng đứng vững lâu dài. Nếu không nhờ người Việt Nam cầm cự trong cuộc chiến này thì Ðông Nam Á không được hưởng nền Pax Americana đó.

Ba năm sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975 đến lượt Trung Cộng rút kinh nghiệm, học tập bài bản phát triển kinh tế của Nhật Bản, Nam Hàn, Ðài Loan, và các nước Ðông Nam Á. Ðặng Tiểu Bình được phục chức để dần dần thay đổi toàn diện các chính sách của Mao Trạch Ðông, mở cửa nước Tàu và cho phép dân được bắt đầu làm ăn tự do, từng bước một. Kinh tế Trung Hoa phát triển mạnh nhờ mô phỏng kinh tế tư bản thời hoang dã. Công việc phát triển này diễn ra nhờ nước Mỹ trong thời gian đó vẫn đóng vai cảnh sát bảo vệ trật tự và hòa bình cho cả vùng.

Nhưng dù Mao hay Ðặng, các hoàng đế đỏ trong Trung Nam Hải vẫn cùng theo một chính sách ngoại giao; mục tiêu là bành trướng thế lực Trung Cộng trên toàn thể Châu Á và vùng phía Tây Thái Bình Dương. Năm 1953, Trung Cộng đã buộc Việt Cộng phải mở rộng chiến tranh sang các nước Lào và Campuchia, đặt nền tảng cho việc bành trướng trong vùng Ðông Dương. Năm 1954 Trung Cộng bắt Việt Cộng phải ngưng bắn dù đang trên thế mạnh, vì sợ phải trực tiếp đụng đầu với Mỹ lần nữa, sau trận chiến tranh Cao Ly chết hàng triệu Hồng quân mà không chiếm được mảnh đất nào của Nam Hàn. Trung Cộng xúi giục Việt Cộng tấn công miền Nam để lấy đó làm “hàng mẫu” có thể xuất cảng sang các nước Á châu, Phi châu và châu Mỹ La Tinh, gây một phong trào “Chiến tranh giải phóng Made In China.” Vào năm 1965, trên thế giới có tới gần một trăm “Mặt Trận Giải Phóng” theo tư tưởng chiến lược “Nông thôn bao vây thành thị” của Mao Trạch Ðông. Nông thôn là các nước nghèo, thành thị là các nước Âu, Mỹ.

Trong chiến lược toàn cầu của Trung Cộng, Việt Cộng được coi là đạo quân tiền phong, vừa đóng vai tuyên truyền sách động, vừa đổ máu để buộc chân “đế quốc Mỹ” sa lầy vào một cuộc chiến không bao giờ chấm dứt vì chính phủ Mỹ đã ngầm thỏa thuận với Trung Cộng là không tấn công ra miền Bắc Việt Nam. Trong lịch sử, Mỹ chưa bao giờ tham dự một cuộc chiến tranh nào dài quá năm năm. Khi Mỹ mỏi mệt muốn rút lui, Trung Cộng được hưởng lợi. Chu Ân Lai được lịch sử Trung Hoa ghi công vì biết khai thác cơ hội chiến tranh Việt Nam để chiếm các quần đảo ngoài khơi Biển Ðông nước ta. Từ đó họ có thể tạo áp lực trên toàn vùng Ðông Nam Á và giành ảnh hưởng với Mỹ. Năm 1973, Chu Ân Lai đã chuẩn bị kế hoạch chiếm quần đảo Hoàng Sa sau khi Mỹ ký Hiệp Ðịnh Paris, đầu năm 1974 thì kế hoạch được thi hành.

Bốn mươi năm sau ngày ngày 30 Tháng Tư năm 1975, bàn cờ vùng Ðông Nam Á và Á Ðông lại thay đổi. Trung Cộng và Mỹ vẫn cộng tác với nhau trong việc giao thương, một bên xuất cảng hàng để dân có công việc làm, một bên được vay tiền với lãi suất thấp để tiêu thụ hàng rẻ tiền. Nhưng từ ba năm qua, chính sách Mỹ chuyển trục về Châu Á đã đưa hai nước đến thế đối đầu ngày càng rõ rệt hơn. Trung Cộng đang thành lập các liên minh kinh tế, với dự án Ðường Tơ Lụa Mới, Vòng Ðai Ðường Tơ Lụa Trên Biển, và Ngân Hàng Phát Triển Hạ Tầng Cơ Sở. Mỹ tái xác nhận các minh ước quân sự với Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Úc, với cả Singapore và Indonesia; đồng thời tổ chức thêm liên minh kinh tế qua tổ chức Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), không mời Trung Cộng tham dự.

Ðây là cơ hội cho nước Việt Nam cũng chuyển trục. Thay vì lệ thuộc vào một nước đã từng xâm chiếm và đô hộ nước mình cả ngàn năm, người Việt Nam phải tạo thế cân bằng giữa các thế lực quốc tế.

Một bức thư của hơn 40 nhà trí thức và đảng viên Cộng Sản đã khuyến cáo Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng, trong chuyến công du sắp tới hãy cố gắng để Việt Nam được gia nhập TPP. Họ viết: “TPP là lời tuyên bố tuyệt đối cam kết chiến lược của Hoa Kỳ về sự hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lâu dài, điều này có ý nghĩa thúc đẩy rất lớn với Việt Nam, đất nước đang cần bước đột phá để bứt lên. Chẳng những thế, TPP là một cách thức để bảo đảm rằng Hoa Kỳ không đơn giản nhường lại quyền đặt ra quy tắc cho Trung Quốc” như tuyên bố của Tổng Thống Barack Obama trong phát biểu thường niên trước Quốc hội Hoa Kỳ vào Tháng Giêng 2014.”

Vào Tháng Tư năm 1975, không ai có thể tưởng tượng có đảng viên Cộng Sản nào lại dám viết những lời “thân Mỹ” như thế.

Nếu năm 1975, Việt Cộng tôn trọng Hiệp Ðịnh Paris, không tấn công xâm chiếm, miền Nam được sống bình an, thì miền Bắc cũng có hy vọng. Hai cuộc chiến tranh Campuchia và chiến tranh biên giới có thể không xảy ra. Việt Cộng có thể bắt chước Trung Cộng từ năm 1979 thay đổi kinh tế, lại có thể yêu cầu Mỹ thi hành hiệp định viện trợ bốn tỷ đô la. Bốn tỷ đô la thời đó có giá trị gấp mười tính theo đô la năm 2015. Miền Nam được hòa bình, không bị đánh tư sản, không đi kinh tế mới, bao nhiêu con người có khả năng và can đảm không bị nhốt tù cải tạo, không phải vượt biển tìm tự do và chết trên biển cả, thì ngày nay cũng có thể giàu mạnh như Ðài Loan, Nam Hàn.

Nhìn lại sau 40 năm, trong cuộc chiến tranh chấm dứt ngày 30 Tháng Tư 1975 nước Việt Nam chịu mọi điều thiệt hại và khổ đau. Mỹ đạt được mục tiêu của họ là bảo vệ cho vùng Ðông Nam Á phát triển. Trung Cộng cũng đạt được mục tiêu liên kết với Mỹ và bành trướng trong Biển Ðông. Cộng Sản Việt Nam đã làm hại dân tộc vì tôn thờ Mao Trạch Ðông, làm theo Trung Cộng suốt trong lịch sử đảng. Ngày nay muốn quay đầu về phía Mỹ, nhưng phải biết chỉ có dân Việt Nam đang cần nhờ Mỹ tạo thế cân bằng với Trung Cộng. Còn đối với nước Mỹ thì có hay không có Việt Nam cũng không quan trọng lắm trên bàn cờ cả Châu Á và Thái Bình Dương.






30 tháng Tư, nhìn lại thế giới năm 1975 (Hà Tường Cát / Người Việt)





30 tháng Tư, nhìn lại thế giới năm 1975
Hà Tường Cát / Người Việt
Monday, April 27, 2015 5:14:09 PM

Biến cố 30 tháng 4, dù được gọi tên hay diễn tả thế nào (Tháng 4 Đen, Đại Thắng Mùa Xuân, Quốc Hận, Giải phóng, hay Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Fall of Saigon …)  thì vẫn là trọng tâm thu hút tất cả mọi sự quan tâm của dân Việt Nam. Vào thời điểm ấy, và ngay cả đến 40 năm sau, mọi người hầu như quên coi như không có những gì xảy ra trên thế giới năm 1975, bên ngoài Sài Gòn và miền Nam Việt Nam.

Nhưng thời gian không ngừng lại ở đó và trong bối cảnh chung của toàn thế giới, sự kiện 30 tháng Tư không phải là một chuyển biến tự nhiên đột ngột, chỉ là hậu quả của một chuỗi những diến tiến trong thế trận địa lý - chính trị thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.

Tuy hãy còn trong giai đoạn cao điểm cho tới gần hai chục năm sau, Chiến Tranh Lạnh lúc ấy không có nguy cơ trở thành nóng. Cả hai bên đối phương đều hiểu nếu xảy ra một cuộc đại chiến, sẽ không tránh khỏi phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân với thảm họa khó lường, và chắc rằng không có kẻ thắng người bại.

Từ thập niên 1960, các nước có vũ khí nguyên tử đã đi đến chỗ mặc nhiên thừa nhận rằng vũ khí hạt nhân chỉ nên là một phương tiện răn đe chứ không phải để chiến tranh. Những nỗ lực thương lượng để giảm thiểu tình trạng căng thẳng đạt kết quả đầu tiên bằng hiệp ước được goi là LTBT hay PTBT, giới hạn thử nghiệm nguyên tử, ngoại trừ thử nghiệm dưới lòng đất, ký kết tại Moscow giữa ba ngoại trưởng Nga Andrei Gromyko, Anh  Alec Douglas-Home, và Mỹ Dean Rusk. Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn hiệp định vào ngày 7 tháng 10, 1963, trong một buổi lễ tại tòa Bạch Ốc, Tổng Thống John Kennedy ký ban hành thành luật. Sau đó các nước đạt được thỏa ước đình chỉ toàn diện thí nghiệm nguyên tử, CTBT (Comprehensive Nuclear-Test-Ban Treaty), được Liên Hiệp Quốc chấp nhận, và những cố gắng tiến tới đàm phán về hạn chế phát triển vũ khí nguyên tử.

Vào thời điểm này Hoa Kỳ khởi đầu sự can dự trực tiếp vào Đông Dương bằng những hoạt động của CIA, được gọi là cuộc chiến tranh bí mật ở Lào và Bắc Việt, đồng thời với việc gia tăng viện trợ vũ khí và đưa cố vấn quân sự đến Miền Nam. Hai khối Cộng Sản và Thế Giới Tự Do thừa nhận sự đương đầu bằng những can thiệp có giới hạn trong phạm vi khu vực, được ngầm hiểu là không đưa đến chiến tranh toàn cầu.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã tính toán như thế nào khi đưa nửa triệu quân đến Việt Nam là điều khó có thể biết chắc chắn. Những giải thích gì cũng đều mang tính chủ quan, có những điểm chính xác và không thể chính xác. Vì vậy cố gắng đi tìm một kết luận sẽ là vô ích, còn rút ra kinh nghiệm là thuộc về phần nhận định riêng của từng người.

Có thể các nhà hoạch định chiến lược Mỹ theo đường hướng của lý thuyết gia chiến tranh nổi tiếng người Đức Carl von Clausewitz (1780-1831). Hoa Kỳ “dùng  vũ lực để buộc Bắc Việt  tuân theo ý muốn của mình” là để cho Miền Nam có hòa bình, nhưng coi “chiến tranh chỉ là sự tiếp nối của chính trị bằng phương cách khác.” Hai chủ trương này thể hiện qua việc Hoa Kỳ đưa quân vào Việt Nam nhưng không tấn công qua vĩ tuyến 17 và oanh tạc Bắc Việt dù rất mạnh mẽ nhưng chỉ nhắm vào những mục tiêu giao thông vận tải chứ không phải cơ sở kỹ nghệ hay căn cứ quân sự. Người ta cho rằng lo ngại tạo nên điều kiện xung đột trực tiếp với Trung Quốc là lý do của sự hạn chế, và thi hành  điều này máy bay Mỹ tránh các mục tiêu gần biên giới.

Chiến lược ngăn chặn các phương tiện tiếp liệu vào miền Nam, ở Miền Bắc  hay trên đất Lào, không đạt hiệu quả và đến năm 1968 Hoa Kỳ tìm cách thương lượng với hy vọng những áp lực trong ba năm sẽ khiến Bắc Việt có thể lui bước. Nhưng Bắc Việt không từ bỏ quyết tâm, tìm cách kéo dài cuộc đàm phán làm điều kiện chiến tranh tâm lý và ngoại giao quốc tế và áp lực với dân chúng Mỹ.

Năm 1972, khai thác được bất hòa giữa Liên Xô và Trung Quốc, đã từng có lúc xảy ra xung đột võ trang tại biên giới, Hoa Kỳ quyết định giải quyết hẳn cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Lúc đó chiến lược domino từ gần 30 năm về một vòng rào ngăn chặn sự bành trướng của đế quốc Đỏ, cũng dần dần không còn là cần thiết và hữu lý nữa.

Trong khi đó thì Hoa Kỳ có nhu cầu chấn chỉnh nội bộ và giành lại thế chủ động trong nhiều vấn đề chính trị khác trên toàn thế giới. Những cố gắng rút chân ra khỏi chỗ sa lầy ở Đông Dương được thi hành bằng nhiều phương cách, cho đến cuối cùng là hành động buông thả hoàn toàn năm 1975.

Lịch sử vẫn có những bất ngờ không thể dự đoán. Nếu Tổng Thống Richard Nixon không vướng mắc vào vụ tai tiếng Watergate và phải từ chức ngày 9 tháng Sáu, 1974, tình thế có lẽ không biến chuyển nhanh như vậy ở Việt Nam.

Mặc dầu triệt thoái quân đội, chính quyền Nixon vẫn còn những cam kết  và tiếp tục viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa sau hiệp định đình chiến ký kết tại Paris ngày 27 tháng Giêng, 1973. Tổng Thống Gerald Ford kế vị  không còn ý chí để đối phó với những khó khăn nếu tiếp tục dính dáng vào những vấn đề dang dở, và cũng không được Quốc Hội dành cho thẩm quyền can thiệp vào Đông Dương. Ông không thể có quyết định gì khác hơn là cho lệnh tiến hành chiến dịch di tản mang tên Operation Frequent Wind bắt đầu từ cuối tháng 3.

Hai màn đầu của chiến dịch, di tản từ Tân Sơn Nhất bằng máy bay dân sự thuê bao và máy bay vận tải quân sự, gặp trở ngại sau tai nạn C-5 Galaxy ngày 4 tháng Tư. Chiếc máy bay chở 250 trẻ cô nhi ra tới biển phải quay lại vì trục trặc hệ thống khí áp và rớt gần cầu Bình Lợi khi sắp đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt làm 153 người chết. Các máy bay C-5 không được phép tiếp tục cuộc không vận. Trong ba tuần lễ cuộc không vận đưa đi được 50,000 người.

Màn thứ ba của chiến dịch với dự tính di tản bằng tàu từ cảng Sài Gòn không thi hành được vì không đủ an ninh do tình thế chuyển biến quá nhanh. Hai ngày cuối cùng, 29 và 30 tháng Tư, trong màn 4 của chiến dịch, hơn 7,000 người được di tản bằng trực thăng ra các chiến hạm thuộc Hạm Đội 7 ngoài khơi Vũng Tàu. Tổng Thống Gerald Ford gọi  chiến tranh Việt Nam là “một giai đoạn buồn thảm và bi đát của lịch sử Mỹ.”

Năm 1975 nằm giữa thời kỳ của cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới khởi đầu từ 1970 và 1973 gây nhiều ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu nhất là Hoa Kỳ và các quốc gia phát triển kỹ nghệ. Đầu năm 1975, Ngoại Trưởng Henry Kissinger đã lên tiếng cảnh cáo “Hoa Kỳ sẽ dùng biện pháp quân sự với một  quốc gia sản xuất dầu lửa nào nếu tìm cách bóp nghẹt cung cấp tới các quốc gia kỹ nghệ.”

Trong những năm đầu 1970,  Trung Đông vẫn là vùng đất thường xuyên xảy ra những cuộc khủng hoảng gây khó khăn lớn cho Hoa Kỳ trong lúc còn vướng mắc ở chiến tranh Việt Nam, giữa tình hình Liên Xô tiếp tục tạo thế lực bằng sự phát triển quan hệ và gia tăng viện trợ quân sự cho nhiều nước từ Ai Cập đến Iraq, Syria. Nhiều cuộc chiến tranh nổi dậy khác xảy ra ở những nước Phi Châu và Nam Mỹ được sự hỗ trợ của Liên Xô.

Sự rút bỏ hoàn toàn khỏi Việt Nam là cần thiết để Hoa Kỳ chủ động đương đầu với tình thế và có thể cho là bằng khả năng này, 15 năm sau Hoa Kỳ đã ở vị trí thắng lợi trong sự kết thúc cuộc Chiến Tranh Lạnh. Cuối cùng thì thực tế cuộc chiến “ai thắng ai” không phải bằng sức mạnh quân sự mà ở chỗ thất bại của chính sách kinh tế hoạch định trước thành công của đường lối kinh tế thị trường. 

Cũng nên nhắc lại ở đây một vài sự kiện ngoài Việt Nam trong năm 1975 vì chắc chắn rằng rất ít ai biết hay chú ý tới.

1975 là khởi đầu Năm Phụ Nữ Thế Giới. Ngày 6 tháng 1, NBC-tv mở đầu “Wheel Of Fortune,” chương trình ngày nay hãy còn quen thuộc ở nhiều đài truyền hình trên thế giới. Bill Gates và Paul Allen lập công ty Microsoft, đóng góp quan trọng trong bước đầu của cuộc cách mạng kỹ thuật tin học. Bà Margaret Thatcher được bầu làm chủ tịch đảng Bảo Thủ và 4 năm sau thành nữ Thủ Tướng đầu tiên của nước Anh. Không thể kể hết nhiều sự kiện khác nữa trong thời sự năm 1975 bởi vì trên bước tiến đến tương lai, thế giới chẳng  bao giờ dứt chuyện phức tạp.

Tranh luận về quá khứ, dù là 40 năm hay nhiều năm nữa, cũng sẽ chưa chấm dứt. Lịch sử không thiếu những chuyện đáng buồn giữa thực tế đã xảy ra với nhiều hậu quả đáng tiếc kế tiếp, thay vì một kết cục tốt đẹp hơn.

Nỗi hoài nghi của văn hào Nguyễn Du, “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như,” là chắc chắn đúng, vì thời gian làm phai nhòa dần tất cả mọi chuyện và người ta sẽ không còn nhớ đến các tình tiết của nó. Nhưng chắc chắn chuyện Kiều mãi mãi là tác phẩm lớn của dân tộc Việt. Còn trong lịch sử nhân loại, sai hay đúng mọi chế độ chính trị đều sẽ qua đi. Tuy vậy, vĩnh viễn người ta sẽ ghi nhớ rằng 1975 là khởi điểm bành trướng của dân tộc Việt Nam đến khắp mọi miền đất trên địa cầu này. Những thế hệ tương lai, trong hay ngoài nước, hy vọng sẽ xây dựng được vận mạng của họ sáng lạn hơn dù không thể biết hết là 1975 ra sao. (HC)






Bernauer str. [Đường Bernauer] - (Người Buôn Gió)





Thứ Tư, ngày 29 tháng 4 năm 2015

Ngôi nhà mình đang ở nằm cách bức tường Berlin không xa, đi bộ mươi phút là đến. Nơi mình ở là phía Tây bức tường. Bức tường giờ đã phá bỏ, người ta dựng  một số cọc sắt tượng trưng thành bức tường, dài khoảng vài chục mét.

Hầu như ngày nào cũng có du khách đến đây xem lại di tích này, nhất là những ngày nắng đẹp.

Ở đây hầu như  không ghi về những chiến công, tấm hình tương trưng lớn nhất là tấm hình người lính Đông Đức vừa nhảy qua hàng rào khi bức tường chuẩn bị xây, vừa nhảy vừa tháo súng ném lại.

Chỉ có một vài tấm bia khắc tên của những người vượt tường bị lính Đông Đức bắn chết. Những tấm bia giản dị, không nổi bật. Phải chú ý mới nhìn thấy. , Tấm bia có thể là hòn đá màu sắc khiêm tốn hoặc những tấm sắt lát lẫn trên hè đường. Dường như người Đức cố gắng không phô ra những đau thương do người lính Đông Đức cũ gây ra.

Có một quán cà phê bài trí những đồ vật cũ, rất đông du khách dừng chân lại xem.

Con phố của một thời lịch sử ảm đạm và thậm chí đẫm máu giờ đây yên bình như thế này, không có tượng đài hay phù điêu gì quá huy hoàng tốn kém để tưởng niệm. Bên thắng cuộc dường như phải cân nhắc thật tinh tế để làm sao những thứ tưởng niệm vừa đủ, không để quên lãng nhưng cũng không để gây lại vết thương lòng cho ai, cũng không để hận thù có cơ hội trỗi dậy.

Bernauer str yên bình trong nắng ấm, nếu không có người hướng dẫn. Có khi bạn chẳng biết đây là nơi xưa kia bức tường nổi tiếng. Bức tường được xây bằng ý chí của người cộng sản. Trước khi bức tường được xây một tuần, vị tổng bí thư Đông Đức đã thề thốt - không thể xây bức tường như vậy giữa thủ đô. Chỉ vài ngay sau vật liệu đổ đến ầm ầm, bức tường được hoàn thành nhanh chóng.

Vị tổng bí thư cuối cùng của ĐCS Đông Đức tuyên bố bức tường sẽ còn tồn tại trăm năm nữa, chỉ sau đó cũng tuần thì người dân phá bỏ nó. Có lẽ ông tự tin chứ không chủ ý gian dối như vị TBT đâu tiên cho xây bức tường.

Lúc đầu tôi cứ nghĩ người Đức tình cờ cho tôi ở gần bức tường, khi tôi nhìn lại Weimar nơi hẻo lánh mình đã đến đầu tiên. Đôi khi tôi thầm trách sao họ để mình ở nơi vắng vẻ như vậy. Sau này tôi mới biết Weimar đã từng là một nhà nước cộng hoà sớm nhất châu Âu. Có lẽ người Đức muốn cho tôi tự hiểu, con đường đi đến một nước Đức thống nhất , văn minh, nhân ái như ngày nay không dễ dàng gì. Lẽ ra tôi còn phải ở Nủrnberg một năm, nhưng tôi xin không chuyển, sau tôi cũng biết đó là nơi thủ phủ của chủ nghĩa phát xít Đức.

 Ngày nay Đức là một nước nhân đạo, pháp luật của Đức nghiêm minh. Nhưng sự nhân đạo của nó thì khó nơi nào bằng. Không cần nói đâu xa, chỉ cần nói đến những người Việt ngày nay trốn vào nước Đức bằng con đường rừng băng qua từ Lát Vi A hay Ucraina. Chẳng ai trong số họ chết vì đói hay bênh tật khi đặt chân đến Đức, chỉ cần có một đứa con với người đàn ông nào đó  đang sống hợp pháp tại Đức. Người phụ nữ Việt Nam băng rừng kia sẽ được ở lại lâu dài, và khi cô ta ở lại được lâu dài, người đàn ông Việt Nam băng rừng không có giấy tờ nhưng là bố đứa trẻ thứ hai của cô ta., anh ta cũng được ở.

Trẻ sơ sinh Việt Nam đầy rẫy ở Berlin, mỗi ngày chủ nhật nếu bạn đến khu chợ Đồng Xuân sẽ thấy khối bà mẹ người Việt trẻ tay bồng một đứa, tay đẩy một dứa nằm xe. Những đứa con là những tờ giấy bảo đảm giá trị thời gian ở lại lâu dài của bố mẹ chúng. Bất kỳ đứa trẻ nào đi học ở Đức này đều không phải đóng học phí hoặc tiền xây dựng nhà trường, tiền sắm công cụ giảng dạy, tiền điều hoà rồi điện điều hoà, tiền máy tính giảng dạy cho giáo viên.....

Vào ngày 27 tháng 12 năm 2014, Tí Hớn đặt chân đến nước Đức theo diện ăn theo học bổng của bố. Nhiều người bạn khuyên tôi làm đơn xin tiền hỗ trợ nuôi trẻ em. Tôi lần chần mãi, vì thực sự số tiền học bổng trong đó đã bao đủ mức sống cho gia đình. Đi xin chắc gì đã đượ. Mãi đến tháng 3 anh bạn tôi sau nhiều lần hối thúc, anh đến nhà dẫn tôi đi làm thủ tục. Ở cái phòng vào làm thủ tục xin tiền hỗ trợ, người ta có tấm biển. Anh bạn dịch rằng, đó là vì tế nhị, nên người ta có tấm biển này, nội dung nó như kiểu ai biết người đấy, không nên để ý việc người khác ở đây. Tôi hỏi sao lại có tấm biển kỳ quặc vậy, anh bạn bảo vì khi vào hỏi xin trợ cấp người ta sẽ hỏi những câu riêng tư, như vợ chồng có ở với nhau không, đến đây thế nào, sinh con ở đâu...đại khái là chuyện riêng tư nên họ nhắc nhở thế.

 Tí Hớn nhận được tiền trợ cấp 200 e một tháng, bắt đầu từ tháng 12 năm 2014. Chẳng phải là khi bố nó làm giấy xin tiền hỗ trợ. Thế đấy, chỉ có 3 ngày mà được luôn cả một tháng. Giờ thì nó có thể đòi bố mẹ phải mua cho nó những gì mà nó cần thiết, như giày dùng trong giờ thể thao, túi đựng quần áo thể thao, , quần áo để đi học bơi, tiền để đi picnich với nhà trường. Nếu bố mẹ không mua cho nó những thứ ấy, cô giáo sẽ gửi ý kiến đến một cơ quan. Cái cơ quan ấy sẽ lập tức đến nhà tra hỏi là tiền hỗ trợ của nhà nước  cho trẻ con dùng vào việc gì mà không mua cho nó. Nếu lần thứ hai, thứ ba mà vẫn vậy. Cơ quan ấy sẽ đến đưa thằng bé đến nơi nhà nước chăm lo đầy đủ.

Cái thiện ở Đức không cần phải nhìn xa, nhìn bản thân mình và đồng bào mình ở đây được đối xử thế nào sẽ rõ. Ngay cả những tên bồi bút cho chế độ độc tài Việt Nam cũng không dám phản đối lại điều ấy, bản thân chúng ngày đêm vẫn bám ở đây, hưởng chế độ tốt đẹp và nhân đạo ở đây cùng con cái chúng. Chỉ vì chút danh phù phiếm cuối đời mà chúng đang tâm đi làm bồi bút để bóp méo sự thật. Nhưng dù sao chúng cũng không bao giờ dám phản bác hay chỉ trích. Bởi nếu nước Đức không tốt, hẳn chúng đã không để cho con cháu chúng ở đây từ lâu rồi.

Sau thế chiến thứ hai, nước Đức tan hoang và chia cắt. Phần Tây Đức vừa gồng mình tái thiết lại đất nước, xây dựng lại những công trình lịch sử bị tàn phá, xây dưng lại nền kinh tế công nghiệp và tiền bồi thường chiến tranh...làm để sống và để trả nợ. Phần bên Đông Đức là tiền đồn của CNCS mà bá quyền Nga thao túng lũng đoạn. Cuối cùng thì cũng đến ngày thống nhất, những người dân Đông Đức được sống ở thể chế Tây Đức.

Nước Đức đã trải qua nhiều đau thương, chính nó khởi nguồn cho cuộc chiến tàn khốc, cũng chính nó gây tội ác diệt chủng, chính nó cũng chịu hậu quả chết chóc, hoang tàn, chia cắt. Nhưng cuối cùng thì hoa vẫn nở trên đường Bernauer. Nước Đức lại là cường quốc,  nước Đức lại bao dung và thương mến nhân loại.

 Sở dĩ nước Đức ngày nay như vậy chỉ đơn giản một điều

Chính thắng Tà.

Và vì thế cái Thiện lên ngôi.


Top of Form
Bottom of Form
Được đăng bởi Thanhhieu Hieubui vào lúc 09:11 








View My Stats