Tuesday 29 January 2013

BÁO NGƯỜI VIỆT ĐỐI VỚI CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT - BÀI 1 (Phạm Xuân Đài)




Phạm Xuân Ðài
Monday, January 28, 2013 1:54:38 PM

Cuộc biểu tình chống nhật báo Người Việt vào chiều ngày 19 tháng 1, 2013 vừa rồi đã được hoạch định trước ít nhất vài ba tuần trong một buổi họp của những người thấy rằng phổ biến cuốn sách Bên Thắng Cuộc (cuốn I, Giải Phóng) của Huy Ðức là một hành động tiếp tay để tuyên truyền những điều có lợi cho cộng sản (1). Một quyết định cụ thể, có đối tượng, có nội dung rõ rệt. Quyết định ấy hẳn nhiên bắt nguồn từ nội dung cuốn sách, tất cả vấn đề nằm trong những gì đã được tác giả Huy Ðức viết trong cuốn sách. Không vì nội dung đó thì thiết tưởng chẳng ai đặt vấn đề chống việc phổ biến làm gì.

Báo Người Việt đã trải qua 35 năm phục vụ cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. (Hình: Uyên Nguyên/NV)

Và để đi đến một quyết định như thế, đương nhiên các đương sự chủ trương cuộc biểu tình đã phải đọc kỹ cuốn sách, thấy rõ các tác hại của nó cho đồng bào trong cộng đồng.

Nhưng một ngạc nhiên lớn cho mọi người, là sự việc hoàn toàn ngược lại cái logic đơn giản ấy: Hầu như tất cả những người đó chẳng ai đọc sách cả. Hiện tượng có vẻ kỳ quái này khiến người ta phải suy nghĩ, vì cảm thấy có một cái gì đó rất không ổn, rất không bình thường, cần phải giải thích để hiểu rõ hơn thực chất những gì đang xảy ra quanh ta.

Muốn hiểu được một vấn đề có tính cách xã hội như thế, thiết tưởng chúng ta phải quay về tận nguồn gốc: Báo Người Việt và cộng đồng Việt Nam tại quận Cam đã cùng nhau thành hình như thế nào.

Về báo Người Việt

Trước hết, tìm hiểu về báo Người Việt, ra đời từ 1978, gắn bó với sự ra đời và trưởng thành của cộng đồng, và trong thời gian gần đây đã bị một số người biểu tình chống đối.

Người viết bài này không tham dự vào quá trình thành lập báo Người Việt, vì thời gian đó còn nằm trong trại cải tạo tuốt trên miền thượng du tỉnh Thanh Hóa. Mười ba năm sau mới được thả về, dần dần tiếp xúc lại với cuộc sống tại quê nhà và liên lạc với bạn bè bà con đang ở hải ngoại. Tại Sài Gòn tôi có một người đồng hương đi tập kết về đang làm việc trong ngành văn hóa, một hôm bỗng nói với tôi: Ở hải ngoại người Việt Nam làm rất nhiều báo, từ Mỹ đến Pháp đến Úc nơi nào cũng có báo, nhưng tờ đáng gờm nhất đối với nhà nước Việt Nam là tờ Người Việt ở California.

Tôi hỏi “đáng gờm” là sao, thì được trả lời: Vì chống cộng có trình độ nhất, và đó cũng là tờ báo lớn nhất. Nghe nói thế, tôi thấy rằng sự liên lạc của tôi với những người làm báo Người Việt phải cẩn thận hơn, nên qua các trung gian hơn là trực tiếp, dù nhóm đó toàn là bạn bè cũ thân thiết với tôi trước kia ở Sài Gòn. Khi viết xong bài “Hà Nội Trong Mắt Tôi” vào cuối năm 1989, tôi phải nhờ một Việt kiều về nước mang sang Mỹ để chuyển lại cho anh em Người Việt chứ không dám gửi bưu điện. Trước 75 tôi không nghĩ mình sẽ viết lách gì nhiều nên không bao giờ có bút hiệu, nhưng viết xong bài này và có ý định gửi ra hải ngoại, tôi phải tìm một bút hiệu, chứ ký tên thật thì tức là mình tự dọn đường cho mình vô tù trở lại.

Khi đi Mỹ theo chương trình H.O. và định cư tại Nam California, tôi mới thực sự biết rõ về tờ báo Người Việt: Ðọc kỹ nội dung của nó, gặp gỡ những người đang làm báo. Tôi được biết tờ báo đã trải qua rất nhiều khó khăn thử thách, bắt đầu làm trong garage mỗi tuần một số, rồi hai, ba số, mãi hơn mười năm sau mới phủ kín được khắp các ngày trong tuần và mới có cơ ngơi của một tòa soạn hẳn hoi. Sự thật này ngược hẳn với cái nhìn từ trong nước, nhất là của người cộng sản: Báo chí hải ngoại toàn là nhận tiền của... CIA để làm!

Trong chế độ cộng sản hoàn toàn không có báo chí tư nhân, cũng hoàn toàn không biết đến những hoạt động xã hội dân sự ngoài sự chỉ đạo của đảng, nên người ta không hình dung được cảnh một nhóm người di tản còn nghèo và đầy khó khăn lại họp nhau trong nhà xe để khai sinh ra một tờ báo! Mà ra báo để làm gì? Chỉ để cho đồng bào Việt Nam mới đến Mỹ chưa rành Anh ngữ được biết các thông tin cần thiết cho đời sống. Ðó là ý nghĩ đầu tiên để từ đó thiết lập nên báo Người Việt, mà ngay những người sáng lập thời đó cũng không ngờ sau này lại trở thành một định chế văn hóa quan trọng của cộng đồng người Việt hải ngoại.

Cha đẻ của tờ Người Việt là Ðỗ Ngọc Yến. Với tư cách là bạn của Yến từ thời còn học ở trường trung học Trương Vĩnh Ký Sài Gòn, và sau đó lớn lên còn cùng nhau hoạt động trong lãnh vực thanh niên và giáo dục, tôi có thể nói đó là một người Việt Nam ưu tú, rất ưu tú. Anh không phải là một học sinh xuất sắc trong trường lớp, nhưng có kiến thức cực kỳ rộng rãi mà không một người bạn học nào của anh có thể bằng được. Anh gia nhập Hướng Ðạo từ bé nên tâm và chí được rèn luyện hướng thiện, lúc nào cũng muốn làm việc tốt cho mọi người. Khi ra đời, anh tiếp xúc và học hỏi càng nhiều, kiến thức của anh ngày càng đa dạng, cái biết của anh rộng và sâu một cách đáng ngạc nhiên. Anh là người Công Giáo, nhưng một hôm trước một đám bạn bè thân, anh đã thuyết trình về Thiền, khúc chiết một cách hiếm có, cả đám say sưa nghe anh nói mà tưởng như đang nghe một thiền sư thuyết pháp! Anh biết rành về rất nhiều lãnh vực, đối với tôi từ thời đang hoạt động với nhau, Yến là một cuốn bách khoa tự điển.

Nhưng với cái tâm nguyện “đem lại thông tin cho đồng bào tị nạn” anh sẵn sàng chọn con đường khó mà đi. Sang Mỹ từ biến cố 1975, nếu yên phận với nghề cán sự xã hội đã tìm được trong mấy năm đầu thì anh đã có một cuộc sống yên ổn của một công chức, chẳng lừng lẫy gì nhưng bảo đảm cuộc sống bình yên cho gia đình. Quyết định làm báo là chọn một con đường chông gai, bấp bênh, phải có một cái nhìn viễn kiến và tinh thần phục vụ cao độ mới dám đầu tư cả cuộc đời còn lại ở hải ngoại cho mục tiêu này. Nhưng tinh thần và tài xoay xở không thì chưa đủ, còn phải có kiến thức về nghề báo và một quan niệm vững chắc về một tờ báo cộng đồng phải như thế nào thì mới có cơ thành công lâu dài về sau. Sau này anh tường thuật lại thời gian “khởi nghiệp” đầy khó khăn về tài chánh, anh đã kêu gọi bạn bè, đồng hương đóng góp từng chục bạc coi như là vay vốn, và khi báo khá đã hoàn lại tiền mượn, có người nhận, có người bảo để trừ vào quảng cáo trên báo. Và chính sự góp công góp của của đông người cho tờ báo, anh đã ví báo Người Việt giống với báo Le Monde bên Pháp ở chỗ cả hai đều không có một người gọi là “chủ báo” (owner) (2).

Với một khởi đầu như thế, báo Người Việt đã lớn lên theo với cộng đồng người Việt Nam tại quận Cam. Nó đã thực sự đáp ứng các nhu cầu truyền thông cho người tị nạn, với những thông tin xem ra nhỏ nhặt nhưng cần thiết của địa phương, từ việc lái xe trên freeway, việc đi mua hàng ở siêu thị cho đến cách thức đi bầu cử, hay làm giấy tờ xe cộ ở DMV, v.v... nói chung bất cứ thứ gì cần biết cho một người di dân mới đến xứ này. Nhưng không chỉ những điều cần thiết trước mắt, tờ báo cũng biết rằng người rời quê hương rất muốn biết những gì xảy ra nơi xứ sở mà mình đã rời bỏ, cố gắng tìm tòi những gì mà báo chí Hoa Kỳ và thế giới nói về Việt Nam, trong một khung cảnh truyền thông chưa có e-mail, Internet và điện thoại viễn liên thì không dám gọi vì giá quá mắc. Vậy mà tờ báo vẫn sản xuất ra những bản tin đáp ứng nhu cầu thông tin của cộng đồng, một cách chuyên nghiệp, dù dấu chữ Việt bấy giờ chưa có, phải bỏ dấu bằng tay trước khi đưa báo đi in.

Có thể nói báo Người Việt trưởng thành với sự trưởng thành của cộng đồng, hai bên đã tương tác nhau mà lớn mạnh. Và cũng giống như bao sự lớn lên khác trong thiên nhiên và xã hội, cả hai đều đã trải qua những khủng hoảng nội tại, những “cơn sốt” khi từ một trạng thái này chuyển sang một trạng thái khác cao hơn, nhưng xem ra sự gắn bó giữa Người Việt và cộng đồng vẫn chặt chẽ như ngày nào. Tất cả những hiện tượng này, chúng ta sẽ tiếp tục cuộc khảo sát trong các bài tới. (Còn tiếp)

Chú thích:

(1) Thông Báo Biểu Tình Chống Báo Người Việt ngày 19 tháng 1 năm 2013, được phổ biến ngày 6 tháng 01, 2013 có đoạn nêu lý do:
“Gần đây Báo Người Việt lại công khai thách thức Người Việt Quốc Gia khi quảng bá rầm rộ là sẽ đứng ra phát hành cuốn tự truyện của tên cán binh Việt Cộng Nguyễn Huy Ðức, bóp méo lịch sử cận đại, gọi các tướng lãnh và quân dân miền Nam là ngụy quân, ngụy quyền ngõ hầu đề cao vai trò của ‘Bên Thắng Cuộc’ là bọn Cộng Sản Việt Nam để chạy tội buôn dân bán nước của bè lũ Cộng Sản Việt Nam và bọn tay sai nằm vùng.”

Ban tổ chức của cuộc biểu tình, như ghi trong thông báo, gồm có:
L.S. Nguyễn Xuân Nghĩa, chủ tịch Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Nam California; Ô. Nguyễn Long, chủ tịch Cộng Ðồng Người Việt Hạt Los Angeles; Ô. Phạm Ngọc Lượng, chủ tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California; Ô. Trần Vệ, trung tâm trưởng Tập Thể Chiến Sĩ Trung Tâm Tây Nam Hoa Kỳ; Ô. Phan Kỳ Nhơn, chủ tịch Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai, Chống Tuyên Vận Cộng Sản; Ô. Phạm Hoàn, Ðoàn Biểu Tình Dân Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa.

(2) Câu chuyện của báo Le Monde như sau: Năm 1944 khi Tướng Charles De Gaulle giải phóng Paris thì tất cả báo chí tại Paris bấy giờ đều đã cộng tác với Ðức Quốc Xã trong thời gian Ðức chiếm đóng. Ông thấy cần có một tờ báo mới tại đây, và đề nghị với Henry Beuve-Mery, một nhà báo giàu kinh nghiệm đi theo phe kháng chiến, làm ngay một tờ nhật báo. Nhà báo Beuve-Mery nói mình không có tiền, De Gaulle cho biết quốc gia sẽ yểm trợ mọi thứ cần thiết. Và vậy là Beuve-Mery dựng lên tờ Le Monde, và tuyên bố: “Tôi không phải là chủ báo. Tờ báo này thuộc về tất cả những ai đã làm việc để gầy dựng lên nó.” Trường hợp Người Việt cũng vậy, không có một “ông chủ báo”, mà tất cả anh em làm nên nó đều là chủ.








No comments:

Post a Comment

View My Stats