Saturday 29 December 2012

THƯƠNG TIẾC MỘT NGƯỜI ĐI - NHÀ THƠ NGUYỄN CHÍ THIỆN (Nhàn SF)




Nhàn SF
Friday, December 21, 2012 3:42:23 PM

Nhân 100 ngày, ngày mất của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã vĩnh viễn lìa xa chúng ta hôm Thứ Ba ngày 2 tháng 10, 2012 tại bệnh viện Western Medical Center Nam Cali lúc 7 giờ 17 phút sáng. Ông ra đi thật thanh thản bình yên, nhắn nhủ lời cuối cùng với bạn hữu bên cạnh “Be Happy!”

Di ảnh nhà thơ Nguyễn Chí Thiện tại tang lễ

Ông đã về với Chúa theo như ước nguyện, nơi đó sẽ an lành không còn trong ký ức những gông cùm xiềng xích, những vướng bận lo âu phiền muộn, những cơn đau như xé lồng ngực khi vết tích căn bệnh cũ làm ông khó thở chống chọi với bao đêm không ngủ!

Thơ ông là những viên đạn bắn thẳng vào đầu não chế độ. Tập thơ Hoa Ðịa Ngục mang đến cho cộng đồng hải ngoại một luồng khí mới. Cuộc hội họp nào ban tổ chức cũng muốn mời ông tham dự. Ông đi khắp nơi nói về tội ác cộng sản, ông say sưa diễn thuyết không biết mệt. Khác hẳn khi vào bàn tiệc, ông lại là người thâm trầm hơn ai hết. Nói rất ít, ăn vừa đủ một chén cơm và chỉ ngồi lắng nghe.

Về con người ông thì chỉ những ai sống gần ông mới hiểu, bề ngoài trông khô khan khắc khổ nhưng ông lại là người tình cảm rạt rào nhất là tình yêu mến quê hương đất nước. Bảo rằng ông “cô đơn sống lẻ loi đơn độc và chỉ muốn chết” là không đúng. Thử hỏi, nếu không có những người can đảm như nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, dám chống lại CS khi còn nằm trong lòng chế độ, dám chạy vào tòa đại sứ Anh với hy vọng tập thơ được tung ra hải ngoại dù biết rằng tánh mạng mình sẽ không còn, thì thế giới làm sao biết được nỗi thống khổ của người dân miền Bắc sau cái gọi là “chống Pháp giành độc lập”? Một người can đảm phi thường như thế chẳng lẽ lại buồn rầu muốn chết chỉ vì “lẻ loi đơn độc”? Tuy sống một mình nhưng ông không cô đơn, ông được mọi người thương mến gọi điện, lui tới thăm viếng hằng ngày. Từ Washington DC, từ Úc Châu, Pháp Ðức, từ Ðông Âu xa xôi và cả Việt Nam, mỗi khi có dịp về thủ đô tị nạn là ghé đến thăm ông. Họ là những người hâm mộ thơ ông, kính trọng tư cách con người ông, không kiêu căng hợm hĩnh dù mình là người nổi tiếng. Tư tưởng ông trong sáng hài hòa đầy nhân bản. Giọng nói hùng hồn như văng vẳng đâu đây... “Chúng ta căm giận mà không tàn ác vì chúng ta trân quí điều thiện. Chúng ta nhân ái mà không khoan nhượng, hòa hợp với tội ác vì chúng ta phẫn nộ trước mọi cái ác. Chúng ta biết ngửng đầu trước sức mạnh đen tối của bạo lực, nên chúng ta biết khoan dung cho những kẻ biết cúi đầu hối cãi, ủng hộ khuyến khích họ trở về với ‘lương tri’ với “dân tộc” (Hỏa Lò -trang 176).

Ngay cả những người từng vu khống đánh phá ông, ông cũng không mấy bận tâm. Có lần các nhà báo đến thăm cho ông biết họ vừa gặp Lê Tư Vinh (Vạn Thắng), ông này trách Nguyễn Chí Thiện dám “hỗn láo với cả Phật Tổ” (qua 4 câu thơ “Mười mấy năm sống giữa lao tù/Sống giữa buồng tim chế độ/Tôi đã hiểu tận cùng bể khổ/Mà trước kia Phật Tổ hiểu lơ mơ”). Nghe thế ông cười cười: “Ơ hay, trách Lý Ðông A chứ sao lại trách tôi!” Câu trả lời dí dỏm làm mọi người cùng cười trong bầu không khí vui vẻ thân mật. Gần đây, đảng “dễ dãi” cho phép các nhà bất đồng chính kiến (ở độ nhẹ) qua Mỹ du lịch để cho các “tay sai” bên này “tẩy não”, ông đã từ tốn, lý luận với họ rằng “Giả sử nhé, nếu như TT Obama bây giờ mà cố ý giết chết người, chỉ một người thôi, thì bị đem ra xử nếu có tội ông sẽ bị tử hình. Còn đây, giết cả trăm ngàn người để tiêu diệt quyền tư hữu thì có xứng đáng tôn vinh là cha già dân tộc hay không?”

Nơi ông còn một tình yêu quê hương đậm đà thắm thiết. Khi nghe tin Phùng Cung người bạn tù đã vĩnh viễn ra đi, ông đau xót “...Tôi nghĩ chúng ta vạn bất đắc dĩ mới phải rời bỏ đất nước. Quê cha đất tổ càng đau khổ, chúng ta càng xót thương. Tôi hằng mơ ước một ngày không xa, quê hương Việt Nam yêu dấu được tự do, tôi sẽ trở về tìm lại những thứ cuộc đời không thể quên, gắn bó với hồn tôi từ thuở tôi còn mặc quần thủng đít. Những bờ tre, góc phố, những hương cau hương bưởi,những quán nghèo, những con trâu con chó đầy ân tình, những mùa trăng mênh mang, những con người đôn hậu, cần cù thông minh hóm hỉnh, cùng chung tiếng nói, điệu ru, câu hò, giọng hát, cùng chung một lịch sử vui buồn, một nền văn hiến ngàn năm, và nhất là cùng chung bao tan tác, nổi chìm, dập vùi tai họa trong gần nửa thế kỷ. Vào những giờ phút hoàng hôn của tuổi sáu mươi, tôi luôn có cảm giác mình đang sống những ngày ủ rũ buổi tàn thu...” (Hỏa lò- Phùng Cung- trang 175-176)

Hình ảnh quê hương đã khắc sâu vào tâm khảm khiến ông vẫn thấy dửng dưng khó hòa đồng vào cuộc sống nhộn nhịp vật chất văn minh này. Ông không cô đơn vì ông không thiếu tình bằng hữu nhưng ông vẫn mang nặng nỗi buồn về tình cảnh tang thương của đất nước. Ông tâm sự đời ông có hai ước nguyện. Cho thế giới thấy rõ được bộ mặt tàn ác của chế độ qua những vần thơ mà ông đã bỏ hết công sức trong những năm tháng tù đày và ông đã toại nguyện. Ước nguyện thứ hai cho quê hương có được tự do dân chủ thì vẫn còn trong giấc mơ mà ông thì càng ngày sức khỏe càng yếu đi... Năm 1969 ông đã tin chắc:

“Tôi tin chắc một điều
Một điều tất yếu
Là ngày mai mặt trời sẽ chiếu
Tôi lại nghĩ một điều
Một điều sâu thẳm
Là đêm tàn Cộng Sản tối tăm
Có thể kéo dài hàng mấy mươi năm
Và như thế sẽ buồn lắm lắm
Cho kiếp người sống chẳng bao lăm!”
(Tôi Tin Chắc 1969)

Phải chăng vì thế mà nụ cười đã thiếu vắng nơi ông?

Khi bàn đến hai câu thơ “Nếu nhân loại mọi người đều biết/Cộng sản là gì, tự nó sẽ tan đi”, ông buồn rầu cho đất nước mình. Là nạn nhân trực tiếp của chế độ kéo dài hơn nửa thế kỷ nay, lẽ ra người Việt chúng ta tất phải hiểu Cộng Sản hơn ai hết nhưng theo ông, “lòng yêu nước của người Việt Nam đã bị Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản tiêu giết hết rồi”. Một Nguyễn Hữu Ðang (người đứng đầu nhóm Nhân Văn Giai Phẩm), đem cả tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết tham gia cách mạng, làm tới chức thứ trưởng Bộ Tuyên Truyền, cũng chỉ vì sửa sai đảng khi nghe Hồ Chí Minh khóc nhận sai lầm trong Cải Cách Ruộng Ðất, mà bị Hồ kết án 15 năm tù và 5 năm mất quyền công dân, ra tù, không cửa không nhà, nghèo đói ăn cóc nhái sống qua ngày.

Người thanh niên thứ hai, điển hình trong thơ Tố Hữu, đã dứt khoát cắt đứt tình phụ tử khi người cha làm việc cho Pháp kêu gọi anh hãy bỏ cách mạng trở về gia đình sống trong cảnh giàu sang phú quí, anh đã khẳng khái trả lời:

“...Bức thơ đây là một bức cuối cùng
Mà cha chỉ là cha trong dĩ vãng
Thôi hạ bút cho thân tình gián đoạn
Ðể cho đời kết án kẻ gian phi
Thanh gươm trần con tuốt sẵn chờ khi...”

Trung thành với chủ nghĩa do Hồ Chí Minh soi đường dẫn dắt, người thanh niên đó đã dập tắt đi lòng yêu nước, biến mình thành con người không có trái tim, hô hào “Giết giết nữa bàn tay không phút nghỉ” để “Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Xít Ta Lin bất diệt”.

Loại người độc ác thiếu tim đó, ngày hôm nay lại trở thành những tên bán nước đang ra tay tiêu diệt lòng ái quốc của các nhà dân chủ trong nước bằng đe dọa bắt bớ tù đày, bằng những âm mưu biến lớp trẻ chỉ biết ăn chơi sa đọa quên đi nỗi nhục hán hóa gần kề, bằng Nghị Quyết 36 dùng tiền bạc lợi danh âm mưu lũng đoạn gây chia rẽ cộng hải ngoại, đánh phá tôn giáo... Thử hỏi những ai nặng lòng với quê hương dân tộc làm sao không ưu tư không xót xa cho được!

Mấy lúc sau này thấy ông yếu đi, bạn hữu đề nghị đưa ông đi nghỉ mát, ông chọn Florida nhưng không thực hiện được vì thời tiết và sức khỏe. Bạn bè thương yêu ông từ Úc bay qua quây quần bên ông ba ngày ở Las Vagas. Các cuộc đi chơi sau này chỉ thực hiện được một ngày, sáng đi chiều về, nay Huntington Beach, mai núi đồi San Juan yên tĩnh cũng giúp ông bớt căng thẳng phần nào. Buổi họp mặt dự tính vào cuối tháng 9 ở Dana Point Beach thì ông đã vào nhà thương, 6 ngày sau đó ông vĩnh viễn ra đi để lại bao thương tiếc cho bạn bè.

Có lẽ biết mình không sống được bao lâu ông tự an ủi “hai mươi bảy năm bệnh tật đói khát vùi dập mà sống được đến hôm nay là may mắn lắm rồi!” Bạn bè đề nghị ông về ở với họ cho có người săn sóc, ông từ chối viện cớ khó ngủ nhưng thật ra ông không muốn làm phiền đến ai. Dấu ấn của tù đày luôn theo ông. Bác sĩ cho biết bệnh lao đã để lại nhiều vết sẹo bám dày vào phổi, làm phổi cứng không hấp thụ được dưỡng khí, ông khó thở, cộng thêm tim thận cũng quá yếu nên mới đi nhanh như vậy.

Nghe chuyện kể về ông, nhà thương họ cảm động săn sóc cho ông tận tình. Biết ông nói được hai ngoại ngữ họ càng phục ông hơn. Ngày 30 tháng 9 năm 2012 giáo sư Lora đã đến bên ông với niềm xúc cảm quí mến chân tình, bà nói với ông nguyên văn như sau:

“You have made the big difference in your life... I hope you don't die... I don't know but we can do everything we can to help you. My assistant will spend the day with you, even going down stair, she will go down with you.
You created the legacy with what you have gone through... I am going to get your books. I am going to research your story on internet because I want my children to know. Because they don't appreciate their freedom and I want them to see how people suffer in order to have freedom of speech, in order to express themselves. I think you are an inspiration to all future generations, especially to this country because people take it for granted and they don't appreciate what they have”.

(Tạm dịch: “Ông đã làm điều rất lớn trong đời ông... Tôi hy vọng ông không chết... Tôi không biết nhưng chúng tôi có thể làm tất cả những gì có thể làm được để giúp ông. Người phụ tá của tôi sẽ ở bên ông trọn ngày, ngay cả khi ông được di chuyển xuống tầng dưới cô ấy cũng đi theo bên ông.
Ông đã tạo ra một di sản với những gì ông đã trải qua. Tôi sẽ tìm sách của ông. Tôi sẽ nghiên cứu về những câu chuyện và tình tiết trên internet, vì tôi muốn các con của tôi biết. Bởi vì chúng không hiểu rõ giá trị của tự do và tôi muốn chúng thấy thế nào khi người ta chịu đau khổ để được tự do ngôn luận, được tự do bày tỏ quan điểm. Tôi nghĩ ông là nguồn cảm hứng cho các thế hệ tương lai, đặc biệt là quốc gia này bởi vì người ta lấy đó (tự do) như là được trao cho và họ không tôn trọng những gì họ có”.)

Ngày cuối cùng trước khi giao căn hộ lại cho văn phòng, những người quí mến ông đã gặp nhau, bùi ngùi thương nhớ, cảnh vật còn đó nhưng người thì đã lìa xa. Những chai sữa Ensure được gửi qua từ Massachussets, bột dinh dưỡng được mang đến từ San Francisco, quần áo, khăn tắm, được bỏ vào từng bọc, tất cả còn mới toanh chưa cắt tags. Nhìn cái khăn treo trong buồng tắm mấy ai ngăn được xúc động dâng trào. Nó được mang từ Việt Nam, mỏng manh bé tí, gấp đôi lại chỉ bằng hai bàn tay. Bạn bè thấy thế đã mang đến cho ông biết bao nhiêu cái đủ màu đủ cỡ nhưng ông vẫn không bỏ nó được, vì nó đã gắn bó với ông gần nửa đời người. Cái ăn cái mặc đối với ông không phải là điều quan tâm mà tinh thần ý chí cương quyết mới cần phải chú trọng. Ngày ông xức dầu Thánh trở thành tín đồ Công Giáo, nghe nói mắt ông sáng hẳn, ông nói mạnh lưu loát khi nhắc đến tên cha Lý.

Lần đầu tiên mới thấy ông cười, nụ cười hiền hòa tự nhiên như báo hiệu cho một ngày mai tươi sáng trên quê hương ta!

Bài thơ của Di Hạnh sau đây coi như thay mặt các bạn hữu xa gần tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng. Người ở lại luôn ghi khắc và làm theo những gì ông trăn trối.

Vĩnh biệt Nguyễn Chí Thiện

Tiếng thơm tho đã nhiều người chọn
Nói về anh tràn ngập những văn từ
Những khổ đau trong cảnh ngục tù
Thơ anh vẫn trỗi lên niềm hy vọng
Tôi là một trong nhiều người thương mến

Yêu quý anh
Anh là một nhân tài
Thơ của anh càng đọc càng hay
Càng thắm thía quê hương và thân phận
Khao khát tự do tràn dâng với niềm uất hận
Thơ trải ngầm những giấc mộng yêu thương
Cuộc sống anh giản dị lạ thường
Không bận rộn với vấn đề vật chất
Anh ưu tư, anh hùng hồn, anh bất khuất
Anh nhìn về đất mẹ để xót xa

Ngày tháng dần qua
Tuổi đời chồng chất
Dáng thi nhân gầy guộc mỗi lúc thêm
Ðầu thu này lá chưa rụng qua thềm
Một sức nóng cuốn anh vào cõi khác
Không gian ảo có nỗi buồn rào rạt
Thơ văn anh được bàn luận nhiều hơn
Khí phách anh hậu thế noi gương
Anh an nghỉ cõi vĩnh hằng xa thẳm
Vĩnh biệt anh, trời thu này buồn lắm!

Di Hạnh
Oct 3, 2012

Central Valley 10-2012
Nhàn SF






No comments:

Post a Comment

View My Stats